THANH BÌ
- Thứ sáu - 27/11/2015 15:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.
Tính vị qui kinh:
Vị đắng cay, tính ôn. Qui kinh: Can, Đởm, Vị.
Theo các sách cổ:
- Sách Bản thảo đồ kinh: vị đắng.
- Sách Y học khởi nguyên: khí ôn, vị cay.
- Sách Thang dịch bản thảo: Túc quyết âm kinh, thủ thiếu dương kinh.
- Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh Can, tỳ.
Thành phần chủ yếu:
Flavonoid, phần lớn thành phần tương tự như Trần bì.
Tác dụng dược lý:
- Theo Y học cổ truyền:
Thanh bì có tác dụng: sơ can phá khí, tán kết tiêu trệ. Chủ trị các chứng can khí uất trệ, nhũ phòng căng đau, sán khí đau đớn, thực tích khí trệ.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản thảo đồ kinh: " Chủ khí trệ, hạ thực, phá tích kết và cách khí".
- Sách Bản thảo kinh sơ: " Thanh bì tính tối khốc liệt, tiêu kiên phá trệ là sở trường, uống nhầm sẽ hại chân khí
2.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng ức chế mạnh cơ trơn của ruột nên chống co thắt, tác dụng của thuốc là trực tiếp lên cơ trơn. So sánh với Trần bì thì Thanh bì làm giãn cơ trơn của ruột mạnh hơn. Tinh dầu của thuốc có tác dụng kích thích ôn hòa lên ruột làm tăng tiết dịch tiêu hóa và bài khí tích trệ trong ruột.
- Chích tĩnh mạch dịch Thanh bì hoặc nước sắc thuốc bơm vào tá tràng làm tăng tiết mật rõ rệt ở chuột cống, chứng minh thuốc có tác dụng lợi mật.
- Tinh dầu của Thanh bì có tác dụng hóa đàm. Thanh bì có tác dụng kháng Histamin, chống co thắt khí quản làm giảm cơn suyễn.
- Thanh bì chích tĩnh mạch cho súc vật thực nghiệm làm tăng nhanh huyết áp và duy trì thời gian dài, nhờ vậy mà thuốc có tác dụng chống choáng. Thuốc còn có tác dụng cải thiện nhịp nhanh trên thất.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị các chứng đau: Thuốc có tác dụng sơ can chỉ thống, thường dùng dùng phối hợp với các vị thuốc khác như:
- Đau vùng mạn sườn kết hợp với Sài hồ, Uất kim, Hương phụ, Miết giáp.
- Đau vú căng tức hoặc có cục, dùng kết hợp với Sài hồ, Hương phụ, Uất kim, Quất diệp, Bồ công anh.
- Đau sán khí, Cao hoàn sưng đau kết hợp với Xuyên luyện tử, Hồi hương, Ngô thù du, Mộc hương, Ô dược để tán hàn lý khí chỉ thống.
- Thanh bì tán: Độc vị Thanh bì tán bột mịn, mỗi lần uống 2g, ngày 2 lần trị đau do khí uất như: Nhu õhạch, Nhũ thủng, đau sườn, đau bụng ...
2.Trị chứng rối loạn tiêu hóa do thực tích khí trệ ( kém ăn, bụng đầy, đau ợ hơi, phân thối khắm ...) dùng bài:
- Thanh bì hoàn: Thanh bì, Sơn tra, Thần khúc đều 10g, Mạch nha 12g, Thảo quả 6g sắc uống.
3. Chống sốc: Trần Nhữ Hựng và cộng sự lấy dịch Thanh bì 0,1 - 0,5 ml ( mỗi ml có hàm lượng 1 gam thuốc sống) hòa vào dung dịch glucoza 25% - 20ml chích tĩnh mạch chậm và tiếp tục dùng dịch Thanh bì 5 -10ml cho vào 500ml dịch truyền tĩnh mạch cho 22 bệnh nhân sốc ( gồm sốc do nhiễm khuẩn, do tim, do dị ứng, do thần kinh). Kết quả tốt 17 ca 77%, có kết quả 5 ca 23%, trên lâm sàng không có phát hiện tác dụng phụ ( Tạp chí Trung y dược Thượng Hải 1987,2:21)
Trần Liêm và cộng sự cũng dùng dịch tiêm Thanh bì 10 -15ml cho vào dịch glucoza 10% truyền tĩnh mạch trị sốc do sốt xuất huyết 30 ca, đều có tác dụng tăng áp rõ ( Tạp chí Trung y Giang Tô 1982, 6:354).
4.Trị tim nhịp nhanh trên thất: Mã Quí Đồng và cộng sự dùng dịch Thanh bì mỗi lần 4ml ( tương đương thuốc sống 4g, cho vào dịch glucoza 25% - 40ml nhỏ giọt tĩnh mạch chậm, trị cho 49 bệnh nhân, tỷ lệ có kết quả đạt 85,7%. Số bệnh nhân mắc bệnh lâu nhất là 30 năm, ngắn nhất là 10 năm, nhiều lần tái phát, trong thời gian dùng thuốc không có tác dụng phụ ( Trung y tạp chí 1987, 3:38).
Liều dùng và chú ý:
- Liều 3 - 10g sắc uống hoặc cho vào thuốc hoàn tán.
- Dùng thận trọng đối với bệnh nhân khí hư người yếu.
Phụ chú:
a. QUẤT HẠCH
(Semen citri diliciosae)
Quất hạch là nhân hạt quýt phơi hay sấy khô, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Nhật hoa tử bản thảo. Vị đắng, tính bình, không độc. Thuốc có tác dụng hành khí tán kết chỉ thống. Trên lâm sàng dùng trị chứng sán khí ( sa ruột), cao hoàn sưng đau, bầu vú kết cục ( u xơ tuyến vú). Liều dùng: 3 -10g, sắc uống hoặc cho vào thuốc hoàn tán.
b.QUẤT DIỆP
( Folium citri deliciosae)
Quất diệp là lá quýt phơi hay sấy khô dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Trấn nam bản thảo. Thuốc có vị cay, đắng, tính bình, có tác dụng sơ can, hành khí, tiêu thũng tán kết, chủ trị: sườn đau, nhũ ung ( áp xe vú), nhũ phong kết cục và chứng trưng hà. Liều dùng 6 -10g sắc uống. Trên lâm sàng dùng trị ho, phế ung ( áp xe phổi), phù, đau sườn. Thành phần trong lá có vitamin c, glucoza, fructoza, bột và chất xơ.