CÂU KỶ TỬ

Thứ ba - 22/07/2014 16:01

.

.
CÂU KỶ TỬ (Fructus Lycii Chinensis) Còn gọi là Câu khởi, Khởi tử, Địa cốt tử, Quả kỷ tử, được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục với tên Câu kỷ thực, là quả chín phơi hay sấy khô của cây Khởi tử ( Lycium sinensis Mill) hoặc cây Ninh hạ kỷ tử ( Lycium barbarum L.) thuộc họ Cà ( Solanaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXVI - Bổ âm.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt tính bình, qui kinh Can, Thận, Phế.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: hơi hàn không độc.
  • Sách Dược tính bản thảo: ngọt, bình.
  • Sách Thực liệu bản thảo: hàn, không độc.

Về qui kinh:

  • Sách Bản thảo hội ngôn: nhập túc thiếu âm, túc quyết âm kinh.
  • Sách Bản thảo kinh giải: nhập túc thiếu âm thận kinh, thủ thiếu âm tâm kinh.

Thành phần chủ yếu:

Carotene, thiamene, riboflavin, vitamin C, b-sitosterol, linoleic acid.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Kỷ tử có tác dụng tư bổ can thận, sinh tinh huyết, minh mục, nhuận phế.

Chủ trị các chứng can thận âm hư, âm huyết hư tổn, chứng tiêu khát, hư lao khái thấu.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản thảo kinh tập chú: " bổ ích tinh huyết, cường thịnh âm đạo".
  • Sách Dược tính bản thảo: " bổ ích tinh bất túc. minh mục an thần".
  • Sách Thực liệu bản thảo: " trừ phong, bổ ích gân cốt. khử hư lao".
  • Sách Bản thảo cương mục: " tư thận, nhuận phế".
  • Sách Bản thảo kinh sơ: " chuyên bổ thận, nhuận phế, sinh tân, ích khí, là thuốc chủ yếu bổ can thận chân âm bất túc. là thuốc tốt ích tinh, minh mục".
  • Sách Cảnh nhạc toàn thư: ". dùng với Thục địa là rất hay, thuốc làm sáng mắt, rõ tai, ích tinh cố tủy, kiêïn cốt cường cân, thiện bổ lao thương, chỉ tiêu khát, chân âm hư mà bụng rốn đau không khỏi, dùng nhiều rất hay".
  • Sách Trùng khánh đường tùy bút: " Câu kỷ tử chuyên bổ huyết, không dùng thuốc nào hơn ( chuyên bổ dĩ huyết, phi tha dược sở năng cập dã)".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng tăng cường miễn dịch không đặc hiệu. Trên súc vật thực nghiệm có tác dụng khả năng thực bào của hệ lưới nội mô, kết quả nghiên cứu gần đây cho biết Kỷ tử có tác dụng nâng cao khả năng thực bào của tế bào thực bào, tăng số lượng và hiệu giá kháng thể, chứng tỏ Kỷ tử có tác dụng tăng cường tính miễn dịch của cơ thể, thành phần có tác dụng là Polysacc-haride Kỷ tử.
  2. Thuốc có tác dụng tăng cường chức năng tạo máu của chuột nhắt.
  3. Chất Betain là chất kích thích sinh vật cho vào thức ăn cho gà ăn có tác dụng tăng trọng và đẻ trứng nhiều hơn, cũng làm cho chuột nhắt tăng trọng rõ.
  4. Thuốc có tác dụng hạ cholesterol của chuột cống, chất Betain của thuốc có tác dụng bảo vệ gan chống thoái hóa mỡ, hạ đường huyết.
  5. Chất chiết xuất nước của thuốc có tác dụng hạ huyết áp, ức chế tim, hưng phấn ruột ( tác dụng như cholin), chất Betain thì không có tác dụng này.
  6. Nước sắc Kỷ tử có tác dụng hưng phấn tử cung cô lập của thỏ.
  7. Thuốc có tác dụng ức chế ung thư đối với chuột nhắt S180. Các tác giả Nhật bản có báo cáo năm 1979 là: lá và quả Kỷ tử có tác dụng ức chế tế bào ung thư trong ống nghiệm. Các tác giả Trung quốc trên thực nghiệm cũng phát hiện thuốc lá ( lá, quả và cuống quả của Kỷ tử Ninh hạ) có tác dụng ức chế ở mức độ khác nhau hai loại tế bào ung thư ở người.

Ứng dụng lâm sàng:

Là vị thuốc thường dùng Bổ can, thận, thuốc không hàn, không nhiệt, âm hư dương hư đều dùng được, nhưng phần lớn dùng cho chứng âm hư.

1.Trị bệnh về gan ( viêm gan mạn, xơ gan thuộc thể âm hư): thuốc có tác dụng bảo vệ gan, thường phối hợp với Đương qui để bổ huyết; Sa sâm, Mạch môn để tư âm; Xuyên luyện tử để thư can, dùng bài:

  • Nhất quán tiển ( Liễu châu y thoại): Bắc sa sâm 12g, Mạch môn 12g, Đương qui 12g, Kỷ tử 12 - 24g, Sinh địa 24 - 40g, Xuyên luyện tử 6g, sắc nước uống.

2.Trị chứng suy nhược, thận hư, lưng gối nhức mỏi, di tinh, huyết trắng nhiều: thường phối hợp với Thục địa, Đỗ trọng, Nữ trinh tử, dùng bài Tả qui hoàn ( Cảnh nhạc toàn thư): Thục địa 320g, Sơn dược (sao) 160g, Câu kỷ tử 160g, Sơn thù nhục 160g, Xuyên Ngưu tất 120g, Thỏ ty tử 160g, Lộc giao ( sao) 160g, Qui bản ( sao) 160g, tất cả tán bột mịn làm hoàn, mỗi lần uống 12 - 16g, trường hợp ho lao lâu ngày thêm Mạch môn, Ngũ vị tử.

3.Dùng trong bệnh nhãn khoa, trị chứng hoa mắt, thị lực giảm sút, cườm mắt tuổi già, đục thủy tinh thể: thường phối hợp với Cúc hoa, bài thuốc:

  • Kỷ cúc địa hoàng hoàn ( Y cấp) tức bài Lục vị gia Kỷ tử Cúc hoa.
  • Cúc thanh thang: Cúc hoa 8g, Kỷ tử 20g, Nhục thung dung 12g, Ba kích thiên 8g, sắc nước uống.

4.Trị nam giới suy sinh dục ( vô sinh): Mỗi tối nhai ăn Câu kỷ tử 15g, liệu trình 1 tháng, thường sau khi tinh dịch trở lại bình thường, uống thêm 1 tháng. Thời gian uống thuốc, kiêng phòng dục. Đã trị 42 ca sau 1 liệu trình hồi phục bình thường 23 ca, sau 2 tháng bình thường 10 ca, có 6 ca không kết quả vì không có tinh trùng, 3 ca không kết quả, theo dõi sau 2 năm tinh dịch trở lại bình thường 33 đã có con ( Động Đức Vệ và cộng sự, Kỷ tử trị vô sinh nam giới, Báo tân trung y 1988,2:20).

5.Trị viêm teo bao tử mạn tính: dùng Kỷ tử rửa sạch, sao khô, giã nát, đóng gói. Mỗi ngày uống 20g, chia làm 2 lần lúc bụng đói và nhai uống, 2 tháng là 1 liệu trình. Trong thời gian uống thuốc, ngưng tất cả các loại thuốc khác. Đã trị 20 ca, theo dõi 2 - 4 tháng, có kết quả tốt 15 ca, có kết quả 5 ca ( Trần thiệu Dung và cộng sự. Báo cáo 20 ca viêm teo bao tử mạn tính điều trị bằng Câu kỷ tử, Tạp chí Trung y 1987,2:92).

Liều lượng và chú ý lúc dùng:

  • Liều thường dùng: 8 - 24g, ngoài thuốc thang còn có thể dùng ngâm rượu, dùng độc vị.
  • Chú ý: Thuốc có tính chất nê trệ nên thận trọng đối với những người tỳ vị hư yếu, tiêu chảy kéo dài.

Giới thiệu một số bài thuốc đơn giản:

  1. Rượu Khởi tử: Khởi tử 600g, rượu 35 - 40 độ 2 lít. Giã nhỏ Khởi tử, cho rượu vào ngâm trong 2 tuần lễ trở lên, lọc lấy rượu mà uống, ngày uống 1 - 2 cốc làm thuốc bổ.
  2. Đơn thuốc bổ chữa di tinh: Khởi tử 6g, Ngũ vị tử 2g, Nhục thung dung 2g, Sinh khương 2g, Cam thảo 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
  3. Lá Khởi tử ( Rau củ Khởi): nấu canh với thịt để chữa ho, sốt.
  4. Địa cốt bì ( vỏ rể cây Khởi tử) trị xuất huyết:
  • Bài thuốc chữa thổ huyết: sắc 12g Địa cốt bì với 200ml nước, uống trong ngày.
  • Bài thuốc chữa tiểu tiện ra huyết: Địa cốt bì tươi, rửa sạch, giã lấy nước uống, mỗi lần 25 - 30g.
  • Bài thuốc trị âm hộ lở lóet: sắc nước Địa cốt bì rửa.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

 Từ khóa: gọi là, tử địa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây