Ở nước ta có nhiều loại Bọ cạp nhưng ít ai khai thác nên vẫn phải nhập Bọ cạp của nước ngoài.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam thì con Bọ cạp ở nước ta đã được xác định thuộc chi Buthiurus hoặc chi Heterometrus ít được nghiên cứu. Thực tế ta có thể dùng nhiều loại Bọ cạp khác nhau.
Tính vị qui kinh:
Bọ cạp vị cay tính bình có độc, qui kinh Can.
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: tính bình.
- Sách Khai bảo bản thảo: vị ngọt cay có độc.
- Sách Y lâm soạn yếu thâm nguyên: cay chua mặn, hàn.
- Sách Bản thảo cương mục: túc quyết âm kinh.
Thành phần chủ yếu:
Katsutoxin (cũng như buthotoxin), trimethylamin, taurocholic acid, betain, palmitic acid, strearic acid, cholesterol, lecithinum và các muối ammonium khác.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Bọ cạp có tác dụng: tức phong chỉ kinh, giải độc tán kết, thông lạc chỉ thống (giảm đau).
Chủ trị các chứng: cấp mạn kinh phong, liệt mặt do trúng phong, chứng phá thương phong (uốn ván), sang lở nhọt độc, lao hạch, đau đầu, phong thấp tý thống.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Khai bảo bản thảo: " trị các chứng phong chẩn, trúng phong bán thân bất toại, khẩu nhãn oa tà, nói khó, chân tay co giật".
- Sách Bản thảo diễn nghĩa: " trị chứng kinh phong không thể thiếu, trẻ em người lớn đều dùng".
- Sách Bản thảo cương mục: " chủ trị tiểu nhi kinh phong co giật, các loại phong sang".
- Sách Bản thảo tùng tân: " trị các chứng phong hoa mắt, chóng mặt, động kinh rút gân, khẩu nhãn oa tà, bệnh quyết âm phong mộc".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Thuốc có tác dụng chống co giật, yếu hơn Ngô công.
- Thuốc có tác dụng hạ áp lâu dài. Nhiều học giả cho rằng chế phẩm Toàn yết ảnh hưởng đến chức năng vận mạch của trung khu thần kinh, làm giãn mạch, trực tiếp ức chế hoạt động của tim và làm giảm tác dụng tăng áp của adrenalin.
- Thuốc có tác dụng an thần giảm đau.
- Trong Bọ cạp có chất độc gọi là Katsutoxin là một chất protid có carbon, hydro, oxy, nitơ và sulkfur. Tác dụng gây độc chủ yếu của Katsutoxin là gây liệt hô hấp. LD50 trên súc vật thí nghiệm là 0,07 - 0,7mg/kg, tùy thuộc loại súc vật thí nghiệm. Ở thỏ thí nghiệm, thuốc gây co cứng chi và liệt hô hấp.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị chứng trúng phong bán thân bất tọai, kinh phong co giật ở trẻ em:
- Toàn yết (bỏ đầu chân) 3g, Địa long (rửa sạch sao vàng) 3g, Cam thảo 2g, tất cả tán bột mịn trộn đều, chia 5 - 6 lần uống trong ngày với nước nóng.
- Toàn yết 3g, Ngô công 4,5g, Câu đằng 12g, Cương tàm 6g, Chu sa 3g, Xạ hương 10mg tán bột trộn đều. Uống 3g/lần x 2 - 3 lần mỗi ngày.
- Toàn yết 1 con (có thể dùng đến 3 con), Cương tàm 10g, Địa long 6g sắc uống. Trị kinh phong trẻ em.
- Tiêm chính tán (Dương thịnh gia tàng phương): Toàn yết 3g, Bạch phụ tử 10g, Bạch cương tàm 10g, tán bột mịn, uống 3g mỗi lần, ngày uống 2 - 3 lần với rượu. Trị trúng phong liệt thần kinh mặt.
2.Trị viêm khớp mạn tính: thuốc có tác dụng thông lạc chỉ thống.
- Toàn yết 3g, Xạ hương 60mg, tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 1,5g với rượu ấm. Có thể dùng độc vị Toàn yết mỗi lần 1 - 1,5g với rượu.
- Toàn yết Nhũ hương tán: Chế Xuyên ô đầu 10g, Toàn yết 3g, Xuyên sơn giáp 6g, Nhũ hương 5g, Thương truật 10g, làm thuốc tán. Uống 6g/lần. Có thể dùng thuốc thang hoặc thuốc đắp ngoài.
3.Trị ung nhọt, bệnh phong:
- Toàn yết tiêu phong tán: Toàn yết 3g, Bạch chỉ, Đảng sâm đều 10g, tán bột mịn, mỗi lần uống 6- 10g, ngày 2 - 3 lần. Trị bệnh phong.
- Toàn yết 3 phần, Chi tử 7 phần, cho vào dầu mè đun sôi cho sáp ong nấu thành cao đắp lên mụn nhọt độc sưng tấy hoặc lở lóet.
4.Trị viêm tuyến vú: Toàn yết 2 con bọc vào ổ bánh bao cho ăn trước bữa ăn. Trị 308 ca mắc bệnh 1 - 7 ngày, khỏi 99,7% (Tạp chí Trung y 1986,1:40 - Hồ Cẩn Bách).
Một báo cáo khác của Trịnh Nhuận Tuyền trị 10 ca viêm tuyến vú cấp, dùng bột Toàn yết 3g bọc cho uống kết quả tốt (Trung y dược Hắc Long Giang 1988,1:23).
5.Trị bệnh lệ đạo: Toàn yết nước khô tán bột, uống mỗi ngày 1 - 2 lần, 6 - 9g/lần. Trị 19 ca bệnh lệ đạo cấp mạn. Kết quả tốt (Báo Trung cấp y 1987,7:50).
Liều dùng và chú ý:
- Liều thường dùng: 2 - 5g. Uống bột nuốt mỗi lần 0,6 - 1g. Đuôi Bọ cạp độc hơn chỉ dùng 1/3 liều toàn con. Liều độc thường là 30 - 60g. Nhiễm độc của Bọ cạp như Rắn chủ yếu là nhiễm độc thần kinh, nhưng lượng sulfur ít nên thời gian ngắn. Triệu chứng váng đầu, hồi hộp, huyết áp tăng, có thể chảy máu, nặng hơn, huyết áp hạ đột ngột, khó thở , hôn mê, tử vong do liệt hô hấp.
- Cấp cứu ngộ độc Toàn yết:
+ Huyền minh phấn 20g uống, tăng bài tiết chất độc.
+ Kim ngân hoa 30g, Bán biên liên 10g, Thổ phục linh 15g, Đậu xanh 15g, Cam thảo 10g, sắc chia làm 2 lần uống.
+ Atropin 0,5mg chích dưới da.
+ Lactate calcium 0,3 - 0,6g, ngày 3 lần uống.
+ Truyền dịch, điều trị triệu chứng.