Phúc Tâm Đường

https://phuctamduong.com


TRẠCH TẢ

.

.

TRẠCH TẢ (Rhizoma Alismatis Plantago-aquaticae) Trạch tả còn có tên là Mã đề nước là thân củ chế biến phơi hay sấy khô của cây Trạch tả (Alisma Plantago-aquatica L var orientalis Samuels), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIX - Thẩm thấp lợi thủy.


Cây Trạch tả mọc hoang ở vùng ẩm ướt nhiều nơi trong nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình. Hái lấy rễ củ rửa sạch, cạo hết rễ nhỏ, phơi hay sấy khô làm thuốc.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt nhạt hàn, qui kinh Thận Bàng quang.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị ngọt hàn.
  • Sách Bản thảo diễn nghĩa bổ di: nhập Thái dương, Thiếu âm kinh.

Thành phần chủ yếu:

Alisol A, alisol B, alisol A monacetate, alisol B monacetate, epialisol A asparagine, choline, tinh dầu, alcaloit, vitamin B12, Kali có hàm lượng 147,5mg%.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng lợi tiểu thẩm thấp. Trị các chứng phù, tiểu ít, chứng lâm, tiết tả, di tinh.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " chỉ tả cầm tinh, trị tiêu khát, chứng lâm, trục thủy tại Bàng quang, tam tiêu".
  • Sách Bản thảo mông toàn: " Trạch tả tuy uống nhiều làm mờ mắt, uống ít lần làm sáng mắt vì thuốc tả phục thủy nên thủy bị trục thì mắt sáng, nếu uống nhiều lợi tiểu thận khí hư thì mắt mờ".
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: " phàm chứng tả tiểu ít mà nhiều lần, dùng Trạch tả thanh nhuận phế khí, thông điều thủy đạo, hạ thâu bàng quang, chủ trị chứng thủy tả thấp tả, khiến phân rắn lại mà tỳ khí tự hồi phục".


 

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng lợi tiểu và làm cho Natri, Kali, Clo và Ure thải ra nhiều hơn.
  2. Phần Trạch tả hòa tan trong mỡ, Trạch tả cồn chiết xuất và cồn Trạch tả đều có tác dụng hạ lipid huyết thanh rõ. Trạch tả còn có tác dụng cải thiện chức năng chuyển hóa lipid của gan và chống gan mỡ.
  3. Cao cồn chiết xuất Trạch tả có tác dụng hạ áp nhẹ. Cồn chiết xuất phần Trạch tả hòa tan vào nước có tác dụng giãn mạch vành rõ. Thuốc còn có tác dụng chống đông máu.
  4. Có tài liệu nghiên cứu bước đầu cho thấy nước sắc Trạch tả có tác dụng hạ đường huyết.
  5. Độc tính của Trạch tả: LD50 của liều uống đối với chuột cống là 4g/kg.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Dùng làm thuốc lợi tiểu thông lâm, trị các chứng phù, viêm đường tiết niệu, viêm thận:

  • Trạch tả 10g, Xa tiền thảo 10g, Trư linh 10g, Thạch vỹ 10g, Mộc thông 6g, Bạch mao căn 15g, sắc nước uống.
  • Trạch tả, Bạch linh, Trư linh, Xa tiền tử đều 12g, sắc nước uống. Trị viêm cầu thận cấp.
  • Trạch tả, Bạch truật đều 10g, Cúc hoa 12g, sắc uống trị viêm thận mạn, váng đầu.

2.Trị tiêu chảy do viêm ruột cấp và mạn tính:

  • Bạch truật 10g, Bạch linh 10g, Trần bì 6g, Cam thảo 3g, Trạch tả 10g, Sa nhân 3g, Thần khúc 10g, Mạch nha 10g, sắc nước uống, tùy chứng gia giảm:

+ Chứng hàn: gia Mộc hương, Gừng nướng.

+ Chứng nhiệt: gia Hoàng cầm, Bạch thược.

+ Thương thử: gia Hương nhu, Bạch biển đậu.

+ Chứng thấp: gia Thương truật, Bán hạ, Trư linh, Hoạt thạch.

+ Thực tích: gia Sơn tra, Chỉ thực.

+ Bệnh lâu ngày: gia Đảng sâm, Thăng ma, Hoàng kỳ.

+ Tiêu chảy lâu khó cầm: gia Nhục khấu, Kha tử.

  • Trạch tả, Trư linh, Xích phục linh đều 10g, Bạch đầu ông 15g, Xa tiền tử 6g, sắc uống trị viêm ruột cấp.

3.Trị lipid huyết cao: Tác giả dùng viên Trạch tả chế (hàm lượng thuốc sống mỗi viên 3g), mỗi ngày 9 viên chia 3 lần uống, liệu trình 1 tháng. Kết quả theo dõi 110 ca lipid huyết cao trong đó 44 ca cholesterol cao lượng bình quân từ 258,4mg% hạ xuống còn bình quân 235,2mg%; 103 ca triglycerit tăng từ bình quân 337,1mg% xuống còn bình quân 258,0mg%, bình quân giảm 23,5mg% trong đó số hạ thấp trên 10% chiếm 65%, hạ thấp trên 30% chiếm 40,8%, có 18,4% hạ thấp trên 50% (Báo cáo của Bệnh viện Trung Sơn thuộc Viện Y học số 1 Thượng Hải, Báo Y học Trung Hoa 1976,11:693).

4.Trị chứng huyễn vựng: Tác giả Dương Phúc Thành dùng Trạch tả thang gồm Trạch tả 30 - 60g, Bạch truật 10 - 15g, ngày 1 thang sắc chia 2 lần uống. Theo dõi 55 ca, uống từ 1 - 9 thang có tùy chứng gia vị kết quả đều khỏi (Tạp chí Trung y Hồ Bắc 1988,6:14).

Liều thường dùng: 10 - 20g.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây