KIM TIỀN THẢO

Thứ năm - 18/09/2014 05:37

.

.
KIM TIỀN THẢO (Herba Jinqiancao) Kim tiền thảo còn có tên là Mắt trâu, Đồng tiền lông, Vảy rồng, Mắt rồng, dùng toàn cây làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản thảo cương mục thập di. Có nhiều loại Kim tiền thảo có các tên thực vật như: Glechma longituba (nakai) Kupr, Desmodium styracifolium (osbeck) Merr Hydrocotyle sibthorpiodes Lam.var. batrachium (Hance) Hand- Mazz, Dichondra repens Forst, thuộc họ Hoa cánh bướm Fabaceae. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm VII - Thanh nhiệt giải độc.
Cây mọc hoang dại trên những đồi vùng trung du, một số ít miền núi.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt mặn tính hơi hàn, qui kinh Can đởm thận bàng quang (theo sách Dược điển nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa xuất bản năm 1985).

Theo sách thuốc Trung dược học vị thuốc có những tên khác như Đại kim tiền thảo, Kim tiền thảo (Quá lộ hoàng), Quảng kim tiền thảo, Tứ xuyên Đại kim tiền thảo (Kim tiền thảo), Giang tô Kim tiền thảo (Liên tiền thảo).

Sách tiếng Anh dịch là Cỏ Đòng tiền vàng (Gold Money Herb).

Thành phần chủ yếu:

Herba Glechomae Longitubae-L-pinocamphone, 1-menthone, 1-pulegone, a-pinene, limonene, p-cymene, Isomenthone, Isopinocamphone, linalool, menthol, a-terpineol, ursolic acid, beta-sitosterol, palmitic acid, amino acid, tannin, choline, succinic acid, potassium nitrate.

  • Herba Desmodii Styracifolii: alkaloids, tannin, flavone, phenol.
  • Lysimachiae Christinae: phenol, strol, flavone, tannin, essential oil.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Kim tiền thảo có tác dụng: thanh nhiệt lợi thấp, thông lâm, thanh can đởm thấp nhiệt, thanh nhiệt giải độc.

Chủ trị các chứng: nhiệt lâm, thạch lâm, sạn gan mật, hoàng đản, nhiệt độc ung nhọt, rắn độc cắn.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản thảo cương mục thập di: " khu phong tán độc, nước sắc thuốc rửa các loại nhọt ghẻ rất thần hiệu".
  • Sách Thái dược chí: " phát tán đầu phong , phong tà, trị não lậu, bạch trọc, nhiệt lâm, ngọc hành sưng đau, giã lấy nước uống với rượu rất công hiệu".

B.Kết quả nghiên cứu dưọc lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng rõ, tăng nhanh bài tiết mật nhờ vậy thuốc tống sạn mật, ống mật đau tắt giảm, hết hoàng đản. Quảng kim tiền thảo cũng có tác dụng lợi mật.
  2. Các loại Kim tiền thảo đều có tác dụng lợi tiểu.
  3. Quảng Kim tiền thảo có tác dụng làm tăng lưu lượng máu ở thận, động mạch vành, tuần hoàn não và động mạch đùi cũng tăng.
  4. Loại Lysimachia (Quá lộ hoàn) đối với tụ cầu vàng, loại Glechoma (Hoạt huyết đơn) đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh đều có tác dụng ức chế.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị sạn đường mật:

  • Sao Chỉ xác 10 - 15g, Xuyên luyện tử 10g, Hoàng tinh 10g, Kim tiền thảo 30g, Sinh Địa hoàng 6 - 10g (cho sau) sắc uống.
  • Kim tiền thảo 30g, Xuyên phá thạch 15g, Trần bì 30g, Uất kim 12g, Xuyên quân 10g (cho sau) sắc uống.
  • Bệnh viện Ngoại khoa thuộc Viện nghiên cứu Trung y Trung quốc đã công bố 4 ca sạn gan mật trị bằng Kim tiền thảo kết quả tốt (Tạp chí Trung y 1958,11:749).
  • Đồng tiền lông 20g, Rau má tươi 20g, Nghệ vàng 8g, Cỏ xước 20g, Hoạt thạch, Vảy tê tê, Củ gấu đều 12g, Mề gà 6g, Hải tảo 8g, nước 500ml sắc còn 200ml uống một lần lúc đói hoặc sắc 2 nước chia 2 lần uống trong ngày.

2.Trị sạn tiết niệu:

  • Kim tiền thảo 30 - 60g, Hải kim sa 15g (gói vải), Đông quì tử 15g, Xuyên phá thạch 15g, Hoài Ngưu tất 12g, Hoạt thạch 15g, sắc uống.
  • Kim tiền thảo 30g, Xa tiền tử 15g (bọc vải), Chích Sơn giáp, Thanh bì, Ô dược, Đào nhân đều 10g, Xuyên Ngưu tất 12g, sắc uống.
  • Hoàng kỳ 20g, Đảng sâm 15g, Bạch truật 10g, Phục linh 30g, Kim tiền thảo 15g, Uy linh tiên 12g, Nội kim 10g, Chỉ xác sao 10g, sắc uống.
  • Hoàng kỳ 30g, Hoàng tinh 15g, Hoài Ngưu tất 15g, Kim tiền thảo 20g, Hải kim sa 15g (gói vải), Xuyên phá thạch, Vương bất lưu hành đều 15g sắc uống. Trị chứng thận hư thấp nhiệt có sạn.
  • Có thể dùng độc vị Kim tiền thảo sắc uống thay nước chè để tống sỏi.

3.Trị bệnh trĩ: mỗi ngày dùng toàn cây Kim tiền thảo tươi 100g (nếu khô 50g) sắc uống. Nghiêm tư Khôn đã theo dõi trên 30 ca sau khi uống thuốc 1 - 3 thang hết sưng đau, đối với trĩ nội ngoại đều có kết quả tốt. (Tạp chí Bệnh Hậu môn đường ruột Trung quốc 1986,2:48).

4.Trị viêm đường mật không do vi khuẩn: Tác giả Lý Gia Trân đã theo dõi 52 ca bệnh nhân vô khuẩn đường mật có sốt nhẹ và triệu chứng điển hình dùng Kim tiền thảo sắc uống sáng 1 lần hoặc nhiều lần trong ngày, liều lượng mỗi ngày 30g, có khi 20 hoặc 10g mỗi ngày, 30 ngày là một liệu trình, thông thường uống trong 2 - 3 tháng có kết quả với tỷ lệ 76,9% (Báo Trung y Bắc kinh 1985,1:26).

Liều dùng và chú ý lúc dùng:

  • Dùng uống liều từ 15 - 30g có thể dùng đến 60g mỗi ngày, dùng ngoài tùy theo yêu cầu.
  • Kim tiền thảo là một loại thuốc chuyên trị sạn đường niệu hoặc đường mật. Chủng loại cây khá nhiều. Trên thị trường hiện dùng nhiều là Tứ xuyên Đại kim tiền thảo, Liên tiền thảo và Quảng Kim tiền thảo.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây