.
Tầm xuân mọc thành bụi, lá kép lông chim, thân nhiều gai, hoa 5 cánh nhỏ bé nhưng khá đẹp với nhiều màu sắc khác nhau như hồng, đỏ, trắng, vàng..
Để chữa bệnh người ta thường dùng loại tầm xuân có hoa màu trắng là tốt hơn cả.Rất nhiều bộ phận của tầm xuân được dùng làm thuốc như: hoa, lá, rễ, quả.
Hoa: thường được thu hái vào mùa xuân và mùa hè dùng để chữa các chứng bệnh:
Cảm nắng, cảm nóng vào mùa hè: người bệnh có triệu chứng tức ngực, buồn nôn và nôn, có thể nôn ra máu, môi khô miệng khát, chán ăn mệt mỏi: Dùng hoa tầm xuân 3-9g. Sắc uống.
Hoặc hoa tầm xuân 5g, thiên hoa phấn 10g, sinh thạch cao 30g, mạch môn 15g. Sắc uống.
Hoặc hoa tầm xuân 10g, hoa đậu ván trắng 10g hãm với nước sôi, chế thêm một chút đường phèn, uống thay trà.
Nôn ra máu, chảy máu cam: hoa tầm xuân 6g, bạch cập 15g, rễ cỏ tranh 30g. Sắc uống.
Lá: thu hái quanh năm, có tác dụng sinh cơ và làm liền nhanh vết thương. Lá tầm xuân dùng chữa các bệnh:
Chữa ung nhọt làm mủ lở loét: dùng lá tầm xuân sấy khô tán bột trộn với mật ong và giấm đắp lên nơi tổn thương.
Nhọt độc sưng nề nhiều: lá và cành non tầm xuân rửa sạch giã nát với một chút muối rồi đắp lên nơi tổn thương.
Rễ: vị đắng hơi sáp, tính bình, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp trừ phong, hoạt huyết và giải độc, dùng chữa các chứng:
Chảy máu cam mạn tính: vỏ rễ tầm xuân 60g hầm với thịt vịt già, ăn.
Ghẻ về mùa hè: rễ tầm xuân sắc uống thay trà.
Đau răng, viêm loét miệng: dùng rễ tầm xuân sắc uống hoặc ngậm.
Hoàng đản (vàng da do nhiều nguyên nhân): rễ tầm xuân 15-25g hầm với 60g thịt lợn nạc, chế thêm một chút rượu vang chia ăn vài lần trong ngày.
Trị vết thương chảy máu: rễ tầm xuân lượng vừa đủ sấy khô tán bột rắc vào vết thương, cũng có thể trộn với dầu vừng để đắp.
Rong huyết: dùng rễ tầm xuân 30g, ngải cứu già đốt tồn tính 10g, cỏ nhọ nồi 30g, tiên hạc thảo 30g. Sắc uống hàng ngày.