Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


TÁO NHÂN

.

.

TÁO NHÂN còn gọi là TOAN TÁO NHÂN (Semen Ziziphi Spinosae) Toan táo nhân là nhân phơi hay sấy khô của quả táo chua dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Cây Táo chua (Táo ta) tên thực vật là Ziziphus Jujuba var spinosa thuộc họ Táo ta (Rhamnaceae). Cây Táo được trồng khắp nơi ở nước ta để lấy quả ăn. Táo nhân thường được sao làm thuốc. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIV - An thần.


Tính vị qui kinh:

Táo nhân vị ngọt tính bình. Qui kinh Tâm can.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị chua bình.
  • Sách Danh y biệt lục: không độc.
  • Sách Aåm thiện chính yếu: vị chua ngọt bình.
  • Sách Bản thảo cương mục: nhập Túc quyết âm, thiếu dương.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 4 kinh: Tâm tỳ can đởm.

Thành phần chủ yếu:

Betulin, betulic acid, Jujuboside, Jujubogenin, ebelin lactone, một số saponin khác, vitamin C và nhiều loại vitamin khác. Trong lá táo có rutin và quexetin.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Nhân Táo chua có tác dụng dưỡng tâm an thần, liễm hãn. Chủ trị các chứng huyết hư tâm phiền, mất ngủ, ra mồ hôi (tự hãn và đạo hãn).

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ tâm phúc hàn nhiệt, tà kết khí tụ, chân tay đau nhức thấp tý, uống lâu ngũ tạng được yên, người khỏe, kéo dài tuổi thọ".
  • Sách Danh y biệt lục: " chủ cửu tả (tiêu chảy lâu ngày), phiền khát ra mồ hôi trộm (hư hãn), bổ trung, ích can khí, kiện gân cốt, trợ âm khí".
  • Sách Bản thảo đồ kinh: " trường hợp ngủ nhiều, dùng Táo nhân sống, mất ngủ dùng Táo nhân sao".
  • Sách Bản thảo cương mục: " Táo nhân vị chua tính thu, chủ bệnh can, hàn nhiệt kết khí tê nhức, cửu tả, chứng đầy đau dưới rốn, nhân của Táo ngọt mà nhuận, dùng chín trị được chứng đởm hư không ngủ được, phiền khát mồ hôi trộm".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thực nghiệm chứng minh Táo nhân sống và sao đều có tác dụng an thần gây ngủ, thành phần có tác dụng là saponin Táo nhân.
  2. Thuốc có tác dụng giảm đau và hạ nhiệt. Có tác dụng đối kháng với chứng cuồng do Morphin.
  3. Thành phần hòa tan trong nước của Táo nhân có tác dụng hưng phấn tử cung, phụ nữ có thai cần thận trọng lúc dùng.
  4. Thuốc có tác dụng hạ áp và chống loạn nhịp tim.
  5. Trên thực nghiệm súc vật, Táo nhân phối hợp dùng với Ngũ vị tử có tác dụng chống choáng do bỏng và giảm phù nề vùng bỏng.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng suy nhược thần kinh: váng đầu, hoa mắt, mất ngủ, ra nhiều mồ hôi, bức rứt hồi hộp, thuốc có tác dụng dưỡng tâm, an thần dùng:

  • Toan táo nhân thang: Sao Táo nhân 15 - 20g, Tri mẫu, Bạch linh đều 12g, Xuyên khung, Cam thảo đều 6 - 8g, sắc uống.
  • Sao Táo nhân 16g, Chích Viễn chí, Xương bồ đều 8g, Đảng sâm, Phục linh đều 12g, Cam thảo 4g, sắc nước uống. Trị hay quên, mộng nhiều, ăn ít, mệt mỏi.

2.Trị chứng âm hư ra mồ hôi trộm:

  • Sao Táo nhân 20g, Đảng sâm, Phục linh đều 12g tán bột, uống với nước cơm hoặc sắc uống.
  • Sao Táo nhân, Can địa hoàng đều 20g, Gạo tấm 40g, sắc uống trị bệnh lao phổi, mất ngủ, sốt đêm ra mồ hôi trộm.

Có tác giả nghiên cứu dùng Sao Táo nhân mỗi thang 18 - 90g, phối hợp với thuốc tư thận dưỡng can an thần. Trị 129 ca kết quả tốt.

Ngoài ra chia 3 tổ nghiên cứu: trị 60 ca mất ngủ, dùng:

    • Táo nhân sao đập vụn.
    • Táo nhân nửa sao nửa sống.
    • Táo nhân sống đập vụn.

Đều dùng lượng 45g gia Cam thảo 4,5g sắc nước uống trước lúc ngủ đều có kết quả an thần giúp ngủ tốt hơn, cả 3 tổ không khác biệt rõ và không có tác dụng phụ hoặc nhiễm độc. Ngoài ra, có 20 ca bệnh nhân dùng bột sao Táo nhân 6g hòa uống trước lúc ngủ cũng có kết quả ( Tạp chí Trung tây y kết hợp 1982,2:97).

Liều dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: 10 -18g. Có thể dùng bột tán, hòa bột uống trước lúc ngủ, mỗi lần 1,5 - 3g. Cho vào thuốc thang sắc nên đập vụn.
  • Thuốc dùng sống tính mát, thích hợp cho bệnh nhân mất ngủ do âm hư. Táo nhân sao tính ôn hợp với chứng tỳ vị lưỡng hư, mất ngủ, ăn ít nhiều mồ hôi.
  • Lá Táo chua trị ho hen có kết quả nhất định, ngày uống 20 - 40g, dạng thuốc sắc. Đắp ngoài chữa lở lóet ung nhọt.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây