THIÊN GIA DIỆU PHƯƠNG: Các bệnh vần R

Thứ sáu - 20/06/2014 07:50

.

.
“ Thiên gia diệu phương” có thể hiểu là “Những bài thuốc hay của đông đảo thầy thuốc” là một cuốn sách giới thiệu nhiều bài thuốc (cổ phương, tân phương, dân gian, gia truyền) dùng chữa những bệnh thường gặp nhưng chữa chạy không dễ dàng…Do đó, ngoài khái niệm và thuật ngữ của y dược học cổ truyền còn có khái niệm và thuật ngữ của y học hiện đại và cả 2 giới y dược cổ truyền và hiện đại đều có thể tìm thấy ở đây những kinh nghiệm bổ ích về y dược. GS Hoàng Bảo Châu

107. RỐI LOẠN CHỨC NĂNG RUỘT

- Biện chứng đông y: Thoát lực, lao thương.

- Cách trị: Kiện tì, bổ thận.

- Đơn thuốc: Tứ vị thang gia vị.

- Công thức:

 Đảng sâm               30g  Phục linh                15g
 Bạch truật (sao)      15g  Chích cam thảo        6g
 Kê huyết đằng        30g  Tiên hạc thảo          30g
 Tiểu hồi (sao)          30g  Hồng táo            10 quả

Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.

- Hiệu quả lâm sàng: lý XX, nam, 50 tuổi, nông dân. Tới khám 30-9-1977. Người bệnh khoảng tuần trước vào rừng chặt củi, ngã từ trên cao xuống. Buổi tối trở về thấy vùng quanh rốn đau ngâm ngẩm dai dẳng, thích ấn, kèm theo đau lưng, đại tiện phân nát, mỗi ngày 2-3 lần. Lưỡi nhạt, rêu trắng mỏng, mạch trầm tế. Chẩn đoán lâm sàng là rối loạn chức nǎng ruột. Bèn cho uống bài Tứ vị thang gia vị, cho dùng 3 thang, các chứng đều khỏi hết.

- Bàn luận: Đông y cho rằng chứng rối loạn chức nǎng ruột phần lớn là do nhảy ngã, vác nặng hoặc quá lao lực gây ra. Trường hợp này là do khí vốn yếu lại nhảy mạnh làm cho tì thận khí bị tổn thương. Tì mà vận chuyển không khỏe, thǎng giáng thất thường, khí cơ không điều hoà, không thông thì đau, vì thế mà đau bụng phân nát. Thận chủ về đại tiểu tiện, lưng thuộc thận, thận hỏng thì lưng đau, tiểu tiện do thế mà thay đổi. Đau bụng thích ấn, lưỡi nhạt rêu trắng mạch trầm tế đều là biểu hiện của hư. Trong bài thuốc dùng tứ quân để kiến trung ích khí, phụ thêm có Kê huyết đằng, Tiên hạc thảo bổ thận, cầm ỉa. (Theo báo cáo, Tiên hạc thảo có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh đường ruột), Tiểu hồi tán hàn giảm đau, Đại táo nâng tì bổ trung. Các vị thuốc cùng có tác dụng kiện tì bổ thận, hành khí trán thống, nên chỉ cần uống 3 thang là bệnh khỏi.

 

228. RỐI LOẠN CHỨC NĂNG THẦN KINH THỰC VẬT  (ngáp nhiều)

- Biện chứng đông y: Can uất khí trệ, uất mà thành nhiệt, đờm thấp nội sinh, nội nhiễu tâm thần.

- Cách trị: Thư can giải uất, hòa vị hóa đàm, thanh dưỡng tâm thần.

- Đơn thuốc: Ôn đảm thang và Sài hồ thư can tán gia giảm phương.

- Công thức:

 Sài hồ                     10g  Bạch thược             10g
 Hương phụ              10g  Xuyên khung            10g
 Chỉ thực                    9g  Trần bì                     10g
 Bán hạ                    10g  Vân linh                   10g
 Trúc nhự                 12g  Giới bạch                10g
 Qua lâu                   15g  Xương bồ                15g
 Viễn chí                  10g  

Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.

- Hiệu quả lâm sàng: Quách XX, nam, 52 tuổi, cán bộ. Tới khám ngày 12-9-1976. Nửa tháng trước bệnh nhân có cảm giác bức bối tức ngực, tim đập hồi hộp, mất ngủ, nôn ra một ít thức ǎn, miệng hơi đắng, đôi lúc ngáp liên tục nửa giờ hoặc hàng giờ, số lần ngáp ít cũng vài chục, nhiều tới hơn một trǎm cái, không thể tự kìm lại được. Khi ngáp, nước mắt nước mũi chảy ra, sau một trận ngáp thì hụt hơi không buồn nói nǎng, cả người rã rời như nhão ra, đau mỏi các cơ vùng mặt, cổ. Bệnh nhân vô cùng đau khổ, đã đi khám và điều trị theo tâm thận bất giao mà không có kết quả. Khám thấy mạch huyền hoạt, rêu mỏng vàng bẩn. Sắc mặt xạm. Tổng hợp mạch và chứng thấy bệnh thuộc về can uất khí trệ, uất mà hóa nhiệt, đờm thấp nội sinh, nhiễu loạn tâm thần. Cần trị bằng cách thư can giải uất, hòa vị hóa đàm, thanh dưỡng tâm thần.
Đầu tiên cho dùng "Ôn đảm thang và Sài hồ thư can tán gia giảm phương". Uống được 6 thang, bệnh nhân đã thấy đỡ ngáp rõ rệt, ít nôn ợ, ngực bớt tức, nhưng ngủ vẫn kém. Lại cho dùng bài thuốc trên, thêm Đan sâm 24g, Toan táo nhân 15g, Chi tử 10g, Dạ giao đằng 30g, uống thêm 6 thang nữa, đã hết ngáp, ǎn ngủ đều tốt hơn nhiều. Lại cho dùng bài thuốc này, thêm Câu kỷ, Nguyên nhục nuôi can thận, dưỡng tâm thần để củng cố kết quả lâu dài, cho uống thêm 6 thang nữa, bệnh khỏi hoàn toàn, theo dõi hơn 3 nǎm không thấy tái phát.


 

229. RỐI LOẠN CHỨC NĂNG THẦN KINH THỰC VẬT (ra nhiều mồ hôi)

- Biện chứng đông y: Đại hãn hãm dương.

- Cách trị: Phù dương liễm hãn.

- Đơn thuốc: Phù dương liễm hãn phương.

- Công thức:

 Thục phụ phiến         30g
(sắc trước)
 Nhục thung dung      12g
 Sinh địa                   12g  Sơn thù nhục           12g
 Ba kích                     1g  Ngũ vị tử                  12g
 Đảng sâm               60g  Sinh hoàng kỳ          60g
 Quế nguyên nhục    60g  Kê huyết đằng         18g
 Quế chi                    3g  Sinh bạch thược       9g
 Kim anh tử             24g  

Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.

- Hiệu quả lâm sàng: Bão XX, nam, 41 tuổi. Bệnh nhân người vốn béo bệu, tim hồi hộp thở gấp, luôn luôn ra mồ hôi. Chợt một hôm đầu mùa hè, mồ hôi ra đầm đìa, sợ gió, môi tím tái, sắc mặt trắng bệch, chân tay lạnh ngắt. Mạch hư không liễm (thu về) mà thấy tán loạn, lưỡi nhạt, rêu mỏng. Sau khi khám liền cho dùng "Phù dương liễm hãn phương". Sau khi bệnh nhân uống 4 thang, đã ngừng ra mồ hôi, tay chân đã ấm hơn, mạch nhu hoãn, lưỡi nhạt rêu trắng. Tuy vậy ǎn vẫn còn ít. Lấy bài thuốc trên, bỏ Phụ phiến, Nhục thung dung, Sinh địa, Quế chi, Bạch thược, Quế nguyên nhục, Ba kích, thêm Kê nội kim 9g, Sơn tra 9g. Lại cho uống 6 thang, các triệu chứng đều hết.

- Bàn luận: Trường hợp rối loạn chức nǎng thần kinh thực vật này, theo đông y, là chứng đại hãn hãm dương, tiên lượng tuy không thể xác định là xấu, nhưng có nguy cơ thoát, cũng dễ biến chuyển. Nếu không dùng Phụ tử, Sâm, Kỳ thi sẽ không thể ích khí phù dương, mà nếu không ích khí phù dương thì sẽ không thể liễm hãn phòng thoát (thu liễm mồ hôi, đề phòng hư thoát). Thêm vào đó, Bạch thược, Quế chi dùng để hòa dinh vệ mà củng cố cơ biểu, có tác dụng cực kỳ quan trọng trong quá trình phù dương liễm hãn này.

 

227. RỐI LOẠN CHỨC NĂNG THẦN KINH THỰC VẬT (ra mồ hôi trộm)

- Biện chứng đông y: Khí âm không đủ.

- Cách trị: Bổ khí cố biểu, dưỡng âm liễm hãn.

- Đơn thuốc: Đương quy chỉ hãn tiễn.

- Công thức:

 Đương quy thân       30g  Bạch thược             12g
 Quy bản (sắc trước) 30g  Bạch truật               10g
 Phòng phong             5g  Cam thảo                  3g
 Ngũ vị tử                   6g  Thạch hộc               10g
 Ngọc trúc                15g  Sinh hoàng kỳ          15g

Lưu ý: Riêng Đương quy thân 30g (ngâm trong sữa phụ nữ nửa giờ vớt ra hong khô rồi cho vào thuốc).
Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.

- Hiệu quả lâm sàng: Trần XX, nam, 28 tuổi, giáo viên. Tới khám tháng 12-1963. Bệnh nhân kể rằng ban đêm ra mồ hôi trộm, ngủ thì ra mồ hôI, tỉnh lại không có mồ hôi nữa, áo ướt đầm, cả chǎn chiếu cũng ướt, không ngủ yên được, đã đi chữa ở nhiều nơi, uống thuốc nhưng đều vô hiệu. Chất lưỡi nhạt, mạch trầm tế, bệnh là do khí âm đều hư, vệ biểu không giữ được, cần trị bằng cách bổ khí cố biểu, dưỡng âm liễn hãn. Cho bệnh nhân uống "Đương quy chỉ hãn tiễn" là bài thuốc gia truyền của chúng tôi. Uống được 1 thang, các triệu chứng đã giảm nhẹ, uống 2 thang thì bệnh khỏi hẳn.

 

209. RỐI LOẠN TUẦN HOÀN NÃO (hoặc tai biến mạch máu não)

- Biện chứng đông y: Khí hư mà huyết hành không thông mạch lạc ứ trệ.

- Cách trị: Bổ ích khí huyết, tiêu ứ thông lạc.

- Đơn thuốc: Gia vị bổ dương hoàn ngũ thang.

- Công thức:

 Hoàng kỳ               30g  Xích thược            12g
 Xuyên khung            6g  Đương quy             9g
 Địa long                  9g  Đào nhân                9g
 Hồng hoa                9g  Bạch phụ tử           9g
 Cương tàm           15g  Toàn yết           15 con

Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.

- Hiệu quả lâm sàng: Trần XX, nam, 40 tuổi, cán bộ. Tới khám tháng 8-1972. Bệnh nhân đi xa thǎm người nhà, mấy ngày đi đường rồi tiếp khách quá mệt, một buổi sớm ngủ dậy đột nhiên có cảm giác tê cứng nửa mặt bên phải, mồm méo, mắt lác đi, nửa người bên phải cử động bị hạn chế, đi lại chậm chạp, nói nǎng hơi khó khǎn. Chúng tôi khám thấy: mạch trầm huyền, lưỡi nhạt, rêu trắng hơi bẩn. "Tà đã tụ lại, khí tất phải hư", khí mà hư thì huyết hành không thông, mạch lạc bị ứ trệ. Bệnh nhẹ nên xuất hiện các triệu chứng về kinh lạc, miệng méo mắt lác, nói nǎng khó khǎn, cử động nửa người bị hạn chế, đi lại chậm chạp. Mạch trầm, lưỡi nhạt là thuộc chứng lý hư. Cần trị bằng phép bổ ích khí huyết, tiêu ứ thông lạc. Cho dùng "gia vị bổ dương hoàn ngũ thang". Uống liền 10 thang, bệnh nhân cảm thấy mặt mũi dễ chịu, nói nǎng dần dần trở lại lưu loát, nhưng mồm và mắt cử động khép mở vẫn không tự nhiên, đi lại chưa được linh hoạt, mạch trầm trì. Trầm là khí hư không đạt, trì là huyết hành không thuận lợi, nên vẫn xử lý theo hư chứng. Vẫn dùng bài thuốc trên, tǎng thêm vị Hoàng kỳ lên 60g, thêm Tế tân 1,5g để ôn kinh thông tị, nhập lạc thu phong, lại cho uống liền 10 thang, tự cảm thấy có kết quả rõ rệt, mồm, mắt cử động đã bình thường, chỉ còn cảm thấy miệng khô, đầu váng, mạch trầm hơi sác, rêu mỏng trắng. Bài thuốc trên, bỏ Tế tân, Bạch phụ tử, thêm Thiên ma 6g, Thạch hộc 9g, để khứ phong tư âm. Lại uống liên tiếp 10 thang nữa, đã giảm các chứng váng đầu, miệng khô, chân tay đã cử động gần như bình thường, mạch trầm hơi sác, rêu mỏng trắng, tiếp tục uống 10 thang thuốc nữa, các triệu chứng đều hết, không còn di chứng gì nữa.

- Bàn luận: Trường hợp bệnh này đông y gọi là trúng phong, các diễn biến bệnh nhẹ, chữa kịp thời, thuốc đúng bệnh cho nên khỏi nhanh, không để lại di chứng. Trong bài thuốc có Kỳ, Quy để bổ khí dưỡng huyết, Khung, Thược để lý khí hòa huyết, Đào, Hồng để phá ứ sinh tân, Địa long, Toàn yết để thông lạc trấn kinh, Cương tàm, Bạch phụ tử để khứ phong hóa ứ. Các vị trên phối hợp với nhau, cùng bổ ích khí huyết, tiêu ứ thông lạc, do đó mà thu được hiệu quả khá tốt.

 

64. RUNG TÂM NHĨ

- Biện chứng đông y: Khí âm bất túc, tâm huyết ứ tắc, can dương quá mạnh.

- Cách trị: ích khí dưỡng âm, bình can hoạt huyết.

- Đơn thuốc: Gia vị sinh mạch thang.

- Công thức:

 Đảng sâm                 30g  Ngọc trúc                  30g
 Mạch đông                 9g  Táo nhân                    6g
 Ngũ vị tử                    6g  Bạch thược                9g
 Chích cam thảo          9g  Đan sâm                   30g
 Xích thược                 6g  Long xỉ                       9g
 Hổ phách                   3g  

Sắc uống, mỗi ngày 1 thang. Người ngực bực bội có thể thêm Qua lâu, Uất kim, người đau ngực có thể thêm Giáng hương, Nguyên hồ, Tam thất, người tâm phiền mất ngủ có thể đổi dùng (Châu) mạch đông, thêm Bá tử nhân, Liên tâm (hoặc Hoàng liên), người huyết ứ tương đối nhiều thì thêm Hồng hoa, Ngũ linh chỉ, Bồ hoàng, người hung dương bất chấn thì có thể thêm (Hồng) nhân sâm, người thiên về âm hư có thể thay Đảng sâm bằng Thái tử sâm.

- Hiệu quả lâm sàng: Phổ XX, nam, 79 tuổi, công nhân về hưu, đến khám ngày 26-2-1979. Bệnh nhân mắc bệnh tǎng huyết áp đã nhiều nǎm, thường thấy ngực bức bối, tim đập hồi hộp, đêm ngủ chập chờn, đầu váng mắt hoa nhìn mờ. Tháng vừa qua lại càng âu sầu không lúc nào yên, tinh thần lại hỏang hốt, đi lại không vững. Rêu lưỡi mỏng vàng, lưỡi đỏ tía, mạch huyền tế mà sác, có kết đại. Soi đáy mắt thấy động mạch đáy mắt hai bên đã xơ cứng kỳ 2-3. Điện tâm đồ cho biết: rung tâm nhĩ (Kiểu nhanh), rõ rệt chuyển theo chiều kim đồng hồ. Cholesterol huyết là 310mg%. Đây là chứng khí âm bất túc, tâm huyết ứ trở, can dương thiên cang. Nên điều trị ích khí dưỡng âm, bình can hoạt huyết. Dùng bài "Gia vị sinh mạch thang", lại thêm Thủ ô 30g, Cúc hoa 15g, Câu kỳ 15g, Sinh địa 15g, Thục địa 15g. Uống hết 6 thang thuốc thì các chứng chuyển biến tốt rõ rệt. Mạch tượng đã không kết đại nữa. Kiểm tra điện tâm đồ thấy: nhịp tim thể bang, điện tâm đồ nói chung bình thường. Sau đó lại theo bài trên châm chước gia giảm, uống tất cả 24 thang, cách chứng tim hồi hộp, ngực bức bối đều hết, đi lại vững, thị lực tốt, cholesterol huyết cũng xuống đến như bình thường.

- Bàn luận: Gia vị sinh mạch thang lấy Đảng sâm, Chích cam thảo để ích khí, Ngọc trúc, Mạch đông, Bạch thược là những thứ dưỡng âm; Táo nhân dưỡng âm an thần, Ngũ vị tử thu sáp phế khí, hướng về các mạch; Đan sâm, Xích thược hoạt huyết. Tổng hợp các thứ đó là ích khí dưỡng âm hoạt huyết sinh mạch. Mà theo sự chứng minh bằng thực nghiệm dược lý của y học hiện đại thì bài thuốc này cũng có tác dụng cường tim, trấn tĩnh, cải thiện sự lưu thông máu ở tim. Dùng bài này lại gia giảm tùy theo chứng, đối chứng dụng dược, chữa bệnh rung tâm nhĩ là bệnh thuộc về khí âm bất túc tâm huyết ứ trở can dương thiên cang có công hiệu tương đối tốt.

Nguồn tin: Viện thông tin thư viện y học trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây