Ý NGHĨA CỦA ĐỊA DANH QUA TỤC NGỮ CA DAO PHÚ YÊN

Chủ nhật - 27/04/2014 23:30
Quê Tuy Hòa có hòn Nhạn Tháp - Chốn Sông Cầu dừa mát bóng râm - Phú Yên lắm cảnh danh lam - Sơn Hòa có suối, Đồng Xuân có rừng - Tuy An nước lặng mây dừng - Đất rừng màu mỡ nên xuân xứ này. PHÚC TÂM ĐƯỜNG xin giới thiệu đến các bạn một tác phẩm của Thầy Nguyễn Đình Chúc đã dày công tìm hiểu và nghiên cứu địa danh vùng đất " Xứ Nẫu" qua tục ngữ,ca dao
.
.
     Phú An trên Hồng Đức bản đồ với ý nghĩa là giàu có yên vui. Đó là khát vọng của tiền nhân những ngày mở đất, bởi khi vượt Cù Mông biết bao gian khó núi cao, dốc ngược, hố sâu. Những địa danh buổi đầu như nói lên chặng đường hiểm nguy mà 400 năm sau đi lại cũng phải khó khăn. Những tên đèo: Chùm gởi, Dốc Quít, Dốc Găng … những Lỗ Râm ( thôn Lãnh Tú ngày nay), Đồng Cỏ ( Lãnh Cao) và Sân Cu ( thôn Lãnh Trường, Soi Nga ngày nay) là cả một vùng núi cao, rừng rậm, ở cực Bắc của tỉnh. Đây là vùng đất có lịch sử rất sớm vào khoảng cuối thế kỷ XV, nhưng là vùng đất hoang vu. Mãi đến thế kỷ XVII chủ sự Văn Phong dẹp yên các cuộc nổi loạn của người Chăm, lập thành phủ Phú Yên. Những địa danh Đất Đồn – nơi trại lính của Chúa Nguyễn và phường Bà Lãnh – người đàn bà không rõ tên họ đã chiêu tập lưu dân và trông coi binh lính ( lãnh binh), khai phá vùng núi rừng lập lên phường ấy. Xa hơn nữa về phia Nam vùng châu thổ sông Cái là cánh đồng “ Ông Tài”- người có công khai phá buổi đầu mà lưu dân ngày cũ thương nhớ đã đặt tên.
     Vượt đèo Quán Cau và dốc Bà Ền vào khẩn hoang vùng Đà Diễn, nơi rừng hoang, đầm ao sình lội. Nhiều địa danh cho ta thấy hình ảnh thế đất buổi đầu như Bờ Đắp, Sơn Triều ở Hòa Kiến, Gành Đá, Gành Bà ở Hòa Thắng, Hòa Phong hoặc vùng rừng núi Hạnh Lâm, Nho Lâm, Đồng Lâm …bên tả ngạn sông Ba và Phú Lâm, Hoành Lâm ( Rừng Ngang), Uất Lâm, Thọ Lâm hay Đồng Lau, Đồng Cọ, Bàu Đá, Hóc Nhum bên hữu ngạn sông Đà Rằng, chứng tỏ biển và rừng chế ngự cả một vùng rộng lớn mà khi phục hóa có đến 2 vạn héc-ta.
     Ông cha ta với những dụng cụ thô sơ buổi đầu đã biến vùng đất hoang vu thành đất ruộng rồi đưa dân đến cày cấy lập làng, ước ao cuộc sống no đủ. Họ đạt tên làng bắt đầu bằng chữ Phú, chữ An. Vô số làng có tên như Phú Lộc, Phú Nhiêu, Phú Đăng, Phú diễn, Phú Cốc, Phú Điền… nay là vùng đất Tuy Hòa. Nếu tính cả tỉnh có 176 làng lúc bấy giờ đã có 32 làng có tên bắt đầu bằng chữ Phú và 16 làng có tên bắt đầu bằng chữ An. Ở tỉnh Bình Định trong tổng số 676 làng thì tên bắt đầu bằng chữ An nhiều nhất là 54, còn chữ Phú thì chỉ có 40 (*)
(*) Theo Địa bạ triều Nguyễn của Nguyễn Đình Đầu, sđd)
     Về sau số làng ở Phú Yên có tên chữ Phú tăng thêm vì tên cũ nôm na nên đổi tên mới gốc Hán như thôn Mái Nhà thành thôn Phú Ốc, Quán Mới thành Phú Tân.
     Địa danh được nhắc đến như là tình cảm của lưu dân khi nhớ về quê cũ, nơi tổ tiên cha ông yên nghĩ và nơi bản thân mình đã chung sống một khoảng đời. Họ dùng tên làng cũ đặt cho vùng đất mới như thể hiện tình cảm của người đi xa luôn nhớ về quê hương và tên làng xã quen thuộc thường xuyên hiện diện ví như Phú Lộc, Vân Hòa ở huyện Phú Vang và Nam Đông của Thừa Thiên lại có ở Phú Yên.
     Địa danh còn ca ngợi cảnh đẹp quê hương gắn liền với cuộc sống. Cảnh đẹp ở Tuy Phong ( say gió?) ven bờ biển cát giáp ranh với Qui Nhơn, núi đồi ra tận biển tạo ra những vũng kín tiếp nối nhau che chắn ngư thuyền đánh bắt hải sản vào mùa biển động.
Vũng Dông, Vũng Mắm, Vũng Chào,
Vũng La, Vũng Sứ vũng nào cũng thương.
     Và hình ảnh:
Ngó lên Mỹ Thạnh cảnh tiên,
Cảnh tiên không thấy, thấy duyên của mình.
     Hay:
Muốn qua Soi Bún ăn dưa
Sợ e Soi Bún đãi đưa nhiều lời.
     Đó chỉ là cách nói hình ảnh, mượn thiên nhiên để gửi gắm tâm sự, và cũng là cái cớ để thăm dò tình cảm một cách kín đáo với người bạn gái mới quen. Tình yêu đã giúp họ vượt qua tất cả dẫu là núi, đèo, sông , suối: Gò Duối, Hòa Đa tuy xa mà gần gũi hơn nhiều. Cái tình nghĩa sâu nặng nhớ về Dốc Mụt chùa Lầu để rồi phải Biệt ly em hỡi để sầu cho ai.
     Địa danh còn gắn liền với vùng đất trù phú của quê hương có nhiều thổ sản và ngành nghề truyền thống lâu đời
Ngó lên Đất Đỏ nhiều bắp nhiều khoai
Ngó xuống Đồng Dài nhiều mía nhiều tranh.
     Hay:
Vinh Ba đan cót đan gàu
Phú Diễn chằm nón, Xóm Bàu vớt rong.
     Nhớ về Ô Loan, thương người chiến sĩ yêu nước Lê Thành Phương chống Pháp:
Ô Loan nước lặng như tờ
Thương người chiến sĩ dựng cờ Cần Vương.
     Nơi đây còn có nhiều đặc sản nổi danh một thời đã đi vào văn chương:
Lấy chi vui với thu tàn
Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu.
     Nơi đất Phú trời Yên và ước vọng Phú …An của tiền nhân đi mở đất từ buổi xa xưa đã gắn liền với tên đất tên làng. Từ núi Ba Non đến núi Đá Bia ( Thạch Bi Sơn) gọi chung là dãy Đại lãnh mà năm Minh Mạng thứ 7 ( 1827) được chạm khắc vào Tuyên Đỉnh đạt trước Thái miếu bên điện Thái Hòa trong nội thành kinh đô Huế, cho đến núi đèo Cù Mông là ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên bắt đầu năm Tân Hợi 1611, biết bao địa danh người Việt xuất hiện đầu tiên trên vùng đất mà ông cha ta đã bốn trăm năm khẩn hoang lập ấp.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Chúc

Tổng số điểm của bài viết là: 54 trong 13 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 13 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây