YKN 26/8/2011- Người thày thuốc Việt Nam ngày nay đang đứng giữa hai làn đạn. Một làn đạn từ phía ngành nghề của mình: đó là quy chế,trách nhiệm, là hàng núi những công việc phải làm, là quá tải…. Một làn đạn khác từ phía xã hội, thân nhân bệnh nhân và những người không thông cảm với những vất vả cực nhọc của nghề y. Cả hai làn đạn bắn từ hai phía trái ngược nhau và người thày thuốc nào không khéo léo phải nhận lãnh cả hai. Rất nhiều bạn trẻ chỉ nghĩ tới những vinh quang của nghề mà không thấy những cay đắng của đời thày thuốc: có sống trong chăn mới biết chăn có rận hay không”
Gửi Anh Trung! Thảm kịch xảy ra ở Vũ Thư làm cho những người mặc áo trắng mất hẳn phương hướng. Đây là những suy nghĩ của tôi, nhắn nhủ cùng các thày thuốc trẻ, hãy chấp nhận và cố gắng vượt lên chính mình, quên đi nỗi đau với người thày thuốc đã sống và chết như một người tử vì đạo: BS Giàu.
Làn đạn thứ nhất: Những hiện tượng gần đây liên tiếp xuất hiện nói lên những gì: tát vào mặt CSGT, giết người chỉ vì xe té nước lên mình, đánh thày cô giáo, rồi cao điểm là giết cả thày thuốc đang trị bệnh. Sự xuống cấp đạo đức của xã hội đã quá trầm trọng. Con người đánh giết nhau vì những cớ quá bé nhỏ, vô lý. Hành động như thế gọi là côn đồ, không bị nghiêm trị thì sẽ leo thang không có điểm dừng. Cứ tưởng tượng xem chỉ vì không thích hành vi của một kẻ nào đó, ta cứ vác dao hay súng ra hạ thủ thì xã hội này sẽ ra sao? Không thể biện giải bằng những lý do nào đó, thí dụ bức xúc vì bị ngược đãi nên có hành vi giết người. Hành vi đáp trả khi tương xứng với hành động của đối tượng gây ra thì pháp luật và luân lý có thể cảm thông, chiếu cố. Thí dụ bị giết hụt hay đang ở tình thế nguy hiểm tính mạng, con người có thể đáp trả bằng những phương tiện trong tầm tay nhằm thóat chết thì có thể hiểu được. Nhưng tức giận rồi dùng hung khí giết người trong khi đối tượng không có gì tự vệ lại không có hành vi gì nguy hiểm mà chỉ làm trái ý mình thì rõ ràng là một thói côn đồ, dã man khác nào tên chủ trại cá dùng dao, kềm, kéo tra tấn đứa bé làm công hay hai vợ chồng chủ quán tạt nước sôi vào cô gái làm công. Hành động đó ta gọi là hèn mạt vì tấn công người vô phương tự vệ khác nào một người to lớn đi bóp cổ một đứa trẻ. Thế mà có người ca tụng như một hành động anh hùng.So với việc cô gái tát vô mặt anh CS thì rõ ràng cô gái đó “anh hùng” hơn rất nhiều lần vì dám đánh một người to lớn mạnh khỏe hơn minh, có súng ống trong khi mình lại tay không. Cùng là hành động chống người thi hành công vụ, nếu chỉ hai cái tát không thấm vào đâu mà bị 9 tháng tù giam thì hành động đâm hàng loạt người phải xử bằng vài lần án tử hinh mới đúng tỉ lệ tương xứng. Xã hội lên án những thày thuốc vô lương tâm rồi ác cảm với ngành y, mà vẫn quên rằng vẫn có rất nhiều thày thuốc tốt ngày đêm miệt mài cứu giúp người không cần nhận ơn, quên bản thân cho kẻ khác. Bất cứ một ngành nghề nào cũng có con người xấu, ngay cả trong giới thày tu cũng vẫn có những con chiên ghẻ làm buồn lòng đấng tối cao. Đáng buồn thay những thày thuốc tốt như thế hiếm dần như một động vật trên đà tuyệt chủng mà xã hội cần phải cấp bách “gây giống lại”. Làn đạn thứ hai: Người thày thuốc bị áp lực do quá tải công việc. Ít ai thông cảm ngành y, nào phải người thày thuốc chỉ chăm vào việc trị bệnh đâu, nào là phải họp hội, tập huấn, chống dịch, nào phải nghiên cứu khoa học. Rồi thì còn bị áp lực hàng ngang từ đồng nghiệp cạnh tranh soi mói, từ trên do lãnh đạo,công đoàn áp đặt đôi khi những việc phi lý vẫn phải làm, rồi các luật lệ hành chính, bảo hiểm thay đổi như chong chóng. Một số BV lại còn có những luật lệ ngầm, quy định “chỉ tiêu “ cho BS khám bao nhiêu người, cho bao nhiêu xét nghiệm để mau quay vòng vốn các cổ máy cận lâm sàng v.v... Rồi viện phí ngày càng cao làm thành hàng rào ngăn cách giữa bn và thày thuốc. Người bệnh trốn viện, thày thuốc chịu trách nhiệm là một quy định chẳng khác nào cái gông tròng vào cổ người thày thuốc khốn khổ đang hụp lặn giữa biết bao là khó khăn do thiếu thuốc, thiếu phương tiện, thiếu người. Công việc rình mò sợ bệnh nhân trốn viện làm cho quan hệ con người căng thẳng và khoảng cách giữa thày thuốc và bệnh nhân ngày càng xa hơn bao giờ hết. Thay vì thày thuốc và con bệnh cùng nhìn về một hướng, cùng sát cánh chiến đấu với nhau chống lại bệnh tật thì ngày nay họ lại nhìn nhau như như những kẻ thù, cùng tìm sơ hở để tấn công nhau… Thời bao cấp có lẽ là thời hoàng kim của thày thuốc vì tuy thiếu thốn nhưng con người bình đẳng hơn, thày thuốc không phân biệt ai có tiền hay không, và không bao giờ có cảnh tấn công thày thuốc vì phân biệt đối xử…Vì viện phí mà người bệnh và thân nhân ác cảm với thày thuốc mà không thấu hiểu tâm trạng của thày thuốc cũng xót xa như họ.Viện phí cũng là một nỗi khổ đau của thày thuốc chứ không riêng của bệnh nhân. Viện phí là một con đường hầm mà cả thày thuốc và bệnh nhân đều lần mò trong đó và thường chỉ có một trong hai tìm được lối ra…. Thế thì phải là sao để không bị trúng đạn khi bước đi trên con đường mà cả hai phía đều có những viên đạn thù. Những người đã khoác lên màu áo trắng cần phải xác định lại con đường mình đi. Không có một con đường nào không có chông gai, không một ngành nghề nào không có những khó khăn gian khổ.Giống như người tài xế đã cầm tay lái xe, thì chỉ có tiến lên, phải hết sức cố gắng để tránh những nguy hiểm chực chờ. Với một người không biết lái, vụng về thì dù là đại lộ thênh thang, thì chỗ nào họ cũng thấy va chạm, tai nạn và chết chóc. Còn đối với kẻ đã trui rèn và tĩnh tâm thì dù đường đèo, dốc núi cheo leo họ cũng vượt lên được tới đỉnh cao nhất.Phải giữ cõi lòng trong sáng, phải giữ trong tim lòng thương người cho dù có gì xảy ra xấu nhất, vẫn chấp nhận và xem như đó là định mệnh….(giày dép còn có số!). Và như trong một bài viết trước đây của tôi, khi nào người thày thuốc xem bệnh nhân như người thân, quên hẳn thân mình đi để cùng chiến đấu với bệnh tật, cùng để giòng nước mắt mình hoà quyện cùng nước mắt của người bệnh thì không bao giờ thày thuốc trở thành kẻ thù của một ai.