Báo Kiến thức gia đình phối hợp cùng Trung ương Hội Đông y Việt Nam và Tổ chức Động vật Châu Á giới thiệu tới bạn đọc các cây thuốc, vị thuốc thay thế mật gấu, từ đó góp phần chung tay chấm dứt việc sử dụng mật gấu trong Đông y tại Việt Nam.
Mô tả: Cúc là cây sống dai, hay sống một năm. Thân đứng nhẵn, có rãnh. Lá mặt dưới có lông và trắng hơn, mặt trên có 3 – 5 thùy trái xoan tròn đầu hay hơi nhọn, có răng ở mép. Cuống lá có tai ở gốc. Đầu to, các lá bắc ở ngoài hình chỉ, phủ lông trắng, các lá trong thuôn hình trái xoan. Trong đầu có 1-2 hàng hoa hình lưỡi nhỏ, màu trắng, các hoa ở giữa hình ống nhiều màu vàng nhạt. Không có mào lông. Tràng hoa hình ống có tuyến, 5 thùy. Nhị 6, bao phấn ở tai ngắn. Bầu nhẵn, nghiêng.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng ở nhiều đại phương trong nước ta làm thuốc. Thu hái vào cuối mùa thu, đầu mùa đông, khoảng tháng 9 – 11, khi hoa nở. Cắt cả cây, phơi khô trong chỗ râm mát rồi ngắt lấy hoa hoặc chỉ hái lấy hoa, phơi hoặc sấy khô là được.
Bộ phận dùng làm thuốc: Hoa khô, loại hoa đóa nguyên vẹn, màu tươi sáng, thơm, bỏ cành, cuống lá.
Thành phần hóa học: Tinh dầu, flavonoid, vitamin A, Adenin, Cholin, Stachydrin, sắc tố của hoa là Chrysantemin khi thủy phân sẽ được glucose và Xyanidin.
Tính vị qui kinh: Vị đắng ngọt, tính bình, không độc. Vào các kinh: Phế, Tỳ, Can, Thận.
Công dụng: Thanh tán phong nhiệt, bình can, minh mục, thanh nhiệt, giải độc.
Chủ trị: Chữa nhức đầu, chóng mặt, cao huyết áp, hoa mắt, đau mắt đỏ, mắt mờ, chảy nước mắt.
Liều lượng, cách dùng: Ngày 2 – 10g, dưới dạng thuốc sắc.