A. Mô tả cây
Bạch quả là một cây to, cao 20-30m, thân phân thành cành dài, gần như mọc vòng, trên
cành có những cành nhánh ngắn, mang lá có cuống. Phiến lá hình quạt, mép lá phía trên tròn, nhẵn, giữa hơi lõm, chia phiến lá thành hai thùy. Gân lá phân nhánh theo hướng rẽ đôi. Quả hạch, kích thước bằng' quả mận, thịt màu vàng, có mùi bơ khét rất khó chịu
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Nguồn gốc Ở Trung Quốc và chỉ thấy trồng Ở Trung Quốc, một ít Ở Nhật Bản. Pételot (1954) nói có thấy ở bắc Việt Nam mọc rải rác trong một số vườn hoa và quanh một số ngôi chùa để làm cảnh. Nhưng thực tế qua mấy chục năm chúng tôi không tìm thấy. Hỏi nhiều nhà thực vật danh tiếng cũng đều nói chưa gặp. Tại các hiệu thuốc, bạch quả thuộc loại ít dùng. Thường chỉ dùng quả và nhân. Gần đây y học phương Tây nghiên cứu dùng lá. Những lá bạch quả dùng để nghiên cứu lúc đầu nhập của Nhật Bản và Triều Tiên. Lá bạch quả được dùng để chế những sản phẩm bạch quả của Pháp được trồng và thu hái ở gần Bordeaux.
C.Thành phần hoá học
Nhân bạch quả chứa 5.3% protein, 1.5% chất béo, 68% tinh bột, 1.57% tro, 6% đường.
Vỏ quả chứa ginkgolic axit, bilobol và ginnol.
Lá bạch quả chứa hoạt chất: Các hợp chất flavonoic và các tecpen.
Các hợp chất favonoic là những hợp chất trong đó phần aglycon là một flavonol, phần đường là glucoza và rhamnose.
Nhóm các tecpen gồm có ginkgolite và biloblit có vị đắng. Ngoài hai loại hoạt chất trên, lá bạch quả còn chứa một số axit hữu cơ như hydroxykinurenic, kinurenic, parahydroxybenzoic, vanillic.
D.Tác dụng:
- Trên thiểu năng tuần hoàn não và bệnh tuần hoàn ngoại biên
Cao bạch quả qua thực nghiệm cho thấy có tác dụng bảo vệ chuột cống trắng chống lại bệnh thiếu máu cục bộ não. Tiêm truyền tĩnh mạch cao bạch quả giúp ngăn cản sự phát triển nhồi máu não (khi tiêm mảnh vỡ cục đông máu của nó vào động mạch cảnh gốc). Ngoài ra còn có tác dụng tốt trên nhồi máu não cấp tính hoặc thiếu máu cục bộ não do nghẽn mạch. Trong điều kiện giảm lượng oxy từ không khí thở vào, động vật điều trị với cao bạch quả sẽ sống sót lâu hơn so với nhóm đối chứng, không những do tác dụng tăng lưu lượng tuần hoàn não, mà còn do làm tăng nồng độ glucose và adenosin triphosphat trong máu.
Cao bạch quả tiêm truyền tĩnh mạch còn làm tăng đường kính tiểu động mạch ở mèo, làm giảm sử dụng glucose bởi não. Nó có hiệu quả điều trị phù não gây ra bởi các chất độc hại thần kinh hoặc do chấn thương. Trong nhồi máu não gây ra bởi natri arachidonat ở chuột cống trắng, cao bạch quả dạng uống hoặc tiêm dưới da có tác dụng ức chế một phần sự tăng nước, natri và calci, đồng thời ức chế tình trạng giảm kali trong não. Cho chuột nhắt trắng uống cao bạch quả trong 4-8 tuần giúp tăng trí nhớ và nhận thức trong thí nghiệm phản xạ có điều kiện.
- Tác dụng trên tiền đình và thính giác
Cao bạch quả làm giảm thương tổn ốc tai ở chuột lang và có tác dụng tốt trên độ thấm mao mạch và vi tuần hoàn chung. Cải thiện chức năng về tiền đình và thính giác trên động vật gây thương tổn thực nghiệm.
- Tác dụng đối kháng với yếu tố hoạt hóa tiểu cầu (PAF)
Các hợp chất ginkgolid của cao bạch quả, đặc biệt ginkgolid B là chất đối kháng của PAF. Ginkgolid B có tác dụng ức chế mạnh sự giảm lượng tiểu cầu và co thắt phế quản gây bởi PAF ở chuột lang.
E. Công dụng điều trị:
- Não suy: Là tập hợp các triệu chứng của tình trạng sa sút trí tuệ. Trong sa sút trí tuệ thoái hóa, có sự mất tế bào thần kinh và suy giảm dẫn truyền thần kinh, tình trạng giảm chức năng trí tuệ kết hợp với rối loạn về cung cấp oxy và glucose. Trên lâm sàng, bạch quả có tác dụng điều trị não suy, gồm suy giảm sự tập trung và trí nhớ, lú lẫn, mất nghị lực, mệt mỏi, giảm vận động thể lực, tâm trạng trầm cảm, lo âu, chóng mặt, ù tai và nhức đầu. Bạch quả có nhiều cơ chế tác dụng như tác dụng điều hòa trên mạch máu, làm tăng lưu lượng máu, tác dụng về lưu biến máu, làm giảm độ nhớt của máu, tăng dung nạp đối với sự thiếu oxy ở mô, cải thiện rối loạn dẫn truyền thần kinh và dự phòng sự thương tổn màng do gốc tự do.
Ở người, cao bạch quả làm tăng lưu lượng máu não toàn bộ, cục bộ và vi tuần hoàn, bảo vệ đối với tình trạng giảm oxy trong không khí thở vào, cải thiện lưu biến máu, ức chế kết tập tiểu cầu, cải thiện chuyển hóa ở mô và giảm độ thấm mao mạch. Cao bạch quả tiêu chuẩn hóa với liều 120mg có tác dụng giống như dihydroergotoxin với liều 4,5mg sau 6 tuần điều trị.
- Bệnh tắc động mạch ngoại biên: Cao bạch quả có tác dụng điều trị bệnh tập tễnh cách hồi do tắc động mạch ngoại biên (dùng 120-160mg/ngày trong 24 tuần), làm tăng khoảng cách đi được và giảm đau (200mg/ngày trong 8 tuần). Có tác dụng điều trị bệnh tắc động mạch ngoại biên.
- Chóng mặt và ù tai: Cao bạch quả được dùng điều trị những rối loạn ở tai trong như điếc, chóng mặt và ù tai (dùng 120-160mg/ngày trong 4-12 tuần). Kết quả điều trị tốt đối với hội chứng chóng mặt mới mắc phải và không rõ rệt với triệu chứng ù tai và điếc.
F. Dạng thuốc dùng, liều dùng:
Cao tiêu chuẩn hóa (cao khô từ lá khô bạch quả, chiết xuất bằng aceton và nước với tỷ lệ dược liệu/cao là 35-67/1), chứa 22-27% flavon glycosid và 5-7% terpen lacton, trong đó khoảng 2,8-3,4% là các ginkgolid A, B, C và 2,6-3,2% là bilobalid.
Liều dùng: Cao khô, ngày dùng 120-240mg, chia 2-3 lần; 40mg cao tương đương 1,4-2,7g lá. Cao lỏng (1:1), mỗi lần 0,5ml, ngày dùng 3 lần.
Theo tài liệu cổ, bạch quả khí ôn, vị ngọt, hơi đắng. Tính chất thu sáp, bạch quả ăn chín thời ôn mà ích khí, ích phổi, tiêu đờm, trừ được hen, dẹp được ho khỏi được chứng tiểu tiện, hết được chứng khí hư, bạch đới.
Nguồn tin: (Theo Ykhoa.net, Thaythuoccuaban.com). Ảnh sưu tầm từ Internet.