NHÂN SÂM

Thứ sáu - 14/08/2015 17:53

.

.
NHÂN SÂM ( Radix Ginseng) Nhân sâm ( Radix Ginseng hay Radix ginseng Sylvestris) là rễ chế phơi sấy khô của cây Nhân sâm ( Panax ginseng C.A.Mey). Có hai loại Nhân sâm: Nhân sâm trồng gọi là Viên sâm ( Panax ginseng C.A.Mey forma sativum Chao et Shih.). Nhân sâm mọc hoang gọi là Sơn sâm ( Panax Ginseng C.A.Mey forma sylvestre Chao et Shih.). Nhân sâm dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXVIII - Bổ khí.


Tính vị qui kinh:

Vị ngọt hơi đắng, hơi ôn, qui kinh Tỳ Phế.

Theo các sách cổ:

  • Sách Bản kinh: vị ngọt hơi hàn.
  • Sách Danh y biệt lục: hơi ôn, không độc.
  • Sách Bản thảo bị yếu: thuốc sống ngọt, đắng, hơi lương; thuốc chín ngọt ôn.

Về qui kinh:

  • Sách Bản thảo diễn nghĩa bổ di: nhập thủ thái âm kinh.
  • Sách Bản thảo hội ngôn: nhập phế tỳ.
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: nhập tỳ vị phế kinh.

Thành phần chủ yếu:

Panaxatriol, panaxadiol, other panoxisdes, panaquilon, panaxin, gensenin, a-panaxin, proto-panaxadiol, protopanaxtriol, panacene, panaxynol, panaenic acid, panose, glucose, fructose, maltose, sucrose, nicotinic acid, riboflavin, thiamine.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Nhân sâm có tác dụng: đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, chỉ khát, an thần, tăng trí. Chủ trị các chứng khí hư dục thóat, mạch vi dục tuyệt, tỳ khí phế khí hư nhược, tân dịch tổn thương, chứng tiêu khát, khí huyết hư suy, thần chí rối loạn, dương nuy.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: " bổ ngũ tạng, an tinh thần, định hồn phách, chỉ kinh quí, trừ tà khí, minh mục, khai tâm ích trí".
  • Sách Danh y biệt lục: " điều trung, chỉ tiêu khát, thông huyết mạch.".
  • Sách Dược tính bản thảo: " chủ ngũ tạng khí bất túc, ngũ lao thất thương, hư tổn, gầy yếu.bảo trung thủ thần, chủ phế nuy."
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " điều trung trị khí, tiêu thực khai vị".
  • Sách Y học khôi nguyên dược loại pháp tượng: " bổ nguyên khí chỉ khát sinh tân dịch".
  • Sách Bản thảo cương mục: " Nhân sâm bổ phế khí, phế khí vượng thì khí các tạng khác cũng vượng. Nhân sâm đắc Hoàng kỳ, Cam thảo nãi Cam ôn trừ đại nhiệt, tả âm hỏa, bổ nguyên khí.".
  • Sách Trấn nam bản thảo: " trị âm dương bất túc, phế khí hư nhược".
  • Sách Bản thảo tân biên: " Nhân sâm dùng phối hợp với các thuốc khác như cần thăng đề gia Thăng ma, Sài hồ; cần hòa trung gia Trần bì, Cam thảo; kiện tỳ gia Bạch linh, Bạch truật; an thần gia Viễn chí, Táo nhân; trị ho gia Bạc hà, Tô diệp; tiêu đờm gia Bán hạ, Bạch giới tử; giáng vị hỏa gia Thạch cao, Tri mẫu; thanh âm hàn gia Phụ tử, Can khương; bài độc gia Cầm liên, Chi tử; hạ thực gia Đại hoàng, Chỉ thực".


 

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Nhân sâm có tác dụng gia tăng quá trình ức chế và gia tăng vỏ não, làm hồi phục bình thường khi hai quá trình trên bị rối loạn, saponin Nhân sâm lượng nhỏ chủ yếu làm hưng phấn trung khu thần kinh với lượng lớn có tác dụng ức chế.
  2. Nhân sâm có tác dụng tăng sức lao động trí óc và chân tay chống mỏi mệt, làm tăng hiệu suất hoạt động tư duy và thể lực. Chống lão hóa, cải thiện chức năng của não ở người lớn tuổi, tăng khả năng tập trung trí tuệ, tăng trí nhớ.
  3. Nhân sâm giúp cơ thể tăng khả năng thích nghi, khả năng phòng vệ đối với những kích thích có hại, Nhân sâm vừa có thể làm hồi phục huyết áp ở cơ thể choáng do mất máu vừa có thể làm hạ huyết áp ở người huyết áp cao, vừa có thể hạ huyết áp ở người huyết áp cao, vừa có thể chống ACTH làm tuyến thượng thận phì đại, vừa có thể chống corticoit làm teo thượng thận. Nhân sâm vừa có thể làm hạ đường huyết cao do ăn uống vừa có thể nâng cao trạng thái đường huyết hạ do insulin gây nên.
  4. Nhân sâm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng cường khả năng thực bào của hệ tế bào võng nội bì, tăng hiệu suất chuyển hóa của tế bào lâm ba và globulin IgM, do đó mà nâng cao tính miễn dịch của cơ thể. Theo tài liệu Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam, những thí nghiệm của Daugolnikol (1950-1952), Brekman và Phruentov (1954-1957) và Abramow (1953) cũng cho biết Nhân sâm có tác dụng tăng cường sức đề kháng của động vật đối với bệnh tật.
  5. Lượng ít dịch Nhân sâm làm tăng lực co bóp tim của nhiều loại động vật, nếu nồng độ cao thì giảm lực co bóp của gian sống của súc vật choáng trên thực nghiệm, đối với động vật suy tuần hoàn cấp do mất máu nhiều, thuốc làm tăng cường độ và tần số co bóp của tim, đối với suy tim tác dụng tăng cường tim của thuốc càng rõ.
  6. Nhân sâm có tác dụng hưng phấn vỏ tuyến thượng thận, các tác giả cho rằng cơ chế là do thông qua vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ra chất ACTH làm tăng cAMP của vỏ tuyến thượng thận. Thân và lá của Nhân sâm cũng có tác dụng hưng phấn hệ tuyến yên - vỏ tuyến thượng thận. Nhân sâm có tác dụng kích thích hocmon sinh dục đực cũng như cái.
  7. Thuốc có tác dụng hạ đường huyết. Đối với thực nghiệm, đường huyết cao ở chó, thuốc có tác dụng cải thiện trạng thái chung và hạ đường huyết.
  8. Saponin Nhân sâm làm tăng chuyển hóa lipid, tăng cường sự hợp thành sinh vật học cholesterol và lipoprotein trong gan chuột cống thực nghiệm. Nhưng lúc gây mô hình ( cholesterol) cao trên động vật thì Nhân sâm có tác dụng làm hạ. Nhân sâm có thể ngăn ngừa sự phát sinh cholesterol cao ở thỏ, vì vậy mà ngăn ngừa được sự hình thành xơ mỡ động vật.
  9. Nhân sâm có khả năng làm giảm tác hại của chất phóng xạ đối với hệ nhân tạo.
  10. Saponin Nhân sâm Rh2 có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của tế bào ung thư.
  11. Nhân sâm có tác dụng bảo vệ gan của thỏ và chuột cống, gia tăng chức năng giải độc của gan, Nhân sâm còn có tác dụng nâng cao thị lực và làm tăng khả năng thích nghi của thị giác đối với bóng tối.
  12. Độc tính của Nhân sâm: cho chuột nhắt uống bột Nhân sâm gây nhiễm độc cấp, LD50 là trên 5g/kg cân nặng, nếu tiêm thuốc vào dưới da chuột nhắt thì liều độc cấp LD50 là 16,5ml/kg, cho chuột nhắt uống Nhân sâm theo liều lượng 100,250, 500mg/kg liên tục trong 1 tháng và theo dõi nhiễm độc bán cấp không thấy gì thay đổi khác thường ở súc vật thực nghiệm. Theo Kixêlev đã tiêm vào dưới da chuột nhắt 1ml dung dịch Nhân sâm 20% thấy sau 10 - 12 giờ chuột chết với trạng thái mất sắc nhưng cho uống thì độc tính rất ít.

Sau đây là kết quả nghiên cứu Dược lý của Nhân sâm theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam:

  1. Tác dụng trên hệ thần kinh: Từ xưa tại Trung Quốc, người ta đã biết thí nghiệm tác dụng làm giảm mệt của Nhân sâm; Lý Thời Trân trong sách Bản thảo cương mục ( thế kỷ 16) có ghi: Cho 2 người cùng chạy, một người ngậm Nhân sâm, một người không, sau khi chạy độ 3 - 5 dặm, người không ngậm Nhân sâm thở mạnh, còn người ngậm Nhân sâm thở bình thường. Trong các năm 1949 - 1951, tại Liên xô Abramôva thí nghiệm theo phương pháp cho chuột nhắt lội nước, nhận thấy Nhân sâm có tác dụng làm đỡ mệt. Năm 1947, Lazarev đã nghiên cứu và kết luận Nhân sâm có tác dụng làm hưng phấn thần kinh trung ương dùng với liều điều trị có thể làm đỡ mệt, tăng hiệu suất công tác so với thuốc Phenamin tốt hơn. Năm 1955, Drake theo phương pháp của Zacuxov đã chứng minh liều điều trị của Nhân sâm có khả năng rút ngắn thời kỳ phản xạ tiềm phục của thần kinh và làm mau chuyển động của thần kinh, nhưng liều cao quá có thể gây hiện tượng quá trấn tĩnh ( Chu Nhan, Chu Kim Hoàng, Trung hoa Y học tạp chí 12,1956).
  2. Tác dụng trên huyết áp và tim: Các nhà nghiên cứu Liên xô Burkrat, Xakhopov (1947) và Kixêlev ( 1948-1959) đã nghiên cứu nước sắc và cồn Nhân sâm kết luận rằng tác dụng của dung dịch nước và dung dịch rượu của Nhân sâm như sau: Kixêlev dùng dung dịch 5%, 10% và 20% Nhân sâm tiêm vào tĩnh mạch thỏ và mèo thấy tác dụng hạ huyết áp, nồng độ càng cao tác dụng ức chế trên tim càng mạnh, nhưng nếu nồng độ thấp thì co bóp tim mạch và số lần co bóp càng tăng, do đó ông đã kết luận rằng Nhân sâm có hai hướng tác dụng trên thần kinh thực vật, liều nhỏ tác dụng như thần kinh giao cảm, liều lớn có tác dụng như thần kinh phế vị.
  3. Tác dụng trên hệ hô hấp: Năm 1947, Burkrat và Xakxopov đã báo cáo dùng 0,3 - 0,5ml dung dịch Nhân sâm 20% tiêm vào tĩnh mạch mèo thấy Nhân sâm hưng phấn hô hấp. Một số nhà nghiên cứu Nhật bản và Trung quốc trước đó tiêm vào tĩnh mạch thỏ chất Ginsenin thấy liều nhỏ làm tăng hô hấp, liều cao có tác dụng ngược lại, nếu tiêm acid panax hay chất panaxen cũng thấy tác dụng như vậy.
  4. Tác dụng đối với chuyển hóa cơ bản: Năm 1922, hai tác giả Nhật bản Bộ Thắng Mã và Nại Đằng Hệ Bình đã nghiên cứu tác dụng của bột Nhân sâm và chất tan trong cồn của Nhân sâm ( uống và tiêm) đối với bệnh đường huyết cao nhân tạo trên thỏ đều thấy có tác dụng rõ rệt làm hạ đường huyết. Năm 1954 và 1956, một số tác giả Trung quốc cũng xác nhận tác dụng hạ đường huyết của Nhân sâm. Trên lâm sàng Khâu Trần Ba ( 1955) nhận thấy nếu dùng Nhân sâm chung với Insulin thì có thể giảm bớt được Insulin, thời gian hạ đường được kéo dài và chữa được bệnh.
  5. Tác dụng đối với sự sinh trưởng của động vật ( máu lạnh hoặc máu nóng côn trùng): Cho uống hoặc tiêm thuốc chế bằng Nhân sâm hoặc các chất lấy từ Nhân sâm trên một số động vật so sánh với số không dùng Sâm, thấy trọng lượng con vật tăng lên, thời gian giao cấu của con vật kéo dài, hiện tượng tình dục xuất hiện rõ rệt.
  6. Tác dụng với sức chống đỡ bệnh tật: Những thí nghiệm của Daugolnikov (1950-1952) , Brekhman và Phruentov ( 1954 - 1957) và Abramow (1953) cho biết Nhân sâm có tác dụng tăng sức đề kháng của động vật đối với bệnh tật. Theo bài Tình hình nghiên cứu dược lý Nhân sâm dăng trên Tập san Dược học học báo 12,477-484,1965.cho biết Nhân sâm có tác dụng phòng chữa bệnh lóet dạ dày và viêm cơ tim trên thực nghiệm.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Dùng Nhân sâm điều trị cấp cứu trong trường hợp bệnh nguy kịch ( Đông y cho là chứng Vong âm vong dương): khí thóat, chân tay lạnh, tự ra mồ hôi, mạch trầm vi tế hoặc trường hợp chảy máu nhiều, gây chóang ( suy tuần hoàn cấp), dùng Nhân sâm để ích khí cứu thóat, hồi dương cứu nghịch, tùy tình hình chọn các bài:

  • Độc sâm thang: Nhân sâm 4 - 12g, chưng cách thủy cho uống, nên uống nhiều lần.
  • Sâm phụ thang: Nhân sâm 3 - 6g, Phụ tử chế 4 - 16g, sắc uống 6 lần. Đối với trường hợp dương hư chân tay lạnh ( choáng trụy tim mạch) cần thực hiện Đông tây y kết hợp cấp cứu.
  • Cấp cứu trẻ sơ sinh trạng thái nguy kịch: mỗi ngày dùng Hồng sâm thái mỏng 3 - 5g ( tương đương 1g/1kg cân nặng/ 1ngày) cho nước 40 - 50ml chưng 30 phút cho uống cứ 3 giờ 1 lần ( nhỏ giọt vào mồm hoặc cho bằng ống sonde qua mũi), mỗi lần 5ml, 1 liệu trình 4 - 6 ngày dài là 10 ngày có phối hợp Tây y cấp cứu, theo dõi 10 ca đều khỏi, thường sau 2 - 3 lần uống Sâm, các triệu chứng đều được cải thiện trên lâm sàng ( Vương Xích Mai và cộng sự). Theo dõi lâm sàng 30 ca trẻ sơ sinh điều trị bằng nước chưng Hồng sâm ( Tạp chí nghiên cứu Trung thành dược 1987,7:34).
  • Dùng Hồng sâm 30g sắc nước cho uống liên tục đồng thời châm Bách hội, 2 kim hướng trước sau, cấp cứu 10 ca choáng do mất máu có tác dụng nâng áp (Tào Thuận Minh, Điều trị choáng Tạp chí Trung y 1987,4:13).
  • Dùng Nhân sâm, Mạch môn, Ngũ vị chế thành thuốc tiêm Sinh mạch (hàm lượng mỗi ml có 0,57g thuốc sống, mỗi lần tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 2 - 4ml có kết quả tốt đối với nhồi máu cơ tim và chóang do tim ( Y viện Ma khai, Thiên tân, Dịch tiêm Sinh mạch tứ nghịch, Thông tin Trung thảo dược 1972,4:21).

2.Trị chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài do tỳ vị hư nhược, dùng phối hợp với Bạch truật, Bạch linh.

  • Tứ quân tử thang: Nhân sâm 4g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Cam thảo 4g, sắc uống.

3.Trị các loại bệnh phổi như hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, tâm phế mạn, dùng bài:

  • Nhân sâm định suyễn thang: Nhân sâm 8g ( gói sắc riêng), Thục địa 20g, Thục phụ phiến 12g, Hồ đào nhục 16g, Tắc kè 8g, Ngũ vị tử 8g, sắc uống.
  • Nhân sâm Hồ đào thang: Nhân sâm 4g, Hồ đào nhục 12g, saüc uống trị chứng hư suyễn.

4.Trị bệnh cảm ở người vốn khí hư dùng bài:

  • Sâm tô ẩm ( cục phương): Nhân sâm 4g (sắc riêng), Tô diệp 12g, Phục linh 12g, Cát căn 12g, Tiền hồ 4g, Bán hạ ( gừng chế) 4g, Trần bì 4g, Chỉ xác 4g, Cát cánh 4g, Mộc hương 3g ( cho sau), Cam thảo 3g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 2 quả, sắc uống nóng cho ra mồ hôi.

5.Trị chứng thiếu máu: dùng các bài bổ huyết như Tứ vật thang, Đương qui bổ huyết thang, gia thêm Nhân sâm kết quả tốt hơn.

6.Trị tiểu đường: thường dùng các thuốc tư bổ thận âm như: Thục địa, Kỷ tử, Thiên môn, Sơn thù nhục, dùng bài:

  • Tiêu khát ẩm: Cát lâm sâm 8g ( sắc riêng), Thục địa 24g, Kỷ tử 16g, Thiên môn đông 12g, Sơn thù nhục 12g, Trạch tả 16g, sắc uống.
  • Dùng độc vị Nhân sâm uống, theo báo cáo dùng cao lỏng Nhân sâm mỗi lần uống 0,5ml ngày 2 lần, liệu trình tùy tình hình bệnh, nếu bệnh nhẹ kết quả rõ, có thể làm hạ đường huyết 40 - 50mg% ngưng thuốc có thể kéo dài thời gian ổn định trên 2 tuần, đối với thể trung bình tác dụng hạ đường huyết không rõ nhưng triệu chứng chung được cải thiện như khát nước giảm, đỡ mệt mỏi ( Vương Bản Tường, kết quả nghiên cứu Dược lý Nhân sâm - Dược học học báo 1965,7:477, Ứng dụng lâm sàng vị Nhân sâm Y học Cát Lâm 1983,5:5).

7.Trị liệt dương: Báo cáo dùng Nhân sâm trị 27 ca, chức năng tính dục được hồi phục hoàn toàn 15 ca, 9 ca chuyển biến tốt, 3 ca không kết quả. Ngoài ra dùng uống nước chiết xuất 500mg mỗi ngày dùng để trị các trường hợp: Liệt dương , tảo tiết, phóng tinh yếu, tính dục giảm đều có kết quả nhất định ( Vương Bản Tường, Ứng dụng lâm sàng vị Nhân sâm, Cát Lâm Y học 1983,5:54).

8.Trị cao huyết áp và xơ mỡ động mạch: Các tác giả Liên xô dùng cồn 20% Nhân sâm, mỗi lần 20 giọt, ngày 2 lần, đối với các chứng huyết áp cao, xơ mỡ động mạch, đau thắt tim, thần kinh tim và hở van tim, đều có kết quả nhất định như cảm giác dễ chịu, bớt khó thở, bớt đau thắt tim, bớt đau đầu, ngủ tốt, điện áp sóng T và R được nâng cao. ngưng thuốc 6 - 9 tháng, bệnh tình vẫn ổn định ( Vương Bản Tường, Ứng dụng lâm sàng vị Nhân sâm Cát Lâm Y học 1983,5:54).

Nhân sâm có tác dụng làm giảm mỡ trong máu ở người già nhất là đối với Triglicerid 80% người được thí nghiệm cảm thấy thể lực và trí lực đều tăng, 54% mất ngủ được cải thiện, 40% chứng tinh thần trầm cảm giảm, rối loạn sắc tố da ở người già được cải thiện, bớt rụng tóc.

9.Dùng trị chứng suy thượng thận ( Addison): do Nhân sâm có tác dụng kháng lợi niệu nên ảnh hưởng tới chuyển hóa của nước muối như Hocmon vỏ thượng thận gluco-cocticoit. Theo báo cáo của Vương Bản Tường theo dõi 18 ca, bệnh nhân Addison cho uống cồn chiết xuất thân lá Nhân sâm 20% ( tương đương 0,5g thuốc sống/1ml ); liều 20 - 30ml ngày uống 3 lần và tăng dần liều đến 150 - 300ml mỗi ngày. Liệu trình bình quân 121 ngày. Sau điều trị, bệnh nhân lên cân, huyết áp được nâng lên, lực nắm bàn tay mạnh hơn, đường huyết lên, natri huyết thanh tăng. Thử nghiệm nước cocticoit và ACTH đều được cải thiện, giảm lắng đọng sắc tố ở da, đối với bệnh nhân sớm và ở giai đoạn bù trừ có kết quả tốt, có thể hồi phục khả năng bù trừ, cần dùng kết hợp với cocticoit có giảm liều ( Báo Y học Cát Lâm 1983,5:54).

10.Dùng trị tỳ hư trẻ em: Theo báo cáo của Từ Hỷ Mai dùng Hồng sâm chữa cho 10 trẻ em nằm viện có các triệu chứng đần độn, ra mồ hôi, sắc mặt tái nhợt, vàng bủng. Đã được điều trị theo phác đồ chung gia Hồng sâm theo liều:

  • Trẻ em dưới 3 tuổi: Hồng sâm 3g sắc được 30ml.
  • Trẻ em trên 3 tuổi: sắc lấy 60ml gia thêm đường mía, chia 2 lần uống trong ngày, một liệu trình 7 - 14 ngày.
  • Thuốc có tác dụng làm trẻ em ăn ngon, hết mồ hôi, lên cân, sắc mặt tươi hơn ( theo báo Y dược Trùng Khánh 1984,6:41).

11.Trị bệnh động mạch vành: Theo báo cáo của Dụ Hương Quần dùng Tiểu Hồng sâm chế thành dịch, tiêm hàm lượng 200mg/2ml/1ống; dùng 6 - 10ml thuốc trộn với 40ml gluco 10% tiêm tĩnh mạch, ngày 1 - 2 lần. Tác giả theo dõi 31 ca: Đau thắt tim có kết quả 93,54%, điện tâm đồ được cải thiện 76,66% đối với loạn nhịp tim cũng có tác dụng nhất định ( Báo Y học An Huy 1988,3:51).

12.Trị chứng giảm bạch cầu: Chiết xuất Saponin từ thân, rễ, lá Nhân sâm chế thành viên, mỗi lần dùng 50 - 100mg, ngày uống 2 - 3 lần. Trị 38 ca hạ bạch cầu do hóa liệu, tỷ lệ kết quả 87%, trên súc vật thực nghiệm cũng chứng minh thuốc có tác dụng tăng bạch cầu rõ và có khả năng kích thích chức năng tạo máu ( theo báo nghiên cứu phòng trị Ung thư 1987,3:149).

13.Trị viêm gan cấp: Theo báo cáo của các học giả Liên xô, uống cao lỏng Nhân sâm có khả năng làm cho chức năng gan hồi phục nhanh hơn và làm giảm khả năng bệnh chuyển thành mạn tính ( theo báo Cát Lâm Y học 1983, 5:54).

Liều lượng thường dùng và chú ý lúc dùng:

  • Liều: 3 - 15g có khi dùng đến 40g, tùy loại và mục đích dùng.

Ví dụ:

  1. dùng làm thuốc bổ trị thiếu máu, trung khí hư hoặc âm hư, dùng Cát lâm sâm 3 - 6g hoặc Sâm Triều tiên 2 - 4g.
  2. dùng để trị cường tim như trường hợp mất nước, suy tim, lượng dùng nhiều hơn Cát lâm sâm 12 - 20g, sâm Triều tiên 4 - 8g.
  3. dùng để cấp cứu nguyên khí hư thóat, mất máu nhiều, Cát lâm sâm dùng 20 - 40g, sâm Triều tiên 20 - 30g.
  4. trường hợp dùng bình thường để tăng sức thì 5 - 7 ngày uống 1 lần Nhân sâm 6 - 8g là được. Dùng Nhân sâm cần chú ý thể tạng người dùng, nếu là người hàn thì nên dùng phối hợp với thuốc tính ấm như Can khương, nếu là tạng nhiệt thì nên phối hợp với thuốc mát như Mạch môn, Sinh địa. Lúc dùng dạng thuốc sắc nên sắc riêng, nhỏ lửa rồi hòa chung với thuốc uống, dùng dạng bột mỗi lần 0,5 - 1g, ngày 1 - 2 lần.
  5. Nhân sâm do vùng đất cây mọc, phương pháp bào chế và bộ phận dùng khác nhau mà dược lực có khác. Thường thì Sâm mọc hoang và sống lâu năm là tốt nhất nhưng đắt và hiếm, dùng loại trồng thì có nhiều và rẻ. Sâm mọc ở Cát lâm, Liêu ninh ( Trung quốc) và Sâm Triều tiên là tốt. Hồng sâm tính ôn dùng tốt đối với dương khí hư.

Lúc dùng Sâm cần chú ý:

  1. Không dùng Sâm đối với chứng thực nhiệt.
  2. Theo sách Bản thảo kinh tập chú: thì "Nhân sâm phản Lê lô, ố Tạo giác": không nên cùng dùng.
  3. Theo sách Dược đối thì: " Nhân sâm úy Ngũ linh chi" nhưng trong nhiều bài thuốc có hai vị cùng dùng có tác dụng ích khí hoạt huyết không phát hiện gây độc nên sách Dược điển ( Trung Quốc) năm 1985 không có cấm dùng chung.
  4. Theo sách Bản thảo tập yếu ghi: " Nhân sâm úy La bạc" nên trong thời gian uống Nhân sâm, không nên ăn Củ Cải và không nên uống trà để tránh giảm hiệu lực của thuốc. Nếu uống Nhân sâm mà đầy tức bụng, khó chịu có thể dùng La bạc tử giải độc ( La bạc tử sắc uống).
  5. Lúc dùng Nhân sâm để bớt nóng có thể phối hợp Mạch môn, Sinh địa; để bớt đầy tức thì phối hợp với Trần bì, Sa nhân.
  6. Nhân sâm rất ít độc: uống cồn Nhân sâm 3% 100ml chỉ cảm giác khó chịu nhẹ, nếu uống 200ml hoặc lượng lớn bột Nhân sâm có thể bị trúng độc, sẽ nổi ban đỏ, ngứa, đau đầu, chóng mặt, sốt và xuất huyết. Xuất huyết là nhiễm độc cấp của Nhân sâm. Ở nước ngoài có báo cáo 1 ca chết vì uống 500ml cồn Nhân sâm và 1 em bé chết do uống nhiều nước sắc Nhân sâm.
  7. Cuống Nhân sâm ( Nhân sâm lô) không có tác dụng gây nôn như sách cổ đã ghi: có người dùng 1 lần 50g cũng không bị nôn ( Báo Trung y Bắc kinh 1986,1:30). Theo báo cáo của Vương Ngọc Hoa thuộc công ty Dược liệu tỉnh Hà bắc cho những bệnh nhân ở phòng khám mắc các bệnh tiểu đường, liệt dương, huyết áp thấp, mất ngủ, cường giáp, bạch cầu và huyết sắc tố thấp, uống Hồng sâm lô mỗi người mỗi ngày 5 - 10g độc vị hoặc gia vào thang thuốc ngâm rượu, sắc uống, nhai hoặc uống bột, uống liên tục từ 3 - 60 ngày. Đã theo dõi 3500 lần người trong đó có 1500 lần người uống độc vị, tổng lượng mỗi người dùng Sâm lô 100 - 700g mà không có ai nôn, còn những triệu chứng bệnh lý được cải thiện rõ rệt, chứng minh Sâm lô cũng có tác dụng chữa bệnh như Nhân sâm. Nghiên cứu dược lý thực nghiệm cũng chứng minh thành phần hóa học các loại của cả hai đều giống nhau, còn phát hiện hàm lượng các thành phần hóa học ở cuống Sâm lại cao hơn ở rễ Sâm.
  8. Giới thiệu bài thuốc giải độc Nhân sâm của Lưu Trường Giang gồm: La bạc tử 25g, Sài hồ, Hương phụ, Mạch đông, Thiên đông, Ngũ vị tử, Viễn chí, Câu đằng, Cam thảo sống ( mỗi thứ 15g), Đại táo 5 quả, sắc uống ngày 1 thang ( đã dùng trị 61 ca nhiễm độc Nhân sâm đều khỏi - Báo Trung y Giang Tô 1988,9:16).

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây