RAU MÁ

Thứ ba - 08/09/2015 18:37

.

.
Rau má còn có tên là Tích tuyết thảo. Loại thực vật nầy mọc lan trên mặt đất có lá trông giống như những đồng tiền tròn được xếp nối tiếp nhau nên còn gọi là Liên tiền thảo. Rau má có tên khoa học là Centella asiatica (L.) thuộc họ Hoa tán Umbelliferae, là một thứ rau dại ăn được thường mọc ở những nơi ẩm ướt như thung lủng, bờ mương thuộc những vùng nhiệt đới như Việt Nam, Lào, Cambuchia, Indonesia, Malasia, Srilanka, Ấn Độ, Pakistan, Madagascar . Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm IX - Thanh nhiệt táo thấp.

Mô tả.

 . Cây rau má có thân nhẳn, mọc lan trên mặt đất, có rể ở các mấu.  Lá có cuống dài mọc ra từ gốc hoặc từ các mấu.  Lá hơi tròn, có mép khía tai bèo.  Phiến lá có gân dạng lưới hình chân vịt.  Hoa mọc ở kẻ lá.  Cánh hoa màu đỏ hoặc tía.

Rau má là một loại rau thông dụng có tác dụng sát trùng giải độc , thanh nhiệt lương huyết.   Ngoài ra, rau má cũng là một loại dược thảo có tính bổ dưỡng rất cao,có nhiều sinh tố, khoáng chất, những chất chống oxy hoá, có thể dùng để dưỡng âm, cải thiện trí nhớ, làm chậm sự lão hoá, cải thiện vi tuần hoàn và chữa nhiều chứng bệnh về da.
 
Thành phần.
Tuỳ theo khu vực trồng hoặc mùa thu hoạch tý lệ các các hoạt chất có thể sai biệt.  Thành phần của rau má bao gồm những chất sau: beta caroten, sterols, saponins, alkaloids, flavonols, sacc-harids, calcium, iron, magnesium, manganese, phosphorus, potassium, zinc, các loại vitamins B1, B2, B3, C và K.
 
Dược tính, công dụng.
 Nền y học cỗ truyền Trung Quốc , Ấn Độ cũng như y học dân gian nước ta đều có truyền thống sử dụng rau má làm thuốc hoặc làm thức ăn từ lâu đời.  Truyền thuyết Trung Quốc có nói đến một võ sư Thái cực quyền tên là Lý Thanh Vân sống thọ đến 256 tuổi một phần là do ông thường dùng món rau má.  Srilanka cũng có chuyện kể về một vị vua nổi tiếng vào thế kỷ thứ 10 tên là Aruna cũng nhờ vào rau má mà có đủ sinh lực để sống với những 50 phi tần của ông!  Những huyền thoại nầy có lẻ đã bắt nguồn từ giá trị dưỡng âm, chống lão hoá và làm tăng cường hệ miển dịch của những hoạt chất có trong rau má.  Hiện nay, nhiều khu vực nói tiếng Anh còn lưu truyền câu tục ngữ khuyến khích dùng rau má “Two leaves  a day keep old age away” (Dùng 2 lá một ngày sẽ giúp bạn xa lánh tuổi già). Trong Đông y rau má thường được phối hợp với đậu đen hoặc mè đen chế thành hoàn để làm thuốc bổ dưỡng cho trẻ em, người già hoặc người ốm mới dậy.
 
Theo y học cỗ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, vào Can, Tỳ Vị  có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu.  Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy.  Từ những năm 1940, y học hiện đại bắt đầu nghiên cứu những tác dụng của rau má.  Rau má có những hoạt chất thuộc nhóm saponins (còn được gọi là tripernoids) bao gồm asiaticoside, madecassoside, madecassic acid và asiatic acid.  Hoạt chất asiaticoside đã được ứng dụng trong điều trị bệnh phong và bệnh lao.  Người ta cho rằng trong những bệnh nầy, vi khuẩn dược bao phủ bởi một màng ngoài giống như sáp khiến cho hệ kháng nhiểm của cơ thể không thể tiếp cận.  Chất asiaticoside trong dịch chiết rau má có thể làm tan lớp màng bao nầy để hệ thống miển dịch của cơ thể tiêu diệt chúng. 
 
Đối với da, nhiều công trình nghiên cứu và kết quả lâm sàng đều cho thấy dịch chiết rau má có khả năng kích hoạt các tiến trình sinh học trong việc phân chia tế bào và tái tạo mô liên kết giúp vết thương chóng lành và mau lên da non.  Hiên nay rau má đã được sử dụng rất đa dạng dưới hình thức thuốc tiêm, thuốc bột, thuốc mở để điều trị tất cả các chứng bệnh về da như vết bỏng, vết thương do chấn thương, do giải phẩu, cấy ghép da, những vết lở lâu lành , vết lở do ung thư, bệnh phong, vẩy nến…
 
Ở Ấn Độ, rau má còn được gọi là Brahmi hàm nghĩa một loại dược thảo có thể giúp con người tiến đến sự hoà hợp với tâm thức vũ trụ (knowledge of the Supreme Reality).  Do đó, rau má thường có trong khẩu phần ăn của những vị thiền sư, những nhà yogi, những nhà thông thái.  Trên thực tế, rau má  tác dụng lên hoạt động của hệ thần kinh trung ương, làm giảm căng thắng tâm lý, tăng cường khả năng tập trung tư tưỡng và giúp cải thiện trí nhớ của người già.  Người ta cho rằng dịch chiết rau má có hiệu quả tốt với bệnh Alzheimer nhờ vào những dẫn xuất của chất Asiaticoside  có khả năng bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi tác động của các độc tố beta-amyloid.
Đối với tuần hoàn huyết, những hoạt chất của rau má có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn ở các tĩnh mạch, mao mạch, bảo vệ lớp áo trong của thành mạch và làm gia tăng tính đàn hồi của mạch máu.  Do đó rau má cũng thường được dùng trong các chứng tăng áp lực tĩnh mạch ở các chi dưới.
 
Trong những năm gần đây, nhiều phương tiện thông tin đã phổ biến cách chữa bệnh thấp khớp mãn tính bằng cách ăn 2 lá rau má tươi mỗi ngày.  Một chương trình phóng sự của đài truyền hình số 9 ở Sydney vào tháng 12/2003 cũng cho biết một số người ở Úc đã chữa khỏi bệnh thấp khớp bằng cách nầy.  Phương pháp nầy phát xuất từ quyển sách “Arthritis and Paradoxycal Pennywort” (Bệnh thấp khớp và lá rau má) của ông Russ Maslen.  Ông đã học được kinh nghiệm chữa bệnh nầy từ một nông dân ở Brunswick Valley vào khoảng năm 1989 khi ông đang tiến hành xây dựng và quản lý công viên bảo tồn di sản thiên nhiên ở vùng nầy.  Sau đó chính ông đã hướng dẫn vợ ông tên là Beryl chữa khỏi chứng sưng đau các khớp xương ở bàn tay.  Ông nói “Mỗi ngày chỉ cần nhai và nuốt 2 lá rau má liên tục , chỉ 2 lá chớ không phải một hay ba lá , thì một thời gian sau sẽ có thể chữa khỏi hoặc làm giảm bớt bệnh thấp khớp”.  Đơn giản đến khó tin!  Phải chăng  hiệu quả chữa bệnh  ở đây là do ảnh hưởng của rau má hoặc những dẫn xuất của nó trong tác dụng chống viêm, chống oxy hoá hoặc tăng cường hệ miển dịch của cơ thể?  Hy vọng nhiều năm sau khoa học sẽ làm sáng tỏ điều nầy.  Điều cần lưu ý trong việc dùng rau má để chữa bệnh thấp khớp là không được dùng quá liều lượng cần thiết.  Dùng bao nhiêu lá phải nằm trong giới hạn dung nạp và chuyển hoá của Tỳ vị.  Mặc dù rau má không độc nhưng lại có tính “hàn” nên có thể làm tăng tính “thấp” trong bệnh thấp khớp làm bệnh nặng thêm.  Ngược lại, nếu chỉ dùng vài lá mỗi ngày, ai cũng có thể dùng và dùng lâu dài mà không sợ có phản ứng phụ.

Một vài toa thuốc có sử dụng rau má.

Toa căn bản. 

Toa căn bản ra đời vào khoảng năm 1950 do cụ Võ Văn Hưng , một lương y giàu kinh nghiêm ở miền đông nam bộ soạn.  Sau đó toa căn bản được Bác sĩ Nguyển Văn Hưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế thời bấy giờ hưởng ứng và khuyến khích sử dụng.  Toa căn bản gồm 10 vị là toa thuốc rất quen thuộc ở các Bệnh viện, trạm y tế từ bộ đội đến nhân dân, đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỷ.  Toa căn bản có đặc điểm là không có độc tính, dễ sử dụng, có tác dụng kích thích tiêu hoá, nhuận gan, nhuận trường, lợi tiểu, giải độc và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tuỳ theo tình trạng của người bệnh và điều kiện của địa phương mà linh động gia giảm vị thuốc hoặc liều thuốc.
 
Toa thuốc gồm: Rau má 8g, Rể tranh 8g, Lá muồng trâu 4g, Cỏ mần chầu 8g Cỏ mực 8g, Cam thảo nam 8g.Ké đầu ngựa 8g, Củ sả 4g, Gừng tươi 4g, Vỏ quít 4g.
Đổ 3 chén nước sắc còn non một chén, uống lúc thuốc còn ấm.

Hoàn ích khí, dưỡng âm, trợ cơ, cứu đói.

Có thể làm thuốc bổ dưỡng cho trẻ em, người già hoặc ngưòi ốm mới khỏi hoặc dùng làm lương khô mang theo khi đi xa phòng khi thiếu thốn thực phẩm.
Toa thuốc gồm 4 vị : Lá dâu tầm, Mè đen, Bột củ mài và Rau má.
Mỗi vị ngang nhau, tán bột làm hoàn, mỗi hoàn khoảng 5g. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 1 hoặc 2 hoàn.

Thoái nhiệt đơn.

Có công dụng giảm nhiệt, hạ sốt, trừ khát, trấn kinh.
Rau má 15%, Hoạt thạch 30%, Sắn dây 20%, Sài hồ 15%, Thạch cao 10%, Cam thảo 10%.
Tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g.

Thuốc hạ huyết áp.

Rể nhàu 16g, Rể kiến cò 12g, Lá tre l2g, Rể tranh 12g,Rể cỏ xước 12g, Rau má 16g, Lá dâu 12g
Sắc uống hoặc đóng viên làm trà uống thay nước hàng ngày.

Sốt xuất huyết.

Rau má 20g, Cỏ mực 16g, Rau sam 16g, Đậu đen 16g.  Sắc uống.

Nước ép rau má.

Nước ép rau má là một cách sử dụng rau má đơn giản và thông dụng nhất.  Nước ép rau má tươi có đầy đủ các hoạt chất và tác dụng đã đề cập.  Mỗi người, mỗi ngày có thể dùng từ 30 đến 40g rau má tươi.  Lá rau má mua về rửa sạch, giả hoặc xay nát.  Cho thêm một ít nước vào.  Vắt và lọc bỏ xác.  Thêm vào một ít đường cho dễ uống.


 

Lưu ý.

Rau má có tính lạnh nên những người có Tỳ Vị hư hàn, hay đầy bụng hoặc đi tiêu lỏng cần cẩn thận khi dùng.  Những trường hợp nầy chỉ nên dùng vài lá mỗi lần hoặc khi dùng kèm theo một vài lát gừng sống. Dùng ngoài da không giới hạn.
Trong cuộc sống hàng ngày ít ai biết được rằng: Rau má – thứ rau mà nhiều người vẫn coi là loài rau mọc hoang dã nơi gốc ruộng, bờ đường ấy lại là một dược thảo rất quý, chữa được nhiều bệnh khá hữu hiệu…
Rau má không chỉ là một loại rau quen thuộc với người dân đất Việt, đặc biệt là với những người nông dân, mà nó còn là một dược thảo. Trong dân gian Rau má được dùng để chữa một số chứng bệnh thông thường rất hiệu nghiệm. Theo các sách thuốc cổ như: Bản thảo cương mục, Dược tính luận, Nam dược thần hiệu thì Rau má có vị đắng, tính hàn, vào 3 kinh can, tỳ và thận, có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng giải độc, dùng chữa các chứng tiết tả mùa hè, bịnh lỵ, vàng da do thấp nhiệt, sỏi đường tiết niệu, bỏng, khái huyết, thổ huyết đau mắt đỏ dị ứng mẩn ngứa…

Dược lý học hiện đại nghiên cứu cho thấy: Rau má có chứa glucorit như asiaticoside cenlelloside các saponin như Brahmic axit, madasiatic axit và một số chất khác như carotrnoids, meso… insositol. Nghiên cứu thực nghiệm trên chuột bạch, chuột cống, các nhà khoa học nhận thấy Rau má có tác dụng trấn tĩnh, an thần thông qua cơ chế tác động trực tiếp lên hệ thống thần kinh trung ương. Rau má có tác dụng điều trị các vết ở da và niêm mạc là do các saponin chứa trong dịch chiết có tác dụng kích thích quá trình sinh trưởng của tế bào da, làm tăng sinh mạng lưới huyết quản của tổ chức liên kết giúp cho các mô tái tạo nhanh chóng khiến vết thương mau lành. Kết quả này thu được từ những nghiên cứu dùng dịch Rau má tiêm (chích) bắp hoặc dưới da cho các động vật thí nghiệm như chuột, thỏ. Mặt khác, Rau má còn có tác dụng kháng khuẩn rõ rệt, làm giảm trương lực cơ trơn ở ruột (chống co thắt), hưng phấn nhẹ hô hấp và hạ huyết áp. Trên lâm sàng, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy bột Rau má khô uống với liều 3 lần trong một ngày, mỗi lần 5 – 7g có tác dụng giảm đau khá tốt.
Trong dân gian, Rau má được dùng để chữa một số bệnh:
- Vàng da do thấp nhiệt: Rau má 30 – 40g, Đường phèn 30g sắc uống.
- Đi lỏng do trúng thực: Rau má 30g sắc với nước vo gạo uống hàng ngày.
- Đái ra máu: Rau má và Ích mẫu thảo mỗi thứ một nắm rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.
- Táo bón: Rau má 30g giã nát đắp rốn.
- Bệnh sởi: Rau má 30 – 40g sắc uống.
- Áp xe vú giai đoạn đầu: Rau má tươi 30 – 70g sắc uống hoặc giã nát ép lấy nước uống.
- Giải ngộ độc thuốc và thực phẩm: Rau má tươi giã nát ép lấy nước uống (có thể thêm một chút Đường phèn).
- Hành kinh đau bụng đau lưng: Rau má khô tán bột mỗi ngày uống 2 thìa cà phê gạt ngang.
- Giải nhiệt, trị rôm sẩy, mẩn ngứa, mát gan, lợi tiểu: Rau má tươi 30 – 100g rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống hàng ngày hoặc dùng máy xay sinh tố xay nát rồi hoà đường uống.
Đối với bệnh nhân viêm gan virút cấp tính dùng 150g Rau má tươi sắc với 500ml nước cô còn 250ml, pha thêm Đường phèn chia uống 2 lần trong ngày khi đói bụng. Ngoài ra Rau má còn được dùng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn màng não – tuỷ.
Ở nước ta Rau má mới chỉ được nghiên cứu trong điều trị các bệnh lý ngoài da, đặc biệt là bỏng. Theo cổ nhân, Rau má có tính lạnh nên những người hư hàn không nên dùng.

Tác giả bài viết: Lương y Võ Hà

Nguồn tin: theo: caythuocquy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây