34 công thức huyệt thường dùng: Khúc trì, Tam Âm giao
Thứ tư - 27/11/2013 18:50
NHÓM THỨ 9
a) Phối huyệt: Khúc trì, Tam Âm giao
b) Hiệu năng: thanh nhiệt, mát huyết, đuổi ứ huyết sinh tân huyết.
c) Chủ trị: phụ nữ bế kinh, băng lậu đái hạ, tích tụ loét độc, các chứng sưng thũng, đau nhức, co giật...
d) Phép châm và cứu: châm Khúc trì sâu 5 phân đến 1 thốn; châm Tam Âm giao sâu 5 phân, cả 2 đều tiên tả hậu bổ, lưu kim 10 phút, cứu 3 tráng.
e) Phép gia giảm: nếu bị bế kinh không thông, châm thêm Huyết hải sâu 1 thốn, tả, sau khi rút kim cứu 3 tráng. Nếu bị tích tụ châm thêm Can du sâu 3 phân, châm Dương Lăng tuyền sâu 1 thốn, tả. Nếu bị đái hạ, châm thêm Tỳ du sâu 3 phân, bổ, cứu 3 tráng.
f) Giải phương: nhóm huyệt này gồm 2 huyệt, một thuộc Âm kinh, một thuộc kinh Dương, thông bên trong, đạt đến bên ngoài, hài hoà Âm Dương; châm Khúc trì là để thanh nhiệt, giải độc, đuổi Phong, lợi Thấp; châm Tam Âm giao vì huyệt này là cái then chốt của Túc Tam Âm kinh, là 1 yếu huyệt trị về huyết chứng. Châm 2 huyệt này sẽ làm cho ứ huyệt tự tán, huyết tự hoà, tà nhiệt tán, chứng băng lậu ngừng, kinh bế tự thông. Nếu chúng ta “tư” Thân Âm thì thủy sẽ nuôi được Mộc. Can chủ về sơ tiết, Tỳ chủ về vân hoá. Nếu Can và Tỳ được hoà thì các chứng tích tụ, co giật sẽ khỏi. Đối với vấn đề loét độc, sưng thũng đó là huyết phân thọ tà, khi đã điều được khí, đã thông được ứ thì nhiệt sẽ tán, việc sưng thũng sẽ tiêu. Huyệt Huyết hải có khả năng hoà huyết, hoá ứ, huyệt Can du và Dương Lăng tuyền tăng cường cho việc hoà Can khí, huyệt Tỳ du làm kiên Tỳ lợi Thấp, khi mà Tỳ vận hành được kiện thì đái hạ sẽ tự ngưng.