I. MỤC ĐÍCH:
Thông qua nhiệt độ sôi của nước tác động vào các vị thuốc làm cho chất thuốc hoà tan trong nước sôi, làm cho tính dược được hoà hoãn và giảm được tác dụng phụ của thuốc rồi chắt lấy nước thuốc để uống.
II. CHỈ ĐỊNH, CHỐNG CHỈ ĐỊNH CỦA THUỐC SẮC: 1. Chỉ định: Dùng cho bệnh nhân cấp tính (cả ngoại cảm và nội thương) để tả thực, điều khí. Dùng cho bệnh mãn tính để bổ hư, điều khí 2. Chống chỉ định: Không có chống chỉ định rõ, chủ yếu là sắc đúng cách để đảm bảo chất lượng thuốc dùng cho bệnh cấp tính và bệnh mãn tính. III. CHUẨN BỊ: 1. Dụng cụ: - Gói thuốc sắc (cần gói riêng thuốc sắc trước, thuốc sắc sau). - Ấm thuốc, có thể dùng các loại sau: ấm đất, ấm sành, nồi nhôm, xoong nhôm, nồi thép không gỉ, nồi áp suất, ấm sắc thuốc bằng điện. - Nước sắc thuốc: nước sạch. - Bếp sắc thuốc: Các loại bếp: bếp củi, bếp than củi, bếp than tổ ong, bếp gas, bếp điện... đều dùng được. - Bát hoặc phích để chắt, đựng nước thuốc. 2. Bệnh nhân: Bệnh nhân được hướng dẫn cách sắc thuốc nếu mang thuốc về nhà tự sắc lấy. 3. Thầy thuốc: - Biết được tác dụng của thang thuốc, sắc lấy khí hay lấy vị. - Biết được kỹ thuật sắc thang thuốc này và thời điểm cho các vị thuốc gói riêng vào trước vào sau theo đơn. IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH: - Đổ thuốc vào ấm thuốc, rồi đổ nước ngập mặt thuốc khoảng 2 cm. - Nếu dùng ấm thuốc có vòi: lấy giấy gói thuốc lót dưới mặt vung và nút vòi ấm để ngăn không cho thuốc sôi bồng lên tràn ra ngoài. - Đặt ấm thuốc lên bếp. - Mới đầu cho lửa to (vũ hoả) cho chóng sôi. Khi đã sôi, tuỳ loại thuốc, dùng 1 trong 2 cách sau: + Với thuốc cần lấy khí để chữa bệnh ở biểu, thanh nhiệt: vặn xuống mức lửa vừa để nước thuốc sôi nhẹ khoảng 20 phút để giữ khí của thuốc và để hoà chất thuốc. Chỉ sắc 1 lần. + Với thuốc cần lấy vị để chữa các bệnh hư tổn: Vặn xuống mức lửa vừa nhỏ để sôi âm ỉ khoảng 60 phút để hoà tan chất thuốc và lấy vị. Điều chỉnh ngọn lửa để thuốc sôi nhưng không trào ra. Chắt lấy nước thuốc thứ nhất. Lại đổ nước vào ngập thuốc khoảng 1cm, tiếp tục sắc như trên, rồi chắt lấy nước thuốc thứ 2. - Chú ý: + Thuốc là khoáng vật: đập vỡ nhỏ, sắc 10 - 15 phút rồi mới cho thuốc còn lại vào sắc tiếp. + Thuốc có sạn, đất (Hoàng thổ, Rễ lau) hoặc thuốc lượng lớn (Lô căn, Mao căn, Trúc nhự, Hạ khô thảo) sắc trước, chắt lấy nước làm nước sắc. Với thuốc cho vào sau: Thuốc phương hương (thơm, có tinh dầu): Khi sắp sắc xong mới cho thuốc vào, 4 - 5 phút sau thì bắc ra (Bạc hà, Sa nhân, Đậu khấu, Nhục quế). Với thuốc quí: Ví dụ Nhân sâm: thái lát, chưng nước cách thuỷ cho nhừ, chắt lấy nước sâm hoà với nước thuốc uống. Bã sâm có thể ăn. + Ví dụ: Sắc riêng như Nhân sâm, hoặc mài ra để uống như Tê giác. + Nhục quế: Có thể mài với nước thuốc để uống. - Với các thuốc khác: như A giao, Qui giao, Lộc giác giao, ... Sau khi đã sắc thuốc xong, chắt nước thuốc, cho cao vào, gia nhiệt để hoà tan cao vào thuốc. - Với thuốc bột (như Hoạt thạch tán mịn): Cho vào vải rồi sắc để tránh khi chắt nước thuốc bột ra theo và khi uống sẽ vướng ở họng. - Trong khi sắc thuốc bằng các loại bếp, cần: + Luôn có mặt để điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp, hoặc điều chỉnh nắp vung nồi cho thích hợp để thuốc không trào ra ngoài. + Không để thuốc cạn hết và cháy. Nếu thuốc cạn cần cho thêm nước cho đủ để chất thuốc có thể hoà tan tốt. V. GHI CHÉP, BÁO CÁO: Những diễn biến bất thường khi sắc như: trào hết nước, cạn hết nước, cháy thuốc, không cho thuốc vào sắc trước hoặc cho vào sau khi sắc, ...