THƯƠNG LỤC
- Thứ tư - 09/12/2015 18:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.
Cây Thương lục mới được di thực vào nước ta khoảng 10 năm lại đây, nhưng ít được khai thác. Ta có một loài có tên thực vật là Phytolacca Decandra L nhưng ít phổ biến.
Đào rễ về, cắt bỏ rrễ con rửa sạch, cắt thành lát ( miếng), đem phơi khô hay âm can. Có người muốn cho mùi vị rễ giống mùi Nhân sâm, đem rễ ngâm vào rượu 40 độ có pha mật ong ( 1 kg rễ cho vào 250ml rượu trắng và 250ml mật ong) cho ngấm đều phơi hay sấy khô làm thuốc. Cũng có cách chế dấm là cho phiến Thương lục vào chão, cho dấm gạo vào đun cho rễ hút hết dấm sao tiếp cho hơi khô ( 50kg Thương lục cho 15kg dấm).
Tính vị qui kinh:
Thương lục vị đắng, tính hàn, có độc. Qui kinh Phế Thận Đại tràng.
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Bản kinh: vị cay bình.
- Sách Bản thảo cương mục: đắng hàn.
Thành phần chủ yếu:
Phytolaccine ( Thương lục kiềm), Phytolaccatoxin, rất nhiều muối potassium ntrate, oxyminstinic acid, saponozid.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Thương lục có tác dụng: lợi niệu trục thủy, tiêu thũng tán kết. Chủ trị các chứng thủy thũng, phức thủy, ung thũng ( dùng ngoài).
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: "chủ thủy trướng, sán hạ, tý, chườm trị nhọt sưng".
- Sách Dược tính bản thảo: " có thể tả 10 loại thủy bệnh. Thuốc thái mỏng sao, sao dấm đắp ngoài trị đau họng tốt".
- Sách Bản thảo cương mục: " Thương lục tính năng khổ hàn, trầm giáng, âm ; thuốc có xu hướng đi xuống, chuyên hành thủy, cùng Đại kích, Cam toại tính khác mà công dụng thì giống. Vệ khí hư ngược không được dùng. Trị thấp thủy, dùng Bạch Thương lục, Hương phụ tử, sao khô, cho ra hết hỏa độc, ngâm rượu một đêm, phơi khô tán bột, mỗi lần uống 3 đồng cân với nước cơm hoặc dùng đun với tỏi lấy nước uống".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng long đàm: thuốc sắc, tinctura Thương lục hay nước thuốc ngâm đều có tác dụng long đàm, có thể do thuốc trực tiếp lích thích lên đường hô hấp làm cho tuyến thể của niêm mạc tăng tiết nhưng không có tác dụng giảm ho suyễn.
- Thuốc sắc và thuốc rượu: Thương lục có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau đối với trực khuẩn lỵ, cúm, phế song cầu khuẩn và một số nấm gây bệnh ngoài da.
- Thuốc có tác dụng kháng viêm: nước sắc có tác dụng chống ung thư.
- Thuốc có tác dụng nâng cao tính miễn dịch của cơ thể.
- Độc tính của thuốc: Nước ngâm, nước sắc và tinctura Thương lục cho chuột uống, LD 50 phân biệt là 26, 28 và 46,5g/kg. Độc tính của Thương lục đỏ lớn gấp đôi loại Thương lục trắng, cả 2 loại thuốc sắc 2 giờ, độc tính đều giảm rõ rệt.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị phù toàn thân, bụng nước, viêm cầu thận cấp:
- Rễ Thương lục 10g, Thịt heo nạc 30g, hầm lên uống liền mấy ngày. Trị viêm cầu thận cấp.
- Thương lục, Khương hoạt, Khương bì đều 6g, Tần giao, Binh lang, Đại phúc bì, Mộc thông, Trạch tả đều 10g, Phục linh bì 12g, Tiêu mục 3g, Xích tiểu đậu 15g, sắc uống. Trị phù toàn thân, khát, đại tiểu tiện không thông.
- Thương lục 5g, sắc nước uống. Trị bụng báng nước do xơ gan, viêm thận mạn tính.
2.Trị té ngã sưng đau:
- Rễ Thương lục tươi, Khổ sâm lượng bằng nhau gia rượu vừa đủ giã đắp.
3.Trị chứng trong bụng có hòn cứng đau: lấy bông đắp lên bụng, giã rễ Thương lục tươi vắt nước tẩm vào bông, hễ thấy lạnh lại thay. Đắp liên tục cho đến khi khỏi.
4.Trị chứng đau cổ họng: dùng rễ Thương lục nướng nóng bọc vải chườm vào cổ.
5.Trị viêm phế quản mạn tính: dùng mật hoàn mỗi ngày 3 hoàn, cao cồn Thương lục mỗi ngày 1,8g và glucosid Thương lục mỗi ngày 30mg; chia 3 tổ điều trị, đều liều mỗi ngày chia 3 lần uống, 10 ngày là một liệu trình, dùng liều 3 liệu trình, tỷ lệ kết quả 89,9 - 97,3%. Tổ dùng glucosid cao hơn 2 tổ kia. Tác dụng hoá đàm tốt nhất ( Tạp chí Y học Trung hoa 1979,10:599 - Báo cáo của tổ nghiên cứu khoa học của Cục Vệ sinh Địa khu Hoặc dương Thiểm Tây).
6.Trị vảy nến: dùng viên Thương lục (tiệt trùng bằng cao áp trong 2 giờ chế thành viên), uống mỗi lần 3g, ngày 3 lần. Đã dùng trị 40 ca, uống thuốc 10 ngày đến hơn 2 tháng. Kết quả khỏi 12 ca, tiến bộ rõ 9 ca, tiến bộ 11 ca, không kết quả 8 ca, tỷ lệ kết quả 80%, tỷ lệ khỏi 30% ( Vương Kỳ, Tạp chí Trung y 1984,12:38).
7.Trị tuyến vú tăng sinh: dùng Thương lục tươi chế thành viên để uống, mỗi viên tương đương 0,5g thuốc sống, bắt đầu uống mỗi lần 6 viên, sau đó tăng dần đến 20 viên, ngày 3 lần. Đã trị 253 ca, có kết quả 94,86%, khỏi 37,15% ( Điền Phố Vĩnh, Báo Trung thảo dược 1985,3:22).
Liều lượng thường dùng và chú ý:
- Liều: 5 - 10gg chế dấm để giảm độc, dùng ngoài vừa đủ.
- Chú ý nhiễm độc như trên đẫ nêu. Có người nhầm Thương lục là Nhân sâm nên cần đề phòng.