Có người bẩm sinh với một khuôn mặt đẹp, có người bẩm sinh với một khuôn mặt xấu. Có người tưởng rằng ta chẳng thể làm gì được với khuôn mặt ta vẫn có nhưng sự thực mọi khuôn mặt đều từ từ thay đổi.
Ngày nay người ta có thể đổi cái ngoại diện của ta với những khoa giải phẫu lát-tích cũng như bằng các loại phấn tô điểm, nhưng đó chỉ là những thay đổi nhất thời. Không ai có thể giữ sự lừa dối đó lâu mãi được. Mặc dù những phương pháp nói trên có lẽ cũng không sao, nhưng cứ nghĩ đến cái mũi vợ mình là một cái mũi nhân tạo, ta cũng đủ thấy bực bội trong lòng rồi. Nhưng chẳng cần viện đến nhưng thứ nhân tạo đó, ta cũng có thể thay đổi khuôn mặt của ta bằng cái nội dung tinh thần của ta được.
Bạn hãy ngắm kỹ những bức chân dung của nhưng danh nhân trên thế giới, cho dù họ là nhạc sĩ hay học giả, hoặc gì gì chăng nữa. Nếu ta quan sát kỹ lưỡng những bức chân dung đó, ta sẽ thấy rằng tuy hồi còn trẻ tuổi nét mặt những vị danh nhân đó không đẹp mấy, nhưng lúc càng lớn tuổi, họ lại càng sáng ngời. Ngược lại, hãy so sánh bức chân dung của một thanh niên trẻ tuổi đẹp trai với bức hình của cùng một người đó chụp lúc trước khi bị lên án khổ sai chung thân mà coi : bạn sẽ không thể tin được là hai khuôn mặt đó lại có thể của cùng một người.
Trạng thái tinh thần có thể hoàn toàn thay đổi khuôn mặt. Chúng tôi không muốn bàn tới sự thay đổi khuôn mặt ta từ tốt sang xấu ở đây, nhưng ta sẽ phải cảm thấy ngượng nghịu nếu ta cứ giữ mãi cùng một khuôn mặt từ nhỏ đến lớn, bởi lẽ sự không thay đổi đó là bằng chứng sự thiếu tiến bộ tinh thần. Chỉ khi nào ta đã thay đổi khuôn mặt của ta trở thành một vẻ gì thật là thanh tú ta mới có thể nói ta là một kẻ đã thực sự trưởng thành.
Cũng như một người đẹp hồi trẻ không được trở nên một kẻ lơ là, tự cao tự đại, thì một người không đẹp cũng không được vì thế mà ngả lòng, bởi vì cả hai người đều có thể thay đổi khuôn mặt mình bằng những thái độ tinh thần. Ðây không phải là một phương pháp của mỹ viện ; nó là con đường đưa tới thẩm mỹ thực sự.
Người ta thường nói rằng đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, bởi vì điều kiện của tinh thần được phản ánh rõ ràng nhất trong đôi mắt ta. Tình yêu, lòng độc ác tính khoan hồng hoặc sự oán hận, thảy đều hiện lên trong đôi mắt ta.
Bởi lẽ tâm hồn một người tập Hiệp Khí Ðạo phải tràn đầy tình yêu và sự che chở muôn loài, cho nên tâm hồn người đó tất nhiên phải là tình yêu và tình khoan dung. Hơn nữa, bởi lẽ tinh thần người đó luôn luôn được hòa hợp và luôn luôn phóng ra khí, cho nên đôi mắt người đó sẽ có một năng lực tiềm ẩn, không phải một khoé nhìn sắc sảo, mà một ánh sáng, cùng với khí, thoát ra từ tận cùng tâm khảm người đó. Ðó không phải là cái nhìn láo liên của một kẻ ăn cắp, luôn luôn phóng tới những người lãng tâm, mà là một ánh sáng biểu lộ câu nói này : « Khi cười thì con trẻ xúm đến gần, và khi cau có, thì loài dã thú cũng phải chạy xa ». Tất cả chúng ta đều cần phải có những cặp mắt bao dung và dũng mãnh đó.
Chúng ta thường tưởng tượng rằng những kẻ theo đời binh nghiệp thường có một cặp mắt tàn bạo, dữ tợn và ngạo mạn. Những cặp mắt chỉ chực « ăn sống nuốt tươi » người khác thì không phải là những cặp mắt thực sự của một kẻ theo nghiệp binh đao, và khi những cặp mắt đó gặp phải những cặp mắt đích thực, thì chúng sẽ mất đi mọi khả năng « ăn sống nuốt tươi » của chúng. Trong chữ Nhật, chữ budo có nghĩa là con đường binh nghiệp, và chữ bu có hai phần tạo nên nó đi với nhau có nghĩa là thôi xử dụng vũ khí. Vì lẽ đó con người theo nghiệp võ đích thực phải có một đôi mắt bao dung và quảng đại để khiến cho đối thủ mất hết tinh thần đánh nhau.
Cho dù mắt bạn quắt lên dữ dội đến thế nào đi nữa để chế ngự địch thủ của bạn, nó sẽ chẳng có ảnh hưởng gì đến người địch thủ đó cả. Hắn sẽ chẳng nao núng gì hết ; và cái quắc mắt đó sẽ chỉ quay trởlại dọa nạt chính bạn mà thôi ! Những người có đôi mắt dữ dằn phải hiểu đó là dấu hiệu của sự chưa trưởng thành về tinh thần và phải cố gắng luyện chúng đúng đường. Ðôi khi, trong khi cố gắng để tiến bộ về mặt tinh thần, ta nên nhìn vào tấm gương, không phải là để xem mặt ta ra làm sao hay là chỉ để cạo râu, mà để phê phán cái điều kiện tinh thần của ta.
Ta phải tìm ra những chỗ xấu và nghĩ rằng : « Ðây là chỗ mà tinh thần ta hãy còn chưa trưởng thành ».
Lời nói của ta cũng biểu lộ tinh thần ta. Có người, mặc dù rất là thành thạo trong lúc biện luận hoặc tiếp khách hoặc nói chuyện với người khác, lại tạo ra một cảm tưởng về sự bất tín. Cổ ngôn nói rằng những người nói hay thường là những người xấu. Cho dù một người ăn nói khôn ngoan đến đâu, nói đẹp nói hay đến mấy, nếu tinh thần hắn thiếu thành thực, thì hắn sẽ chẳng bao giờ lôi kéo được trái tim người kháccả. Yếu tố quan trọng nhất trong một cuộc đàm thoại là phải thành thực và nói từ trái tim mà ra. Chỉ khi nào coi điều đó là căn bản thì bạn mới tiến bộ trong những kỹ thuật đàm thoại được. Câu nói tốt đến mấy mà thiếu tình yêu sẽ chỉ là những câu nói rỗng. Người mà trong tâm một bồ dao găm thì, khi nói chuyện, mỗi lời nói, mỗi câu nói của hắn sẽ như đâm tỉa vào người đối thoại.
Khi ai đang giận dữ mà nói với ta điều gì, thì cho dù nhưng lời nói đó chỉ là những lời dùng thường ngày, sự giận dữ của người đó cũng tự nhiên lan truyền sang ta. Trái lại, một trái tim đầy tình yêu sẽ mang đến cho người khác mọi niềm an ủi, mọi nghị lực.
Chẳng cần đến lời nói bạn cũng có thể truyền sang trái tim người yêu của bạn tình yêu, trong niềm im lặng.
Nếu bạn có tình thương yêu trong trái tim bạn, thì cho dù bạn quở trách ai, tình yêu đó sẽ tự nhiên lan truyền sang người bạn quở trách.
Ðã có hồi tôi dạy học trong một trường làng, ở đó có một ông thầy rất trẻ tuổi phụ trách lớp sáu. Ông giáo này là một ông giáo rắt tận tâm nhưng lại hay đánh học trò. Hồi trước khi chiến tranh, thì trừng phạt học trò như vậy không sao, nhưng sau này, khi một nền giáo dục dân chủ đã thành hình, thì nhưng vụ đánh đập như vậy đã khiến cho các bậc phụ huynh học sinh đâm ra tức giận, và đòi ông thầy giáo kia phải thuyên chuyển đi nơi khác. Ngay sau khi tôi nghe được chuyện đó, tôi bèn tới gặp ông thầy giáo trẻ tuổi đó. Tưởng rằng tôi đến để trách mắng, ông ta bèn sửa soạn thái độ mình trước.
Thoạt đầu tôi chỉ ngồi nghe ông ta phân trần. « Nền giáo dục dân chủ thời hậu chiến này rất là hay. Tôi đồng ý, nhưng cả học sinh lẫn phụ huynh học sinh đều hiểu lầm nó. Mọi người đều tưởng đó là một cách để không ai có quyền can thiệp gì hết. Khi con nít khôn lớn hơn, nhất định chúng sẽ trở thành những thành phần xấu. Chúng chẳng thèm nghe lời ai cả. Nếu ta cứ để nguyên tình trạng đó như thế, thì chúng sẽ chẳng tiến đến đâu. Tôi biết rằng đánh đập trẻ con là không tốt, nhưng tôi cứ vẫn đánh, bởi vì như thế tốt cho chúng. Tôi rất tin tưởng vào giáo dục, nhưng nếu ông cho điều tôi đang làm đây là không đúng, thì tôi rất sẵn sàng từ chức, bất cứ khi nào ông muốn ».
Ông giáo trẻ tuổi đầy hăng say đó nói câu trên với cả một sự quyết tâm, không nhượng bộ một ly nào, nhưng tôi có cảm tưởng là ông ta nóng tính. Tôi chưa nói gì mà ông ta đã nổi dóa quá nhanh.
Tôi bèn trả lời : Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý. Nếu ông đánh học trò để làm cho chúng trở thành người tốt, thì ông cứ việc đánh đi, đánh thật đau. Tôi sẽ giúp ông điều gì có thể giúp để ủng hộ ông.
Người thanh niên ngạc nhiên. Lẽ tất nhiên ; điều ông ta nói rất là đúng. Sự dân chủ hóa nền giáo dục quá bất ngờ đó đã mang đến nhiều sự lạm dụng về quyền thế. Tuy nhiên tôi nói thêm : Nên ông muốn cải thiện học trò của ông, thì đó là một việc rất tốt ; và nếu quả thực như vậy, thì ông nên đánh học trò trong lúc ông không cáu giận. Từ nay trở đi, khi nào ông thấy đứa con nít nào đáng đánh đòn, thì ông nên xét lại xem ông có đang cáu giận hay không. Nếu không, thì ông cứ việc đánh. Nếu trong khi đang cáu giận mà ông đánh nó, thì sự cáu giận củaông thêm vào với sự trừng phạt, sẽ truyền sang đứa nhỏ và sẽ chẳng sửa đổi gì nó được cả. Nếu ông trừng phạt nó với một tình thương trong lòng và để cho nó trở thành một người tốt, thì ông nhất định sẽ có thể trừng phạt trong lúc ông bình tĩnh. Lúc đó học trò ông sẽ hiểu rằng ông trừng phạt chúng trong tình thương.
Ông thầy giáo đó, sau khi nghe tôi nói như vậy thì hiểu ra ngay và từ đó trở đi không hề đánh một học trò nào nữa. Nếu sắp sửa đánh đòn một đứa nào, thì ông ta trở nên bình tĩnh lại, nghe xem đứa trẻ nói gì, và rồi cảm thấy không cần đánh đòn nữa.
Hãy lắng nghe một người nào đó nói gì, nhìn vào tận mắt hắn, và rồi hắn sẽ không có điều gì để dấu bạn nữa cả. Nếu bận bình tĩnh trong lòng, xét lại lòng bạn, và nhìn vào mắt người khác, thì bạn sẽ có thể thông cảm với họ được. Trái lại, thông cảm quá mức thì lại không tốt, sáng suốt quá độ thì lại rất là có hại. Nghĩa là, nếu bạn hiểu quá rõ một người nào đó, thì người đó khi nào gặp bạn sẽ cảm thấy bối rối, khó chịu, và sẽ tìm cách lánh mặt bạn. Nếu bạn hiểu biết quá độ, thì rất dễ làm mếch lòng kẻ khác. Người cha với một đôi mắt quá cú vọ thì sẽ làm cho con cái mình đâm ra sợ hãi, và khi lớn lên chúng sẽ tìm cách bỏ nhàra đi. Không ai muốn ngó thấy đôi mắt nó xỉa thẳng vào tim mình. Cũng như là ta phải có một cái bao để bọc một thanh gươm quá sắc bén, ta phải biết cách che đậy sức mạnh của ta nếu quả là ta có sức mạnh.
Cho dù ta có một đôi mắt thật là sáng, ta cũng đừng nên chói sáng kẻ khác bằng tia mắt của ta. Nếu ta có tia sáng đó, ta phải che phủ nó đi, làm như là nó không có ở đó. Con diều hâu khôn ngoan là con diều hâu biết dấu móng sắc nó đi, con mèo khôn ngoan là con mèo biết dấu vuốt nó đi. Che phủ sức mạnh mình đi là một điều thực quan trọng, bởi lẽ nếu cứ khoe khoang nó thì sẽ phá hủy nó.
Nếu bạn có điểm nào hay, tốt, mà bạn cứ khoe khoang nó ra, thì chắc chắn bạn sẽ thất bại vì chính cái điểm đó. Chỉ xử dụng sức mạnh của bạn khi nào cần, và đừng có huênh hoang, tự phụ. Trong những trường hợp thông thường, thì hãy nên giống mọi người khác ; nhưng trong những giây phút quan trọng, thì hãy xử dụng mọi kiến thức, mọi khả năng của bạn. Câu tục ngữ nói rằng một kẻ thông thái phải trông như người ngu và một vị thánh phải trông như một người thường, là vậy. Nếu trong lòng bạn thực tâm khiêm tốn, thì tự nó nó sẽ phản ánh lên đôi mắt bạn.
Nếu bạn có một trái tim đầy tình thương mến nó khiến cho bạn cười thật là thành thực khi nghe một người nào kể một câu pha trò mà không lấy gì buồn cười mấy, hoặc nó phản ánh lên cái nhìn của người cha ngắm con mình đang chơi đùa, hoặc trong cái nhìn xa vắng của một người tình nhớ đến người mình yêu, thì đôi mắt bạn sẽ hiền từ. Những người như thế sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình bị lừa dối cả. Dù rằng sự lừa dối thì làm cho bất cứ ai sẽ cáu giận, nhưngnếu ta biết rằng đó quả là một sự lừa dối, ta vẫn giữ bình tĩnh. Cuối cùng, thì người lừa dối ta sẽ nhìn ra và ta sẽ vô tình dẫn người đó vào con đường tốt. Bất cứ ai cũng có thể thổ lộ tất cả tâm tình của mình trước một người đầy tình thương yêu. Nhưng nếu ta quá nghiêm khắc, thì lãnh đạo người khác rất khó.
Thường thường ta gặp nhiều người lúc nói chuyện không nhìn thẳng vào mắt người đối thoại, mà lại cúi gầm mặt xuống. Ðó không phải là những người bình tĩnh ; trong lòng họ chắc phải có điều gì u uẩn. Ta phải học cách nhìn thẳng vào mắt người nói chuyện với ta. Ngược lại, những người có thói quen nhìn chòng chọc vào mắt kẻ khác thì phải đừng làm như vậy nữa. Ý muốn dò xét trái tim người khác là một thái độ con nít, chứ không phải của một người trưởng thành. Nếu tâm hồn bạn trong sáng, thì chẳng cần nhìn chòng chọc, nó cũng sẽ phản chiếu lên đôi mắt bạn, bởi đôi mắt là tấm gương của tâm hồn.
Nếu vô tình mà bạn không thể nhìn thắng vào mắt một người mà ta đang đối thoại với, thì hãy nhìn vào khoảng chung quanh mũi người đó, và người đó sẽ cũng cảm thấy là bạn đang chú ý nghe.
Dù rằng hăng hái tập luyện, tiến bộ về kỹ thuật và sức mạnh tăng cường rất là quan trọng trong Hiệp Khí Ðạo, nhưng chúng vẫn chưa đủ. Bạn phải có được cái tinh thần Hiệp Khí Ðạo. Bạn phải biết cách hiền từ và dễ dàng với kẻ khác, và phải có đôi mắt yêu thương và giọng nói đầm ấm, chứng tỏ là bạn có nhiều sinh khí và vui vẻ.