BỔ CÔNG ANH

Thứ tư - 09/07/2014 17:28

Bồ công anh

Bồ công anh
BỔ CÔNG ANH (Herba Taraxaci Mongalicicum Radice). Bồ công anh có 2 loại Bồ công anh Việt nam (Lactuca indica L.) và Bồ công anh Trung quốc (Taraxacum mongolicum Hand - Mazz) đều thuộc loại Hoa Cúc ( Asteraceae). Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây có rễ. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm VII - Thanh nhiệt giải độc.

Tính vị qui kinh:

Vị đắng ngọt, tính hàn, qui kinh Can Vị.

Thành phần chủ yếu:

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu về cây Bồ công anh của Việt nam. Ở đây chủ yếu giới thiệu cây Bồ công anh Trung quốc. Trong rễ có một chất đắng Bồ công anh Taraxacin, chất Taraxenola, đường khu, chất nhựa, chất đắng, saponozit, men tyrosinaza. Trong hoa có Xanthophyl, trong lá có Luteolin - 7 - glucozit và apigenin - 7 - glucozit hay cosmoziozit và rất nhiều Vitamin B,C.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bồ công anh có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thông lâm, chủ trị các chứng ung nhọt, sang lở, nhũ ung ( viêm vú), trường ung (viêm ruột), đau họng (hầu tý), mắt sưng đỏ đau, chứng thấp nhiệt hoàng đản, nhiệt lâm (viêm tiết niệu).

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

1.Thuốc có tác dụng kháng khuẩn: Thuốc sắc Bồ công anh ức chế các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu, não mô cầu, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn lî Flexener, trực khuẩn mủ xanh, leptospira hebdomadia.

2.Tác dụng nhuận tràng.

3.Có tác dụng lợi mật, bảo vệ gan, lợi tiểu.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị viêm tuyến vú: sưng nóng đỏ, chưa vỡ mủ (uống trong và đắp ngoài).

2.Trị táo bón: thuốc có tác dụng nhuận tràng.

3.Trị viêm amidan: mỗi ngày sắc 120 - 180g Bồ công anh khô uống.

Trị viêm tuyến vú phối hợp với Liên kiều, Kim ngân hoa, Xuyên sơn giáp dùng bài Nhũ ung thang: Bồ công anh 40g, Kim ngân hoa 40g, Xuyên sơn giáp (sao) 12g, Liên kiều 16g, Thiên hoa phấn 16g, Thanh bì 8g, Sài hồ 12g, Sinh Cam thảo 8g, sắc nước uống.

4.Trị viêm ruột thừa: dùng bài: Bồ công anh 40g, Kim ngân hoa 40g, Đại hoàng20g, Đơn bì 20g, Xuyên luyện tử 12g, Xích thược 16g, Đào nhân 12g, Sinh Cam thảo 12g sắc uống.

5.Trị viêm gan cấp: dùng bài: Bồ công anh 20g, Nhân trần 20g, Thổ phục linh 20g, Bạch mao căn 20g, sắc nước uống.

6.Trị viêm màng tiếp hợp cấp: có thể dùng Bồ công anh sắc nước xông mắt, dùng thêm Cúc hoa, Hạ khô thảo càng tốt.

7.Trị đục giác mạc: thuốc nhỏ mắt Bồ công anh (hàm lượng 10ml thuốc có 3g Bò công anh khô) nhỏ mắt ngày 3 lần, đồng thời uống nước sắc Bồ công anh ( Tạp chí Thiên tân Y dược 1974,7:362).

8.Trị bỏng nhiễm trùng: Bồ công anh tươi giã nát gia cồn 75 độ, trộn đắp chỗ bỏng (Tạp chí Đông Tây y kết hợp 1987,5:301).

9.Trị bệnh quai bị: dùng Bồ công anh tươi 30g ( khô thì 20g) gia 1 lòng trắng trứng gà thêm ít đường phèn bọc vải đắp vùng đau ngày thay một lần (Báo Tân y học 1972,10:49).

10.Trị nốt ruồi da: dùng Bồ công anh tươi đắp có kết quả (Báo Y học Nông thôn Trung quốc 1986,1:64).

Ngoài ra, còn có người dùng Bồ công anh chữa viêm tiết niệu, viêm bàng quang, đau đầy bao tử, rối loạn tiêu hóa dùng bài: Bồ công anh 40g, Quất bì 24g, Sa nhân 12g, tán bột mịn, mỗi lần uống 1 - 2g, ngày 2 - 3 lần.

Liều thường dùng: 8 - 30g, thuốc tươi có thể dùng gấp 2 - 3 lần, đắp ngoài không hạn chế.

Nguồn tin: ( theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền). Ảnh sưu tầm từ Internet.

 Từ khóa: bộ phận, làm thuốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây