Ở nước ta cây mọc hoang ở đồi núi và là đặc sản của các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Ở Trung Quốc cây mọc ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hà Nam, Giang Tô, Triết Giang , Hồ Nam , Hồ Bắc, Tứ Xuyên.
Quả thu hái vào mùa thu. Cạo sạch,bổ đôi, nạo hết hạt và lông trắng ở trong, phơi hoặc sấy khô để làm thuốc.
Tính vị qui kinh:
Kim anh tử vị chua sáp, tính bình. Qui kinh Thận, Bàng quang, Đại tràng.
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Khai bảo bản thảo: vị chua, bình ôn, không độc.
- Sách Cảnh nhạc toàn thư, Bản thảo chính: vị sáp tính bình, sống thì chua sáp, chín thì ngọt sáp.
- Sách Trấn nam bản thảo: nhập 2 kinh tỳ thận.
- Sách Bản thảo kinh sơ: nhập túc thái dương, thủ dương minh kiêm nhập túc thiếu âm kinh.
Thành phần chủ yếu:
Quả có saponin, citric acid, malic acid, frutose, sucrose, tanin, resin, vitamin C, glucosid.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Kim anh tử có tác dụng: cố tinh súc niệu, sáp trường chỉ tả. Chủ trị các chứng: hoạt tinh, tiểu nhiều lần ( niệu lần), bạch đới quá nhiều, cửu tả cửu lỵ.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Thục bản thảo: " liệu tỳ hạ lỵ, chỉ tiểu tiện lợi, sáp tinh khí, uống lâu khiến cho người ta chịu được lạnh và nhẹ người".
- Sách Cảnh nhạc toàn thư, Bản thảo chính: " chỉ thổ huyết, nục huyết, sinh tân dịch, thu tự hãn, liễm hư hỏa, ích tinh tủy, tráng gan cốt, bổ ngũ tạng, dưỡng khí huyết, bình khái thấu, định suyễn, cấp liệu chính xung kinh quí, chỉ tỳ tả huyết lỵ cấp tiểu thủy bất cầm ( tiểu nhiều lần)".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng giảm xơ mỡ động mạch: trên thực nghiệm gây xơ mỡ mạch thỏ bằng chế độ ăn nhiều cholesterol được điều trị bằng Kim anh tử trong 2 - 3 tuần. Trong tất cả các ca đều có gỉam cholesterol máu và beta-lipoprotein có ý nghĩa so với lô chứng. Mỡ ở tim và gan cũng như xơ mỡ mạch ở nhóm điều trị là ít hơn.
- Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc Kim anh tử có tác dụng ức chế mạnh in vitro đối với tụ cầu vàng ( Staphylococcus aureus) và E.Coli. Nước của thuốc cũng có tác dụng ức chế virus cúm.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị hoạt tinh, di tinh, khí hư bạch đới:
- Kim anh tử 30 - 60g sắc uống hoặc nấu cao uống. Thuốc còn dùng trị suy nhược thần kinh, ra mồ hôi, bạch đới.
- Thủy lục đơn: Kim anh tử, Khiếm thực lượng bằng nhau tán làm hoàn, mỗi lần uống 6 - 8g với nước cơm. Trị cả bạch đới ( vì bài thuốc có 1 vị mọc ở trên đất, 1 vị mọc ở dưới nước).
2.Trị sa tử cung, sa trực tràng:
- Kim anh tử 30g, Ngũ vị tử 6g, sắc nước uống. Trường hợp sa tử cung lâu ngày có thể kết hợp với bài thuốc bổ trung ích khí uống.
3.Trị chứng tả lî lâu ngày:
- Kim anh tử 30g sắc nước uống, hoặc phối hợp với thuốc bổ khí như Đảng sâm, Bạch linh, Bạch truật, Hoài sơn làm thuốc thang sắc uống.
- Hoa Kim anh, Quả Kim anh (bỏ hạt), lá Kim anh và Anh túc xác, lượng bằng nhau tán nhỏ viên với nước sắc vỏ quýt.
4.Trị trẻ em đái dầm, đái nhiều lần do thận hư: Kim anh tử lượng vừa đủ nấu thành cao cho uống.
Liều lượng thường dùng và chú ý:
- Liều 6 - 20g sắc uống, nấu cao hoặc chế thành viên.