Trên giảng đường, hình ảnh thầy giáo mặc sơ mi trắng, quần tây, tay cầm nắm phấn màu say sưa tô các hình vẽ. Trên nền bảng xanh, các khối cấu trúc của tủy sống và thân não dần hiện lên, chỗ hồng, xanh, chỗ lại màu trắng; chỗ là đường nét mảnh nhưng có chỗ lại được tô đậm.
Kết thúc bài học, sinh viên bên dưới vỗ tay bày tỏ sự ngưỡng mộ và biết ơn thầy vì bài giảng sinh động, dễ hiểu. Nhóm sinh viên níu thầy lại hỏi thêm về bài học và cách vẽ để thuộc bài hơn. Sau lưng họ, những bức vẽ như một tác phẩm nghệ thuật được giữ nguyên cho đến buổi giảng sau.
20 năm qua, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, 44 tuổi, phó trưởng bộ môn Giải phẫu, ĐH Y Hà Nội, duy trì phương pháp dạy học bằng phấn màu. Hiện tại dù có nhiều phương tiện hỗ trợ, tiến sĩ Nghĩa vẫn trung thành với cách giảng truyền thống, đó là tự vẽ hình minh họa trên bảng.
Tiến sĩ Nghĩa chỉ mất vài phút để vẽ những hình đơn giản. Với những cấu trúc phức tạp, anh vừa giảng, vừa vẽ, thêm bớt hay cắt khoét các đường nét để lộ ra chi tiết bên dưới. Ảnh:
NVCC.
Tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội năm 1999, anh Nghĩa về bộ môn Giải phẫu làm công tác giảng dạy. Thời điểm đó chưa có máy chiếu hay máy tính xách tay, anh chỉ còn cách dùng bảng và phấn. Mới ra trường, lại chưa có kinh nghiệm, anh Nghĩa đi "học lỏm" các thầy, quan sát cách vẽ, cách đưa phấn và lựa chọn hình để minh họa. Anh nhận ra, bằng cách vẽ và chú thích, kiến thức sẽ dễ học và nhớ lâu hơn.
Một bài giảng giải phẫu cần những hình ảnh minh họa vì đây là môn học mô tả. Anh Nghĩa cho hay, cần chọn hình phù hợp với nội dung của bài, số lượng vừa đủ để có được một tấm hình lớn, thể hiện rõ các chi tiết nhỏ.
Giảng viên cần vẽ những hình tối giản, các cấu trúc hiện ra dần để có được một hình ảnh đầy đủ, dù trông có vẻ phức tạp khi hoàn thành. Ngoài ra, hình vẽ cũng phải được chú thích vừa đủ, gồm các cấu trúc của mục tiêu mô tả và một số ít các cấu trúc quan trọng liên quan. Quan trọng nhất là việc sáng tạo hình ảnh để lột tả được hết điều mà người giảng định nói.
Thời gian đầu, hình vẽ của anh rườm rà, chưa mềm mại. Trước khi lên lớp, anh sẽ xem các cấu trúc, chi tiết rồi lựa chọn hình vẽ phù hợp. Anh thường bắt đầu bằng những đường viền của cả một khối cấu trúc. Nếu muốn giảng về hệ thống mạch cấp máu cho các cấu trúc ở chi trên (chủ yếu là hệ cơ), anh sẽ phải vẽ cơ trước rồi mới điền hệ thống mạch.
Với khối cấu trúc hình chữ nhật, anh có thể bắt đầu nét phấn từ bên trên, đi xuống hoặc đi theo chiều ngược lại. Nhưng sau thời gian, anh nhận ra điểm bắt đầu đặt viên phấn ở đâu là phù hợp với cấu trúc vẽ tiếp theo. Mỗi năm, anh lại phát hiện ra hình của mình chưa hợp lý lắm, cần thay đổi một vài điểm nào đó để hoàn thiện.
"Một đường phấn được xem là đẹp và hút mắt nhất nằm ở tính chính xác. Nó phải mềm mại giống cấu trúc thật", tiến sĩ Nghĩa mô tả.
Theo phó trưởng bộ môn Giải phẫu, khó nhất khi vẽ cấu trúc là kiến thức về cấu trúc ấy. Họa sĩ muốn vẽ một cái bình đẹp, phải tìm hiểu về chất liệu, trường phái của chiếc bình và ở góc cạnh nào nó đẹp nhất. Giải phẫu cũng vậy, nếu không hiểu rõ về cấu trúc, anh Nghĩa rất khó thể hiện nó dưới các nét phấn.
Anh Nghĩa chưa từng học vẽ hay tìm hiểu về hội họa. Ngày còn đi học, anh học tốt môn hình học không gian và có cảm quan không gian tốt. Chỉ cần cầm viên phấn lên và vẽ, anh trở thành con người khác, dù hôm trước có mỏi mệt, buồn phiền bao nhiêu.
Suốt nhiều năm đi dạy với hộp phấn màu, anh Nghĩa nhớ như in lần đầu tiên được giảng sau đại học năm 2005. Học viên của anh khi đó là các bác sĩ chuyên khoa 1 chẩn đoán hình ảnh, đều khoảng 50 tuổi, trong khi anh mới 28 tuổi.
Giảng cho sinh viên đại học đơn giản hơn bao nhiêu thì sau đại học khó bấy nhiêu, vì cần kiến thức chuyên sâu. Suốt hai tuần trước buổi dạy, anh Nghĩa để râu, cố làm cho mình già đi. Nhận bài giảng rất khó về xương sọ, anh lo lắng chuẩn bị đến 4h để 8h hôm sau lên lớp.
"Tôi rất nhớ và ấn tượng với bài giảng sau đại học đầu tiên ấy vì có đầy đủ cảm xúc, từ hào hứng, đến mệt mỏi vì chuẩn bị bài mất quá nhiều thời gian và cuối cùng là hạnh phúc với thành quả đạt được", anh Nghĩa nhớ lại.
Kết thúc bài giảng, anh vui và hạnh phúc khi các học viên tới chúc mừng. Họ không nghĩ thầy có thể giảng bài về hệ thần kinh não, hộp sọ như thế bằng phấn.
Lần đầu tiên anh thử giảng bằng máy chiếu và slide về hệ tiêu hóa, ruột non, ruột già năm 2005. Sau buổi giảng đó, anh quyết định chỉ giảng bằng phấn. Bài giảng trên máy được thiết kế công phu nhưng cảm xúc của anh không còn nhiều. Dù khả năng truyền tải kiến thức, logic hóa bài giảng tốt nhưng anh cảm nhận người học ở dưới không hào hứng nữa.
Hiện ở bộ môn Giải phẫu, anh Nghĩa là giảng viên duy nhất sử dụng phấn để giảng bài. Hễ thấy anh lên lớp, bộ phận phụ trách giảng đường sẽ đưa cho anh một hộp phấn màu và tự động kéo màn chiếu lên, để lộ bảng để anh vẽ.
Một cấu trúc về cơ và mạch máu vùng nách - cánh tay được tiến sĩ Nghĩa thể hiện bằng phấn màu. Ảnh:
NVCC.
Gần đây, anh bắt đầu tìm hiểu về phấn màu và đầu tư hộp phấn 72 viên giá một triệu đồng đặt mua từ Nhật. Một viên phấn này đắt gấp ba hộp phấn màu bình thường, nhưng với anh, quan trọng là nó tăng hiệu quả của hình vẽ và bài giảng, lại ít độc hại. Loại phấn đó đặc hơn phấn thường, khi vẽ lên nó bám bảng, không vỡ vụn.
"Hộp phấn đắt tiền nhưng không quá sức so với thu nhập của tôi. Phấn cũng đắt thật nhưng lại cực kỳ rẻ nếu so sánh hiệu quả của nó mang lại", anh Nghĩa nói.
Sinh viên sau bao năm ra trường vẫn nhớ bài giảng của tiến sĩ Nghĩa. Lúc gặp lại, họ nói đúng tên bài giảng năm ấy của anh. Không ít người bày tỏ trên trang cá nhân của thầy Nghĩa sự biết ơn và khâm phục. Nhiều người, nhờ học theo các bài giảng trên mạng của anh, đã đỗ cao học.
Ở ĐH Y Hà Nội, sinh viên các khóa truyền tai nhau về những tiết học giải phẫu vẽ hình bằng phấn màu, dặn nhau "đừng bao giờ bỏ lỡ" buổi học của thầy Nghĩa. Nguyễn Xuân Đại, sinh viên năm 4, cho biết thầy Nghĩa luôn khuyến khích sinh viên vẽ và đọc sách để tích lũy kiến thức.
Đại tự luyện bằng cách vẽ trên giấy A4, trong khi nhiều bạn trong lớp sắm bảng và phấn để tập vẽ ở nhà. Theo nam sinh 22 tuổi, giải phẫu là môn xương sống của các môn khác trong trường y và được học đầu tiên nên về sau thường bị quên.
Học giải phẫu bằng cách vẽ hình và chú thích giúp các sinh viên như Đại dễ liên tưởng và nhớ lâu. Yêu thích môn giải phẫu và bài giảng của thầy, có lần được nghỉ, Đại vào giảng đường học cùng các em khóa dưới. Hiện đã vào học chuyên ngành nhưng Đại thường xuyên xem lại bài giảng của thầy Nghĩa.
Với Nguyễn Đức Hiếu, sinh viên năm 2, buổi học giải phẫu đầu tiên diễn ra đầu năm nay mang lại cho cậu nhiều cảm xúc. Hôm ấy, lớp cậu học về thần kinh của chi trên - bài học được đánh giá rắc rối và khó. Hiếu đến lớp với tâm trạng mệt mỏi và buồn ngủ vì tiết học diễn ra buổi chiều.
"Em bất ngờ khi thấy thầy Nghĩa bước vào, nói không cần slide, yêu cầu quản lý học đường tìm hai chiếc bàn, dựng bảng lên rồi vẽ mà không giải thích gì. Cả giảng đường hôm ấy ồ lên vì bất ngờ", Hiếu nhớ lại.
Lúc đầu, Hiếu và các bạn không biết thầy vẽ gì, nhưng sau đó trên bảng dần hiệu ra lồng ngực, tay phải... Hiếu tỉnh ngủ, chăm chú theo từng nét vẽ và lời giảng của thầy.
Hiếu chia sẻ, phương pháp học vẽ hình bằng phấn mang lại sự mới mẻ, lãng mạn và nhớ lâu. Vẽ giúp Hiếu dễ liên tưởng và thêm yêu thích môn giải phẫu. Sau buổi hôm đó, các bạn lớp Hiếu đều muốn tự vẽ.
Giáo sư Olivier trong một buổi giảng tại ĐH Y Hà Nội. Ảnh:
Nguyễn Đức Nghĩa.
Cũng giảng dạy bằng phấn, anh Vũ Duy Tùng, trưởng bộ môn Giải phẫu, ĐH Y Dược Thái Bình, cho hay máy chiếu hay phấn chỉ là công cụ cung cấp dữ liệu. Hiện có nhiều quan niệm trong việc giảng dạy bằng phấn nhưng phương pháp vẽ trong môn giải phẫu không thể bỏ được.
Nhiều hôm mất điện, máy chiếu không sử dụng được, các giảng viên phải dùng cách vẽ để giảng sâu hơn cho sinh viên về một nội dung nào đó. Khi giảng bài, giảng viên phải vẽ để thể hiện đúng ý tưởng muốn truyền đạt. Tranh ảnh minh họa hiện phong phú, tuy nhiên những hình đó nhiều chú thích khiến sinh viên khó hiểu. Vẽ đến đâu, giảng đến đó, sinh viên tiếp cận từ từ và dễ theo dõi liên tục hơn.
Anh Tùng thường kết hợp nhiều phương pháp trong buổi giảng của mình như vẽ, máy chiếu, thảo luận nhóm, giúp người học không bị nhàm chán, thụ động, đồng thời phát huy khả năng tư duy phản biện.
Biết tiến sĩ Nghĩa dùng phấn dạy giải phẫu, giáo sư Olivier Armstrong, chuyên gia trong lĩnh vực Ngoại khoa và Giải phẫu của Trung tâm Bệnh viện Đại học Nantes (Pháp) đã gửi thư chúc mừng. Trước khi có Covid-19, ông từng tới ĐH Y Hà Nội giảng bài.
Theo giáo sư Olivier, dùng phấn để giảng giải phẫu là cách học chính thức duy nhất để dạy môn học này và bắt buộc khi vượt qua các kỳ thi lấy bằng thạc sĩ hay giáo sư ở Pháp.
Ông Olivier cho hay việc giảng dạy bằng phấn khá khó khăn, buộc giảng viên phải lao động nhiều nhưng cần thiết phải duy trì để người học hiểu, làm theo, ghi nhớ. Sinh viên phải có khả năng tái tạo sơ đồ, một cách đơn giản và ít nhiều chính xác. Họ không cần phải vẽ giỏi, nhưng hãy làm việc nghiêm túc và vẽ lại các sơ đồ nhiều lần để rèn luyện.
"Chúng tôi vừa vẽ sơ đồ, vừa giảng và giải thích với sinh viên. Đầu tiên là khung xương, sau đó dễ dàng định vị các điểm mốc, mạch máu hoặc các cơ quan một cách chính xác. Trong khi đó, nếu chiếu một slide với sơ đồ làm sẵn, chúng ta không thể hiểu được các thông tin", giáo sư người Pháp viết.