NHỤC ĐẬU KHẤU

Chủ nhật - 16/08/2015 07:43

.

.
NHỤC ĐẬU KHẤU ( Semen Myristicae Fragranticis) Nhục đậu khấu còn có tên là Nhục quả, Ngọc quả dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Dược tính bản thảo, là nhân phơi khô hay quả chín sấy khô của Nhục đậu khấu ( Myristica fragrans Houtt.) thuộc họ Nhục đậu khấu ( Myristicaeae). Cây Nhục đậu khấu được trồng ở miền Nam nước ta, Campuchia, Trung Quốc ( Quảng Đông), Indonesia, Malasia, Tây Ấn độ v..v..Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXIII - Thu liễm cố sáp.

Tính vị qui kinh:

Nhục đậu khấu vị cay tính ôn, qui kinh Tỳ Vị Đại tràng.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Dược tính bản thảo: vị đắng cay.
  • Sách Hải dược bản thảo: vị cay ôn, không độc.
  • Sách Cảnh nhạc toàn thư: vị đắng cay mà sáp, tính ôn.
  • Sách Thang dịch bản thảo: nhập thủ dương minh kinh.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh Phế Vị.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: nhập túc thái âm, dương minh, thủ dương minh kinh đại tràng.

Thành phần chủ yếu:

Nhục đậu khấu có chứa tinh bột, chất protid chừng 40% chất béo gọi là bơ Nhục đậu khấu ( beurre de muscade) 8 - 15% tinh dầu, 3 - 4% chất nhựa. Tinh dầu Nhục đậu khấu gồm 1 hỗn hợp các chất pinene, camphene quay phải ( 80%), dipentene (8%), cồn terpenic (linalol, borneol, terpineol và geraniol (6%) một ít eugenol và safrol, chất myristicin (4%). Bơ Nhục đậu khấu có chừng 70 - 75% myristin, 2 - 3% tinh dầu.

Tác dụng dược lý:

  1. Tinh dầu có mùi thơm dùng ít tăng bài tiết dịch vị, kích thích nhu động ruột giúp ăn ngon ( liều rất ít 0,03 - 2ml).
  2. Liều lượng tinh dầu Nhục đậu khấu làm say tê rõ rệt. Người uống 7,5g bột Nhục đậu khấu có thể gây hoa mắt, chóng mặt, nói sảng, hôn mê, uống quá liều đã có trường hợp gây tử vong. Trên thực nghiệm ở mèo, liều gây tê mê thường là độc dẫn đến suy gan.
  3. Độc tính của thuốc: trên mèo thực nghiệm, với liều 1,9g/kg thường gây nhiễm độc gan ( kiểm tra sinh thiết). Trên người với liều uống bột thuốc 7,5g gây độc có triệu chứng kích thích thần kinh, nói sảng. Chất gây độc chủ yếu là thành phần Myristicin.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị rối loạn tiêu hóa, kém ăn, nôn mữa, đau bụng, ăn khó tiêu:

  • Nhục đậu khấu 0,5g, Nhục quế 0,5g, Đinh hương 0,2g tán bột mịn trộn với đường sữa 1g, chia làm 3 gói, uống 3 lần trong gnày.
  • Quế 100g, Nhục đậu khấu 80g, Đinh hương 40g, Sa nhân 30g, đều tán bột mịn, Calci carbonat bột 250g, đường 500g trộn đều, ngày dùng 0,5 - 4g.

2.Trị tiêu chảy kéo dài do viêm đại tràng mạn hay lao ruột có hội chứng thận dương hư: dùng bài:

  • Bổ cốt chi 10 - 12g, Ngô thù du 9g, Ngũ vị tử 10g, Đảng sâm 15g, Nhục đậu khấu 6g ( cho vào sau) sắc uống.
  • Tứ thần hoàng ( Chứng trị chuẩn thằng): Bổ cốt chi 10g, Nhục đậu khấu 5g ( sao), Ngũ vị tử 5g, Ngô thù du 4g, Đại táo 3 quả, Gừng tươi 3 lát sắc uống với nước muối nhạt trước lúc ngủ.

Liều thường dùng:

  • Liều uống 3 - 8g, trị tiêu chảy nên nướng.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây