ĐỊA LONG

Thứ hai - 11/08/2014 05:14

.

.
ĐỊA LONG (Lumbricus) Địa long tức giun đất còn có tên Khâu dẫn, Khúc đàn, Ca nữ, Phụ dẫn. Có tên khoa học là Pheretima áiatica Michaelsen, pheretima aspergilum (E.Perrier) hoặc Allalobophora caliginosa (Savigny) trapezoides (Antiuges), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIII - Bình can tức phong.

Giun đất sống khắp nơi ở nước ta nơi đất ẩm ướt và nhiều mùn. Muốn bắt giun, đổ nước Bồ kết hay nước Rau Nghễ, nước chè vào nơi có nhiều giun, giun sẽ bò ra. Bắt cho giun vào tro rơm, dội nước cho sạch chất nhầy nhớt, dùng đinh đóng đuôi giun vào miếng gỗ, lấy dao sắc rạch bụng, lấy nước ấm rửa sạch phơi hay sấy khô. Có nơi bắt giun dùng tro và nước nóng rửa sạch rồi phơi hay sấy khô, không mổ bụng.

Tính vị qui kinh:

Vị mặn tính hàn, qui kinh Can Tỳ Bàng quang.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị mặn hàn.
  • Sách Danh y biệt lục: đại hàn không độc.
  • Sách Dược tính bản thảo: có độc ít.
  • Sách Bản thảo tái tân: nhập 3 kinh Can Tỳ Phế.

Thành phần chủ yếu:

Lumbroferine, lumbritin, terrestro-lumbrolysin, hypoxanthine, xanthine, adenine, guanine, choline, guanidine, nhiều loại acid amin, vitamin và muối vô cơ.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng thanh nhiệt tức phong, bình suyễn, thông lạc, lợi tiểu. Chủ trị các chứng: nóng sốt phát hoảng, cơn suyễn phế nhiệt, ho gà, phong thấp nhiệt tý, phong hàn thấp tý, trúng phong bán thân bất toại, gãy xương sưng đau, nhiệt kết bàng quang, sa thạch lâm.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " trị chứng thương hàn phục nhiệt, phát hoảng đại phúc, hoàng đản".
  • Sách Bản thảo thập di: " trị ôn bệnh đại nhiệt, phát hoảng, chứng sốt do dịch bệnh, chứng sốt co giật trẻ em".
  • Sách Bản thảo cương mục: " thuốc tính hàn mà đi xuống, hàn nên có thể trị chứng sốt, đi xuống nên có tác dụng lợi tiểu, trị bệnh ở chân mà thông lạc".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng hạ nhiệt an thần, thuốc làm giãn phế quản nên có tác dụng hạ cơn suyễn.
  2. Thuốc có tác dụng hạ huyết áp chậm mà lâu dài, có thể do làm giãn mạch nội tạng.
  3. Thuốc có tác dụng kháng histamin và chống co giật.
  4. Thuốc làm tăng hoạt tính dung giải của fibrin, chống hình thành huyết khối. Có tác dụng hưng phấn tử cung, chất chiết xuất diệt tinh trùng.
  5. Thuốc có tác dụng phá huyết ( theo báo cáo của nhà nghiên cứu Nhật bản Bát mộc -1911) thì chất lumbritin có tác dụng phá huyết.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng viêm khớp cấp sưng nóng đau:

  • Hoạt lạc đơn: có Xuyên ô đầu, Thảo ô đầu, Thiên nam tinh, Địa long đều 8g, Nhũ hương, Một dược đều 6g, tán bột mịn, dùng rượu quấy hồ làm hoàn. Mỗi lần uống 3 - 4g với nước sắc Kinh giới hoặc thang Tứ vật (Hòa tễ cục phương).

2.Trị sốt cao co giật (thường gặp ở trẻ em):

  • Địa long tán: Địa long 10g, Toàn yết 3g, Câu đằng, Kim ngân hoa đều 12g, Liên kiều 10g, sắc uống . Hoặc Địa long 10g, Chu sa 3g làm hoàn, mỗi lần uống 3g.
  • Địa long đỏ 40 - 100g, đường đỏ 10 - 25g, trộn giã nát đắp bụng dưới (bọc vải).

3.Trị sạn tiết niệu: thuốc có tác dụng lợi tiểu thông lâm.

  • Địa long đỏ, Củ tỏi, lá khoai lang đỏ lượng vừa đủ giã nát đắp rốn kết hợp uống thuốc lợi tiểu.

4.Trị hen suyễn:

  • Địa long 12g sắc uống.
  • Bột Địa long khô mỗi lần 3 - 4g, ngày uống 2 lần.
  • Địa long, Cam thảo tươi lượng bằng nhau sấy khô tán bột mịn, mỗi lần uống 4 - 5g, ngày 2 lần.

5.Trị cao huyết áp:

  • Uống cao lỏng Địa long 40%, mỗi lần 10ml, ngày 3 lần. Trị cho 34 ca uống từ 6 đến 64 ngày, bình quân 27,9 ngày, đạt kết quả tốt (Báo cáo của Mao văn Hồng, Tạp chí Trung y dược Thượng hải 1959,4:39).

6.Trị động kinh do chấn thương: Chu văn Chính đã dùng Địa long khô 3 - 6g, sắc uống mỗi ngày, liệu trình 2 - 12 tháng, bình quân 5,5 tháng. Trị 20 ca, khỏi 16 ca, chuyển biến tốt 3 ca, tỷ lệ kết quả 95% (Báo Y dược Hà bắc 1983,3:48).

7.Trị bệnh tâm thần phân liệt: Thế Đức đã dùng Địa long 30g, đường trắng 10g, sắc uống mỗi ngày, chia 2 lần sáng tối, mỗi tuần uống 6 thang, 60 thang là một liệu trình có kết hợp thuốc an thần. Trị 30 ca, kết quả trước mắt 18 ca, số kết quả nhiều, có tiến bộ và không kết quả mỗi loại 4 ca.

Tổ 2, tác giả dùng thuốc chích bắp, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 4ml (mỗi ml có hàm lượng tương đương 1 gam thuốc, có kết hợp thuốc an thần, liều nhỏ trị 50 ca, kết quả khỏi trước mắt 11 ca, có kết quả rõ 14 ca, tiến bộ 12 ca, không kết quả 13 ca.

Tổ 3 dùng nước sắc Địa long, phương pháp uống như tổ 1, trị 30 ca, kết quả khỏi trước mắt 2 ca, có kết quả 7 ca, tiến bộ 8 ca, không kết quả 13.

Kết quả tốt hơn đối với suyễn ứ huyết thực chứng (Báo cáo Trung y dược Triết giang 1979,11:440)

8.Trị chứng mề đay (urticaire) mạn tính: Lý Chấn Cơ đã dùng dịch chích Địa long 100%, mỗi lần chích bắp 2ml mỗi ngày, 10 lần là 1 liệu trình,trị 1 - 2 liệu trình, theo dõi 100 ca tỷ lệ kết quả 84% (Báo Tân y học 1976,4:178).

Liều dùng:

  • Liều 5 - 15g (tươi gấp đôi), bột: 1 - 2g/lần.
  • Dùng ngoài tùy theo yêu cầu.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây