THIÊN 74 : LUẬN TẬT CHẨN XÍCH

Thứ năm - 19/12/2013 18:22

Hoàng đế nội kinh

Hoàng đế nội kinh
Hoàng Đế hỏi Kỳ Bá : "Ta muốn rằng không cần phải nhìn sắc diện, không cần phải bắt mạch, chỉ cần chẩn được các bộ vị của da nơi bộ xích để nói lên được cái bệnh, tức là phương pháp quan sát đi từ bên ngoài để biết được bên trong, Ta phải làm thế nào để đạt được những điều kể trên”[1].

Kỳ Bá đáp : "Ta nên thẩm đoán được tình trạng hoãn hay cấp, đại hay tiểu, hoạt hay sắc của bộ vị của xích phu, thẩm đoán sự cứng hay mềm của cơ nhục, nhờ vậy ta sẽ nắm được bệnh thuộc loại hình nào[2]. Ví dụ : ta thấy khoé mắt dưới của người bệnh bị hơi sưng lên, giống như người mới ngủ thức dậy, mạch ở cổ nhịp động, thỉnh thoảng có ho, khi ta dùng tay đè lên vùng tay chân, nơi bị đè lõm xuống mà không nổi lên như cũ, đó là chứng trạng của Phong thủy phu trướng[3].

Bộ vị xích phu trơn, nhuận trạch, đó là Phong bệnh[4]. Cơ nhục ở bộ vị xích phu mềm nhũn gọi là giải diệc, người cứ như muốn buồn ngủ 1 cách tối tăm ngây ngây, cơ nhục gầy héo đi, đó là bệnh thuộc hàn nhiệt hư lao, không trị được[5]. Bộ vị của xích phu trơn, như thoa mỡ vào ngón tay, đó là Phong bệnh[6]. Bộ vị của xích phu rít, đó là bệnh thuộc Phong tý[7]. Bộ vị của xích phu thô sần sùi như chiếc vảy cá khô, đó là do khí Thủy thấp tràn lên đến tay chân[8]. Bộ vị xích phu nóng nhiều, mạch thịnh táo, đó là Ôn bệnh, khi nào mạch thịnh mà hoạt, đó là triệu chứng bệnh khí sắp thoát ra ngoài để lành bệnh[9]. [Bộ vị xích phu lạnh, mạch đi tiểu, đó là bệnh tiêu chảy hoặc khí hư thiểu10]. Bộ vị xích phu nóng đến bỏng tay, trước nóng sau lạnh, đó là hàn nhiệt[11]. Bộ vị xích phu hàn trước, kéo dài lâu hơn sau đó mới nhiệt cũng gọi là hàn nhiệt bệnh” [12].

Riêng vùng da của cánh chỏ bị nhiệt, là biểu hiện của từ thắt lưng trở lên bị nhiệt[13]. Vùng da mu bàn tay bị nhiệt, là biểu hiện của từ thắt lưng trở xuống bị nhiệt[14]. Riêng mép ngoài cánh chỏ bị nhiệt, là biểu hiện của vùng ngực bị nhiệt[15]. Riêng mép trong cánh chỏ bị nhiệt, là biểu hiện của vùng vai và lưng bị nhiệt[16]. Riêng giữa cánh tay bị nhiệt, là biểu hiện của thắt lưng và bụng bị nhiệt[17]. Vùng từ cánh chỏ chạy xuống khoảng 3 đến 4 thốn bị nhiệt, là biểu hiện của trong ruột có giun[18]. Lòng bàn tay phát nhiệt, là biểu hiện của trong bụng có nhiệt[19]. Lòng bàn tay bị lạnh, là biểu hiện của trong bụng bị lạnh[20]. Trên mu bàn tay nơi bạch nhục vùng ngư thượng hiện lên những lạc mạch có huyết màu xanh, là biểu hiện trong Vị (dạ dày) bị lạnh[21].

Bộ vị nơi bì phu của bộ xích bị nhiệt cao, mạch Nhân nghênh đại, nên đoạt huyết[22]. Vùng xích kiên đại, mạch tiểu thậm, thiểu khí, lại gia thêm chứng phiền muộn, có thể chết ngay[23].

Mắt hiện lên mầu đỏ, bệnh ở tại Tâm, hiện ra mầu trắng, bệnh ở tại Phế, hiện ra mầu xanh, bệnh ở tại Can, hiện ra mầu vàng bệnh ở tại Tỳ, hiện ra mầu đen, bệnh ở tại Thận[24]. Nếu hiện ra mầu vàng mà lẫn lộn các mầu khác không phân biệt được nữa, bệnh ở tại giữa ngực[25].

Chẩn đoán chứng đau mắt, nếu mạch gân đỏ đi từ trên xuống dưới, đó là Thái dương bệnh; nếu đi từ dưới lên trên, đó là Dương minh bệnh; đi từ ngoài chạy vào trong, đó là Thiếu dương bệnh[26]

Chẩn đoán chứng hàn nhiệt vãng lai, có mạch gân đỏ từ trên chạy xuống đến đồng tử, nếu chỉ hiện có 1 đường thì sẽ chết sau 1 năm, nếu hiện lên 1 đường rưỡi, sẽ chết sau 1 năm rưỡi, nếu hiện lên 2 đường sẽ chết sau 2 năm, nếu hiện lên 2 đường rưỡi, sẽ chết sau 2 năm rưỡi, nếu hiện lên 3 đường, sẽ chết sau 3 năm[27].

Chẩn đoán về sâu đau răng, ta ấn lên con đường của kinh Dương minh, nếu mạch đi thái quá, đó là riêng kinh mạch bị nhiệt, nếu ở bên tả thì đó là bên tả bị nhiệt, nếu ở bên hữu thì bên hữu bị nhiệt, nếu ở trên thì trên bị nhiệt, nếu ở dưới thì bên dưới bị nhiệt[28].

Chẩn đoán các huyết mạch huyết lạc, nhiều mầu đỏ đó là nhiệt nhiều, nhiều mầu xanh đó là đau nhức nhiều, nhiều mầu đen đó là bị chứng Tý lâu ngày, nếu cùng lúc hiện lên nhiều mầu như nhiều đỏ, nhiều đen, nhiều xanh, đó là bệnh kiêm cả hàn nhiệt[29].

Thân mình đau, sắc mặt lại hơi vàng, men răng vàng, trên móng tay cũng hiện lên mầu vàng, đó là chứng hoàng đản, người bệnh hay thích nằm, tiểu tiện ra màu vàng pha đỏ, mạch tiểu mà sáp, không thèm ăn[30].

Có người bệnh, mạch Thốn khẩu nhịp đại tiểu giống với mạch Nhân nghênh, hoặc nhịp phù trầm cũng giống nhau, đó là bệnh khó trị khỏi[31].

Người con gái nếu phát hiện thấy mạch của thủ Thiếu âm Tâm động manch, đó là biểu hiện của sự mang thai[32].

Bệnh của trẻ con, tóc của chúng bị dựng ngược lên, phải chết[33]. Nếu bên tai có gân xanh nổi lên (làm cho thân mình hay tay chân, gân) bị đau buốt, đại tiện như tiêu chảy, tiêu ra phân như những hạt dưa đỏ, mạch tiểu, tay chân lạnh, bệnh này khó lành[34]. Khi nào tiêu chảy, mạch tiểu, tay chân ấm, chứng tiêu chảy sẽ dễ trị khỏi[35].

Sự biến hóa của khí hóa trong bốn mùa, sự tương thắng của hàn thử, khi Âm tiến đến cực thì biến thành Dương, khi Dương tiến đến cực thì biến thành Âm, cho nên Âm chủ về Hàn, Dương chủ về nhiệt, cho nên khi hàn thậm thì sẽ thành Nhiệt, Nhiệt thậm thì thành Hàn, Cho nên mới nói : Hàn sinh ra Nhiệt, Nhiệt sinh ra Hàn[36]. Đó là con đường biến hóa của Âm Dương, cho nên nói rằng : nếu mùa đông, bị thương bởi Hàn thì mùa xuân sinh ra bệnh tiêu chảy hoặc bệnh lỵ, mùa hạ bị thương bởi Phong thì mùa hạ sinh ra bệnh tiêu chảy hoặc bệnh lỵ, mùa hạ bị thương bởi Thử thì mùa Thu sinh ra bệnh sốt rét, mùa thu bị thương bởi Thấp thì mùa đông sinh ra bệnh ho, Đây là bệnh xảy ra thuận theo tứ thời vậy”[37].

Tác giả bài viết: Thiếu Phúc sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây