SỨ GIẢ CỦA YÊU THƯƠNG
Hàng ngày, các chị phải làm việc mưu sinh cho cuộc sống của gia đình, nhưng vẫn thay phiên nhau có mặt ở Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh để nấu cơm phân phát cho bệnh nhân nghèo. Cũng hàng ngày, các chị đi vận động, quyên góp tiền rồi ngược xuôi khắp các vùng quê, ngõ hẻm giúp đỡ vật chất, động viên tinh thần cho nhiều cảnh đời bất hạnh. Có khi, đó là người bệnh thiếu tiền cấp cứu, có trường hợp là sinh viên nghèo thiếu tiền nhập học... Bao nhiêu công việc đòi hỏi thời gian, công sức và tiền của nhưng các chị đã sắp xếp, thực hiện một cách trơn tru, ngày này qua ngày khác.
Mỗi chị một hoàn cảnh, một công việc khác nhau. Chị Trang, chị Nhung phụ con làm kinh doanh; chị Luận phải chăm sóc con cháu; chị Hoa, chị Vân vẫn còn lo việc kinh doanh, buôn bán của mình nhưng tất cả đều xuất phát từ “cái tâm từ thiện”, đã gắn kết vì cộng đồng. Nhờ vậy, suốt hơn 10 năm qua (từ năm 2002 đến nay), Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã trở thành “địa chỉ đỏ” của những bệnh nhân nghèo. Và các chị trở thành những sứ giả của yêu thương, vẫn ăn cơm nhà, làm việc nhà còn vác thêm “tù và hàng tổng”. Chị Võ Thị Minh Trang, người điều hành Bếp ăn từ thiện cho biết: “Khi mới thành lập, được nhà tài trợ cho cơ sở ban đầu và một năm tiền ăn (mỗi ngày 50 suất), sau đó, ban điều hành bếp phải tự vận động. Qua thời gian, bếp ăn đã không ngừng lớn mạnh, hàng ngày cung cấp từ 200-250 suất ăn theo chế độ của người bệnh. Ngoài ra, bếp ăn còn xây dựng được “quỹ cấp cứu” cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện”.
Cô Võ Thị Minh Trang (ngồi) chia suất ăn ở Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.THỦY
Một ngày ở Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi mới cảm nhận hết sự nhiệt tình của các cô, các chị tình nguyện viên và hiểu thêm ý nghĩa “từ thiện nhân đạo” là không phải ban phát. Mỗi ngày có ít nhất ba chị lo các công việc: đi chợ, nấu ăn và phân phát các phần cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo và người nhà. Chị Nguyễn Thị Luận, thành viên của bếp cho biết: “Cơm của bếp phải đảm bảo hai yếu tố, vệ sinh an toàn thực phẩm và ngon. Vì cơm để cho bệnh nhân ăn phải kích thích ngon miệng, ăn nhiều mới nhanh khỏi bệnh. Đối với những bệnh nhân ăn chế độ đặc biệt theo hướng dẫn của bác sĩ như ăn cháo lạt, cháo xay, nhà bếp phải chế biến riêng”.
Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói: “Các chị ở bếp ăn tuy không phải là nhân viên y tế nhưng việc chăm sóc bệnh nhân qua bữa ăn đã góp phần giúp bệnh nhân mau khỏi bệnh. Việc làm của các chị như liều thuốc tinh thần giúp bệnh nhân yên tâm tin tưởng vượt qua nỗi đau bệnh tật và sự tủi thân vì hoàn cảnh”.
Nhờ có “quỹ cấp cứu” mỗi khi có bệnh nhân nghèo nhập viện cấp cứu mà không có tiền để truyền máu là các chị trích quỹ để mua máu hoặc vận động hiến máu tình nguyện. Không ít trường hợp bệnh nhân quá nghèo, lúc xuất viện không có tiền thanh toán viện phí, các cô ở bếp phải xuất quỹ, hỗ trợ luôn cả tiền mua thuốc, tiền xe về nhà.
NHIỀU TẤM LÒNG ĐỒNG ĐIỆU
Hễ nghe ở đâu bị thiên tai, lũ lụt, bà con đói khổ là nhóm năm chị em lại vận độngtiền, gạo rồi khăn gói lên đường bất kể ngày thường hay giáp tết. Tất cả tiền hỗ trợ cho bếp ăn hay quỹ cấp cứu đều được các chị ghi chép vào “sổ vàng”, chi tiêu việc gì, bao nhiêu, cho trường hợp nào đều rất rõ ràng.
Tấm lòng kết nối tấm lòng, biết nhóm chị Trang làm từ thiện, nhiều bè bạn, tổ chức từ thiện, kiều bào đã tìm đến góp sức. Kinh phí duy trì “cơm từ thiện” và “quỹ cấp cứu” không có nguồn nào khác hơn là quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm, Mạnh Thường Quân. Nhiều cá nhân, đơn vị hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho bếp ăn, ai có điều kiện thì góp nhiều, người khó hơn thì góp ít. Các chị bán rau, bán thịt cá ngoài chợ cũng góp cho bếp ăn con cá, mớ rau, chai dầu ăn... Nhờ vậy mà hơn 10 năm nay, chưa bao giờ bếp rơi vào tình thế “thiếu tiền chợ”, dù mỗi tháng phải chi trên dưới cả trăm triệu đồng.
Bếp ăn thỉnh thoảng lại nhận những món quà bất ngờ khi người tặng yêu cầu không nêu danh tính. Chị Võ Thị Minh Trang kể: Có lần xe ba gác chở đến cả xe gạo và nhu yếu phẩm của một người phụ nữ lạ hoắc. Chị là người Phú Yên hiện đang làm ăn ở TP Hồ Chí Minh. Hỏi ra mới biết, có lần mẹ chị nằm viện nhưng người nhà không kịp mang thức ăn, nên đã ăn cháo ở Bếp ăn từ thiện của bệnh viện. Cảm nhận tấm lòng của những tình nguyện viên ở bếp, chị này xin được góp thêm món quà để tiếp tục san sẻ.
Không chỉ duy trì Bếp ăn từ thiện ở bệnh viện tỉnh, nhóm 5 chị em Trang, Nhung, Luận, Hoa, Vân còn mở rộng mô hình “suất ăn từ thiện” ở Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên (sau khi tách khỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Hòa. Ở Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, mỗi ngày có 20-30 suất ăn (mỗi suất 15.000 đồng) do khoa dinh dưỡng của bệnh viện nấu. Còn ở Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Hòa, do địa bàn cách trở các chị hỗ trợ tiền cho sư cô Trung (xã Hòa Định Tây) nấu cơm hộp rồi mang đến. Mỗi tháng 4 ngày, mỗi ngày 300 suất cơm chay cho người nghèo ở bệnh viện...
Hơn 10 năm, nhiều cuốn “sổ vàng” ghi kín danh sách quyên góp của những tấm lòng hảo tâm. Từ nhóm 5 chị em ban đầu, bây giờ có thêm nhiều tấm lòng đồng điệu cùng tham gia trực tiếp, có người gửi tiền quyên góp để làm thiện nguyện. Cứ như vậy những tấm lòng nhân ái tiếp tục lan tỏa...