LINH CHI

Thứ bảy - 27/09/2014 11:54

.

.
LINH CHI Linh chi là vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh là một loại nấm thực vật, có nhiều tên gọi khác nhau như Linh chi thảo, Nấm Trường thọ, Nấm Lim, Thuốc Thần tiên, Hổ nhũ Linh chi, Mộc Linh chi, Tử linh chi. Tên khoa học là Ganoderma Japonicum (Fr.) Lloyd ( Linh chi màu tím) là loại thường dùng hoặc Ganoderma lucidum ( Leyss. ex Fr.) Karst ( Linh chi màu đỏ). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIV - An thần.

Linh chi thường có 6 loại màu sắc khác nhau: Thanh chi ( màu xanh), Hồng chi ( màu hồng, còn gọi là Xích chi), Đơn chi, Hoàng chi ( màu vàng, còn gọi là Kim chi), Bạch chi ( màu trắng, còn gọi là Ngọc chi), Hắc chi ( màu đen, còn gọi là Huyền chi), Tử chi ( màu tím ) là loại thường được dùng nhất.

Linh chi thường mọc hoang tại các vùng Triết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Quảng Tây, Phúc Kiến ở Trung Quốc hoặc trồng nhân tạo. Ở nước ta, có một số cơ sở đã bắt đầu trồng nấm Linh chi để dùng trong nước. Nấm Linh chi mọc hoang thường được thu hoạch về mùa thu, đem về rửa sạch, phơi khô để dùng.

Tính vị qui kinh:

  • Sách Bản kinh: vị ngọt, ôn.
  • Sách Dược tính bản thảo: ngọt, bình, không độc.
  • Sách Trung dược học: ngọt, bình. Qui kinh: Tâm Can Phế.

Thành phần chủ yếu:

Theo Viện nghiên cứu tỉnh Quảng Đông, thành phần hóa học của nấm Linh chi hoang dại có: nước 12 - 13%, Lignin 13 - 14%, hợp chất có N 1,6 - 2,1%, hợp chất Phenol 0,08 - 0,1%, tro 0,022%, Celluloza 54 - 56%, chất béo 1,9 - 2%, chất khử 4 - 5%, hợp chất steroit 0,14 - 0,16%. Có tài liệu cho biết trong nấm Linh chi có 0,3 - 0,4% ergosterol ( C28H44O).

Theo công trình nghiên cứu gần đây, thành phần chủ yếu các loại Linh chi có: acid amin, protid, saponin, steroit, polysaccrit, germanium, ( cao hơn lượng germanium có trong Nhân sâm 5 - 8 lần), acid ganoderic.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

  • Theo sách Thần nông bản thảo và Bản thảo cương mục: "Thanh chi tính bình không độc, chủ trị sáng mắt, bổ can khí, an thần, tăng trí nhớ, chữa bệnh thuộc huyết và thần kinh tim. Hoàng chi vị ngọt, tính bình, không độc, làm mạnh hệ thống miễn dịch. Hắc chi vị mặn, tính bình không độc, chủ trị bí tiểu tiện, sỏi thận, bệnh ở cơ quan bài tiết. Bạch chi vị cay, tính bình, chủ trị hen, ích phế khí. Tử chi vị ngọt, tính ôn, không độc, chủ trị đau nhức khớp xương, gân cốt".
  • Theo sách Trung dược học: "Linh chi có tác dụng dưỡng tâm an thần, chỉ khái bình suyễn, bổ khí dưỡng huyết, chủ trị các chứng tâm thần bất an, khái thấu háo suyễn, khí huyết bất túc, tỳ vị hư nhược".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng an thần, làm giảm hưng phấn của thần kinh trung ương. Cồn Linh chi có tác dụng chống co giật do điện, giảm đau.
  2. Có tác dụng chỉ khái hóa đàm, bình suyễn nhưng theo báo cáo kết quả thực nghiệm có khác nhau.
  3. Có tác dụng bảo vệ gan, giải độc, hạ đường huyết và chống tác dụng của chất phóng xạ. Còn có tác dụng bảo vệ dạ dày loét thực nghiệm.
  4. Có tác dụng cường tim, hạ huyết áp, nâng cao ngưỡng oxy, giúp cơ tim chịu đựng được trạng thái thiếu máu, hạ lipid huyết, chống xơ cứng động mạch.
  5. Lượng polysaccarit cao có trong Linh chi, tăng cường sự miễn dịch của cơ thể, có tác dụng chống tế bào ung thư.
  6. Germanium giúp khí huyết lưu thông, các tế bào hấp thu oxy tốt hơn. Acid ganoderic có tác dụng chống dị ứng và chống viêm.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị suy nhược thần kinh: Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Viện Y học số 1 Thượng Hải báo cáo: Dùng cả 2 loại Linh chi nhân tạo và Linh chi hoang dại chế thành viên ( mỗi viên tương đương 1g thuốc sống), mỗi lần uống 3 viên, ngày 3 lần, một liệu trình từ 10 ngày đến 2 tháng. Trị 225 ca, tỷ lệ kết quả 83,5 - 86,3%, nhận xét thuốc có tác dụng an thần, điều tiết thần kinh thực vật và tăng cường thể lực ( theo báo Tân y học, số phụ chuyên đề về bệnh hệ thống thần kinh 1976,3:140).

2.Trị chứng cholesterol máu cao: Báo cáo của Sở nghiên cứu kháng khuẩn tố công nghiệp Tứ Xuyên, dùng liên tục từ 1 đến 3 tháng cho 120 ca thuốc có tác dụng hạ cholesterol huyết thanh rõ rệt, tỷ lệ kết quả 86% ( theo báo cáo đăng trên báo thông tin Trung thảo dược 1973,1:31).

3.Trị viêm phế quản mạn tính: Tổ nghiên cứu Linh chi tỉnh Quảng Đông báo cáo dùng siro Linh chi và đường Linh chi, trị 1.110 ca có kết quả và có nhận xét là thuốc có tác dụng đối với thể hen và thể hư hàn ( theo tờ báo cáo tư liệu Y dược Quảng Đông 1979,1:1).

4.Trị viêm gan mạn tính: Tác giả dùng polysaccarit Linh chi chiết xuất từ Linh chi hoang dại chế thành thuốc bột hòa nước uống, trị các loại bệnh viêm gan mạn hoạt động, viêm gan mạn kéo dài và xơ gan gồm 367 ca, có nhận xét phần lớn triệu chứng chủ quan được cải thiện, men SGOT, SGPT giảm tỷ lệ 67,7% ( Tạp chí Bệnh gan mật 1985,4:242).

5.Trị chứng giảm bạch cầu: dùng polysaccarit chế thành viên (mỗi viên có 250mg thuốc sống) cho uống, theo dõi 165 ca, ghi nhận tỷ lệ có kết quả 72,57% ( Báo cáo của Lưu Chí Phương đăng trên tạp chí Trung hoa huyết dịch bệnh 1985,7:428).

6.Trị bệnh xơ cứng bì, viêm da cơ, bệnh liput ban đỏ, ban trọc: dùng Linh chi chế thành dịch, tiêm bắp và viên uống. Trị xơ cứng bì 173 ca, tỷ lệ kết quả 79,1%, viêm da cơ 43 ca, có kết quả 95%, Liput ban đỏ 84 ca có kết quả 90%, ban trọc 232 ca, có kết quả 78,88% ( Thông tin nghiên cứu Y học 1984,12:22).

7.Theo sách Trung dược ứng dụng lâm sàng: thuốc có tác dụng đối với bệnh loét bao tử, rối lọan tiêu hóa kéo dài, thường dùng phối hợp với Ngũ bội tử, Đảng sâm, Bạch truật, Trần bì, Kê nội kim, Sa nhân, Sinh khương.

8.Trị xơ cứng mạch, cao huyết áp, tai biến mạch não: thường phối hợp với Kê huyết đằng, Thạch xương bồ, Đơn bì, Cẩu tích, Đỗ trọng, Thỏ ty tử, Hoàng tinh. Thuốc còn cùng chữa bệnh động mạch vành, đau thắt ngực.

9.Dùng giải độc các loại khuẩn: phối hợp với Cam thảo, Gừng, Táo.

Ngoài ra sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam của Đỗ Tất Lợi có ghi: Thuốc chữa bệnh phụ nữ thời kỳ mãn kinh . giúp thông minh và trí nhớ, dùng lâu ngày giúp cho nhẹ người, tăng tuổi thọ. Nhiều người mua nấm Linh chi về nấu canh, nấu súp làm món ăn cao cấp.

Liều dùng và các dạng thuốc thường dùng:

  • Liều thường dùng: 5 - 15g, thuốc bột mịn mỗi lần 1,5 - 3g, thuốc viên, viên nang ( Thuốc Trung Quốc mỗi nang có 300 - 350mg đông khô nấm Linh chi), liều dùng 1 - 2 nang một ngày. Cũng có dạng thuốc tiêm bắp, dạng trà Nhân sâm phối hợp Linh chi.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây