ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH - Xem mạch Khí khẩu, Nhân nghinh

Thứ ba - 01/04/2014 19:25
Khi xem mạch Khí khẩu, Nhân nghinh để tìm bệnh, đồng thời phải xem cả mạch Thốn khẩu để xem Khí khẩu, Nhân nghinh có “tương ứng” với Thốn khẩu hay không, chứ không phải chỉ xem 2 mạch Khí khẩu, Nhân nghinh mà thôi.
.
.
XEM MẠCH KHÍ KHẨU, NHÂN NGHINH

Xưa Lý Trọng Nam nhận định về Khí khẩu, Nhân Nghinh đặt ra “Tam nhân”.
Nội nhân: Nguyên nhân trong người có tổn thương mà sinh bệnh tức nội thương. Xem mạch Khí khẩu để biết bệnh bởi “nội thương thất tình”.
Ngoại nhân: Nguyên nhân Tà khí từ ngoài đưa vào mà sinh bệnh tức ngoại cảm.
Xem mạch Nhân Nghinh để biết bệnh bởi “Ngoại cảm lục dâm”.
Bất nội bất ngoại nhân: Nguyên nhân không phải nội thương, không phải ngoại cảm, chỉ bởi một kinh nào đó mà sinh bệnh.
Xem mạch Khí khẩu, Nhân nghinh để biết.
Tuy nhiên: khi xem mạch Khí khẩu, Nhân nghinh để tìm bệnh, đồng thời phải xem cả mạch Thốn khẩu để xem Khí khẩu, Nhân nghinh có “tương ứng” với Thốn khẩu hay không, chứ không phải chỉ xem 2 mạch Khí khẩu, Nhân nghinh mà thôi.

     I .NỘI NHÂN THẤT TÌNH XEM MẠCH KHÍ KHẨU

     1. Mạch Tán mà Hư: là thương Tâm, Hỷ thương Tâm. Mừng ( Hỷ) thì Tâm mạch tán hư (không Hồng Đại) (Thương là bị đau, có hại, tổn thương). Nếu mừng quá thì khí ở huyệt Thần Đình nổi bừng mà Tâm mạch lại Trầm. Trầm là mạch của Thận. Tâm có Thận mạch là thuỷ khắc hỏa.
     2. Mạch Đoản mà Sáp: là thương Tỳ, Nghĩ (Tư) thì Tỳ khí ngưng trệ nên mạch Đoản Sáp (không hòa hoãn) - Tư thương Tỳ. Nếu nghĩ thái quá thì huyệt Y Xá không yên mà Tỳ mạch lại Huyền. Huyền là Can mạch. Tỳ có Can mạch là mộc khắc thổ. (Ta nói Tỳ tàng Ý tức là Tỳ có huyệt Y Xá).
     3. Mạch Trầm mà Sáp: là thương Phế. Lo (Ưu) thì Phế khí Sáp trệ nên mạch Trầm sáp (không Phù Đoản Sáp) - Ưu thương Phế. Nếu lo thái quá thì huyệt Phách Hộ không đóng kín mà Phế mạch lại Hồng. Hồng là Tâm mạch. Phế có Tâm mạch là hỏa khắc kim (Ta nói Phế tàng Phách, tức là Phế có huyệt Phách hộ).
     4. Mạch Nhu là thương Can. Giận (Nộ) thì Can khí nghịch lên nên mạch Nhu nhuyễn (không huyền trường) thì thương Can “Nộ thương Can”. Nếu giận thái quá thì huyệt Hồn Môn căng thẳng mà Can mạch lại Sáp. Sáp là Phế mạch. Can mà có Phế mạch là kim khắc mộc (Ta nói Can tàng hồn, tức là can có huyệt Hồn môn).
     5. Mạch Trầm Nhược là thương Thận: Sợ (Khủng) thì Thận khí nhát sợ mà đi xuống, nên mạch Trầm nhược, (không trầm thực) “Khủng thương Thận”. Nếu sợ thái quá thì huyệt Chí Thất và Tinh cung không thoải mái mà Thận mạch lại Nhu Hoãn. Nhu Hoãn là Tỳ mạch. Thận có Tỳ mạch là Thổ khắc Thủy. (Ta nói Thận tinh tàng chí, tức là Thận có huyệt Tinh cung, huyệt Chí thất).
     6. Mạch Động thì thương Đởm. Kinh khiếp (Kinh) thì Đởm khí rối loạn, nên mạch động, Kinh thương Đởm. Nếu kinh khiếp thái quá thì Đởm khí nhập Can mà Đởm mạch lại Tán. Trẻ em kinh khiếp sinh bệnh ỉa phân xanh, người lớn kinh khiếp mặt tái xanh. Nếu lại kinh khiếp thái quá hơn nữa thì Đởm khí nhập Tâm sinh bệnh đái ra máu.
     7. Mạch Khẩn là thương Tâm bào lạc. Buồn (Bi) thì bào lạc khí nghịch lên, nên mạch Khẩn, bi thương bào lạc. Nếu buồn thái quá thì Bào lạc mạch lại hư, vì khí ở Bào lạc với Phế liên hệ nhau thì tán khí, nên mạch hư.
     Như vậy biết rằng: Tất cả những mừng, giận, lo, sợ, v.v…gì đó nếu thái quá thì phần nhiều là sinh bệnh. Bệnh sinh đó đều bởi “kẻ khắc ta” (tặc tà). Ví dụ: Thận thủy khắc Tâm hỏa, Can mộc khắc Tỳ thổ v.v…
Tổng hợp cho dễ nhớ: 
           
1 Hỷ Thương Tâm Mạch
2 Thương Tỳ Mạch Kết
3 Ưu Thương Phế Mạch Sáp
4 Nộ Thương Can Mạch Nhu
5 Khủng Thương Thận Mạch Trầm
6 Kinh Thương Đởm Mạch Động
7 Bi Thương Bào lạc Mạch Khẩn

Bệnh bởi thất tình mà tổn thương nhẹ, chỉ xem mạch Khí khẩu mà thôi. Nếu tổn thương thái quá, phải xét bộ mạch nào ứng với tạng nào mà trị.
Bệnh bởi thất tình dĩ nhiên là phải được trị, đồng thời cũng phải có những sự đàn hát thi văn để hòa vui cho giải tỏa ưu sầu tư lự và tự biết dưỡng thần, dưỡng đức mới mau lành mạnh.

     II. NGOẠI NHÂN LỤC DÂM XEM MẠCH NHÂN NGHINH

     1. Mạch Khẩn: là thương Hàn nhập Thận (Thận với Bàng quang là biểu lý). Khi mới bị Thương hàn thì mạch Phù khẩn là hàn khí vào Túc thái dương Bàng quang trước. Nếu mạch Trầm khẩn là Hàn khí đã vào Túc thiếu âm Thận. Nếu mạch Khẩn mà mạnh quá là bệnh đang tăng tiến.

     2. Mạch Hư: là thương Thử (nắng) nhập Tâm. (Tâm với Tiểu trường là biểu lý) khi mới bị thương thử thì mạch Hư mà Hồng là thử khí vào Thủ thái dương Tiểu trường trước. Nếu mạch Hư Hồng mà Sác là Thử khí đã vào Thủ thiếu âm Tâm. Nếu mạch Sác là bệnh đang tăng mạnh.

     3. Mạch Sáp: là thương Táo (khí khô ráo) nhập phế (Phế với Đại trường là biểu lý). Khi mới bị thương Táo thì mạch Phù Sác là Táo khí vào Thủ dương minh Đại trường trước. Nếu mạch Phù Sác mà Sáp là Táo khí đã vào Thủ thái âm Phế.

     4. Mạch Nhu: là thương Thấp nhậpTỳ (Tỳ với Vị là biểu lý). Khi mới bị thương Thấp thì mạch Tế Sáp mà trường là Thấp khí vào Túc dương minh vị trước. Nếu mạch Tế Nhu là thấp khí đã vào Túc thái âm Tỳ.

     5. Mạch Phù: là thương Phong nhập Can (Can với Đởm là biểu lý). Khi mới bị thương phong thì mạch Phù Huyền mà Tán là Phong khí vào Túc thiếu dương Đởm trước. Nếu mạch Phù Thịnh là phong khí đã vào Túc quyết âm Can.

     6. Mạch Nhược: là thương Nhiệt nhập Tâm bào (Tâm bào với Tam tiêu là biểu lý). Khi mới bị thương nhiệt (hỏa) thì mạch Phù nhược (có khi đã hơi trầm) là nhiệt khí vào Thủ thiếu dương Tam tiêu trước. Nếu mạch Trầm Nhược mà Hoãn là nhiệt khí đã vào Thủ quyết âm Tâm bào.
(Trên nói: Thứ khí thương tâm, nhưng thử với nhiệt đồng khí thì thử hay nhiệt phần nhiều là vào Tâm bào, ít có khi vào chính Tâm, chúng ta nên tìm hiểu).
Tổng hợp cho dễ nhớ:
           
1 Hàn Thương Thận Mạch Khẩn
2 Thử Thương Tâm Mạch
3 Táo Thương Phế Mạch Sáp
4 Thấp Thương Tỳ Mạch Nhu
5 Phong Thương Can Mạch Phù
6 Nhiệt Thương Tâm bào Mạch Nhược

Bệnh bởi lục dâm mà tổn thương nhẹ thì chỉ xem mạch Nhân Nghinh mà thôi. Nếu tổn thương thái quá thì phải xem bộ mạch nào ứng hợp với Nhân Nghinh mà trị. Nếu để truyền kinh biến chứng, phải chiếu theo trị pháp của Thương hàn.

     III. BẤT NỘI NGOẠI NHÂN
Xem mạch Khí khẩu, Nhân nghinh mà không tương ứng với mạch ở bộ Thốn khẩu thì chẳng phải bởi nội thương, chẳng phải bởi Ngoại Cảm mà là đau ở 6 kinh: Tâm, Thận, Tâm bào, Can, Tỳ và Phế.
     1. Mạch Hư Sáp: là lo nghĩ nhiều, tinh thần hao tổn, huyết hư, huyết thiếu làm thương Tâm.
     2. Mạch Khẩn: là làm việc nặng nhọc nhiều lại phòng dục Tinh khí mất đi nhiều làm thương Thận.
     3. Mạch Sáp: là phòng dục phòng túng quá độ, hao Tinh, tổn Khí làm thương Tâm bào.
     4. Mạch Động: là Huyền Nhược và Sác làm các đường gân đau nhức mỏi mệt là thương Can.
     5. Mạch Hoãn Huyền: là đói quá, Vị khí suy nhược thương Tỳ. Nếu mạch Hoạt Thực thì lại no quá làm trệ Tỳ khí.
     6. Mạch Nhược: là gào thét nhiều, thiếu hơi thở làm thương Phế.
     Ngoài ra nếu cả 2 mạch Khí khẩu, Nhân nghinh đều Khẩn là nội thương kiêm ngoại cảm thì phải phân ra “bệnh nào nhiều trị trước, ít trị sau” (Cấp tắc trị kỳ tiên). Nếu cả 2 mạch Khí khẩu, Nhân nghinh đều quá mạnh là bệnh quan bệnh cách, nan trị.
Tổng hợp cho dễ nhớ:
         
1 Mạch Hư Sáp Thương Tâm
2 Mạch Khẩn Thương Thận
3 Mạch Sáp Thương Tâm bào
4 Mạch Sáp Thương Can
5 Mạch Hoãn Huyền Thương Tỳ
6 Mạch Nhược Thương Phế
Khí khẩu, Nhân nghinh tương ứng với Thốn khẩu
Tương ứng: Hai bên ứng hợp với nhau. Nghĩa là khi xem mạch Thốn khẩu rồi, xem mạch Khí khẩu hay Nhân nghinh cũng như mạch Thốn khẩu là tương ứng.
  • Khi nào cần phải xem mạch Khí khẩu, Nhân nghinh?
– Khi xem mạch Thốn khẩu rồi mà có nghi nan, không phân biệt được bệnh ấy bởi ngoại cảm hay nội thương thì phải xem mạch Khí khẩu, Nhân nghinh để biết. Nếu mạch Khí khẩu tương ứng với Thốn khẩu là nội thương. Mạch Nhân nghinh tương ứng với Thốn khẩu là ngoại cảm.
Ví dụ: xem bộ Thốn khẩu thấy mạch Khẩn là đau bụng “hàn” nhưng không biết hàn ấy là nội hàn hay ngoại hàn thì phải xem Khí khẩu, Nhân nghinh. Khi xem Khí khẩu thấy mạch khẩn tương ứng như Thốn khẩu là nội hàn ở tạng phủ (nội thương). Khi xem Nhân nghinh thấy mạch khẩn tương ứng như Thốn khẩu là ngoại hàn ở kinh lạc (ngoại cảm).
    Như vậy các mạch khác, các bệnh khác mà khó phân biệt thì cũng xem Khí khẩu, Nhân nghinh để tìm tương ứng mà quyết đoán nội ngoại.
 

Tác giả bài viết: Lê Đức Thiếp

Nguồn tin: Định Ninh Tôi Học Mạch, Hội & CLB YDDT Sở Y tế Tp HCM

 Từ khóa: tương ứng

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây