KHIÊN NGƯU TỬ

Thứ năm - 11/09/2014 18:02

.

.
KHIÊN NGƯU TỬ ( Semen Pharbitidis) Khiên ngưu tử còn gọi là Hắc bạch sửu, Nhị sửu, Bìm bìm biếc, Lạt bát hoa tử, là hạt phơi khô của cây Khiên ngưu hay Bìm bìm biếc. Tên thực vật có nhiều loại: Phabitis nil (L) choisy, Phabitis purpurea (L) Volgt hoặc Ipomoea hederacea Jacq ( Phabitis hederacea choisy). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XX - Trục thủy.

Hạt trên mặt màu đen gọi là Hắc sửu, màu vàng gọi là Bạch sửu, tác dụng như nhau. Theo sách của Đỗ tất Lợi có tên Khiên ngưu và Khiên là dắt, Ngưu là trâu, người xưa có người dùng vị thuốc này khỏi bệnh, dắt trâu đến tạ ơn người mách thuốc.

Khiên ngưu thuộc họ Bìm bìm ( Convolvulceae) dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục.

Cây Bìm bìm biếc mọc hoang nhiều ở nước ta. Nhiều nước khác cũng có như Trung Quốc, Ấn độ, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản. Vào các tháng 7 - 10 hái quả chín về đập lấy hạt phơi khô làm thuốc.

Tính vị qui kinh:

Khiên ngưu tử vị đắng cay, tính hàn có độc, qui kinh Phế, Thận, Đại tràng.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: đắng hàn, có độc.
  • Sách Bản thảo cương mục: vào phần khí thông tam tiêu, đến Mệnh môn thận phải.
  • Sách Bản thảo thông huyền: nhập Phế, Đại, Tiểu trường kinh.

Thành phần chủ yếu:

Pharbitin ( có Pharbitic acid vài purolic acid), là chất glucosid có khoảng 2%, nilic acid, gallic acid, lysergol, chanoclavine, penniclavine, Isopenniclavine, elymoclavine.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Khiên ngưu tử có tác dụng: tả hạ lợi tiểu, tả phế khí trục đàm ẩm, tiêu tích thông tiện, trục trùng.

Chủ trị các chứng: phù thũng, bụng báng, ho suyễn do đàm thấp đầy ở phế, thực tích tiêu bón, sán lãi đũa.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " hạ khí, tiêu cước mãn thủy thũng, trừ phong độc, lợi tiểu tiện".
  • Sách Bản thảo cương mục: " Khiên ngưu trị thủy khí tại phế, sũyen mãn thũng trướng, hạ tiểu uất át, yêu bối trướng thũng, đại tràng phong bí khí bí, thuốc có tác dụng đặc hiệu, nhưng mà người bệnh tại phần huyết, tỳ vị hư nhược gây nên bí mãn thì dùng thuốc không kết quả ngay mà dùng lâu thì tổn thương nguyên khí."

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Chất pharbitin vào ruột gặp mật và dịch ruột thủy phân thành Khiên ngưu tử tố kích thích ruột làm tăng nhu động gây tẩy xổ. Nước hoặc cồn chiết xuất Khiên ngưu đều có tác dụng gây tiêu chảy ở chuột nhắt, nhưng nước sắc thì không có tác dụng đó.
  2. Khiên ngưu tử làm tăng độ lọc inulin của thận.
  3. Khiên ngưu tử in vitro có tác dụng ức chế giun đũa.
  4. Độc tính của thuốc: đối với chuột, liều LD50 là 37,5kg. Ở người triệu chứng nôn buồn nôn do kích thích trực tiếp lên đường tiêu hóa, liều cao có thể ảnh hưởng đến thận dẫn đến huyết niệu cũng như triệu chứng thần kinh.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng phù thũng, bụng đầy, đại tiểu tiện ít:

  • Khiên ngưu tử tán bột, mỗi lần uống 3 - 4g với nước sôi ấm.
  • Khiên ngưu tử 120g, Hồi hương 30g, tán bột mịn, mỗi lần 6 - 8g, uống lúc bụng đói với nước sôi ấm, ngày 1 lần, liên tục trong 2 - 3 ngày. Trị xơ gan bụng nước hoặc viêm thận mạn bụng nước.
  • Khiên ngưu tử 36g ( tán bột mịn), Đại táo 60g ( Nấu chín bỏ hột giã nhuyễn), Sinh khương 500g ( bỏ vỏ giã nát lấy nước). Cho Khiên ngưu tử vào nước gừng trộn đều với Táo, bỏ lên bếp chưng 30 phút, trộn đều chưng lên 30 phút nữa là được. Chia làm 8 phần, mỗi ngày uống vào sáng, chiều, tối lúc bụng đói liền trong 4,5 ngày uống hết, kiêng muối 3 tháng. Trị viêm thận phù.
  • Bột kép Khiên ngưu: Bột Khiên ngưu 150g, tartric acid 270g, gừng khô tán bột 30g trộn đều, ngày uống 3 - 3,5g bột.

2.Trị giun đũa, giun kim:

  • Ngưu lang hoàn: Khiên ngưu tử, Binh lang, Đại hoàng lượng bằng nhau tán bột mịn. Uống sớm và tối lúc bụng đói 2 - 3 g với nước sôi ấm.
  • Khiên ngưu tử, Lôi hoàng đều 10g, Sinh Địa hoàng 3g, tán bột mịn chia 2 lần uống ( uống 1 lần trước lúc ngủ), với nước sôi ấm. Trị giun kim.

3.Trị tâm thần phân liệt: Đại hoàng, Hùng hoàng đều 12g, Hắc bạch sửu 24g, Kẹo Mạch nha 16g. Các vị tán bột viên thành viên 2g. Ngày uống 4 viên, 1 đợt 15 ngày liền nghỉ 7 ngày, rồi uống tiếp ( Y học thực hành 1968,154:27-29).

4.Trị động kinh: Khoa Thần kinh Bệnh viện Thủ đô Bắc kinh thuộc Viện Khoa học Y học Trung quốc dùng chiết xuất của Khiên ngưu tử làm thành viên hoặc hoàn. Trị 115 ca trong 3 tháng, tỷ lệ có kết quả 56,7%, hiệu quả trị bệnh của viên và hoàn là như nhau, đối với tất cả các thể bệnh đều có hiệu quả ( Tạp chí Nội khoa Trung hoa 1977,6:323).

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: thuốc thang 3 - 10g, đập nát cho vào nước sắc. Thuốc hoàn tán mỗi lần dùng 1,5 - 3g.
  • Chú ý: Khiên ngưu dùng liều cao, ngoài việc kích thích trực tiếp niêm mạc dạ dày ruột gây nôn, đau bụng tiêu chảy, tiêu ra máu mũi, thuốc còn kích thích thận gây huyết niệu, nặng hơn có thể tổn thương thần kinh gây trở ngại ngôn ngữ, hôn mê. Thuốc tươi tác dụng mạnh, sao lên, có tác dụng hòa hoãn hơn và ít tác dụng phụ.
  • Thuốc có tác dụng tả phế phí trục đàm ẩm, lúc dùng trị hen suyễn nên phối hợp với Đại hoàng, Binh lang làm bột uống.
  • Thuốc dùng xổ các loại lãi đũa, lãi kim, sán nên phối hợp với Binh lang tác dụng tốt hơn.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

 Từ khóa: gọi là, thực vật, bìm bìm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây