BẢN THẢO VẤN ĐÁP - Quyển thượng ( câu 1- 10 )

Thứ hai - 24/02/2014 17:53

.

.
1.Hỏi: Thuốc là các thứ sâu bọ, đất, đá, cỏ, cây, rễ, vỏ, đối với người là khác loài mà trị được bệnh của người, tại sao vậy ?
Đáp:Trời đất chỉ là hai khí âm dương lưu hành mà thành ngũ vận (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ), đối đãi nhau mà làm ra lục khí (Phong Hàn = Thử Thấp = Táo = Hoả). Người sinh ra gốc ở trời, gần với đất, tức là chịu ngũ vận lục khí của trời đất chi phối để sinh ngũ tạng lục phủ. Tuy với người khác nhau, nhưng không bên nào là không thụ khí của trời đất để sinh ra. Đặc biệt là vật thiên về một khí mà người thì được trọn vẹn khí của trời đất. Ví như, khí trong nhân thể, hơn kém nhau thì sinh ra bệnh tật, nên phải mượn dược vật thiên về một khí, để điều hoà sự hơn kém trong nhân thể, khiến cho trở lại hoà bình thì hết bệnh. Vì mượn Âm Dương ở dược vật để biến hoá Âm Dương ở Nhân thân, cho nên Thần Nông dùng thuốc để trị bệnh.
 
2.Hỏi: Thần Nông nếm thuốc, lấy ngũ vận lục khí của trời đất , phối với lục phủ ngũ tạng của người, phân biệt tính vị, để trị trăm bệnh, có thể nói rõ ràng tính vị. Gần đây phương pháp Tây y, hoàn toàn dựa vào mổ xẻ xem xét, nói người xưa ở Trung Quốc chưa thấy tạng phủ, phối hợp chuyện không có, không đủ bằng cớ, phải vậy chăng?.

Đáp: Không phải như vậy. Ngưòi Tây phương mới sáng lập phép làm thuốc cho nên phải mổ xẻ mới biết tạng phủ. Các vị thánh y xưa ở Trung Quốc định ra danh mục ngũ tạng lục phủ, rõ ràng sáng suốt, ngày nay cần gì dùng phép mổ xẻ lại nữa. Xưa Thần Nông sáng lập y dược, hoặc đã mỗ xẻ xem xét, hoặc Thánh Nhân thấy rõ ràng tạng phủ, không cần phải bàn. Nhưng định ra danh mục ngũ tạng lục phủ, mà có vật thật, chưa thấy tạng phủ không làm được như vậy. Sao nói rằng thánh nhân xưa chưa thấy tạng phủ?. Linh Khu Kinh nói : “Ngũ tạng lục phủ, có thể mổ xẻ mà xem”. Theo lời kinh ấy, thì biết thánh xưa đã mỗ xẻ xem xét rồi. Vả chăng người phương tây mổ xẻ xem xét chỉ biết từng lớp, mà không biết kinh, mạch, chỉ biết hình tích, mà không biết khí hoá. Đối với Trung y gần đây, trao qua đổi lại có chỗ ưu chỗ khuyết. Nếu so với bản Nội Kinh của thánh xưa, thì Tây y thua xa vậy.
 
3.Hỏi:Người Phương tây nói rằng họ dùng thuốc căn cứ thí nghiệm. ở Trung Quốc chỉ phân khí vị để phối với ngũ tạng, chưa được thí nghiệm, không bằng phương pháp của tây y. Có phải như vậy không?

Đáp: Ở Trung Quốc trải qua Thần Nông nếm thuốc định ra hình sắc khí vị, chủ trị tạng phủ bách bệnh, không sai một mảy may. Nói rằng nếm thuốc tức là thí nghiệm. Trải qua sự xác định của các bậc thánh nhân đã rõ ràng rồi. Đâu phải đợi đến ngày nay mới nói đến thí nghiệm.

4.Hỏi:Phép xác định thuốc, lấy hình sắc khí vị, phân biệt ngũ hành, phối hợp với tạng phủ, chủ trị bách bệnh, thật là đầu mối của dược lý. Hình với Lý phải tương cảm. Lại có khi không luận theo hình, sắc, khí, vị, ví như : hỗ phách hút hạt cải, đá nam châm hút kim, Dương khởi thạch bay lên được, rắn sợ rít, rít sợ cóc, cóc sợ rắn, khiếp sợ lẫn nhau, điều không theo hình sắc khí vị, tại sao ?.
 
Đáp: Đó là lấy tính để trị, xét định thuốc theo hình sắc, khí, vị, chính là để xét tính. Nếu biết rõ tính, thì cái lý về hình, sắc, khí, vị đã bao gồm trong đó rồi. Cho nên xét định thuốc, trước hết phải xét định tính. Như đá Nam Châm lâu ngày thì hoá thành, sắt tức là mẹ của sắt. Hút kim loại được vì cùng một khí thì tìm nhau (đồng khí tương cầu), con đến với mẹ. Lấy tính dược mà bàn, đá thuộc kim, mà sắt thuộc thuỷ. Đá Nam Châm gồm cả tính của Kim Thuỷ mà quy vào thận. Cho nên về chủ trị vào được trong Thận, hút được khí của phế kim để về cội. HỖ PHÁCH là nhựa thông vào đất mà hoá ra. Cây Thông là Dương thì nhựa nó cũng là Dương, tính hay nhớt dính. Lâu ngày hóa thành tính dính hút đông đặc, vì chất nước đặc cứng ở ngoài, phần Dương liễm vào ở trong, chà sát thì sinh nhiệt, Dương khí phát ra ở, ngoài, mà bản thể là dính hút, cho nên gặp hột cải thì hút; ngừng chà sát thì lạnh, Dương khí lại vô trong, mà tính thì thu hút, cho nên gặp hột cải thì hút.
Hồn của con người là Dương, chứa trong âm phận của Can Huyết, đối với Dương khí của Hỗ Phách, chứa trong âm phách chẵng khác nhau. Cho nên HỖ PHÁCH có công năng an hồn, định phách. Hoá học phương Tây nói rằng đá nam châm và Hỗ Phách bên trong có điện khí, cho nên hút được là do điện lực, có điện âm, có điện dương. Hễ một vật có điện dương gặp một vật có điện âm thì hút nhau. Vật có điện âm gặp vật có điện dương thì hút nhau. Nếu vật có điện âm gặp vật có điện âm thì đẩy nhau, vật có điện dương gặp vật có điện dương thì đẩy nhau. Bàn rất kỹ. Hỗ phách hút được hạt cải mà không hút được sắt; đá nam châm hút sắt mà không hút hạt cải vì điện lực không đồng. Người phương Tây đơn độc lấy khí luận, không như Trung Quốc lấy cả chất luận, thì lý rất rõ ràng. Chất của đá nam châm là sắt, cho nên đồng loại theo nhau mà hút sắt. Hỗ phách có chất nhớt dính, cho nên hút hạt cải. Xét định tính dược, cần xét định cả Thể và Dụng.
DƯƠNG KHỞI THẠCH sinh ở trong hang núi THÁI DƯƠNG là gốc của Vân mẫu Thạch. Núi này mùa đông không có tuyết, mùa hạ sinh mây phần Dương đi lên, hoặc vì theo hoả khí mà bay lên hoặc vì theo khí mặt trời mà bay lên. Hễ người mắc bệnh dương khí hạ hãm, liệt dương, dùng Dương Khởi Thạch để đưa khí dương lên, cũng là đúng theo ý nghĩa lấy dương giúp dương.
Rắn hình dài giống với Thủy khí, bò quanh theo Mộc khí, ở Thìn thuộc Tỵ (ở Thuỷ thuộc mộc). Theo tượng là phương Bắc, theo sau là Thương long đều thuộc về Trời. Biết là Rắn sinh ra bởi 2 khí Thủy Mộc.
Con Rít sinh ở phương Tây, trong đất khô ráo, mùi cay, là do khí táo Kim sinh ra. Rắn sợ Rít là vì Kim ức chế được Mộc. Rít sợ Cóc, là vì Cóc có tinh của Thuỷ sinh nơi ẩm thấp, thấp lấn táo, cho nên Rít sợ Cóc. Cóc sợ Rắn, lại vì Phong khí lấn Thấp khí nghĩa là Mộc khắc Thổ. Theo đó, thì hễ sợ nhau, chống nhau, lý do đều có thể tuỳ loài mà suy.

5.Hỏi:Vật đều có tính. Sở dĩ thành tính như vậy, tại sao?.

Đáp: Thành tính như vậy, do nơi sinh ra. Do nơi khí dương mà sinh ra thì tính dương; do nơi khí âm sinh ra thì tính âm; hoặc là do khí âm trong dương, đều thấy tính thành ra khác nhau. Còn trước sau cũng nguyên một vật, tuỳ theo hình sắc khí vị thay đổi, mà sau mới xét định được tính. Như NHÂN SÂM hoặc gọi là bổ Khí thuộc Dương, hoặc gọi là sinh Tân thuộc Âm, đó là chỉ thiên về khí, Vị, mà không xét đến lý: do đâu sinh ra, nên không xét định được tính. Tôi (ĐƯỜNG TÔN HẢI) từng hỏi người QUAN ĐÔNG và một người bạn ĐÀO THỨ NGÔ đi chơi Liêu Đông về, nói rất rõ ràng, đối với sự ghi chép trong CƯƠNG MỤC rằng không khác. Bài ca về NHÂN SÂM ghi trong BẢN THẢO:
Ba nhánh năm lá,
Như tôi đến cầu
Lưng dương hướng âm,
Rừng cây tương tầm !
Tôi nghe mấy người cũng nói: NHÂN SÂM sinh ở Liêu Đông, nơi rừng cây ẩm thấp, nếu có người trồng cũng phải trồng ở trong rừng ẩm. Vì mọc nơi ẩm thấp, thấm nhuần khí âm thuỷ nên mùi vị đắng ngọt mà có chất nước, phát ra ba nhánh năm lá, tức là số dương; mầm móng đó ở trong nơi ẩm thấp sinh ra, là từ âm sinh dương, cho nên trong âm vị ngọt đắng, có lúc sinh nhiều khí Dương, Nguyên khí trong thân thể con ngườitừ trong thận thuỷ thông đạt lên Phế, sinh ở nơi âm mà xuất hiện nơi dương. Đồng một lý với NHÂN SÂM, cũng là do Am mà sinh Dương. Vì vậy Nhân sâm cũng có công năng hoá khí. Khí hoá ra thì đi lên, ra ở miệng mũi, tức là tân dịch. Nhân Sâm sinh Tân Dịch là theo lý đó, chứ không phải theo mùi vị mà thôi đâu. Nhưng bàn theo khí,vị, thì trong mùi ngọt đắng có phát sinh ra khí, cũng chỉ là khí dương sinh ra do nơi âm.
 
6.Hỏi:NHÂN SÂM không sinh ở Đông Nam, mà sinh ở phương Bắc. ngày xưa sinh ở Thượng Đắng. ngày nay sinh ở Liêu Đông, Cao Ly đều là phương Bắc. Tại sao vậy ?
 
 Đáp: Đó chính là cái lý về nơi sinh sản của Nhân sâm. Không xét đến chổ này thì khó hiểu được chân tính của nó. Vì phương Bắc thuộc Thuỷ, theo quẻ Khảm, quẻ Khảm phía ngoài là Âm, trong là Dương, Nhân sâm sinh ở phương Bắc, chính là Dương ở trong Âm. Quẻ Khảm là Thuỷ, khí Thiên Dương đều ở trong Thuỷ phát ra; xem như người phương Tây dùng lửa nấu nước là nơi phát ra; hơi lan tràn ra gặp vật lại hoá ra nước, khi biết nước là mẹ của khí. Khí từ ở nước sinh ra. Trong nhân thể, Thận và Bàng quang thuộc Thuỷ; trong Thuỷ có dương hoá khí đi lên, ra miệng mũi, làm ra hô hấp, tràn ra lông da thành Vệ khí; đó là do Dương trong Thận và Bàng quang hoá khí mà tràn kháp cả.Cho nên Nội Kinh nói: chức năng của Bàng quang là chứa nước, khí hoá phát xuất ở đó (Châu Đô chi quan, khí hoá xuất yên ). Đó cũng là đồng một lý với Thuỷ theo Trời Đất có Dương, hoá làm khí để bủa khắp vạn vật. Theo Ngũ Hành Thuỷ thuộc phương Bắc, Nhân sâm sinh ở phương Bắc, có dương khí trong thuỷ cho nên hợp với khí hoá của người; vì vậy có công đại bổ khí. Không riêng gì Nhân sâm, mỗi thứ thuốc đều xét nơi sinh ra mà sau mới biết được tính. Như sinh ra ở phương bắc, có thứ thuốc Dương ở trong Âm, thì biết là sinh ở phương Nam có thứ thuốc Âm ở trong Dương, như Châu sa. Nhân sâm là Dương thuộc Thuỷ, Châu sa là Âm thuộc Hoả. Châu sa sinh ở Thần Châu, gọi là Thần sa. Người đời dùng hai thứ Lưu hoàng, Thuỷ ngân nấu luyện biến thành màu đỏ, để giả làm Thần sa. Lại có Linh sa, cũng dùng hai thứ luyện thành, gọi là Nhị Khí Sa; đều gọi là có công năng bổ Thuỷ bổ Hoả, vẫn là theo phép của Bảo Phác Tử (1). Vì Bảo Phát Tử luyện Châu sa uống mà thành Tiên. Người sau noi theo, mãi đến nay.
 Còn có hai thứ thuốc Thần sa, Linh sa, đều dùng hai thứ Lưu hoàng, Thuỷ ngân luyện thành. Thuỷ ngân là thứ Âm trấp trong đá, Lưu hoàng là thứ dương trấp trong đá, hợp lại mà luyện âm của Thuỷ ngân biến thành Dương, màu sắc đỏ, giống với sắc của Châu sa, nhưng lại do người chế ra Âm trở thành Dương, tức là hết Âm, mà còn một mình Dương, lại có chất độc của hoả luyện dùng để trợ bổ Âm ích Dương thì không được, không bằng Châu sa thiên nhiên hun đúc trong Dương có Âm, phô bày Hoả sắc ra ngoài, chứa Âm thuỷ ở trong.
 Làm ra Linh sa, Thần sa phải dùng Lưu hoàng, Thuỷ ngân hai thứ luyện chung, biến ra màu đỏ, thì biết Châu sa cũng có tính của Lưu hoàng và Thuỷ ngân hợp lại, để biến thành màu đỏ thuần tuý. Nhưng Châu sa là khí Âm Dương của trời đất tự nhiên hun đúc, không mượn sức lửa, hết sức thần diệu. Không thể lấy Thủy ngân, Lưu hoàng mà bì với Châu sa này được. Châu sa có thủy khí ở trong hỏa thể, cho nên vào được Tâm, bổ Âm để an thần. Lại phép lấy Thủy ngân, đem Châu sa đốt thì Thủy ngân chảy ra. Cặn cáu đã đốt không dùng được, vì Thủy ngân thuộc Âm đã chảy ra rồi, không có Âm trong Dương nữa. Thủy ngân có độc, tích Âm mà không Dương. Cần hợp Lưu hoàng, Thủy ngân để làm Linh sa, Thần sa không phải tính chất trong Dương có Âm. Phân Thủy ngân, cặn cáu ra làm 2 thứ thì Âm Dương rất khác nhau, đều không phải bản tính của Châu sa. Chỉ có trời đất phương nam là ly hỏa, tự nhiên hun đúc thành Châu sa, ngoài có hỏa sắc, trong chứa Âm thủy, hợp với quẻ ly, có hình tượng ngoài Dương trong Âm, là thủy của quẻ khảm, Châu sa có màu sắc của hoả mà trong chứa Thủy ngân, tức là hình tượng ly hoả trong chứa khảm thủy. Cho nên bổ được thủy của khảm, để bù vào ly cung dưỡng huyết an thần là số một. Do đó có thể so sánh với Nhân sâm. Nhân sâm chứa Dương trong thủy nên bổ khí, Châu sa chứa Âm trong hoả nên bổ huyết. Một thứ sinh ở phương Bắc, một thứ sinh ở phương Nam. Dựa trên hai thứ đó thì biết được cái lý của nam bắc,thuỷ hoả, âm dương, khí huyết. Về nam bắc, thủy hỏa tuy không phải hẳn như vậy, xét ra điều có chỗ tuỳ thuộc. Cho nên phương bắc thuộc thủy, sinh nhiều thứ thuốc về khí phần, như hoàng kỳ. Phương nam thuộc hoả, sinh nhiều thứ thuốc về huyết phần, như Nhục quế.
 
7.Hỏi: Hoàng kỳ sinh ở Hán-trung (1), hoặc ở Cam túc, hoặc ở Sơn tây, hoặc ở Bắc khẩu ngoại (2), nay tóm lại ở bắc phương mà luận, có đúng lý không?
Hán trung:xưa là một phủ nước Sở chiếm thời Chiến quốc, đời Minh Thanh xếp một phủ của Thiểm Tây, đời Quốc dân đãng gọi huyện Nam Trịnh.
Bắc khẩu ngoại: cửa ải ở tỉnh Trực Lệ thông ra biên giới phía bắc Trung Quốc.

 
Đáp: Tuy không hẳn ở phương bắc, nhưng về tính, sinh ra đều chứa dương khí trong thuỷ của bắc phương. Lấy phương bắc để lập luận, là nêu chỗ đắc khí tốt mà nói. Cho nên Hoàng kỳ lấy thứ sinh ở phương bắc làm tốt. Vì dương khí của trời đất, đều do nước ở dưới lòng đất, thấu ra mặt đất bay lên trời làm mây làm mù sương lan tràn ra vật làm mưa móc, ở người làm hô hấp, chỉ là khí trong nước mà thôi.
Dương khí của con người, thì từ Khí hải của Thận và Bàng quang mà phát xuất, theo Tam tiêu, màng mỡ đi lên, đến Phế làm hô hấp, tràn ra lông da làm vệ khí, cũng là khí trong nước mà thôi.
Trong ngũ hành, thủy thịnh ở phương bắc, cho nên thuốc bổ khí đều lấy thứ sinh ra ở phương bắc là tốt, Hoàng kỳ sinh ở Hán trung Cam túc, rễ và thân cây đầy đặc, khí không nhiều mà lỗ trống ít. Hoàng kỳ ở Sơn tây, thân cây rỗng xốp, khí được nhiều, trong có lổ thông khí, mà rỗng xốp chưa bằng thứ sinh ở bắc khẩu ngoại, thân cây rất xốp, lỗ thông thủy khí lại lớn, cho nên biết là khí nhiều. Vì Hoàng kỳ rễ dài mấy thước, ăn sâu dưới đất, hút dẫn nước dưới lòng đất, đem lên sinh ra mầm lá. Khí tức là thủy, dẫn thủy tức là dẫn khí. Rễ rỗng xốp, lỗ trống lớn, dẫn thủy khí rất nhiều, cho nên khí thịnh mà bổ khí.
Trong nhân thể, khí sinh ở Thận, từ Khí-hải theo màng mỡ đi lên đến miệng mũi. Đối với khí của Hoàng-kỳ, do lỗ xốp đi lên đến mầm lá không khác. Lỗ xốp của Hoàng-kỳ, tượng màng mỡ trong thân thể, cũng có lỗ xốp thông thủy màng mỡ là Tam-tiêu, có công năng thấu suốt từ ngoài đến trong, đều lấy ý nghĩa Hoàng kỳ theo màng mỡ đi lên, thông ra ngoài. Hoàng-kỳ tía đen ngoài da xen lẫn sắc của Thủy Hoả, vì chứa dương khí trong Thủy, cho nên xen lẫn sắc của Thủy Hoả. Tam-tiêu là tướng Hỏa, dương ở trong Thủy, gọi là Thiếu dương. Hoàng kỳ thông ở giữa, tượng Tam tiêu, dẫn khí của Thuỷ lên sinh mầm lá, là chứa dương trong Thủy mà sinh nên có xen lẫn màu Thủy Hỏa, là thứ thuốc hay của Tam-tiêu. Về khí thì như thế, còn về nhục thì sắc vàng vị ngọt, là sắc vị của Thổ. Hoàng kỳ vào sâu trong đất lại được dồi dào Thổ khí, vì vậy Hoàng kỳ lại đại bổ Tỳ. Người đời nay không biết màng mỡ trong thân thể là Tam tiêu, lại không biết lớp mỡ chài chằng chịt là vật của Tỳ, không biết màng mỡ liền nhau, lại đâu biết Hoàng kỳ bổ Tỳ Thổ, thông đến Tam tiêu. Hiểu được mỡ chài chằng chịt là Tam tiêu, lớp mỡ ấy là thuộc Tỳ thổ, thì hiểu được cái lý Hoàng kỳ vào Tỳ kinh, thông đến Tam tiêu.
 
 
8.Hỏi: Nhục-quế sinh ở phương nam, thấm nhiều hoả số 2 của đất, vào huyết phận là tất nhiên. Trong thận khí hoàn Trọng Cảnh lại dùng để hoá khí, mà không phải dùng hoá huyết, như vậy là thế nào?
 
Đáp: Huyết không cókhí thì không lưu hành, khí không có huyết thì không chỗ dựa. Khí huyết không phải chia lìa thành hai thứ. Trọng Cảnh dùng để hoá khí là khéo dùng, không phải bản tính của Nhục-quế. Khí của nhân thân, sinh ở nhất dương trong Thận, nhờ lỗ mũi hít khí trời (thiên dương), qua Tâm hệ, dẫn Tâm Hỏa xuống giao với Thận, rồi làm cho Thận Thủy bốc hơi hóa khí bốc lên ra ở miệng mũi, Thận khí hoàn của Trọng Cảnh dùng nhiều Địa-hoàng, Sơn-dược, Đan-bì, Sơn-thù-du để sinh Thủy: dùng Linh, Trạch để lợi Thủy, rồi dùng Quế, để dẫn Tâm hỏa xuống giao với Thận, dùng Phụ-tử để phấn chấn thận dương làm bốc khí. Nhục-quế hóa khí được là như vậy. Đó là Trọng-cảnh khéo dùng Nhục quế, không phải Nhục-quế tự nó hóa khí được. Nếu đơn thuần dùng Nhục-quế, hợp với thuốc huyết phận, thì phần nhiều chạy vào huyết phần, không phải là thuốc của khí phần. Còn như Quế-chi, sắc đỏ vị cay cũng vào Tâm, Can, là thuốc của huyết phần. Mà Ngũ-linh tán, Quế-Linh-Cam-thảo ngũ vị thang, đều dùng để vào Bàng-quang hóa khí. Không phải Quế-chi tự nó hóa khí được, nhờ Linh, Trạch lợi Thủy, dẫn Quế-chi vào trong Thuỷ, để hóa Thủy làm khí. Đối với sự dùng Nhục-quế trong Thận-khí hoàn ý nghĩa giống nhau. Không thể nói đơn độc Quế-chi hóa khí được. Còn như Hoàng-kỳ-ngũ-vật thang trị huyết tý, Đương-quy tứ nghịch thang trị mình đau, đều dùng Quế-chi ôn thông huyết mạch. Biết là tâm hỏa sinh huyết. Hễ thấm nhuần hỏa khí, thì vào huyết phần, là lý nhất định.

9. Hỏi: Vào khí phận, vào huyết phận, chưa rõ được lý, xin nói lại?.

Đáp: Thấm nhuần thiên thuỷ mà sinh ra vào khí phần. Thấm nhuần Địa hoả mà sinh ra vào huyết phần. Khí gốc ở trời, Vị gốc ở đất; Khí dày thì vào khí phần; Vị đậm thì vào huyết phần. vào khí phận thì chạy đến thanh khiếu; vào huyết phận thì chạy đến trọc khiếu. Cũng như Tỏi (Đại-toán), khí nồng nặc cho nên khi vào khí phần, chạy đến thanh khiếu, lên trên làm cho mắt cay, mà xuống dưới làm cho nước tiểu hôi. Hồ-tiêu vị đậm, cho nên vào huyết phận, chạy đến trọc khiếu, ở trên làm cho miệng lưỡi dộp lở, ở dưới làm cho đại tiện rát đau, xem hai thứ ấy, thì biết cách biện luận vào khí phần, vào huyết phận. Vì được khí của Thiên Thuỷ mà sinh, vào khí phần NHÂN SÂM, HOÀNG KỲ là rất rõ ràng. Ngoài ra, như TRẠCH TẢ, DĨ NHÂN sinh ra ở Thủy mà lợi thuỷ; Hai vật đó giống nahu mà có khác. DĨ NHÂN sinh ở trên thân cây, thì hóa khí đi xuống, dẫn phế dương để thông xuống dưới; TRẠCH TẢ sinh ở dưới rễ, thì hoá khí đi lên, dẫn Thân âm thông với ở trên. HOA BÁCH HỢP úp xuống như trên trời rủ xuống, TOÀN PHÚC HOA hút sương mà sinh, gốc ở thanh khí của trời cho nên đều vào khí phận để liễm phế giáng khí. CHUNG NHŨ THẠCH, rủ xuống tượng trời, đá lại là thể của kim, cho nên chủ đưa phế khí xuống. TẮC KÈ sinh ở trong đá, được khí của kim thuỷ, cho nên thấm nhần phế kim, chuyên về lợi thủy, định suyễn; vì Thuỷ lưu hành thì khí hoá không có đàn ẩm ngăn cản, cho nên suyễn tự dừng. MẠCH MÔN, THIÊN MÔN, thấm nhuần Âm Thủy, đều nhuần tưới được phế để thanh khí phận. RỒNG là vật dương trong Thuỷ, người ta dùng LONG CỐT, là thứ đá ở trong đất không phải thuỷ tộc; nhưng đã thành hình rồng, thì gốc ở Dương khí của Thiên thủy sinh ra (thiên nhất thuỷ); đã thành hình rồng, lại không bay, mượn đá làm chất ẩn nấp ở trong đất, là nên chìm vào Phục khí, thu liễm tâm thần, đều dùng ý nghiã nạp khí. PHỤC LINH là nhựa của cây thông đọng lại ở rễ mà sinh ra, là Dương của trời, từ dưới trở lại trên. Dưới có Phục linh, Tùng ở trên chót, mầm mống của Phục linh gọi là UY HỈ CHI. Phục linh ở trong đất, khi lên ứng với mầm, được tính chất của Tùng thì có Mộc tính, có thể sơ thổ làm chất ngưng Thổ vị nhạt; sắc trắng, chủ thấm lợi, làm cho Thủy lưu hành. Khí không liên tiếp nhau, đi lên ứng với mầm, cho nên hoá được khí đi lên, mà bổ khí. Người phương Tây lấy Tùng hương (nhựa thông) chà xát thì phát điện khí, gọi trong Tùng Hương có nhiều điện khí. TÙNG HƯƠNG chìm vào trong đất, biến ra Phục linh, trong có điện khí, khí đó đi lên ứng với mầm, cũng như dây điện thông suốt nhau mà thôi. Người phương Tây gọi là điện khí, Trung Quốc chỉ gọi là Dương khí. TÙNG CHỈ (nhựa thông) thấm nhuần tính của Dương, chìm vào trong đất hoá ra Phục linh. Dương khí phát ra, tưới rót xa xôi để sinh UY HỈ CHI; không phải khí hoá mạnh, làm sao được như vậy? Khí trong thân thể, nhất Dương trong Thủy hoá ra; chất của Phục linh thấm vào làm cho Thủy lưu hành, mà khí đương được giúp đỡ để hoá sinh, vì vậy PHỤC LINH là thuốc cần yếu để hoá khí hành thuỷ.
 Phần biện luận trên đây, đều là được Dương của Thiên thủy sinh ra, cho nên đều vào khí phần. Còn các thứ vào huyết phận nhận định phải được vị của Địa Hoả sinh ra, như ĐƯƠNG QUI; XUYÊN KHUNG. Vì huyết trong thân thể là do chất nước ở dạ dày, được Tâm hoả hoá màu đỏ thành huyết. Hoá ra huyết rồi; tràn vào mạch, chuyển đến Bào cung, do Can quản lý. Cho nên các thứ thuốc vào huyết phận đều được Vị khí của Địa hoả và đi vào Can mộc. ĐƯƠNG QUI cay đắng, là được vị của Địa hoả; khí hơi ấm , được tính của Mộc, mà chất lại trơn nhuận được sự ẩm ướt của đất; cho nên hoá được chất nước, giúp cho Tâm sinh huyết để lưu hành đến Can. Trong Bản thảo, chỗ ghi riêng có nói : ĐƯƠNG QUI, cay ấm quá, hành huyết thì thừa, sinh huyết thì không đủ. Không biết rằng huyết trong thân thể, là do Trung tiêu được khí, lấy chất nước đưa lên Phế họ, vào Tâm nhờ Tâm hoả biến hoá ra màu đỏ mà thành huyết. TÂY Y nói chất nước của đồ ăn uống lên phế, đến hội quản ở cổ thành ra màu đỏ, xuống vào buồng Tâm. So với thuyết này cũng thấy nhờ Tâm hoả biến hoá mà thành huyết. Nội kinh nói Tâm huyết là như thế. ĐƯƠNG QUI cay đắng, khí ấm nóng, chính là để làm cho Tâm hoả biến hoá, lấy chỗ trơn nhuần sinh chất nước, lấy chỗ cay ấm giúp Tâm hoả hoá sinh. Về công năng sinh huyết, không có thứ thuốc đặc hiệu nào khác có thể sánh được. Phương hoà huyết của Trọng Cảnh, không ngoài ÔN KINH THANG; phương thuốc SINH HUYẾT, không ngoài PHỤC MẠCH THANG. Ôn kinh thang: cay ấm giáng lợi, đồng công năng với XUYÊN KHUNG Phục mạch thang cay ấm tươi nhuận, đồng công năng với ĐƯƠNG QUI. Biết Tâm hoả biến hoá chất dịch thành huyết, thì biết Phục mạch thang sinh huyết, và biết Đương qui là thuốc sinh huyết.
XUYÊN KHUNG vị rất cay đắng, được tính rất nóng của Mộc Hoả; chất không nhu nhuận; tính chuyên tẩu tán; cho nên chuyên chủ lâm huyết của TâmCan lưu hành. Đắng là vị của hoả; đắng mà thêm cay, thì tính ấm có công năng sinh huyết. Nếu chỉ đắng mà không cay, thì tính mát, mà chuyên chủ tiết huyết.
HỒNG HOA sắc đỏ tự nó vào huyết phận, mà đắng thì có công năng tiết huyết. Vả lại tính của hoa đều nhẹ nhàng, đi lên ra ngoài, cho nên HỒNG HOA tiết huyết ở ngoài, ở trên cửa cơ phu mạch lạc.
ĐAN BÌ về sắc vị cũng cùng loại với Hồng hoa mà tính của rễ thông xuống, không giống với hoa cho nên chủ ở trong, và tiết huyết của Trung hạ tiêu.
ĐÀO HOA đỏ mà nhân vị đắng, đều được tính và vị của Địa hoả. Nhân (hột) lại có sinh khí cho nên ĐÀO NHÂN có công năng phá huyết, cũng có công năng sinh huyết, THUYẾN THẢO sắc đỏ, vị đắng, rễ rất dài; cho nên sức đi xuống rất mạnh, chuyên về giáng tiết hành huyết. 

10. Hỏi: Đắng được hỏa vị, vào tâm để thanh hỏa tiết huyết, có thể biết được lý. nhưng các thứ có vị cay là được vị của phế kim, mà cũng vào được huyết phận, như nhục quế, quế chi,tử tô, kinh giới như thế là thế nào?

Đáp: Hễ thuốc được vị chua, đều được tính kim thâu (thâu liễm); được vị cay, đều được tính mộc ôn (mộc làm ấm) đó là lý tương phản, tương thành của ngũ hành. tâm hỏa sinh huyết, nhờ cậy nhiều vào can mộc sinh hỏa; như thế có nghĩa là con hư thì bổ mẹ. cho nên ôn can tức là ôn tâm. Nhục quế rất cay thì ấm nhiều, tuy được kim vị (vị của kim) mà thành ra tính của mộc hỏa, cho nên chủ vào huyết phần của tâm can, để giúp huyết hóa sinh QUẾ BÌ rất có công năng đi lên; Phục mạch thang của Trọng Cảnh dùng QUẾ CHI vào Tâm giúp hỏa để hóa huyết. Tính của VIỄN CHÍ cũng giống quế chi, nhưng quế chi thông ra bốn bên, Viễn Chí là chất rễ lại rất nhỏ, chủ vào Tâm kinh, để tán cái huyết trệ trong Tâm mà thôi. Chẵng những cỏ cây thuộc hỏa vị vào huyết phận; lại như mã (ngựa) là hỏa là loại (thú nuôi thuộc hỏa), cho nên MÃ THÔNG cũng có công năng giáng Hỏa để hành huyết; TÁO NHÂN thấm đượm sắc đỏ của hỏa, cho nên cũng vào Tâm dưỡng huyết. Tóm lại huyết sinh ở Tâm, hễ được tính vị của địa Hỏa đều vào huyết phận. 

 

Tác giả bài viết: sưu tầm

Nguồn tin: yduochoc.vn

 Từ khóa: bản thảo, vấn đáp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây