TANG DIỆP

Thứ bảy - 17/10/2015 17:48

.

.
TANG DIỆP (Folium Mori Albae) là lá cây Dâu tằm ( Morus alba L. ) họ Dâu tằm ( Moraceae). Vị đắng ngọt tính hàn, qui kinh Phế Can. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm II - Phát tán phong nhiệt.


Thành phần chủ yếu:

Trong lá dâu có chất cao su, chất caroten, tanin, rất ít tinh dầu, vitamin c, cholin, adenin, trigonellin. Ngoài ra còn có pentozan, đường canxi malat và canxi cacbonat.

Tác dụng dược lý:

Theo Y học cổ truyền có tác dụng:

  • Giải cảm hạ sốt ( giải biểu tán nhiệt.)
  • Thanh can minh mục ( giải độc làm sáng mắt)
  • Hóa đờm chỉ khái ( long đờm cầm ho).

Về dược lý hiện đại chưa có tài liệu nghiên cứu.
 

Ứng dụng lâm sàng:

1.Chữa chứng ho sốt: do viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản nhẹ lúc mới bắt đầu, dùng bài Tang cúc ẩm ( Ôn bệnh điều biện) gồm: Tang diệp 12g, Cúc hoa 12g, Khổ hạnh nhân 12g, Liên kiều 16g, Bạc hà 4g, (cho sau), Cát cánh 8g, Cam thảo sống 4g, Lô căn 6g, sắc nước uống.

2.Chữa chứng phế nhiệt: ho khan đờm ít vàng dùng bài Tang cúc ẩm hoặc bài Tang hạnh thang (Ôn bệnh điều biện) gồm có: Tang diệp 8 - 12g, Hạnh nhân 8 - 12g, Sa sâm 12 - 16g, Thổ bối mẫu 8 - 12g, Đạm đậu xị 8 - 12g, Sơn chi bì 8 - 12g, Vỏ lê 8 - 12g, sắc nước uống.

3.Chữa viêm màng tiếp hợp: mắt sưng đỏ đau ( do phong nhiệt tại kinh can) dùng bài:

  • Tang diệp 12g, Cúc hoa 12g, Quyết minh tử 8g, Sài hồ 12g, Xích thược 12g, Đăng tâm 2 - 4g, sắc nước uống ngày 1 - 2 thang.
  • Tang diệp 40g, Mang tiêu 12g. Sắc Tang diệp bỏ bã, cho Mang tiêu vào hòa tan nước thuốc ấm rửa mắt hột, mắt đỏ ngứa.

4.Chữa cao huyết áp: dùng bài Tang diệp, Tang chi, Sung úy tử mỗi thứ 20g gia nước1000ml, sắc còn 600ml ngâm rửa chân vào nước thuốc ấm 30 - 40 phút trước lúc ngủ.

5.Trị đau đầu hoa mắt chóng mặt: do can thận âm hư hoặc đau nửa đầu dùng bài: Cúc hoa 12g, Tang diệp 12g, Hắc chi ma (mè đen) 12 - 20g, Đơn bì, Đơn sâm mỗi thứ 12g, Xích Bạch thược mỗi thứ 10 - 12g, Sài hồ 12g, làm hoàn, mỗi lần uống 8 - 12g hoặc sắc nước uống.

Liều thường dùng: 8 -12g.

Chú ý lúc dùng thuốc: Các bộ phận của cây Dâu tằm cho nhiều vị thuốc khác nhau:

  • Lá dâu: thanh nhiệt giải cảm, thanh can, minh mục, hóa đàm chỉ khái.
  • Cành dâu: khu phong hoạt lạc, trị chứng phong thấp.
  • Vỏ trắng cây dâu ( Tang bạch bì) tả phế chỉ khái bình suyễn.
  • Quả dâu chín ( Tang thầm) có tác dụng tư âm bổ huyết lúc dùng cần chú ý phân biệt.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây