LÁ MÓNG

Thứ ba - 23/09/2014 18:21

.

.
LÁ MÓNG Lá móng, Thuốc mọi lá lựu, Lựu mọi - Lawsonia inermis L., thuộc họ Tử vi - Lythraceae. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXIX - Dùng ngoài.


Mô tả: Cây nhỏ cao 2-6m, có gai nhất là khi già. Lá mọc đối, đơn, nguyên, hình trái xoan nhọn, dài 2-3cm, rộng 1cm. Hoa nhỏ mọc thành chuỳ ở ngọn cành. Hoa màu trắng hay đỏ, vàng nhạt hay hồng. Ðài hình chuông gồm 4 lá dài. Bầu trên 4 ô. Quả nang hình cầu, có 4 ô, chứa nhiều hạt nhỏ hình tháp ngược, màu nâu đỏ.  

Bộ phận dùng: Lá, vỏ thân, rễ - Folium Cortex et Radix Lawsoniae Inermis.
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Tây á, được trồng từ Bắc Phi tới Trung á và Ấn Ðộ. Ở nước ta, cây cũng được trồng ở nhiều nơi làm cảnh. Có thể trồng bằng gieo hạt hoặc bằng các đoạn cành vào mùa mưa. Khi cây cao độ 1 mét, có thể thu hoạch, cắt cả cành phơi trong râm; mỗi năm có thể thu hoạch hai lần, cắt chừa cành lớn và gốc khoảng 50cm để cây đâm cành non.
Thành phần hoá học: ở trạng thái tươi, lá móng chứa các heterosid, mà khi thuỷ phân, sẽ giải phóng lawsone (hydroxy 2-naphroquinone 1-4). Hàm lượng lawson ở dược liệu khô vào khoảng 1%. Chất này kết tinh thành hình kim màu đỏ cam, ít khi hoà tan trong nước lã, hoà tan nhiều trong nước nóng, tan trong các dung môi hữu cơ và trong các dung dịch lỏng kiềm thổ để tạo thành một chất nhuộm màu da cam. Trong lá còn có 0,02% tinh dầu mà trong thành phần có B-ionon. Hạt chứa 5-6% một chất dầu không khô.
Tính vị, tác dụng: Lá hoạt huyết, tán ứ. Vỏ thân và rễ lợi tiểu, tiêu viêm.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá được dùng làm thuốc trị bệnh ngoài da như hắc lào, ghẻ lở, mụn nhọt, cũng dùng trị ỉa chảy, trừ giun sán và bệnh bại liệt. Ở Ấn Ðộ, người ta dùng làm thuốc trị đau đầu và dùng đắp vào bàn chân để trị bỏng. Nước sắc lá được dùng làm thuốc súc miệng để làm giảm đau họng. Dịch lá thêm nước và đường uống trị di tinh. Người ả Rập cũng dùng nó làm thuốc điều kinh và gây sẩy thai. Nhân dân ta cũng dùng lá móng làm thuốc thông kinh với hoa Chổi sể. Ta cũng thường dùng dây Lá móng để nhuộm móng tay chân, nhất vào dịp tết Ðoan Ngọ (5 tháng 5). Ngày nay, lá móng được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm do các tính chất nhuộm màu của nó (như trong nước gội đầu, thuốc nhuộm tóc). Chất lawson dính chặt vào tóc, có thể là do có sự phản ứng với các nhóm thiol của keretin ở tóc. Vỏ thân được dùng chữa tê bại, nhức mỏi. Ở Ấn Ðộ, cũng dùng trị vàng da, sưng lá lách. đau sạn sỏi, bệnh ngoài da và phong cùi. Rễ dùng làm thuốc trị viêm phế quản. Ở Ấn Ðộ, người ta dùng dầu và tinh dầu xoa đắp lên cơ thể để làm mát.
Hoa được dùng hạ sốt và gây ngủ.


Cách dùng: Lá tươi thường dùng giã nát, trộn với giấm để chữa bệnh ngoài da. Các bộ phận khác của cây dùng khô sắc uống với liều 8-20g.
Ðơn thuốc:
1. Chữa con gái chậm thấy kinh: Lá móng 30g sắc uống.
2. Thông kinh bế để tránh thụ thai. Lá móng 50g, ích mẫu 40g, Nghệ đen 30g sắc uống liều 3 thang cho đến khi thấy kinh mới thôi.
3. Chữa nấm móng tay, móng chân, lở ngứa ở kẽ chân móng rồi lây lan sang các ngón khác và có khi lở ở bàn tay bàn chân. Dùng lá móng giã nát với ít hạt muối đắp vào buổi tối, buộc rịt lại. Ngày có thể mở ra cho thoáng hơi và dễ làm việc. Tuần đầu thay thuốc mới hằng ngày. Tuần thứ hai, đắp thuốc thưa ra 2 ngày một lần. Tuần thứ ba đắp 3 ngày một lần. Ðến khi hết lở ngứa mà bong da, thì bôi nhựa lá Lô hội, hay đắp lá móng, hoặc bôi dầu Gấc (Theo Lê Trần Ðức).

Nguồn tin: www.lrc-hueuni.edu.vn

 Từ khóa: tử vi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây