- Bổ hư phải chú ý hai tạng tỳ, thận:
Theo sách Linh khu, thiên ”Niên” cho rằng: con người sau 50 tuổi thì công năng của ngũ tạng dần dần bị hư suy; khi đó, bệnh tật rất dễ sinh ra và đó là nguyên nhân chủ yếu của cơ chế bệnh sinh ở người có tuổi; trong đó, tỳ và thận là hai tạng chủ yếu. Bởi vì tỳ chủ hậu thiên, là nguồn gốc sinh hoá của khí huyết; thận chủ tiên thiên, là nơi chứa thủy hoả, điều tiết âm dương. Do đó, khi điều trị bệnh cho người có tuổi phải chú ý đến việc bồi bổ, bảo tồn công năng của ngũ tạng, lục phủ. Trong đó, đặc biệt chú ý hai tạng tỳ, thận và đương nhiên là phải dựa trên cơ sở biện chứng luận trị. Dụng dược cũng không nên dùng quá mạnh, quá thiên lệch, kể cả bổ pháp cũng không nên dùng thuần bổ mà nên dùng điều bổ.
Các phương thuốc điều bổ tỳ thường dùng: Tứ quân tử thang, Hương sa lục quân tử thang, Sâm linh bạch truật tán, Dị công tán...
Các phương thuốc điều bổ thận: Tả quy hoàn, Hữu quy hoàn, Lục vị, Bát vị ...
- Khứ tà phải công bổ kiêm thi:
Khi cơ thể ở giai đoạn lão hoá, công năng của tạng phủ, khả năng đề kháng của cơ thể giảm sút, âm dương mất tính bình hành. Khi cơ thể bị bệnh, ngoài chứng hư còn cảm phải ngoại tà. Do đó, khi điều trị phải dùng phép công bổ kiêm thi để khi khứ tà không làm tổn thương chính khí.
- Phù chính phải tiến hành từ từ:
Đối với người có tuổi, trong quá trình điều trị tuy là lấy phép bổ làm chủ nhưng phải tiến hành từ từ. Nên dùng điều bổ, không được dùng phép tuấn bổ; Khi bổ, không nên dùng các đại tễ. Bởi vì tỳ vị khi ấy đã hư suy, công năng vận hoá giảm sút, khả năng hấp thu kém nên khi dùng thuốc bổ phải chú ý đến công năng của tỳ vị, bảo vệ trung châu. Nên tiến hành điều trị theo nguyên tắc: bổ mà không trệ, tư mà không ngấy, dưỡng mà không táo... Trong khi dùng thuốc phải biết cách phối ngũ, sao cho có bổ có tả, có thăng có giáng, có đóng có mở.
Tóm lại, khi dùng phép bổ đối với người có tuổi không những cần tránh sự thiên lệch mà còn yêu cầu bổ mà không trệ, làm cho khí huyết lưu thông, tỳ vị kiện vận, âm dương bình hành.
- Khi lập phương thuốc phải rõ ràng:
Bệnh tình ở người có tuổi thường diễn ra rất phức tạp: hư thực lẫn lộn, hàn nhiệt thác tạp, ngũ tạng khuy tổn, khí huyết bất túc. Khi điều trị, không những cần phải điều trị chủ chứng mà còn phải chú ý đến những chứng trạng kèm theo. Do đó, cần có sự phối ngũ các vị thuốc một cách nghiêm ngặt, chủ khách phân minh.
- Khi dùng thuốc, chủ yếu là sơ thông:
Đối với người có tuổi, công năng của tạng phủ hư suy, khí cơ thăng giáng thất thường, khí ngưng nên huyết trệ; hoặc tính tình dễ bị ức chế, can khí không được sơ thông, uất lại mà gây bệnh; hoặc do người già có nhiều bệnh, khí huyết hư suy mà uất lại. Vì vậy, khi điều trị cần sơ thông khí huyết, thường dùng Tiêu dao tán, Sài hồ sơ can tán, Tứ nghịch tán ...
- Khi điều trị, phải chú ý đến tình trạng hoãn, cấp một cách hợp lý:
Bệnh thường phân ra hoãn, cấp nên khi điều trị phải chú ý đến tiêu, bản. Đối với người có tuổi, cơ thể suy nhược, sức đề kháng giảm sút, tình trạng bệnh tật có khi biến đổi rất cấp tính. Do đó, đối với những bệnh cấp tính, nên dùng y học hiện đại; khi có chỉ định kết hợp với y học cổ truyền thì phương châm là cần điều trị gấp, nhưng việc công tà không nên thái quá để chính khí có thể phục hồi sau khi tà đã được giải. Trường hợp bệnh không cấp tính thì việc điều trị cần tiến hành từ từ. Bởi vì bệnh tật ở người có tuổi thường là mạn tính, kèm theo chính khí hư suy, khả năng phục hồi chậm, nên nếu nóng vội thì việc điều trị sẽ không có hiệu quả.
- Chú ý chế độ dinh dưỡng trong quá trình điều trị:
Do người có tuổi chính khí hư suy, cơ thể suy nhược nên trong quá trình điều trị cần chú ý chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng bệnh tật để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đề phòng bệnh tật phát sinh. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng cũng cần phù hợp với quá trình điều trị.