Ở nước ta Nam ô dược mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc, nhiều nhất ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Hòa Bình, Sơn Tây. Tính vị qui kinh:
Vị cay, tính ôn. Qui kinh Phế, Tỳ, Thận, Bàng quang.
Theo các sách cổ:
- Sách Khai báo bản thảo: Vị cay ôn không độc.
- Sách Dược phẩm hóa nghĩa: vị cay hơi đắng tính ôn.
- Sách Bản thảo cầu chân: cay ôn.
- Sách Thang dịch bản thảo: nhập túc dương minh, thiếu âm kinh.
- Sách Lôi công bào chế dược tinh giải: nhập phế tỳ 2 kinh.
- Sách Bản thảo tùng tân: Thượng nhập tỳ phế, hạ thông bàng quang thận.
Thành phần chủ yếu:
Chủ yếu gồm tinh dầu và các ancaloit như: Bomeol, Linderane, Linderalactone, Isolinderalactone, Linderatrenolide, Linderene, Lindenene, Lindenenone, Lindestrene, Linderene acetate, Isolinderoxide, Linderaic acid, Linderazulene, Chamazulene, Laurolitsine.
Tác dụng dược lý:
- Theo Y học cổ truyền:
Thuốc có tác dụng hành khí chỉ thống, ôn thận tán hàn. Chủ trị chứng hàn uất khí trệ, thuận dương bất túc, bàng quang hư lãnh.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản thảo thập di: "Chủ trung ác tâm phúc thống, tích thực không tiêu, thiên hành, dịch chướng, lãnh khí công, xung bàng quang thận, huyết khí, trẻ em bệnh giun."
- Sách Bản thảo kinh sơ: " Ô dược thường dùng chung với Hương phụ trị tất cả các bệnh về khí của phụ nữ, bất kể khí có hư, có thực, có hàn, có nhiệt, lãnh khí, bạo khí đều dùng được. .."
2.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Ô dược có tác dụng 2 mặt đối với cơ trơn bao tử và ruột, có tác dụng làm tăng nhu động ruột, giúp ruột bài khí, đồng thời làm giảm trương lực của ruột thỏ cô lập. Ô dược có thể làm tăng tiết dịch ruột.
- Bột Ô dược khô có tác dụng rút ngắn thời gian tái canxi hóa của huyết tương, rút ngắn thời gian đông máu và có tác dụng cầm máu.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị đau bụng do trúng hàn khí trệ, đau bụng kinh:
- Ô trầm thang: Ô dược, Đảng sâm đều 10g, Trầm hương 2g, Cam thảo 6g, Sinh khương 6g, sắc uống.
- Ô dược, Cao lương khương, Hồi hương đều 6g, Trần bì 8g, sắc uống trị hàn, sán khí, đau bụng dưới.
- Ô dược thang ( Hiệu chú phụ nhân lương phương): Ô dược 10g, Hương phụ 8g, Đương qui 12g, Mộc hương 8g, sắc uống. Thuốc có tác dụng lý khí hoạt huyết chỉ thống.
2.Trị tiểu nhiều lần hoặc đái dầm: do thận dương bất túc, bàng quang hư hàn, dùng bài:
- Súc tuyền hoàn ( Hiệu chú phụ nhân lương phương) gồm Ích trí nhân 16g, Ô dược 10g, Sơn dược 16g sắc uống.
3.Trị chứng rối loạn tiêu hóa: ăn không tiêu đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, nôn, buồn nôn:
- Hương tô tán: Ô dược, Hương phụ lượng bằng nhau tán bột mịn hoặc làm hoàn, mỗi lần uống 1 - 2g, ngày 2 lần với nước sắc gừng táo.
Liều thường dùng và chú ý:
- Liều 3 - 10g sắc uống hoặc cho vào thuốc thang, hoàn tán.
- Trường hợp khí huyết hư, nội nhiệt không nên dùng.