KHA TỬ

Thứ tư - 10/09/2014 21:54

.

.
KHA TỬ ( Fructus Terminaliae Chebulae) Kha tử còn có tên là Kha lê lặc, Kha lê là quả chín phơi hay sấy khô của cây Kha tử ( cây Chiêu liêu), tên thực vật là Terminalia chebula Retz hoặc cây Dung mao Kha tử T.Chebula Retz var Tomentella Kurt thuộc họ Bàng ( Combretaceae). Kha tử dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Dược tính bản thảo với nguyên tên Kha lê lặc. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XII - Chỉ khái bình suyễn.

Cây Kha tử hay Chiêu liêu ( Myrobolan de commerce) mọc ở miền Nam, Campuchia ( còn gọi là Sramar), Lào, Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan và miền Nam Trung Quốc. Vào tháng 9, 10, 11 quả chín hái về phơi khô làm thuốc.

Tính vị qui kinh:

Vị đắng, sáp, tính bình, qui kinh Phế, Đại tràng.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Dược tính bản thảo: vị đắng ngọt.
  • Sách Tân tu bản thảo: vị đắng ôn, không độc.
  • Sách Hải dược bản thảo: vị chua sáp ôn, không độc.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 5 kinh Phế Can Tỳ Thận Đại tràng.
  • Sách Bản thảo cầu chân: nhập Đại tràng, Vị kinh.

Thành phần chủ yếu:

Kha tử có hàm lượng Tanin 20 - 40%, quả thật khô có thể đến 51,3% gồm acidelagic, acidgalic và acidluteolic, acidchebulinic ( 3 - 4%). Trong nhân còn có 36,7% dầu vàng nhạt, trong.

Tác dụng dược lý:

  1. Do thành phần chất Tanin cao thuốc có tác dụng thu liễm, cầm tiêu chảy.
  2. Chế phẩm Kha tử có tác dụng ức chế in vitro một số vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn bạch hầu, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella typhi, tụ cầu vàng và liên cầu khuẩn tán huyết.
  3. Ngoài chất Tanin ra, thuốc còn có thành phần gây tiêu chảy ( laxative) như Đại hoàng trước gây tiêu chảy, tiếp theo lại có tác dụng thu liễm.
  4. Chiết xuất cồn của thuốc có tác dụng chống co thắt ( antispasmodic) tương tự như papaverine.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị tiêu chảy trẻ em: Tác giả Chu vĩnh Hậu dùng Kha tử, Phòng phong, Trần bì, Mạch nha đều 5 - 10g, Cát căn, Sơn tra đều 5 - 20g. Thương thực do ăn, bú cho thêm Kê nội kim 5 - 10g, Mộc hương 3 - 5g; thấp nhiệt nặng gia Hoàng cầm, Trần bì đều 5 - 10g; Tỳ hư gia Ô dược 5 - 10g, Túc xác 3 - 5g. Trị 230 ca khỏi 227 ca, không kết quả 3 ca ( Báo Trung y dược Cát lâm 1983,1:25).

2.Trị tiêu chảy, l mạn tính:

  • Kha lê lặc tán: Kha tử lượng vừa đủ, nướng giòn tán bột mịn, mỗi lần uống 4 - 6g, ngày 2 lần với nước cơm.
  • Kha tử tán: Kha tử 10g, Hoàng liên, Mộc hương đều 5g làm thuốc tán, mỗi lần uống 3 - 6g, ngày 3 lần với nước sôi nguội.
  • Kha tử bì tán: Kha tử, Quất bì đều 10g, Cù túc xác 6g, Can khương 5g, làm thuốc bột mỗi lần uống 5 - 10g, ngày uống 3 lần với nước sôi nguội. Trị chứng tả lỵ thiên hàn.
  • Kha tử 12 quả, 6 quả để sống, 6 quả nướng bỏ hạt sao vàng tán nhỏ. Nếu lỵ ra máu dùng nước sắc Cam thảo uống thuốc; nếu lỵ ra mũi dùng uống với nước Chích thảo.

3.Trị ho lâu ngày mất tiếng:

  • Kha tử thanh ẩm thang: Kha tử, Cát cánh đều 10g, Cam thảo 6g sắc uống.
  • Kha tử, Đảng sâm đều 4g sắc với 400ml nước cô đặc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.

Kha tử còn kết hợp với Nhân sâm, Ngũ vị, Cáp giới để trị chứng ho suyễn lâu ngày do phế hư; trường hợp kèm mất tiếng dùng Kha tử phối hợp với Cát cánh, Sinh Cam thảo, Sơn đậu căn sắc uống.

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều 3 - 10g cho uống thuốc thang hoặc thuốc tán.
  • Trường hợp dùng để trị tiêu chảy nên dùng Kha tử nướng, trường hợp ho mất tiếng nên dùng Kha tử sống, nếu là quả Kha tử xanh tác dụng càng hay.
  • Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng thấp nhiệt tích trệ không nên dùng độc vị Kha tử.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây