Sự Tâm Huyết của người làm nghề YHCT

Thứ bảy - 07/05/2022 14:55
THẦY THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN
là sự kết hợp 3 ông Thầy: Thầy thuốc, Thầy giáo, Thầy đời. Đôi dòng chia sẻ về nghề nghiệp ,tuy đầy trọng trách, khó khăn nhưng chưa bao giờ hết đam mê.
.
.
Y học cổ truyền là nghề đặc thù hơn so với các ngành nghề khác nhất là trong hệ thống ngành Y, muốn tiếp bước trên con đường YHCT ngoài phải thực hiện phương châm: “Vững y đạo, sáng y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật mới bền về y nghiệp”. Người học y học cổ truyền còn phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 ông thầy trong hoạt động của đời mình đó là: Thầy thuốc, Thầy giáo và Thầy đời.
Thầy thuốc:Theo Hãi Thượng Lãn Ông: Thầy thuốc là nghề cao thượng, vì thế phải giữ khí tiết cho trong sạch... Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình. Chỉ lấy việc cứu người làm phận sự của mình mà không cần lợi kể công ”Phải hết lòng, hết sức chăm sóc và điều trị bệnh nhân muốn vậy phải không ngừng trau dồi học hỏi lý thuyết và thực hành từ học ở trường, lớp, Thầy, bạn và cơ sở thực hành tốt

Là thầy thuốc YHCT cần phải biết vọng, văn, vấn, thiết:
- Vọng (nhìn): Thần (xem tinh anh, linh hoạt của mắt) sắc (màu sắc chủ yếu da mặt), xem lưỡi: chất lưỡi: bệu hay săn chắc, màu nhợt hay hồng nhuận, rêu lưỡi: có hay không, nếu có dày hay mõng, khô hay ướt, màu gì trắng hay vàng, …
- Văn (nghe, ngửi): nghe âm thanh của tiếng nói: to hay nhỏ, hơi thở mạnh hay yếu, có mùi hôi hay không, tiếng ho có hay không, ho mạnh hay yếu, có đàm hay ho khan?...
- Vấn :Liên quan đến khó chịu của người bệnh thường gọi thập vấn (Một hỏi hàn nhiệt, hai hỏi mồ hôi, ba hỏi đầu thân, bốn hỏi nhị tiện, năm hỏi ăn uống, sáu hỏi ngực bụng, bảy hỏi tai điếc, tám hỏi khát, chín hỏi bệnh cũ, mười hỏi nguyên nhân... Hỏi thêm đã uống thuốc men gì, phụ nữ cần phải hỏi kinh kỳ sớm muộn, bế, băng ra sao, với trẻ em cần hỏi về đậu sởi.),…
- Thiết: Bắt mạch:Thường có 6 mạch chính: phù (nhẹ tay đã thấy mạch) hay trầm (ấn mạnh tay mới thấy mạch), trì (mạch chậm thường <60 lần/ phút) hay sác (mạch nhanh thường >80 lần/ phút), vô lực (ấn vào thấy mạch ấn sâu không thấy mạch) hay hữu lực (càng ấn mạch càng nẩy mạnh)...; Sờ nắn: xem cự án (ấn mạnh đau tăng): đau mới mắc hay thiện án (càng ấn càng dễ chiu): đau đã lâu..
=> Tứ chẩn phải qui được Bát cương xem bệnh này hàn (lạnh) hay nhiệt (nóng), hư ( bệnh lâu) hay thực (bệnh mới mắc), biểu (ở ngoài) hay lý ( vào trong), bệnh này âm hay dương. Để thông qua đó người thầy thuốc có hướng chẩn đoán và chữa trị thích hợp
Là thầy thuốc YHCT phải biết kết hợp vói y học hiện đại để hiểu rõ, đánh giá, kiểm chứng và để biết mình là người thầy thuốc YHCT cũng phải biết khám và chẩn đóan được bằng YHHĐ:
- Phải khai thác trục trặc, khó chịu của bệnh nhân (triệu chứng cơ năng)
- Phải biết khám: nhìn, sờ, gõ, nghe (triệu chứng thực thể)
Thông qua triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể để chẩn đoán sơ bộ về tình hình bệnh tật để thông qua đó đề nghị cận lâm sàng ( xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…) tương ứng & thích hợp. khi có kết quả cận lâm sàng thì phải chẩn đoán xác định được đây là bệnh gì ? trục trặc như thế nào ?. Khi có chẩn đoán xác định rồi người thầy thuốc đối chiếu với chẩn đoán YHCT để có hướng chăm sóc & điều trị thích hợp theo nguyên tắc “Chẩn đoán được bằng YHHĐ, điều trị bằng YHCT và đánh giá, so sánh lại bằng YHHĐ”
Là thầy thuốc YHCT phải biết chăm sóc & điều trị về YHCT: YHCT các phương pháp điều trị cơ bản phải đạt được “ Khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái đó là sức khỏe”.
- Phương pháp dùng thuốc: cho 1 vị hay nhiều vị thuốc, cho thuốc cổ phương hay bài thuốc tân phương, dùng dưới dạng nào thích hợp trong điều tri hay thích hợp từng bệnh nhân: dùng thuốc thang hay trà, hoàn, tễ,…
- Phương pháp không dùng thuốc:
+ Châm cứu
+ Xoa bóp bấm huyệt.
+ Tập luyện: Yoga, khí công, Thái cực quyền
+ Các phương pháp khác: ăn uống, cạo gió, giác hơi
Ngoài ra còn có phương thuốc nữa rất là quan trọng đó là phương thuốc thời gian: Thời gian sẽ xua tan nỗi đau, cải thiện dần bệnh tật, giúp người bệnh đứng lên vượt qua nghịch cảnh, bệnh tật để vươn lên sức sống mạnh mẽ, lạc quan yêu đời, giúp cuộc sống thăng hoa, yêu đời, khỏe mạnh.
Ngoài nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, người làm công tác YHCT còn phải là thầy giáo chia sẻ, dạy cho mọi người sống sống hài hòa âm dương cân bằng trong cuộc sống còn biết nhìn người và sử dụng người thông qua dạy dỗ lý thuyết, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành chuyên môn YHCT.

Thầy giáo:
Người thầy phải làm gương cho trò noi theo, có khả năng truyền đạt kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên môn, công bằng không thiên vị và thấu hiểu học trò, Người thầy phải là người đạt cao nhất về đạo đức và tri thức, thầy phải có hành động, phát ngôn và cách sống tốt để học trò noi theo. Trò xem thầy như kiểu mẫu để sống. Thầy không làm gương được, làm sao trò đặt niềm tin vào thầy mà nghe thầy giảng dạy. Không chỉ có thầy làm gương cho trò, mà người thầy phải làm gương cho đồng nghiệp, người dưới, người xung quanh.Để thực hiện tốt vai trò này, người thầy trước tiên phải có kiến thức uyên thâm, nghiên cứu sâu rộng tri thức, đạo đức, xã hội, luôn trau dồi kiến thức ôn tập cái cũ để hiểu cái mới và phát triển vượt bậc.
Dạy học phải dựa vào sức và khả năng hiểu biết của từng trò, phải quan tâm những điều trò biết và những điều trò không biết, phải hiểu được mỗi học trò quan tâm đến điều gì, từ đó, mới có thể đưa ra tri thức chuyên môn, thích hợp, làm cho trò dễ hiểu, dễ hành dễ áp dụng vào thực tế. Dạy cho học trò kiến thức chuyên môn YHCT người xưa đã tích lũy hàng ngàn năm mà các thế hệ đi trước đã dày công đúc kết để lại cho hậu thế những phương thuốc, những phương pháp điều trị hiệu quả nhưng không xa rời thực tế, phải hiểu cái biến đổi theo cuộc sống và theo thời gian “ chưa thông lẽ Dịch sao rành chước Y”.  Lưu truyền lại kinh nghiệm quý giá trong quá trình tích lũy làm thầy thuốc của mình cho thế hệ đời sau. Người thầy giáo phải biết nhìn người thấy được phẩm chất, năng lực, tố chất, tri thức, kỹ năng và truyền cho người tiếp thu những tinh túy của y học mà mình đã nghiên cứu được trong quá trình hành nghề để người học trò mang kiến thức giúp đời, giúp người.
Giáo dục lòng yêu nghề YHCT, truyền lửa cho thế hệ sau chính ngọn lửa đam mê của mình, có những người không đam mê, không yêu thich nghề YHCT mà cho dạy, cho học, đây là thảm họa cho cả thế hệ, sự lụi tàn chuyên môn YHCT đã được báo trước bởi những người thầy như thế, trò như thế.
Chia sẻ cho mọi người phương pháp phòng chữa bệnh và hạn chế lão hóa giúp cho mọi người có cuộc sống tâm thể viên mãn, hạnh phúc.
Ngoài là thầy giáo, thầy thuốc người làm nghề YHCT còn phải là ông thầy đời trong các hoạt động đời sống, công đồng chứ không phải ngồi 4 bức tường để khám bệnh, dạy dỗ người khác.
Thầy đời:
YHCT quan niệm vùng đất đó sinh ra con người đó vùng đất đó cũng sinh ra những loại bệnh ngoài thông thường còn có những loại bệnh chỉ đặc trưng của vùng đất đó bao gồm: thổ nhưỡng, cách sinh hoạt, nghề nghiệp, tập tục, tôn giáo,… cần am hiểu kỷ để phòng ngừa, chăm sóc và điều tri hiệu quả. Muốn được như vậy cần phải là ông thầy đời là thâm nhập vào đời sống, sinh hoạt của dân bản địa để hiểu rõ hơn cuộc sống, bệnh tật,..Ta có thể có phương pháp chia sẻ, tác động, cải thiện để mọi người sống cho khoa học từng bước cải thiện sức khỏe và bệnh tật
Am hiểu hoàn cảnh của mỗi bệnh nhân: mỗi bệnh nhân ngoài bệnh lý ra còn có những mãnh đời khác biêt, hiễu rõ nhưng mãnh đời này này để chia sẻ, điều trị và chia sẻ hiệu quả nhất về bệnh tật, môi trường về cuộc sống để người bệnh thấy đời tươi đẹp biết nhường nào, còn nhiều việc khác đang chờ đợi ta chứ không phải ngồi canh đợi đi khám bệnh, canh giờ để uống thuốc….
Khi nhận dạy trò, không phân biệt vị thế của trò, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, thông minh hay chưa thông minh mà giống như người bạn chia sẻ khúc mắc của cuộc đời, chỉ ra cái được và chưa được trong chuyên môn và trong cuộc sống, người học trò có mong muốn cải thiện và hoàn thiện bản thân trở thành người thầy thuốc cả đời chăm sóc thương yêu và hết lòng vì sức khỏe của người bệnh hay không.
Thầy không những trao kiến thức chuyên môn theo khả năng của mình mà còn quan tâm những tâm tư, hoàn cảnh của từng trò. Ngoài việc thầy chọn tri thức phù hợp cho trò, thầy còn chia sẻ đạo lý ở đời, để cho trò sống theo đúng tâm của người thầy thuốc, đúng với hoàn cảnh thực của từng trò. Nổi trội ở học trò chính là những gì họ vận dụng được sau khi học, sau khi đọc, sau khi thực hành và đặc biệt là áp dụng được và áp dụng có hiêu quả trong phòng, cải thiện và điều trị bệnh, chứ không phải là nói, là lý thuyết suông mà ai cũng có thể đọc, nói được.
Am hiểu với những người bạn mà mình tiếp xúc, đối ẩm để cho họ thấy sống như thế nào thuận theo tự nhiên, sống như thế nào cho phù hợp, để sống lâu sống khỏe và sống có ích cho xã hội.
YHCT là một nghề ẩn trong đó trái tim nhân ái, giàu tình cảm và tâm huyết với nghề,mà để làm tốt nghề YHCT sự kết hợp 3 ông thầy: thầy thuốc, thầy giáo, thầy đời trong đó mỗi con người theo nghề là sự hy sinh to lớn, là cả đời cống hiến cho sự nghiệp thừa kế và phát triển YHCT.
 

Nguồn tin: từ Fb của Thầy Huỳnh Tấn Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây