BẠCH GIỚI TỬ

Thứ ba - 08/07/2014 18:29

Bạch giới tử

Bạch giới tử
BẠCH GIỚI TỬ Semen sinapis Albae. Bạch giới tử (Sinapis, semen Sinapis hay Semen Brassicae Junceae), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục là hạt phơi hay sấy khô lấy ở quả chín của cây Cải canh (cải dưa, cây rau cải, giới tử), tên thực vật học là Brassica Alba (L) Boiss hay Brassica a Juncea (L). Czem te Coss (Sinapis Juncea L.) thuộc họ Cải (Brassicaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XI - Trừ đàm.

Cây Rau cải được trồng ở nước ta để lấy rau ăn làm dưa nhưng chưa lấy hạt làm thuốc hoặc ép dầu, cho nên ta còn phải nhập của Trung Quốc.

Hạt lấy ở những quả chín phơi hay sấy khô phải ở nhiệt độ thấp dưới 50 độ C để bảo vệ các men có tác dụng gọi là Bạch giới tử sống. Cho hạt Bạch giới tử sống vào chảo sao vàng có mùi thơm gọi là Sao Bạch giới tử, lúc làm thuốc giã vụn để dùng. Thường người ta quen gọi hạt của cây Brassica Alba (L.) là Bạch giới tử, còn hạt của cây Brassica Juncea (L.) là Hoàng giới tử.

Tác dụng qui kinh:

Bạch giới tử vị cay tính ôn, qui kinh phế.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản thảo phẩm hội tinh yếu: vị cay, tính ôn, không độc.
  • Sách Bản thảo phùng nguyên: cay ôn hơi độc.
  • Sách Thực vật bản thảo: cay nhiệt.
  • Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh phế vị.
  • Sách Bản thảo tân biên: nhập Can Tỳ Phế Vị Tâm và Tâm bào lạc.

Thành phần chủ yếu:

Sinalbin, sinapine, myrosin,

Theo sách của GS Đỗ tất Lợi trong Giới tử có 1 glucosid gọi là sinigrin, chất men myroxin, sinapic acid, một ít alkaloid gọi là saponin, chất nhầy, protid và chưừng 37% chất béo, trong đó chủ yếu là este của sinapic acid, arachidic acid, linolenic acid.
 

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bạch giới tử có tác dụng: ôn phế trừ đàm, lợi khí tán kết thông lạc chỉ thống. Chủ trị các chứng: hàn đàm ủng phế, đàm ẩm khí nghịch, đàm thấp kinh lạc, âm thư lưu chú, loa lịch đàm hạch.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: "chủ trừ thận tà khí, lợi cửu khiếu, minh nhĩ mục, an trung, cửu phục ôn trung (uống lâu ấm trung tiêu tức tỳ vị)".
  • Sách Bản thảo cương mục: " lợi khí hóa đàm, trừ hàn ấm trung, tán thũng chỉ thống, trị suyễn thấu, phản vị, tý mộc cước khí (chứng cước khí đau tê dại), gân cốt yêu tiết chư thống (các chứng đau gân cốt, đốt sống thắt lưng)".
  • Sách Bản thảo cầu chân: " sách ghi thuốc có thể trị các chứng đàm ở dưới sườn trong da ngoài mô, bài thuốc cổ phương: " Khống diên đơn" dùng Bạch giới tử với ý nghĩa như vậy (chú thích của tác giả)."

Bài Khống diên đơn gồm: Cam toại, Đại kích, Bạch giới tử lượng bằng nhau, tán bột mịn hồ viên nhỏ, uống sau khi ăn và trước khi đi ngủ mỗi lần 0,5 - 1g, có tác dụng trục đàm ẩm, trị viêm màng phổi, viêm màng bụng có nước, xơ gan cổ trướng kết hợp Đông tây y kết quả tốt.

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Men Myroxin thủy phân sinh ra dầu giới tử kích thích nhẹ niêm mạc bao tử gây phản xạ tăng tiết dịch khí quản mà có tác dụng hóa đàm.
  2. Có tác dụng kích thích tại chỗ ở da làm cho da đỏ sung huyết, nặng hơn gây phỏng nóng rát.
  3. Dung dịch nước 1:3 có tác dụng ức chế nấm ngoài da.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị viêm phế quản cấp mạn trẻ em:

  • Bạch giới tử 100g tán bột, mỗi lần dùng 1/3 thêm bột mì trắng 90g, cho nước vào làm thành bánh, trước khi đi ngủ đắp vào lưng trẻ, sáng ngủ dậy bỏ đi, đắp 2 - 3 lần. Đã trị 50 ca kết quả tốt (Kỳ tú Hoa và cộng sự, Báo Trung y dược tỉnh Hắc Long giang 1988,1:29).

2.Trị viêm phổi trẻ em:

  • Đắp Bạch giới tử ở ngực làm phương pháp hổ trợ trị viêm phổi trẻ em 100 ca, thuốc có tác dụng tăng nhanh tiêu viêm (Trần nãi Cần, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1986,2:24).

3.Trị liệt thần kinh mặt ngoại biên:

  • Lấy Bạch giới tử hoặc Hoàng giới tử tán bột 5 - 10g, cho nước làm thành hồ, gói vào miếng gạc đắp vào chỗ liệt ở má giữa 3 huyệt: Địa thương, Hạ quan, Giáp xa. Dán băng keo cố định, 3 - 12 giờ lấy ra, cách 10 - 14 ngày đắp 1 lần, gia thêm lễ. Đã trị 1052 ca, trong đó 137 ca trị một lần bỏ dở còn 915 ca tiếp tục theo dõi, tỷ lệ kết quả 97,7% (Trương Chính Quảng, Tạp chí Trung Y Sơn đông,1986,5:25).

4.Trị ho suyễn khó thở, đàm nhiều loãng:

  • Tam tử dưỡng thân thang (Hàn thi Y thông): Bạch giới tử 3g, Tô tử, La bạc tử đều 10g sắc uống.

5.Trị đau các khớp do đàm trệ:

  • Bạch giới tử tán: Mộc miết tử 3g, Bạch giới tử, Một dược, Quế tăm, Mộc hương đều 10g, tán bột mịn làm thuốc tán, mỗi lần uống 3g, ngày 2 lần, uống với rượu ấm càng tốt.

6.Trị lao hạch lâm ba:

  • Bạch giới tử, Hành củ lượng bằng nhau. Bạch giới tử tán bột trộn với Hành giã nát đắp ngày 1 lần cho đến khi lành.

7.Trị nhọt sưng tấy (giai đoạn mới mắc chưa vỡ):

  • Bạch giới tử tán bột trộn giấm đắp.

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều: 3 - 10g sắc uống, cho vào thuốc hoàn tán. Dùng ngoài lượng vừa đủ, trộn dấm đắp.
  • Chú ý:

+ Thuốc tính cay tán, thận trọng đối với các bệnh nhân âm hư hỏa vượng.

+ Thuốc không nên sắc lâu vì giảm tác dụng.

+ Không nên dùng lượng nhiều vì dễ gây tiêu chảy. Vì thuốc tiếp xúc với nước sinh ra Hydroxyt lưu huỳnh kích thích ruột làm tăng nhu động ruột.

+ Thuốc đắp ngoài gây bỏng nên không dùng cho người dị ứng ngoài da.

 

Nguồn tin: ( Theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền) - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây