HOÀNG TINH

Chủ nhật - 31/08/2014 17:00

.

.
HOÀNG TINH Vị thuốc Hoàng tinh được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục, còn có tên Mễ phủ, cây Cơm nếp, Kim thị hoàng tinh, Cứu hoang thảo, Hoàng tinh ( Rhizoma Polygonati) là thân rễ phơi hay sấy khô, được chế biến của cây Hoàng tinh ( Polygonatum Kingianum Coli et Hemsl.) và các cây cùng chi khác loài như Polygonatum Sibiricum redoute, Polygonatum Multiflorum L. v.v.. đều thuộc họ Hành tỏi ( Liliaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXVI - Bổ âm.

Người xưa cho rằng vị thuốc có màu vàng do tinh khí của đất sinh ra nên có tên Hoàng tinh. Cây này khác với cây Củ Dong cũng gọi là Hoàng tinh mà người ta thường nấu củ để ăn. Cây mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền Bắc nước ta, chưa được chú ý trồng làm thuốc.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt tính bình, qui kinh Tỳ Phế.

Theo các tài liệu cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: vị ngọt bình, không độc.
  • Sách Tứ thanh bản thảo: hàn.

Về qui kinh:

  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập Tỳ Phế.
  • Sách Ngọc thu dược giải: nhập túc thái âm tỳ, túc dương minh vị.
  • Sách Bản thảo tái tân: nhập Tâm Tỳ Phế Thận.

Thành phần chủ yếu:

Chất nhày, tinh bột, đường, nhiều loại acid amin, ancaloit, nhiều loại hợp chất anthraquinone.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Tư âm nhuận phế, bổ tỳ ích khí. Chủ trị chứng ho do phế táo âm hư, thận hư tinh tổn, chứng tiêu khát, tỳ vị hư nhược.

Theo các Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " chủ bổ trung ích khí, trừ phong thấp, yên ngũ tạng, uống lâu khỏe mạnh trường thọ".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " bổ ngũ lao thất thương, mạnh gân cốt, giảm đói, tăng sức chịu đựng với hàn thử, ích tỳ vị, nhuận tâm phế".
  • Sách Trấn nam bản thảo: " bổ hư thêm tinh".
  • Sách Bản thảo cương mục: " bổ các chứng hư, giải hàn nhiệt, thêm tinh tủy".
  • Sách Bản kinh phùng nguyên: " khiến ngũ tạng điều hòa, cơ nhục sung thịnh, cốt tủy cường tráng, đều do tác dụng bổ âm".
  • Sách Bản thảo tùng tân: " bình bổ khí huyết mà nhuận".
  • Sách Tứ xuyên Trung dược chí: " bổ thận nhuận phế, ích khí tư âm".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng hạ áp, tăng lưu lượng máu động mạch vành, hạ lipid huyết và làm giảm xơ cứng mạch vành ( cũng có báo cáo nói không có tác dụng hạ lipid huyết).
  2. Cho thỏ uống cao lỏng Hoàng tinh, đường huyết lúc đầu cao sau hạ, có tác dụng ức chế adrenalin làm tăng đường huyết.
  3. Thuốc có tác dụng tăng miễn dịch cơ thể, thúc đẩy sự tổng hợp DNA, RNA và protid, polysacc-harit của Hoàng tinh có tác dụng chuyển dạng lympho bào. Thuốc làm giảm hàm lượng cAMP và cGMP trong huyết tương.
  4. Thuốc có tác dụng ức chế đối với nấm gây bệnh thường gặp trực khuẩn thương hàn, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lao. Thuốc có hiệu quả rõ rệt đối với bệnh lao, trên thực nghiệm.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng huyết áp thấp: dùng Hoàng tinh 30g, Đảng sâm 30g, Chích thảo 10g, sắc nước uống, ngày 1 thang. Trị 10 ca đều có kết quả khỏi trước mắt ( Diệp thế Thương, trị 10 ca huyết áp thấp dùng bài Đảng sâm, Hoàng tinh, Cam thảo thang, Tạp chí Y trung cấp 1981,12:31).

2.Trị chứng lipid huyết cao: dùng viên hạ mỡ ( Hoàng tinh, Hà thủ ô, Tang ký sinh) uống liên tục trong 2 tháng. Trị 86 ca, kết quả cholesterol hạ bình quân 38,2 - 47,1mg%, tỷ lệ kết quả 87,9% ( Chu dục Nhân và cộng sự. Một số tình hình điều trị chứng lipid máu cao bằng Trung thảo dược, Báo Tân y học 1977,45:211).

3.Trị chứng cận thị học sinh: dùng Hoàng tinh 90 cân, Đậu đen 10 cân, Đường trắng 15 cân, chế thành sirô mỗi ml có 1g Hoàng tinh. Mỗi người uống mỗi lần 20ml, ngày 2 lần, hoặc mỗi ngày, mỗi người Hoàng tinh 50g, Đậu đen 10g, chia 2 lần, sắc uống, trước khi uống cho thêm rượu vàng 10ml. Đã trị 82 con mắt, kết quả rõ 26 con, tiến bộ 22 con, tỷ lệ kết quả 59,75% ( Lý Quang Viễn, Định chí hoàn, Báo cáo sirô Hoàng tinh trị cận thị học sinh, Báo Trung y Hà nam 1981, 6:40).

4.Trị lao phổi: Hoàng tinh chế thành cao lỏng ( mỗi ml có 5g thuốc), mỗi lần uống 10ml, ngày 4 lần. Đã trị 19 ca, có kết quả 84,2% trong đó khỏi 21,0%, đờm chuyển âm tính 66,6% ( Phùng Ngọc Long, Báo cáo về Hoàng tinh trị lao phổi, Báo Y học Triết giang 1960,4:43).

5.Trị nấm chân tay: dùng Hoàng tinh 100g xắt nhỏ cho vào lọ thêm cồn 75% 250ml, bịt kín ngâm trong 15 ngày, lọc qua gạc 4 lớp, vắt hết nước bỏ xác, thêm dấm thường 150ml trộn đều. Rửa sạch vùng bị nấm lau khô, bôi thuốc ngày 3 lần. Đã trị 67 ca, khỏi 55 ca, tiến bộ 12 ca ( Đới vi Quần, Trị nấm chân tay bằng bôi ngoài cồn dấm Hoàng tinh, Tạp chí Trung y Sơn đông 1986,5:47).

6.Trị tai điếc do nhiễm độc thuốc: dùng dịch tiêm Hoàng tinh 100%, tiêm bắp 2 - 4ml ( tương đương 2 - 4g thuốc sống), đồng thời mỗi ngày tiêm bắp Vit B1 100mg, uống Vit A 25.000 đơn vị, ngày 3 lần, hoặc mỗi ngày uống viên Hoàng tinh tương đương 10g thuốc sống. Đã trị 100 ca, khỏi 9 ca, có kết quả 22 ca, ngưng tiến triển 3 ca, vẫn tiến triển 3 ca, số còn lại không kết quả, tỷ lệ kết quả 34% ( Lưu Đĩnh và cộng sự, Hoàng tinh trị điếc do nhiễm độc thuốc, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1982,1:19).

7.Trị suy nhược cơ thể sau khi mắc bệnh: thường phối hợp với Kỷ tử, Sinh địa, Hoàng kỳ, Đảng sâm dùng bài:

  • Hoàng tinh thang: Hoàng tinh 24g, Kỷ tử 12g, Sinh địa 20g, Hoàng kỳ 12g, Đảng sâm 12g, sắc nước uống.

8.Giới thiệu một số bài thuốc kinh nghiệm:

  • Trị chứng phế hư táo, ho ra máu:

+ Hoàng tinh 20g, Bắc Sa sâm 8g, Ý dĩ nhân 12g, sắc nước uống.

+ Hoàng tinh 1 cân, Bạch cập, Bách bộ mỗi thứ 1/2 cân, thái sấy hoặc phơi khô, tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 8g, ngày 3 lần.

  • Trị tiểu đường: Hoàng tinh 40g, sắc nước uống hoặc phối hợp với Câu kỷ tử, lượng bằng nhau, tán bột mịn, làm thành bánh hoặc luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 12g ngày 2 lần. Trị huyết áp cao, váng đầu, lưng gối mõi, ù tai, hoa mắt, tiểu đường.

Liều lượng và cách dùng:

  • Liều 12 - 40g tươi, dùng liều cao có thể 60 - 80g sắc, hoàn, tán.
  • Dùng ngoài tùy theo yêu cầu. Thuốc có tác dụng hòa hoãn nên thời gian dùng thuốc có thể kéo dài để tư bổ.
  • Những trường hợp tỳ hư có thấp, ho đờm nhiều, bụng đầy, tích trệ hoặc tỳ vị hư hàn, tiêu phân lỏng, không nên dùng.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

 Từ khóa: chế biến, hoàng tinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây