Tính vị qui kinh:
Vị ngọt, hơi đắng, hơi hàn, qui kinh Tỳ vị tâm.
Theo Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: vị ngọt bình.
- Sách Danh y biệt lục: hơi hàn, không độc.
- Sách Y học khởi nguyên: khí hàn, vị hơi đắng.
Về qui kinh:
- Sách Thang dịch bản thảo: nhập thủ thái âm kinh.
- Sách Bản thảo mông toàn: nhập thủ thái âm, thiếu âm kinh.
- Sách Bản thảo kinh sơ: nhập túc dương minh kiêm nhập thủ thiếu âm, thái âm.
Thành phần chủ yếu:
Ophiopogonin, ruscogennin, - sitostorol, stigmastrol.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Mạch môn có tác dụng nhuận phế, dưỡng âm, ích vị, sinh tân, thanh tâm trừ phiền, nhuận tràng.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: " chủ tâm phúc kết khí, vị lạc mạch tuyệt, người gầy đoản khí, uống lâu nhẹ người, không đói, không già".
- Sách Danh y biệt lục: " trị người nặng, mắt vàng, tâm hạ mãn, hư lao nhiệt, mồm khô phiền khát, chỉ ẩu thổ., cường âm ích tinh, tiêu cốc điều trung, bảo thần, định phế khí, an ngũ tạng, khiến người khỏe mập".
- Sách Dược tính bản thảo: " trị nhiệt độc, giải phiền khát, trị phù thũng mặt và chân tay. trị phế nuy thổ nũng, chủ tiết tinh".
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trị ngũ lao thất thương, an thần , chỉ thấu đầu thống".
- Sách Bản thảo diễn nghĩa: " trị tâm phế hư nhiệt".
- Sách Bản thảo hội ngôn: " Mạch môn đông là thuốc thanh tâm, nhuận phế, trị tâm khí bất túc, kinh quí chính xung, kiện vong, tinh thần tán loạn hoặc phế nhiệt, phế táo, đoản khí hư suyễn, khái huyết hư lao khách nhiệt hoặc tỳ vị táo, đại tiện khó".
- Sách Bản thảo chính nghĩa: " chuyên bổ vị âm, tư tân dịch, thuốc có tác dụng bổ âm giải khát."
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Thuốc có tác dụng tăng huyết lượng động mạch vành, bảo vệ bệnh thiếu máu cơ tim, cải thiện lực co bóp cơ tim và chống rối loạn nhịp tim, trên thực nghiệm, thuốc còn có tác dụng an thần.
- Trên thực nghiệm, tiêm bắp cho thỏ nước sắc Mạch môn: làm tăng đường huyết, nhưng cũng có báo cáo nói hạ đường huyết.
- Thuốc có tác dụng ức chế mạnh tụ cầu trắng, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn thương hàn . ( trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược, nhà xuất bản Khoa học Trung quốc 9165, trang 301).
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị lao phổi, viêm phế quản mạn tính, viêm họng mạn, có hội chứng phế âm hư ho kéo dài, ho khan: có thể phối hợp với Bán hạ, Đảng sâm, dùng bài:
- Mạch môn đông thang ( Kim quỉ yếu lược): Mạch môn 20g, Bán hạ chế 6g, Đảng sâm 12g, Cam thảo 4g, Cánh mễ 20g, Đại táo 4 quả, sắc uống.
- Mạch vị Đại hoàng hoàn ( Bát tiên trường thọ hoàn): 8 - 10g x 2 lần/ngày.
2.Trị bệnh nhiễm thời kỳ hồi phục, đại tiện táo bón, hư nhiệt, phiền khát: gia Sinh địa, Huyền sâm. dùng bài:
- Dưỡng chính thang: Mạch môn 12g, Ngọc trúc 20g, Hà thủ ô 16g, Đương qui 12g, Thục địa 16g, Sinh địa 12g, Hoài sơn 16g, Phục linh 8g, Nữ trinh tử 12g, Thiên hoa phấn 8g, Bạch thược 8g, Chích thảo 4g, sắc uống.
3.Trị suy tim có chứng hư thóat ra mồ hôi nhiều, mạch nhanh huyết áp hạ. : phối hợp Nhân sâm, Ngũ vị tử, dùng bài:
- Sinh mạch tán ( Nội ngoại thương biện hoặc luận): Mạch môn 16g, Nhân sâm hoặc Đảng sâm ( lượng gấp đôi) 8g, Ngũ vị tử 6g, sắc uống, để bổ khí âm.
- Trường hợp ra mồ hôi nhiều, bứt rứt khó chịu, dùng bài :Mạch môn 20g, Hoàng kỳ 8g, Đương qui 8g, Ngũ vị tử 4g, Chích thảo 4g, sắc uống.
4.Trị táo bón do âm hư: dùng bài:
- Tăng dịch thang: Mạch môn đông 20g, Sinh địa 20g, Huyền sâm 12g, sắc uống.
5.Trị bệnh động mạch vành: mỗi lần uống thuốc sắc Mạch môn 10ml ( thuốc sống 15g), ngày uống 3 lần, liệu trình 3 - 18 tháng hoặc dùng dịch tiêm Mạch môn tiêm bắp 4ml ( mỗi ống 2ml có 4g thuốc), chia 1 - 2 lần chích, 2 - 4 tháng là một liệu trình, hoặc mỗi ngày tiêm tĩnh mạch dịch tiêm Mạch môn 40ml ( mỗi ống 10ml có 10g thuốc sống), liệu trình 1 tuần. Đã trị 101 ca trong đó uống 50 ca, tỷ lệ kết quả 74%, tiêm bắp 31 ca, tỷ lệ kết quả 83,7%, chích tĩnh mạch 20 ca, tỷ lệ kết quả 80% ( Tổ phòng trị bệnh động mạch vành khoa Nội, Bệnh viện Thử quang thuộc Trung y Học viện Thượng hải, Quan sát thuốc Mạch môn trị bệnh động mạch vành lâm sàng và thực nghiệm, Tạp chí Tân y dược học 1977,5:39).
Liều lượng và chú ý lúc dùng:
- Liều thường dùng: 8 - 30g, dùng cho thuốc thang hoặc cao đơn hoàn tán, dùng cường tim liều cao hơn.
- Thận trọng lúc dùng thuốc cho bệnh nhân tiêu chảy.