BẠCH ĐỒNG NỮ

Thứ ba - 08/07/2014 07:19

Bạch đồng nữ

Bạch đồng nữ
BẠCH ĐỒNG NỮ Herba et Radix Clerodendri. Tên khoa học: Clerodendrum viscosum Vent. = Clerodendrum canescens Wall. Họ: Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). .Tên khác: Mò trắng, Bấn trắng. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm VII - Thanh nhiệt giải độc.


 

1. Mô tả:
Cây bụi nhỏ, cao khoảng 1m; thường rụng lá. Nhánh vuông, có lông vàng. Lá mọc đối, hình tim, có lông cứng và tuyến nhỏ, mép có răng nhọn hay nguyên. Chuỳ hoa to, hình tháp có lông màu vàng hung. Hoa trắng vàng vàng, đài có tuyến hình khiên; tràng có lông nhiều, nhị thò ra. Quả hạch đen, mang đài màu đỏ tồn tại ở trên. Cây ra hoa tháng 2-3.
2. Phân bố:
Cây mọc hoang nhiều nơi ở nước ta.
3. Trồng trọt:
4. Bộ phận dùng:
Thân, cành mang lá (Herba Clerodendri); Rễ (Radix Clerodendri).
5. Thu hái, chế biến:
Có thể thu hái rễ quanh năm. Rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô ngoài nắng.
Rửa sạch, xắt nhỏ, sao vàng sắc uống. Có thể nấu cao đặc hoặc làm viên.


 
6. Tác dụng dược lý:
Năm 1968, Bộ môn Dược liệu trường Đại học Dược khoa phối hợp với Viện YHDT nghiên cứu Bạch đồng nữ thấy có tác dụng hạ huyết áp do dãn mạch ngoại vi, có tác dụng lợi tiểu và có khả năng ngăn chặn phản ứng viêm do Phenol gây ra trên tai thỏ.
Bạch  đồng nữ có tác dụng chống viêm cấp tính khá tốt, biểu hiện rõ rệt ở hiện tượng giảm phù trong mô hình gây phù thực nghiệm trên chuột với Kaolin.
Bạch  đồng nữ có tác dụng chống viêm mạn tính tương đối yếu trên mô hình gây u hạt thực nghiệm với Amian ở chuột.
Bạch  đồng nữ không có tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột non. Tác dụng gây thu teo tuyến ức là một trong những đặc điểm của các thuốc ức chế miễn dịch.
Nước sắc 3/1 của Cleodendrum philippinum đã được thử kháng sinh đồ trên các chủng vi khuẩn phân lạp từ các vết thương nhiễm khuẩn, thấy có tác dụng ức chế sự phát triển các vi khuẩn Pseudononas aeruginosa, Staphylococus aureus, Escherichia coli và các Proteus.
Theo tài liệu nước ngoài, lá, hoa và rễ Xích đồng nam Clerodendrum kaempferi có tác dụng chống co thắt hồi tràng cô lập súc vật thí nghiệm gây nên bởi Acetylcholin hoặc Histamin.
Cả cây Bạch đồng nữ có các tác dụng kháng nguyên sinh vật trong thí nghiệm của Entamoeba histolitica, chủng STA, hạ đường huyết trên chuột trắng và gây giảm đau trong thí nghiệm tấm kim loại nóng của Edy và Leimbach. Chất Clerodin chiết xuất chủ yếu từ cành non và lá Xích đồng nam có tác dụng dbt giun đất trong dung dịch nước trong vòng 30 phút (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Nước sắc lá tươi của cây Clerodendrum philipinum được dùng rửa trực tiếp lên vết thương nhiễm trùng rồi phủ gạc (Không dùng phối hợp với kháng sinh nếu viêm nhiễm cư trú; có phối hợp với kháng sinh nếu nhiễm trùng toàn thân). Đa số bệnh nhân đều kháng với hầu hết các kháng sinh thông thường. Tác dụng của thuốc đã làm giảm rõ phù nề quanh vết thương, không gây sốt, bệnh nhân lại thấy mát, dễ chịu, làm sạch nhanh vết thương, kể cả đối với trực khuẩn mủ xanh là loại nhiễm trùng dai dẳng, rất khó điều trị với dung dịch thuốc thông thường  và làm tổ chức hạt mọc nhanh, vết thương mau lành, làm sẹo đẹp, không để lại sẹo lồi (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Chất đắng Clerodin chiết xuất từ lá cũng có tác dụng trị giun (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Dịch ép lá tươi được bơm vào hậu môn có tác dụng trị giun đũa (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
7. Thành phần hóa học: Alcaloid, flavonoid, muối calci.
8. Công năng: Thanh nhiệt, giải độc, khu phong, trừ thấp, tiêu viêm
9. Công dụng: Chữa kinh nguyệt không đều, viêm loét tử cung, bệnh phụ nữ, mụn nhọt, viêm mật vàng da, huyết áp cao.
10. Cách dùng, liều lượng: Dạng thuốc sắc uống riêng hay phối hợp với Ích mẫu, Hương phụ, Ngải cứu, mỗi ngày 15 - 20g.
11. Bài thuốc:
 Trị bạch đới, khí hư, kinh nguyệt không đều: 40-80g lá Bạch đồng nữ khô, sắc uống (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Trị kinh nguyệt không đều, bạch đới: Bạch đồng nữ,  Ích mẫu, Ngải diệp, Hương phụ, sắc uống (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Trị phong thấp khớp, vàng da:  rễ Bạch đồng nữ sắc uống (Kinh Nghiệm Dân Gian).
11.1.Trị thấp khớp, sưng nóng đỏ đau thuộc thể nhiệt: Bạch đồng nữ 80g, Dây gắm 120g, cây Tầm xuân 8g, Đơn tướng quân 8g, Đơn mặt trời 8g, Đơn răng cưa 8g, Cà gai leo 8g, Cành dâu 8g. Sắc,  chia 2 lần uống (Kinh Nghiệm Dân Gian).
11.2. Trị vàng da và niêm mạc, nhất là niêm mạc mắt bị vàng thẫm, kiểm nghiệm nước tiểu có sắc tố mật: rễ Bạch đồng nữ hoặc Xích đồng nam, sắc uống (Kinh nghiệm Bệnh Viện Lạng Sơn - Việt Nam).

Ghi chú:
Cao Hương ngải là cao lỏng chế từ lá Bạch đồng nữ, chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng. Thuốc HA1 làm hạ huyết áp.
Loài Mò trắng (Clerodendrum fragrans (Vent.) Willd.), Xích đồng nam (Clerodendrum squamatum Vahl.) được dùng với cùng công dụng.
 

Nguồn tin: ( theo hocvienquany.vn) - Ảnh sưu tầm từ Internet.

 Từ khóa: khoa học, mò trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây