VIỄN CHÍ

Thứ ba - 23/02/2016 18:44

.

.
VIỄN CHÍ (Radix Polygalae Tenuifoliae) Viễn chí còn gọi là Tiểu thảo, Nam Viễn chí, Viễn chí nhục, Quan Viễn chí, Viễn chí đồng là rễ khô của cây Viễn chí lá nhỏ (polygala Tenuifolia Willd hoặc cây Viễn chí Sibera (P. sibirica L.), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIV - An thần.

Cây Viễn chí mới phát hiện ở miền Bắc tại các tỉnh Ninh Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng nhưng chưa xác định được loài và chưa được khai thác. Hiện nước ta còn nhập Viễn chí của Trung Quốc có nhiều tại các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, Cát Lâm. Cây Viễn chí thuộc họ Viễn chí.

Lúc Viễn chí còn tươi, chọn rễ to lấy tim bỏ đi gọi là Viễn chí đồng, phần rễ nhỏ rạch bỏ tim gọi là Viễn chí nhục. Viễn chí sản xuất tại các tỉnh Sơn Tây, Thiễm Tây là nơi gốc thì gọi là Quan Viễn chí (theo thói quen).

Tính vị qui kinh:

Viễn chí vị cay đắng, tính hơi ôn, qui kinh Phế Tâm.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị đắng ôn.
  • Sách Danh y biệt lục: không độc.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: đắng hơi cay, ôn.
  • Sách Trấn nam bản thảo: nhập 3 kinh Tâm Can Tỳ.

Thành phần chủ yếu:

  1. Theo sách Chinese Herbal medicine thành phần chủ yếu có: tenuigenin A, tenuigenin B, polygalitol, tenuidine.
  2. Theo sách Những cây thuốc Việt Nam: Viễn chí Trung Quốc có chừng 0,55 - 1% saponozit gọi là senegin. Ngoài ra còn chứa polygalit, chất nhựa và một chất có tinh thể gọi là onsixin.
  3. Theo sách Dược liệu Việt Nam (Bộ Y tế) thành phần hóa học có saponozit là senegin và tinh dầu.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Viễn chí có tác dụng: ninh tâm an thần, khử đàm khai khiếu, tiêu ung thũng. Chủ trị chứng hồi hộp mất ngủ, tâm thận bất giao, đàm trở tâm khiếu, động kinh, hàn đàm khái thấu, ung nhọt sưng, vú sưng đau.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " thuốc trị ho, bồi bổ cơ thể trừ bệnh tật, làm cho trí tuệ minh mẫn, tai mắt sáng tỏ, không quên, tăng trí lực".
  • Sách Danh y biệt lục: " định tâm khí, trị hồi hộp, ích tinh, trị nấc cụt, nóng trong da, mặt mắt vàng".
  • Sách Dược tính bản thảo: " trị chứng hay quên, làm yên tinh thần, con người được tỉnh táo (trị kiện vong, an hồn phách, lệnh nhân bất mê)".
  • Sách Bản thảo tùng tân: " trị các chứng ung thư ( nhọt lóet), đắp uống đều có kết quả, có tác dụng hóa đàm".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng hóa đàm rõ, thành phần hóa đàm chủ yếu là ở vỏ rễ. Cơ chế hóa đàm của thuốc có thể do thuốc kích thích lên niêm mạc bao tử gây phản xạ tăng tiết ở phế quản.
  2. Toàn bộ Viễn chí gây ngủ và chống co giật.
  3. Chất senegin có tác dụng tán huyết, phần vỏ mạnh hơn phần gỗ. Viễn chí có tác dụng hạ áp.
  4. Cồn chiết xuất Viễn chí có tác dụng in vitro ức chế vi khuẩn Gram dương, trực khuẩn lỵ, thương hàn và trực khuẩn lao ở người.
  5. Saponin Viễn chí kích thích dạ dày gây buồn nôn, vì thế không nên dùng đối với những bệnh nhân viêm lóet dạ dày.
  6. Trên súc vật thực nghiệm, thuốc cho uống hoặc chích tĩnh mạch đều có tác dụng kích thích tử cung có thai hay không đều như nhau.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị viêm tuyến vú cấp và u xơ tuyến vú: Tác giả Hoàng Sĩ Tiêu dùng Viễn chí 12g gia rượu 60 độ 15ml ngâm 1 tí, cho nước 1 chén đun sôi 15 - 20 phút lọc cho uống. Trị 62 ca viêm tuyến vú cấp có kết quả ( Thông tin Tân y dược Quảng Châu 1973,6:5) và u xơ tử tuyến vú 20 ca đều khỏi ( Báo cáo của Trần Phủ, Báo Trung y dược học 1977,1:48).

2.Trị viêm âm đạo do trùng roi: Viễn chí tán bột mịn gia glycerine làm thuốc đan, mỗi viên có hàm lượng thuốc sống là 0,75g. Trước khi đặt thuốc, dùng bài thuốc nước rửa phụ khoa 1 ( Ngãi diệp, Xà sàng tử, Khổ sâm, Chỉ xác đều 15g, Bạch chỉ 9g) sắc xông và rửa âm hộ, đặt thuốc vào âm đạo mỗi tối 1 lần. Trị 225 ca, sau 3 - 12 lần, hết triệu chứng và kiểm tra trùng roi âm tính có 193 ca khỏi, tỷ lệ 85,8% (Báo cáo của Cao Tuệ Phương, Tạp chí Trung y 1983,4:40).

3.Trị suy nhược thần kinh do tâm huyết kém có triệu chứng mất ngủ hay quên, hồi hộp, mộng nhiều: dùng các bài:

  • Định chí hoàn: Viễn chí, Phục linh đều 10g, Xương bồ 3g, sắc nước uống.
  • Viễn chí hoàn: Đảng sâm, Viễn chí, Phục linh đều 10g, Cam thảo 3g, Đương qui, Bạch thược, Sinh khương, Đại táo đều 10g, Quế tăm 3g, sắc uống (Quế tăm tán bột hòa uống).
  • Trầm trung đơn: Qui bản, Long cốt, Viễn chí đều 10g, Xương bồ 3g, sắc uống.

4.Trị viêm phế quản mạn, ho đờm nhiều:

  • Viễn chí, Trần bì, Cam thảo đều 3g, sắc uống.
  • Viễn chí 8g, Cam thảo, Cát cánh đều 6g sắc uống.

5.Trị viêm tuyến vú sưng đau: dùng bột Viễn chí hòa rượu uống hoặc chưng cách thủy uống, dùng một ít tẩm rượu đắp vùng sưng đau.

6.Giải độc: Viễn chí có tác dụng giải độc Ô đầu, Phụ tử.

Liều dùng và chú ý:

  • Liều: 3 - 10g, dùng ngoài da vừa đủ.
  • Chú ý: Viễn chí sống khử đàm khai khiếu mạnh. Chích Viễn chí độc tính giảm, vị khí kém dùng được. Thuốc tẩm mật sao tính nhuận, tác dụng an thần tốt. Thuốc tính ôn táo, uống trong kích thích mạnh, trường hợp đàm nhiệt thực hỏa, lóet dạ dày tá tràng cần thận trọng. Nếu không dùng với Chích Cam thảo sắc uống dễ gây nôn, buồn nôn.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - ảnh từ internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây