TRÀM
- Chủ nhật - 20/12/2015 18:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.
Mô tả: Cây gỗ nhỏ cao tới 10m, có nhánh không đều mà vỏ tách ra thành mảng mỏng. Lá mọc so le, có cuống ngắn, hình dài ngọn giáo, có khi hơi hình lưỡi liềm nhọn ở đầu, dài 4-8cm, rộng 10-20mm. Hoa nhỏ, màu trắng vàng, không cuống xếp thành bông ở ngọn cành, phía trên đó vẫn có chồi tạo ra các lá. Quả rất cứng, dạng quả nang, có 3 ô, tròn, có đường kính 15mm, cụt, nằm trong đài dạng đấu cứng. Hạt hình trứng hay dạng góc, dài khoảng 1mm.
Hoa tháng 3-5.
Bộ phận dùng: Lá, vỏ - Folium et Cortex Melaleucae.
Nơi sống và thu hái: Tràm gốc ở Ôxtrâylia, phát tán vào nước ta, mọc hoang và cũng được trồng tạo thành rừng ở vùng nước lợ để giữ đất, lấy cây làm cột dùng trong xây dựng và lấy vỏ xán thuyền, lợp nhà, làm đuốc, làm vật cách nhiệt...
Cũng có ý kiến cho rằng loài này chỉ có ở Úc, ở Tân Ghi Nê và Molluyc, còn ở nước ta chỉ có một thứ của loài này mà có tác giả cho là một loài khác. Trong dân gian vẫn phân biệt Tràm cừ và Tràm gió, hai loại này có khác nhau về tinh dầu và hình thái ngoài (dạng cây, kích thước lá...).
Thành phần hoá học: Lá Tràm chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là p-cymen 23,7%; a-pinen 13,1%; còn 1,8-cineol 1%; linalol 0,5%; terpinen-4-ol 1,6%; a-terpineol 0,9% và geraniol 6,1%.
Tính vị, tác dụng: Lá Tràm có vị cay, chát, tính ấm, mùi thơm; có tác dụng làm ra mồ hôi, trừ thấp, giảm đau. Vỏ có vị đắng, nhạt, tính bình; có tác dụng an thần, trấn tĩnh, khư phong giảm đau.
Tràm được dùng nhiều trong nhân dân. Lá dùng nấu nước uống thay trà, giúp tiêu hoá và làm thuốc chữa ho hoặc xông để trị cảm cúm. Nước sắc lá dùng đắp lên mụn nhọt, vết thương có tác dụng sát trùng và cầm máu, dùng xức các vết bỏng cho chóng lên da non. Lá còn dùng nấu nước tắm trị mẩn ngứa. Liều dùng 20g lá và cành tươi sắc uống hay hãm uống.