ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH - Mạch bệnh Sản phụ khoa

Thứ năm - 03/04/2014 22:11
MẠCH BỆNH SẢN PHỤ KHOA
.
.
     I. THỜI KỲ KINH NGUYỆT
     Nói chung: Mạch nữ giới so với mạch nam giới, phần nhiều mạch nữ giớ vẫn nhu nhược hơn. Vì nữ là Âm, nam là Dương.
     Nói riêng: Mạch phụ nữ cả 3 bộ điều hoà mà trong đó, mạch bộ Xích mạnh hơn bộ Thốn bộ Quan; mạch tay phải lớn hơn mạch tay trái, thế là mức độ bình thường khi có kinh nguyệt dù tháng trồi, tháng trụt hay tháng nhiều tháng ít không chừng hay dù kinh có chậm hàng tháng mới hành cũng chưa phải là có bệnh về đường kinh nguyệt.
- Nếu mạch bộ Thốn, bộ Quan bình thường mà mạch bộ Xích Tuyệt (hết) hay không tuyệt mà Nhược Tiểu thì hẳn là bụng dưới và Trường vị có khí tích, đau xóc lên tim, kinh nguyệt không thông.
- Nếu mạch 3 bộ Trầm Hoãn là hạ bộ hư nhược thì hẳn là kinh nguyệt tháng ấy quá nhiều.
- Nếu mạch 3 bộ Hư Vi thì cũnh là kinh nguyệt không thông.
- Nếu mạch ấy mà người lại không có mồ hôi thì hẳn 2 tháng mới hành kinh 1 lần.
- Nếu mạch cả 3 bộ đều Phù hay đều Trầm mà trong khi Phù Trầm ấy đôi khi lại ngừng; mạch bộ Thốn, bộ Quan Vi Sáp, mạch bộ Xích Vi Trì, đó là mạch 3 tháng mới hành kinh một lần. Hành kinh như vậy máu sẽ ít dần dần rồi đi đến bế tắc. Gọi là “kinh nguyệt bất thông” (Vi: Vị khí hư nhược, Sáp :  khí huyết hư hàn, Trì: hàn lãnh).
- Nếu mạch như trên mà lại hay bị hư thai (tiểu sản hay sanh đẻ nhiều, máu khô cạn đi. Gọi bệnh “Huyết khô”)
- Nếu mạch bộ Quan Phục, mạch bộ Thốn Phù hay mạch bộ Thốn tay trái Trầm Kết là mạch “mất kinh kỳ”. Đó là bởi tâm tình uất ức không vui hoà làm cho Tỳ không tiêu hoá chất ăn để bồi dưỡng Phế kim, mà khí trệ không hành, để tăng trưởng Thân thuỷ mà huyết cạn khô. Kinh kỳ ấy lúc ban đầu tháng trước lẫn tháng sau rồi tháng có tháng không, không chừng, dần dần Tỳ Vị suy yếu thêm, biến sinh bệnh ỉa chảy, rồi sưng thủng cả người. Nếu không trị được biến sinh ra bệnh trưng hà, lao tái.
- Kinh kỳ bế tắc phát bệnh chia ra: “Thuỷ phận” và “Huyết phận”.
- Tam tiêu và Đởm mạch Trầm. Tâm Thận mạch Tế là kinh nguyệt không thông thì huyết ngưng lại, làm cho kinh nguyệt không hành gọi là “thuỷ phận”. Phát bệnh trước rồi mới bị tắc kinh, dễ trị.
- Thốn bộ mạch Trầm Sác (Trầm = âm khí kết, Sác = dương khí thực).
Vị mạch Vi Huyền (Vi = Vị khí nhược, Huyền = thiếu hơi thở).
Thận mạch Trầm Hoạt (Trầm = bệnh ở lý phận, Hoạt = thực nhiệt).
Tất cả tranh giành nhau làm cho huyết kết, các đường kinh lạc không thông. Gọi là “Huyết phận”. Mất kinh trước rồi mới phát bệnh: khó trị.
- Vị mạch Phù Sáp (Phù = Khí trệ, Sáp = Huyết hàn). Làm cho đầy bụng trướng khí. Khí đi lên ợ ngược, khí đi xuống lạnh bụng đau bụng.
- Thận mạch Phù Khẩn (Phù = sôi ruột đầy bụng, Khẩn = đau bụng) thuộc loại bệnh Sán hà.
- Thận mạch Phù Động (Phù = khí hư, Động= đau buốt) thuộc loại bệnh băng huyết, bạch đái hay sa tử cung.
- Thận mạch Hoạt Sác: đái có khi rỉ rả theo ra hay bệnh ngứa trong âm hộ.
- Thận mạch Huyền: đau buốt trong âm hộ, lại thường có chứng lòi con trê (Trường dĩnh).

     II. THỜI KỲ MANG THAI
     Xem mạch phụ nữ khi mới có thai, mạch bộ Thốn Vi Tiểu mà ngũ chí (ta để một ngón tay vào bộ Thốn của người nữ ấy, ta thấy mạch đi nhỏ bé, đấm nhẹ vào ngón tay ta luôn luôn mà có vẻ mau lẹ. Xem mạch linh động như vậy. Biết rằng Vi Tiểu mà ngũ chí, không phải tính hơi thở, không phải đếm mấy chí).
Còn hai bộ Quan và Xích, phù án hay trầm án đều bình (ngang bằng nhau) mà ấn mạnh tay xuống mạch vẫn còn đi, không tuyệt (không mất mạch), mạch ấy nếu đã tắt kinh mà không bệnh gì khác ngoài trạng thái thai nghén thì hẳn là có thai (mạch 2 tay đều thế).
     Như vậy: Thốn mạch Vi Tiểu: khí suy; Quan mạch, Xích mạch bình bình không tuyệt: Huyết vượng. Khí suy, Huyết vượng: có thai.
     Tuy sách dạy “xem mạch mới có thai” rõ ràng là như vậy, nhưng khi thực hành mới biêt xem mạch khi khoảng 1- 2 tháng rất khó xác định.
     Những người nói rằng “xem mạch thai mới có mấy ngày cũng có thể biết được”, đó là những tay thần mạch, nhưng rất ít vị ta xem mạch tài giỏi, nhưng thần khí mạch thai không ứng hiện lúc ta xem thì làm sao mà biết để khoe hay khoe tài.
     Xem mạch thai trong 1- 2 tháng, thật rất khó biết. Sách dạy: Sổ nguyệt hoài thai do vị giác. Cho nên người xưa mới dạy ta phép cho uống chút thuốc để thử xem có thai thật hay không: gọi Nghiệm thai pháp (thử thai).
  1. Xuyên Khung 4 gram, tán nhỏ và 1 nắm lá Ngải Cứu, nấu lấy nước mà uống, uống lúc đói. Uống vào lát sau trong bụng có chuyển động. Đó là cái thai. Nếu sau khi uống chừng 1 ngày mà trong bụng vẫn y nguyên không chuyển động, đó là kinh nguyệt bế tắc không phải có thai.
  2. Lấy 1 nắm lá ngải cứu, tẩm nước giấm sao khô, nấu lấy nước uống. Uống rồi một lát sau, trong bụng chuyển làm đau bụng, đó là có thai. Nếu không đau bụng, không phải có thai (nói đau bụng là chỉ hơi vận chuyển đau chút, chứ không phải đau dữ dội).
Khi thai 3 tháng chú trọng vào 2 bộ mạch:
  • 1. Thủ thiếu âm Tâm ở tả Thốn. Tâm chủ về huyết.
  • 2. Túc thiếu âm Thận ở tả Xích. Thận chủ về bào thai.
     Cả hai bộ mạch ấy đều đánh mạnh lên tay người xem mạnh hơn các bộ khác mà sức mạnh đi khác thường. Đó là hai âm mạch mà có dương mạch (thủ thiếu âm, túc thiếu âm là âm: huyết là âm; bào thai là âm. Mạch đánh mạnh lên tay là dương) Âm bác Dương biệt: Âm nhiều âm đánh mạnh vào dương mà vẫn có dương mạch dị biệt.
Âm mạch mà có dương mạch, tức là Huyết vượng mà có Khí suy.
Huyết vượng, Khí suy, hẳn là có thai. Ngược lại Huyết suy, Khí vượng không phải có thai.
Cá nhờ có nước, nước nhiều thì có cá. Thai nhờ có huyết, Huyết vượng thì có thai. Thật đúng nghĩa.
Nên nhớ rằng: “thai được 3 tháng, thế nào mạch tả Xích cũng Sác.Nếu mạch tả Xích tuyệt hay Vi Tiểu mà không Sác lại là bệnh về kinh nguyệt, không phải mạch thai.
     Lại nên nhớ rằng: thai 3 tháng thế nào mạch bộ Xích cũng Hoạt mà Sác Thực. Ngược lại, mạch bộ Xích Hoạt mà Hoãn Nhược Trì Sáp thì lại là bệnh về kinh nguyệt, không phải mạch thai.
(Thật vậy, mạch tả Xích Sác mà đi chắc đi mạnh là có thai. Ngược lại mạch tả Xích Sác mà đi yếu đi chậm hay là mạch tả Xích Tuyệt, không phải có thai. Nhưng soạn giả nghĩ rằng một cặp vợ chồng trẻ sáng sớm dẫn nhau đến phòng mạch xin xem mạch “xem có thai thật hay không?” – Tâm lý mà xét, dù người ấy đã có thai thật, thì lúc sáng sớm mạch Tả Xích của người ấy cũng vô lực hay cũng tuyệt, vì họ đã yêu nhau suốt đêm thì mạch phải nhược. Đa số là như vậy. Sáng sớm làm sao xem mạch thai cho đúng, xem không đúng sẽ bị khinh chê. Tốt hơn hết, xem mạch thai nên xem buổi chiều. Phải chăng?
     Nói chung:
- Mạch bộ Thốn Vi: Khí suy.
- Mạch bộ Quan Hoạt: Huyết nhiều, Khí ít.
- Mạch bộ Xích Sác: Huyết vượng.
     Tất cả đi lại lưu thông điều hoà: mạch có thai.
Nhưng mạch bộ Xích Hoạt Sác mà lại có lẫn Tán, lẫn Đợi hay mổ chồm chộp như chim sẻ mổ thóc (Tước trác) đôi khi lại ngừng, là Khí trong thai mạnh quá bế tắc khí mạch (Hoạt Sác: Huyết vượng, Tước trác: khí bế).
- Nếu khi ấy phát bệnh “ khát nước” mà mạch lại Trì, đó là triệu chứng phát bệnh “thuỷ thũng”; nếu lại đau bụng thì cái thai ấy sẽ bị hư. Chữ rằng “Khát thả Mạch Trì, kỳ thai tất thương” nghĩa là thay thế. Nên đề phòng.

- Khi thai được 4 tháng, hình thể khí chất cái thai đã đủ, mới có thể xem mạch mà phân biệt được sanh trai hay sanh gái, mạch phần nhiều Hoạt, Tật, Thực, Đại.

- Khi thai được 5 tháng, ấn mạnh tay xem mạch vẫn đi mau mà không tán (Tật nhi bất tán), nên biết đi mau như Sác chứ không phải đi mau như Hoạt.
- Nhưng nếu mạch đi quá mau, quá gấp là Khẩn mà Sác thì hẳ là sanh bệnh “lậu thai”: cái thai cứ rỉ rả chảy máu, máu ra vài giọt một mà không đau bụng.
Ngược lại, mạch đi quá chậm là mạch Trì thì trướng bụng phát suyễn; hay đi quá chậm mà mạch Phù thì phát bệnh thuỷ thũng.
- Khi thai được 6,7 tháng, mạch Lao Cương Huyền Khẩn là tốt (lao cương: rắn chắc, cứng mạnh, tức mạch Thực). Ngược lại mạch Trầm Tế Sáp thì coi chừng cái thai sẽ bị hư.
Khi huyệt Đan Điền bị nóng ẩm thì dù cái thai có bị động cũng cứu trị được. Nếu thai lạnh, bụng lạnh như tuyết: khó trị lắm (Đan Điền tức là huyệt Thạch Môn ở dưới rốn 2 tấc thuộc mạch Nhâm).
Khi thai 6,7 tháng, mạch huyền mà phát nóng sợ lạnh, cái thai trồi lên bụng trên mà bụng dưới bành ra như cái quạt, đó là Tạng khí bế tắc, nên đem thuốc ôn cho uống để thông Tạng khí.
- Nếu mạch Thủ thiếu âm Tâm, Túc thiếu âm Thận Vi Khẩn, đó là thiếu máu, không đủ máu nuôi thai sẽ bị đẻ non (bán sản) lại có thể sẽ sanh đôi mà may ra còn được một.

Bệnh động thai
Nguyên nhân: Vì thai khí đảo lộn sự biến hoá hay vì người mang thai gặp sự gì kinh sợ, vì ăn đồ nóng nhiều, vì làm việc quá sức hay vì phòng dục mà sinh ra. Nhẹ thì chảy máu ra ri rỉ vài giọt một, nặng thì máu chảy ra như khi hành kinh. Nếu mất máu nhiều thì mặt mắt môi lưỡi của sản phụ xuất hiện màu xanh, đó là dấu hiệu hư cả mẹ và con.
Cũng nên biết mà phân biệt: Thai tự nhiên ra máu “không động đau bụng” là Lậu thai (nhẹ), “có đau bụng” là Động thai (nặng).
Khi thai 7,8 tháng, mạch Thực Đại Huyền Trường: tốt. Nếu mạch Trầm Tế: xấu.
Khi thai đủ ngày, đủ tháng sắp sanh, trong người nhiệt độ điều hoà mà mạch rối loạn, lại là dấu hiệu tốt (Túc nguyệt mạch loạn, phân thị cát tường).
 
     III . XEM MẠCH THAI ĐỂ BIẾT SANH NAM HAY NỮ
(Trong bài này nói “tay tả sanh nam, tay hữu sanh nữ”. Đó là lấy nghĩa chữ “nam tả nữ hữu”:tả thuộc dương là nam, hữu thuộc âm là nữ).
Xem mạch thai để biết sanh nam hay nữ, kể từ khi thai được 4 tháng trở lên xem mạch thai mới có thể biết được. Vì khi thai 4 tháng, hình thể khí chất đứa trẻ đã đủ mới hiện ra mạch.
  • Thai 4 tháng trở lên:
- Tay trái Hoạt Thực Tật Đại: Sanh nam (tật: đi mau như Sác).
- Tay phải Hoạt Thực Tật Đại: Sanh nữ.
Cả 2 tay trái phải đều Hoạt Tật Thực Đại: sanh song thai.
- Tay trái Phù Đại: sanh nam.
- Tay phải Phù Đại: sanh nữ.
- Tay trái Trầm Thực: sanh nam.
- Tay phải Trầm Thực: sanh nữ.
Cả hai tay trái phải đều Trầm Thực: sanh hai nam.
Cả hai tay trái phải Phù Đại: sanh hai nữ.
- Bộ Thốn tay trái mạch Phù Đại: thuộc thái dương sanh nam.
- Bộ Thốn tay phải mạch Trầm Thực: thuộc thái âm sanh nữ.
- Bộ Xích tay trái lớn hơn tay phải: sanh nam.
- Bộ Xích tay phải lớn hơn tay trái: sanh nữ.
- Phù Đại Hoạt Sác: Dương mạch sanh nam.
- Trầm Tế: Âm mạch sanh nữ.
Dương mạch ở dương kinh: sanh nam.
Âm mạch ở âm kinh: sanh nữ.
Nếu âm dương pha trộn:
- Dương mạch mà ở âm kinh: Nam mạch mà sanh nữ.
- Âm mạch mà lại ở dương kinh: Nữ mạch mà sanh nam.
(Chúng ta xem mạch sanh nam hay nữ mà có khi không đúng, bởi lẫn lộn ở 2 câu cuối này).
Xem mạch tung hoành nghịch thuận (Xoay ngang dọc, tính ngượic xuôi).
- Mạch tay trái xem hàng dọc (tung) từ trên đi xuống, từ dưới đi lên thẳng hàng đi lại thông hoạt không ngừng: cả Khí và Huyết đều thịnh sanh hai nam.
- Mạch tay phải xem ngang (hoành) đun đi đẩy lại không kẽ hở cách ngăn: cả Khí và Huyết đều thịnh sanh 2 nữ.
- Mạch tay trái xem ngược (nghịch) mạch đi từ dưới tràn đầy lên trên mà đi lại thông hoạt: cả Khí và Huyết đều mạnh đến cao độ: sanh ba nam.
- Mạch tay phải xem xuôi (thuận) mạch đi từ trên xuống dưới mà đi lại mau gấp: cả Khí và Huyết đều mạnh đến cao độ: sanh ba nữ.

Xem mạch thai theo Dịch lý (Trương Cảnh Nhạc dạy)

KHẢM TRUNG MÃN: Quẻ khảm ở giữa đầy lại có hình chữ nhất là quẻ “Thiên nhất thuộc Dương”.
Thai mạch Trầm thực, trong Trầm thực ấy có “ trung mãn” là nam thai.

LY TRUNG HƯ: quẻ ly ở giữa trống rỗng lại có hình chữ nhị là quẻ “Địa nhị thuộc Âm”.
Thai mạch Phù Hư, trong Phù Hư ấy có Trung Hư: nữ thai.

      
- Thai 3 tháng đã máy động, thai có Dương tính, Dương tính máy động sớm: nam thai (sự máy động đó theo lý tự nhiên, nếu động phòng mà máy động, không phải).
- Thai 5 tháng mới máy động, thai có âm tính, âm tính máy động muộn: nữ thai.
- Thai chủ về Huyết, nhưng thai máy động bởi Khí, thai khí máy động, trong bụng người mẹ, nếu máy động phía tay trái: dương sanh nam, tay phải: âm sanh nữ.

Xem hình thể bên ngoài để biết sanh nam hay nữ
- Khí thai 7, 8 tháng hễ:
Đầu vú bên trái có hạch sanh nam, đầu vú bên phải có hạch sanh nữ (hạch tròn nho nhỏ, nắn không đau).
Người vợ đi xa xa đàng trước, người chồng theo sau gọi giật lại, theo lệ tự nhiên, hễ:
Người vợ quay lại, quay đầu về bên trái: sanh nam, quay đầu về bên phải: sanh nữ.
Bụng bầu mang thai “cưng cứng” nam thai, vì nam thai ngồi ấp mặt bụng mẹ, lưng quay ra ngoài (lưng cứng).
Bụng bầu mang thai “mềm mềm”; nữ thai, vì nữ thai ngồi theo chiều lưng mẹ, bụng quay ra ngoài (bụng mềm).
Xưa và nay mấy bà cụ thường nói: “Bụng gọn tròn sanh nam, bụng bè bè sanh nữ”. Có lẽ cũng nghĩa thế.

     IV. THỜI KỲ SẮP SANH (Lâm sản)
Mạch thai lúc chuyển bụng sắp sanh, thế nào mạch cũng có Ly Kinh.
Ly: rời bỏ, cách ly. Kinh: mức thường, tức là mạch cách ly đường mạch cũ, không theo mức độ bình thường.
a) Người ta thở ra, hít vào, nhịp độ điều hoà một ngày một đêm 13.500 tức. Trong khoảng cách ấy mạch đi 50 độ là một vòng, lại trở lại từ chỗ bắt đầu, cứ thế mãi mãi. Nay vì sắp sanh cái thai trụt xuống đè lên đường mạch Vị Kinh rời bỏ đường mạch liên tục thường xuyên không theo đúng vòng mạch trở lại từ lúc bắt đầu mà đi ra đường khác. Gọi “ly kinh”.
b) Mạch bình thường một hơi thở ra, hít vào: ngũ chí. Nay sắp sanh mạch đi một hơi thở: lục chí hay nhất chí, tức là quá mau hay quá chậm. Gọi “ly kinh”.
Như vậy, hễ thấy mạch ly kinh, biết rằng “sắp sanh” ( ta hiểu chữ “sắp sanh” này: sanh ngay lúc đó hay có chậm chăng cũng trong một hai giờ). Khi đã sanh rồi, mạch lại trở lại lúc bình thường như cũ.
Lại nên biết rằng người sắp sanh bao giờ cũng đau bụng và đồng thời đau lưng. Nếu đau bụng mà không đau lưng, hay đau lưng mà không đau bụng là chưa sanh.
Mạch lúc lên bàn đẻ. Hễ Trầm Tế Hoạt dễ sanh. Nếu Phù Đại khó sanh. Trầm Tế Hoạt chính là mạch của Thận đã xuất hiện, nên dễ sanh, còn Phù Đại là Thận bị dương mạch khắc chế, nên khó sanh.
Dễ sanh còn phải nói làm chi. Nhưng lúc sanh đẻ khó khăn phải thăm nom luôn mà cẩn thận.
Sanh đẻ khó khăn mà nóng người nặng mình và lên cơn nóng lạnh, hết cơn này lại đến cơn khác là điểm xấu.
Khi ấy phải xem ngay “ khí sắc ở mặt và lưỡi” của người đàn bà ấy có biến sắc không?
Nếu thấy mặt đỏ lưỡi xanh, phải tìm cách trục cái thai ra để cứu lấy mẹ. Nếu không trục cái thai ra được thì mạng người mẹ cũng không còn.
Nếu mặt xanh, lưỡi đen thì hư cả mẹ và con. Tại sao? Bởi mặt là tinh hoa của Tâm, lưỡi là cuống của Tâm.
Mặt xanh, Can hết máu. Lưỡi đen Thận thuỷ tràn lên khắc chế Tâm hoả.
Mặt đỏ: Máu tim còn lưu thông, có thể cứu được người mẹ.

     V. THỜI KỲ SAU KHI MỚI SANH (Sản hậu)
Mạch sản phụ sau khi mới sanh
- Hoãn Hoạt: tốt nhất. Trầm Tế cũng không sao.
- Nếu Thực Đại Huyền Lao: xấu. Sáp Tật: Nguy. Tại sao?
Bởi người mới sanh cần phải ăn được, tức là phải chú trọng vào cái Khí của Tỳ Vị. Hoãn Hoạt: Mạch Tỳ Vị điều hoà thì tốt.
- Trầm Tế: Mạch suy nhược. Người mới sanh Khí Huyết suy nhược cần bồi dưỡng để phục hồi, cho nên nói “cũng không sao!”.
- Thực Đại Huyền Lao: Can mộc vượng. Người mới sanh Tỳ Vị đã suy yếu lại bị Can mộc vượng khắc chế thì điều trị khó hồi phục, cho nên nói “xấu” (Lao: mạch rắn chắc như mạch Cách).
- Sáp Tật: Sáp là mất máu nhiều, Tật là hoả vượng.Người mới sanh đã mất máu nhiều lại hoả vượng, làm tiêu mất máu thêm, nên nói “nguy” (Tật: đi mau như Sác).
Tiện đây ta hiểu thêm danh từ “Sản Hậu”
Chữ “Sản Hậu” đúng nghĩa của nó là sau khi mới sanh như vừa nói trên.Nhưng sao có người sau khi sanh con đã 3 – 4 tuổi khi có bệnh cũng còn nói bệnh sản hậu ? Đó là nói “ bệnh tuy ngày nay nó mới phát nhưng đã bị hao tổn mà nhiễm bệnh ngay từ khi mới sanh: Tức là bệnh từ ngày sản hậu vậy.
 

Tác giả bài viết: Lê Đức Thiếp

Nguồn tin: Định Ninh Tôi Học Mạch, Hội & CLB YDDT Sở Y tế Tp HCM - 1985

 Từ khóa: sản phụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây