Quy trinh 65: ĐIỀU TRỊ U PHÌ ĐẠI LÀNH TÍNH TUYẾN TIỀN LIỆT

Thứ ba - 03/12/2013 16:35

94 quy trinh KT YHCT

94 quy trinh KT YHCT
I. ĐẠI CƯƠNG Y học cổ truyền xếp u phì đại lành tính tiền liệt tuyến thuộc phạm vi chứng “long bế”. Long bế thường do thấp nhiệt, khí kết, huyết ứ, tỳ hư, thận hư mà gây nên bàng quang khí hoá bất lợi, bài tiết nước tiểu khó khăn. Nước tiểu bài tiết từng giọt gọi là “long”; tiểu tiện không thông, buồn tiểu nhưng không tiểu tiện được gọi là “bế”. Trên lâm sàng thường gọi chung là chứng long bế, thường gặp ở nam giới có tuổi, phụ nữ sau sinh đẻ và bệnh nhân sau phẫu thuật.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Bệnh danh: Long bế, dựa theo tiêu chuẩn chẩn đoán:
- Tiểu tiện không thông, tia nước tiểu yếu, đầy chướng bụng dưới, không có đái buốt.
- Thường gặp ở nam giới lớn tuổi, phụ nữ sau sinh đẻ, bệnh nhân sau phẫu thuật.
- Thăm trực tràng ở nam giới có phì đại tuyến tiền liệt.
- Các phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ: Soi bàng quang, siêu âm.
2. Chẩn đoán bát cương: Phân làm Thực chứng và Hư chứng
3. Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh vị của long bế chủ yếu tại bàng quang nhưng có quan hệ mật thiết với Phế, Tam tiêu, Tỳ, Thận.
III. CÁC THỂ BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ
          Trong biện chứng luận trị cần phân rõ hư thực, thấp nhiệt, khí trệ ứ kết. Nguyên tắc điều trị cơ bản là “Lục phủ dĩ thông vi dụng”, lấy thông làm trọng. Thực chứng thì nên thanh thấp nhiệt, tán ứ kết, lợi khí cơ để thông thuỷ đạo; Hư chứng thì nên bổ Tỳ Thận để trợ khí hoá.  Trên lâm sàng, các thể thường gặp sau:
1. Thấp nhiệt hạ trú
- Triệu chứng: Tiểu ít, khó tiểu tiện, nước tiểu nhỏ giọt, đầy chướng bụng dưới, miệng khô không thích uống nước, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch sác.
- Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, thông lợi tiểu tiện.
- Phương dược: Bát chính tán.
          Bài thuốc tham khảo: Xa tiền tử 12g, Cù mạch 12g, Biển xúc 12g, Hoạt thạch 15g, Chi tử 9g, Cam thảo 6g, Mộc thông 9g, Đại hoàng 9g; sắc uống ngày 1 thang.
2. Can uất khí trệ
- Triệu chứng: bí tiểu đột ngột, đau ngực sườn, bụng dưới chướng đau, miệng đắng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền tế.
- Pháp điều trị: Sơ điều khí cơ, thông lợi tiểu tiện.
- Phương dược: Trầm hương tán.
          Bài thuốc tham khảo: Trầm hương 15g, Thạch vĩ 15g, Hoạt thạch 15g, Vương bất lưu hành 15g, Đương quy 15g, Đông quỳ tử 15g, Bạch thược 20g, Trích cam thảo 8g, Quất bì 8g; nghiền thành bột, mỗi lần uống 6g.
3. Ứ trọc tắc trở
- Triệu chứng: Tiểu dắt, không thông, tia nước tiểu nhỏ yếu, đau chướng bụng dưới, chất lưỡi tím có điểm ứ huyết, mạch huyền tế.
- Pháp điều trị: Hành ứ tán kết, thông lợi thuỷ đạo.
- Phương dược: Đại để đương hoàn.
          Bài thuốc tham khảo: Đại hoàng 120g, Mang tiêu 30g, Đào nhân 60 hạt, Đương quy 30g, Sinh địa 30g, Xuyên sơn giáp 30g, Quế chi 15g ; nghiền thành bột mịn, luyện mật làm hoàn, ngày uống 9g chia 2 lần.
4. Thận khí hư tổn
- Triệu chứng: Cảm giác tức nặng vùng bụng dưới, buồn tiểu nhưng không đi tiểu được hoặc tiểu tiện nhỏ giọt không thành tia, đau lưng mỏi gối, tinh thần uỷ mị, chán ăn, sắc mặt nhợt, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế nhược.
- Pháp điều trị: Bổ thận ích khí.
- Phương dược: Thận khí hoàn.
          Bài thuốc tham khảo: Thục địa 24g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 12g, Trạch tả 9g,  Phục linh 9g, Đan bì 9g, Quế chi 3g, Phụ tử 3g; sắc uống ngày một thang.

Nguồn tin: Bộ Y tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây