Tạp chí Cây Thuốc Quý “ CTQ” đều đặn giới thiệu các cây thuốc, các bài thuốc để chữa bệnh phù hợp với người bệnh và điều kiện kinh tế của đông đảo nhân dân. Đó là những tài liệu rất quý, được nhiều người đã áp dụng trong phòng chữa bệnh có hiệu quả.
Tạp chí còn dành chuyên mục “
Siêu thị cây thuốc quý” đặc biệt nhằm giới thiệu rộng rãi những sản phẩm Thuốc thiên nhiên để bệnh nhân có thể đủ kiến thức lựa chọn thuốc sử dụng hợp lý trong điều trị.
Để đảm bảo sử dụng THUỐC THIÊN NHIÊN an toàn hợp lý, cần lưu ý các vấn đề sau:
CÂY TRỒNG: Dược liệu là loại cây trồng để chữa bệnh vì vậy phải tuân thủ quy trình Dược liệu sạch Việt-GAP, phải biết rõ nguồn gốc, phải được lựa chọn đúng không được nhầm lẫn.
BẢO QUẢN: Đây là khâu tối quan trọng. Nhiều loại thuốc khi xuất xưởng đạt tiêu chuẩn về chất lượng nhưng qua quá trình bảo quản, vận chuyển bị tác động của khí hậu nhiệt đới nên dễ bị mốc, làm giảm sút chất lượng.
ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT: Phải bảo đảm chế độ sản xuất vô trùng phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chế biến thủ công thường bị nhiễm khuẩn, các viên hoàn có khối lượng, chất lượng không đồng nhất, các yêu cầu kiểm định (như độ tan rã, hàm lượng …) của viên thuốc không đạt yêu cầu.
Có cơ sở còn trộn một vài thành phần tân dược nên đã bị cấm lưu hành.
THIẾU CẬP NHẬT THÔNG TIN THUỐC: Người kê đơn và người dùng thuốc phải thường xuyên cập nhật thông tin sử dụng thuốc của các cơ quan quản lý ( Bộ Y tế, Sở Y tế) để tránh dùng các loại thuốc bị ĐÌNH CHỈ lưu hành hay CẤM không được dùng.
1. Tc “ Cây thuốc quý” số 124 ( trang 6) có đăng công văn số 6143/BYT-YDCT ngày 12/9/2012 về 4 nhóm dược liệu không đảm bảo chất lượng:
Nhóm 1: Có lẫn nhiều tạp chất: Bá tử nhân, Tế tân, Viễn chí, Hòe hoa, Phòng phong, Uy linh tiên, Tần giao, Kim ngân hoa.
Nhóm 2: Hàm lượng hoạt chất thấp: Đảng sâm, Hoàng cầm, Khương hoạt, Hà thủ ô đỏ, Hoàng bá, Đan sâm, Ngưu tất, Nhục thung dung.
Nhóm 3: Một số vị thuốc bị nhầm lẫn như: Dây đau xương, Tang ký sinh, Ý dĩ, Thăng ma, Hoàng kỳ.
Nhóm 4: Một số loại có trộn tạp chất, nhuộm màu và giả mạo như: Bạch linh, Hoài sơn, Thỉ ty tử, Hồng hoa.
Ngoài ra còn có một số vị dùng không đúng bộ phận làm thuốc như: Kim ngân hoa ( dùng Kim ngân đằng), Liên nhục, Phục thần ( dùng Bạch linh)
Bộ Y tế lưu ý việc quản lý chất lượng dược liệu dùng trong việc khám chữa bệnh:
-
Những dược liệu độc như Hồng hoa, Bạch linh, Thỏ ty tử, Hoài sơn… chỉ được dùng khi có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam IV ( theo Tạp chí Dược và Mỹ phẩm Bộ Y tế số 3/2013, trang 73).
-
Dược liệu có độc tính khi sử dụng làm thuốc cần chấp hành đúng Thông tư số 33/2012/TT-BYT ngày 28/12/2012 theo 3 bản phụ lục sau:
- Phụ lục 1: Dược liệu có độc tính từ thực vật ( 36 loại) như: Ba đậu, Bán hạ nam, Bán hạ sống, Belladon, Cà độc dược, Cam thảo dây ( dây tương tư), Cam toại sống, Cây Bã thuốc, Đại kích, Dầu mè, Dương địa hoàng, Hoàng nàn, Lá trúc đào, Lô bê li, Lu lu đực, Mã đậu linh, Ma hoàng, Mã tiền sống, Mã tiền chế, Mộc thông, Nguyên hoa, Ô đầu, Phụ tử chế, Pilocarpus, Quảng phòng kỷ, Tế tân, Thạch xương bồ, Thầu dầu, Thiên nam tinh sống, Thiên tiên tử sống, Thông thiên, Thuốc lá, Thuốc lào, Thương lục, Tỏi độc.
- Phụ lục 2: Dược liệu có độc tính nguồn gốc từ động vật ( 6 loại): Bọ hung, Ngô công, Sâu ban miêu, Thiềm tô, Toàn yết, Xạ hương.
- Phụ lục 3: Dược liệu có độc tính từ khoáng vật ( 8 loại): Bàng sa, Duyên đơn, Duyên phấn, Hùng hoàng, Khinh phấn,Lưu hoàng, Mật đà tăng, Thần sa.
Trên đây là một số tư liệu thiết yếu, mong được các bạn hết sức lưu ý tham khảo để việc kê đơn, dùng thuốc an toàn, hợp lý, góp phần vào việc đẩy mạnh việc dùng thuốc Nam, thực hiện phong trào
“ Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” ( Tôn vinh Dược liệu Việt).