600 loài cây thuốc quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng: Ta cần phải làm gì?
Thứ tư - 13/08/2014 17:56
Mặc dù có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và kinh nghiệm sử dụng dược liệu làm thuốc từ xa xưa, nhưng hiện tại hệ thống bảo tồn, gìn giữ, xây dựng và phát triển nguồn gen và giống cây thuốc mới phát hiện được gần 4.000 loài cây
thuốc và nấm lớn được dùng làm thuốc. Nhưng trong số đó đa số các cây thuốc quý hiếm lại đang có nguy cơ tuyệt chủng; theo số liệu của cơ quan chức năng, trên 50% nguyên liệu dược liệu của nước ta nhập về từ nước ngoài… Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị Các loài cây thuốc quý đang lụi tàn.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong 20 năm qua mặc dù công tác bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc đã thu được những kết quả khả quan như phát hiện 3.948 loài thực vật và nấm lớn dùng làm thuốc. Trên phạm vi toàn quốc hiện có 730 giống cây thuốc được bảo tồn, chuyển vị. Trong những năm qua, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt một số đề tài khoa học về cây thuốc có nguồn gốc từ dược liệu để nghiên cứu, bào chế thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân như phát triển cây sâm Việt Nam, cây thanh hao hoa vàng, trinh nữ hoàng cung, tràm gió ở vùng Đồng Tháp Mười… Tuy nhiên, một số loài cây thuốc quý có giá trị kinh tế và chữa bệnh cao như ngũ gia bì, vàng đắng, hoàng đằng, ba kích, kim tuyến, hoàng liên chân gà, sâm vũ điệp, hoàng tinh vòng, bình vôi… trước kia vẫn còn khá phong phú nhưng đến nay bị suy giảm nghiêm trọng hoặc đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Nguyên nhân là do chúng ta khai thác một cách ồ ạt, không có kế hoạch và chưa chú ý đến tái sinh, bảo vệ rừng làm nguồn cây thuốc ở Việt Nam bị tàn phá nhanh và cạn kiệt. Theo Viện Dược liệu, Bộ Y tế, hiện ở Việt Nam có khoảng 600 loài cây thuốc hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Những lý do trên đã khiến cho thuốc có nguồn gốc từ dược liệu hiện chỉ đứng khiêm nhường bên cạnh tân dược trên thị trường dược phẩm. DS. Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, trong tổng số hơn 20.000 sản phẩm thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam đến thời điểm này chỉ có 2.040 sản phẩm thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, chiếm khoảng 10%. Theo đó, giá trị kinh tế của thuốc từ dược liệu đem lại cho ngành dược cũng chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng trị giá thuốc sản xuất trong nước. Nhiều nguồn nguyên liệu, dược liệu khó kiểm soát, liên quan đến vấn đề quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, tại hội nghị, DS. Nguyễn Văn Thanh cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù cơ quan quản lý cũng như hệ thống kiểm nghiệm trong cả nước đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tiền kiểm, hậu kiểm thị trường thuốc nói chung, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu nói riêng, nhưng do nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu dược liệu “rất đa dạng”, trong đó 53,5% dược liệu được nhập khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Ngoài ra, còn có một khối lượng khá nhiều dược liệu nhập lậu vào Việt Nam chất lượng rất kém. Đơn cử như cơ quan kiểm nghiệm lấy mẫu của dược liệu hoàng kỳ đưa vào Việt Nam để phân tích, kiểm nghiệm thì phát hiện hoàng kỳ chỉ còn là dược liệu rác vì các tinh chất đã được chiết xuất cạn kiệt. Chính điều này đã khiến chất lượng thuốc có nguồn gốc dược liệu bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, DS. Thanh cũng cho biết mặc dù Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm phải dần đảm bảo tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt), song hiện tại trong số 300 cơ sở sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu chỉ có 78 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP, 200 tổ hợp sản xuất nhỏ lẻ còn lại chủ yếu tập trung ở phía Nam sẽ rất khó thực hiện được tiêu chuẩn này. Do đó, đã dẫn đến kết quả có khá nhiều mẫu thuốc có nguồn gốc từ dược liệu không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng (chiếm khoảng 10% trong tổng số gần 4.000 mẫu được lấy chủ yếu là do không đảm bảo về chỉ tiêu vi sinh, nấm mốc, độ nhiễm khuẩn…). Cũng theo thông tin từ Viện Kiểm nghiệm thuốc TW, gần đây cơ quan kiểm nghiệm đã liên tục phát hiện tình trạng thuốc tân dược ngụy tạo đông dược, nhất là từ các thuốc đông dược không rõ nguồn gốc, chưa được đăng ký khiến người tiêu dùng không hay biết mà vẫn vô tư sử dụng. Tuy nhiên, tình trạng này ngày một có dấu hiệu gia tăng, khiến cơ quan chức năng đã phải ra không ít quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc. Theo đó, các loại thuốc đông dược thường bị ngụy tạo tân dược bao gồm các nhóm: các hoạt chất có tác dụng tăng cường khả năng sinh lý (sidenafil và dẫn chất…), các thuốc hạ nhiệt giảm đau (paracetamol, aspirin…), các thuốc chống viêm steroid (dexamethason, prednisolon…) và phi steroid (diclofenac, ibuprofen, indometacin…), các thuốc kháng histamin (clorpheniramin…), các thuốc an thần gây ngủ (diazepam…). Các thuốc đông dược ngụy tạo tân dược bị cơ quan chức năng phát hiện là: Dân tộc cứu nhân vật, Giải biểu hoàn, Thận khí hoàn…