Các Vũng Dông, Vũng Mắm, Vũng Chào, Vũng La, Vũng Sứ thuộc thôn Phú Mỹ, Dân Phú 1 và Dân Phú 2 xã Xuân Phương. Từ đèo Nại, một dãy núi chạy xuống phía Đông bao bọc vịnh Xuân Đài. Bờ vịnh do ảnh hưởng của dãy núi nên chỗ thì nhô ra, chỗ lại trũng lõm vào, tạo thành 5 cái vũng. Tên của từng vũng đều có ý nghĩa riêng biệt:
- Vũng Mắm: có lẽ thuở trước dân ở vùng này đa số làm nghề mắm để làm kế sinh sống. Có thuyết cho rằng nơi đây có cây Mắm.
- Vũng Dông: trước kia là một gò cát pha, giống Dông thường làm hang cư trú, cư dân thường làm bẫy bắt để dùng làm thức ăn cho gia đình và bán lại cho khách. Cũng có thuyết cho rằng nơi đây có cây Dông.
- Vũng Chào: Dân vùng này làm nghề lưới cản, thường được các loại cá to như : cá bò, cá ngừ. Mỗi khi bắt được nhiều cá, ghe buồm từ các nơi đến mua đem bán nơi xa, người dân phải tiếp đón lái buôn với thái độ niềm nở chào mời.
- Vũng La: nằm ở phía biển Nam Hải, có hai mỏm núi nhô ra nên cá thường vào ẩn núp. Mỗi lần có mẻ cá dạt vào ngư dân hô hoán la to, báo hiệu cùng nhau đem thuyền lưới ra bắt, lệ ấy thành quen. Trước đây Vũng La như một ốc đảo, những hôm mưa to gió lớn vì đường bộ thì không có lối đến, còn đường biển thì không dám vượt qua vì thuyền ghe nhỏ bé không đủ sức di chuyển. Trước kia Vũng La có chừng vài chục mái lều của ngư dân tạm trú. Năm 1993 có 70 hộ gia đình. Ngày nay đến Vũng La dễ dàng bằng ô tô các loại vì đường qua đèo được mở ra thuận tiện cho việc lưu thông. Con đường từ Trung Trinh đến Vũng La dài 14,5km, năm 1999 có độ 160 hộ ngư dân với 1200 lồng nuôi tôm hùm, đời sống ngày càng khá hơn.
( Theo Google map - internet)
Vịnh hẹp chiều ngang, nhà ở của dân chạy rất dài theo bờ vịnh. Dọc bờ vịnh có trồng nhiều dừa, dừa tỏa bóng mát ra tận bờ vịnh.
Đầu thôn Phú Mỹ là Đá Tượng, rồi xuống Vũng Mắm, Vũng Dông. Đầu thôn Dân Phú 1 là Vũng Chào, tiếp nữa là Vũng Sứ. Vũng La nằm ở thôn Dân Phú 2. Hiện nay dân ở các vũng đều làm nghề nuôi tôm hùm là chính, một số ruộng làm lúa, số ít đất thổ trồng sắn nước, đời sống vật chất và tinh thần ở mức độ thấp.
Để nuôi tôm hùm, ngư dân dùng sắt đóng một cái khung, mỗi cạnh từ 2m đến 3 m, xung quanh bao bằng lưới ni lông, lưới dày dùng để nuôi tôm nhỏ. Thời gian sau tôm lớn được sang qua lồng có lưới thưa hơn. Người ta thả tôm vào lồng rồi đặt xuống nước. Mỗi khu vực thả tôm của mỗi hộ gia đình đều có cất chòi. Người nuôi tôm có chỗ nghỉ ngơi và theo dõi việc cho tôm ăn cũng như coi giữ kẻ gian. Nuôi tôm hùm xuất khẩu hiệu quả cao nên đời sống ngư dân vùng này tương đối thư thả nhưng đời sống tinh thần còn nhiều hạn chế.
Từ Dốc Găng đi Vũng La chừng hai cây số, đèo cao, có nhiều «cua » ( khúc quanh) nguy hiểm. Cư dân Vũng la ở tập trung trên bờ. Nơi này thiếu nước ngọt vì núi ở đây không có cây cối, chỉ gai góc nhiều.
Phía Bắc Vũng la có bãi cát nằm sâu vào khoảng giữa hai hòn núi nhô ra, từ mỏm núi này đến mỏm núi kia dài chừng 600m. Bãi cát này có tên là Bãi Ôm, nơi Bãi Ôm không có nhà cửa, vắng vẻ chỉ nghe tiếng sóng vỗ quanh năm.
Bãi Ôm - Sông Cầu - Phú Yên Tương truyền ngày trước có nhiều đôi trai gái đưa nhau đến bãi này vui sống tự nhiên, nếu đôi nào còn giữ theo lễ giáo ắt bị trời đánh. Cũng theo truyền thuyết, đây là nơi trú ẩn một thời gian của nhân vật huyền thoại có sức mạnh : Chàng Lía. Một giai thoại nữa về Nguyễn Ánh dừng quân ở đây, nhìn núi non hùng vĩ ông đã « giậm non thề biển » nếu còn chân mạng đế vương thì xin trời đất, thánh thần chứng giám. Ông giậm bàn chân phải xuống ngay tảng đá làm tảng đá lõm sâu dấu chân ông. Ngày nay, dấu bàn chân ấy vẫn còn lưu trên một tảng đá ở Vũng La.
Ở đây còn lưu truyền câu chuyện Gành Tướng, Vũng Me. Vào ngày mùng hai Tết năm ấy là ngày kỵ Hà Bá, ông của anh ta đi đánh chài vào lúc chiều tối, ông phát hiện hai ông lão râu tóc bạc phơ, tướng mạo phương phi đang đánh cờ trên gành đá, ông hốt hoảng buông tay chài, hai ông lão nhìn ông và nói : « Ta là thiên tướng nhà trời, thấy phong cảnh hữu tình nên xuống đánh cờ, ngươi đã trông thấy thì không được kể với bất cứ ai, ta sẽ cho ngươi sống đến trăm tuổi, nếu kể ắt phải chết » rồi biến mất. Mãi đến năm ông chín mươi mốt tuổi, nhân dịp cúng lăng, ông vô tình kể lại câu chuyện đã bốn mươi năm qua. Đêm ấy, trong giấc ngủ chập chờn, hai thiên tướng đã xuất hiện rồi báo ông đã phạm lời nguyền. Ông tỉnh giấc gọi con chấu kể lại giấc mơ rồi nhắm mắt ra đi. Ngày nay, trên tảng đá to của gành vẫn còn hình dấu bàn cờ. ( Người sưu tập : Nguyễn Thành Đô).