PHÁ CỐ CHỈ ( BỔ CỐT CHỈ)

Chủ nhật - 23/08/2015 16:51

.

.
PHÁ CỐ CHỈ ( Fructus Psoraleae Corylifoliae) Phá cố chỉ còn gọi là Bổ cốt chỉ, Hắc cố tử, Hạt đậu miêu, được ghi làm thuốc đầu tiên trong sách Dược tính bản thảo. Hạt chín phơi khô của cây Bổ cốt chi (Psorales corylifolia L.) dùng làm thuốc. Bào chế bỏ tạp chất, dùng sống hoặc tẩm nước muối sao cho hơi phồng, gọi là Diêm Bổ cốt chi, lúc dùng đập vụn. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXVII - Bổ dương.
 

Tính vị qui kinh:

Đắng cay, đại ôn qui kinh Thận tỳ.

  1. Tính vị:
  • Sách Dược tính bản thảo: vị đắng cay.
  • Sách Khai bảo bản thảo: cay, đại ôn, không độc.
  • Sách Hiện đại thực dụng Trung dược: vị cay, đắng mà ngọt.
  1. Qui kinh:
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập thận kinh.
  • Sách Bản thảo hội ngôn: nhập thủ quyết âm, túc thái âm và mệnh môn.
  • Sách Bản thảo kinh giải: nhập túc dương minh vị kinh.

Thành phần chủ yếu:

Psoral, Isopsoralin, bavachin, bavachinin, Isobavachin, bavachalcone, Isobavachalcone, bakuchiol, raffinose.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bổ cốt chi có tác dụng bổ thận tráng dương, cố tinh súc niệu, ôn tỳ chỉ tả. Chủ trị chứng liệt dương, hoạt tinh, đái dầm, đái nhiều lần, tỳ hư tiết tả.
 

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Tác dụng đối với hệ tim mạch: thuốc có tác dụng làm dãn động mạch vành rõ rệt, có tác dụng đối kháng với kích tố làm co động mạch vành của thùy sau tuyến yên, trên thực nghiệm tim cô lập chuột Hà lan và chuột to, thuốc làm tim co bóp mạnh hơn và tăng cường lưu lượng máu của động mạch vành.
  2. Trên động vật thực nghiệm: thuốc có tác dụng kích thích sự sinh trưởng của tế bào bạch cầu hạt.
  3. Tác dụng kháng khuẩn in vitro: thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, tụ cầu trắng, trực khuẩn lao.
  4. Thuốc có tác dụng đối với cơ trơn: dịch chiết xuất Bổ cốt chi có tác dụng hưng phấn cơ trơn của ruột cô lập nhưng có tác dụng làm mềm dãn tử cung của chuột Hà lan cô lập.
  5. Tác dụng chống lão suy: thuốc có tác dụng kéo dài kỳ ấu trùng của tằm nuôi, các học giả qua nghiên cứu cho rằng có thể do thuốc có khả năng điều tiết thần kinh và huyết dịch, kích thích tủy xương tạo máu, tăng cường miễn dịch và chức năng các hocmôn mà chống lão suy.
  6. Chống ung thư: trên thực nghiệm sơ bộ có nhận xét là tinh dầu Bổ cốt chi có tác dụng chống ung thư. Bổ cốt chi tố B có tác dụng ức chế Sarcoma-180 và tế bào Hela.
  7. Tác dụng tăng cường sắc tố da. Kết quả nghiên cứu cho thấy Bổ cốt chi tố B có tác dụng dãn mạch, cải thiện dinh dưỡng, tổ chức cục bộ làm tăng sắc tố ở da.
  8. Tác dụng Oestrogen và chống thụ thai: Phenol Bổ cốt chi có tác dụng chống thụ thai (chống làm ổ), phenol Bổ cốt chi làm thay đổi kỳ động dục của chuột cái đã cắt buồng trứng, làm tăng trọng lượng tử cung rõ rệt.

Ứng dụng lâm sàng:

Theo Y học cổ truyền Bổ cốt chi là vị thuốc chính trị bệnh Tỳ thận dương hư. Trên lâm sàng thường dùng trị bệnh như sau:

1.Trị tiêu chảy kéo dài do dương hư (thường tiêu chảy vào lúc sáng sớm nên gọi là Ngũ canh tả): dùng các bài:

  • Tứ thần hoàn (chứng trị chuẩn thằng) gồm: Bổ cốt chi 160g, Ngũ vị tử 80g, Nhục đậu khấu (sao) 80g, Ngô thù du 40g, Sinh khương 320g, Đại táo 240g, Khương Táo sắc lấy nước, các vị khác tán bột mịn trộn với nước sắc hồ làm hoàn, mỗi lần uống 8 - 16g với nước muối hoặc nước sôi ấm trước lúc ngủ.
  • Bổ cốt chi, Nhục đâïu khấu lượng bằng nhau, Khương, Táo sắc trộn hồ làm hoàn, uống mỗi lần 12g, ngày 2 lần.

2.Trị liệt dương, đái nhiều, đái dầm: Bổ cốt chi phối hợp với Ích trí nhân, Thỏ ty tử, dùng bài:

  • Bổ cốt chi hoàn: Bổ cốt chi, Thỏ ty tử, Hồ đào nhục, mỗi thứ 12g, ngày 2 lần với nước muối nhạt. Trị đái dầm có thể dùng độc vị Bổ cốt chi tán bột, mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần.
  • Bổ cốt chi (ngâm rượu sao) 100g, Tiểu hồi sao 100g, tán nhỏ trộn đều làm thành viên, mỗi tối dùng với nước ấm uống: Từ 3 - 9 tuổi:1,5g; từ 10 - 12 tuổi:2,5g. Trị 6 ca đều khỏi (Tân trung y 1976,1:57).

3.Trị ho lao (Đỗ Tất Lợi): Bổ cốt chi 400g tẩm rượu 1 đêm phơi khô, lấy một nắm vừng trộn lẫn thuốc rang lên cho đến khi vùng hết nổ, lấy Phá cố chỉ tán bột làm viên bằng hạt ngô, ngày uống 30 viên, chia 2 - 3 lần.

4.Trị bệnh bạc đới, sói tóc: dùng Bổ cốt chi 40g ngâm với 100ml cồn 75%, 5 - 7 ngày bôi lên vùng bệnh và chích bắp dịch tiêm Bổ cốt chi ngày 1 lần 5 ml, gia chiếu tia tử ngoại trị bạch điến 49 ca, tỷ lệ kết quả 75,5%. Đối với sói tóc, chỉ dùng tiêm và chiếu tia tử ngoại trị 45 ca có kết quả 84,4% ( Tờ thông tin Trung thảo dược 1972,1:41).

5.Trị tử cung xuất huyết: Bổ cốt chi và Xích thạch chỉ lượng bằng nhau chế thành viên cầm máu . Trị 326 ca, có kết quả trên 90% ( Tạp chí Thiên Tân Y dược 1973,1:36).

6.Trị chứng bạch cầu giảm: dùng bột thuốc luyện mật làm hoàn, mỗi hoàn nặng 6g, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 - 3 hoàn hoặc 3g bột, một liệu trình 4 tuần. Trị 19 ca, 14 ca khỏi, 4 ca tiến bộ ( Tân y học 1975,10:497).

Liều thường dùng:

  • Liều: 4 - 12g.
  • Không nên dùng nhiều.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây