18 điều cần thực hiện ngay để chống dịch COVID-19 hiệu quả trong thời kỳ mới

Chủ nhật - 21/11/2021 14:51
Các nhà khoa học Việt Nam chỉ ra các cách chống dịch hiệu quả trong thời kỳ mới từ kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong trận chiến COVID-19.
.
.
Vắc xin có vai trò trong việc làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong cho người bệnh nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Đồng thời, vắc xin còn có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ lây nhiễm nhưng không phải là tuyệt đối.
Vắc xin không phải là "viên đạn bạc" chống COVID-19 và việc có sẵn kế hoạch B để đối phó với biến chủng COVID-19 mới là vô cùng cần thiết khi vắc xin hiện tại giảm tác dụng. Chính vì thế, tất cả các chiến lược và biện pháp chống dịch cần phải được huấn luyện liên tục để đạt được hiệu quả thực thi cao nhất khi áp dụng.
Để xây dựng chiến lược và biện pháp chống dịch cho Việt Nam trong tình hình mới, một nhóm chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và nước ngoài đã thực hiện nhiều phương pháp khoa học một cách hệ thống trong đó có việc so sánh các biện pháp kiểm soát dịch của TP HCM với 9 thành phố khác trên thế giới bao gồm: Manila (Philippines), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Jakarta (Indonesia), New Delhi (Ấn Độ), Tokyo (Nhật Bản), London (Anh Quốc), New York (Hoa Kỳ), và Gauteng (Nam Phi). Đây là những thành phố có hơn 5.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày trong đợt dịch vừa qua, đáng chú ý là đỉnh dịch cao nhất ở 2 thành phố New Delhi với 28.395 ca và Jakarta với 14.619 ca.
Ngoài 9 quốc gia trên, các chuyên gia cũng so sánh với chiến lược zero-COVID của Trung Quốc và Úc dưới sự hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ và Châu Âu.
Bên cạnh việc so sánh, việc tổng quan và phân tích các tài liệu khoa học về phòng chống dịch trong và ngoài nước cũng được thực hiện.
Các nghiên cứu định tính, định lượng trong và ngoài nước được thực hiện bằng các bảng khảo sát gồm các câu hỏi dành cho các nhân viên chống dịch và người dân qua điện thoại và tin nhắn.
Sau khi phân tích 105 biện pháp và chiến lược chống dịch, các chuyên gia chia chúng thành 3 loại chính là: can thiệp dùng thuốc, không dùng thuốc và dùng vắc xin; đồng thời nêu rõ 18 điều cần thực hiện ngay từ các cấp chống dịch.
            Chiến lược phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đang được nhiều người quan tâm
18 điều cần thực hiện ngay để chống dịch hiệu quả
Thứ nhất, Chính phủ cần thành lập ban chuyên gia chống dịch có chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực cả trong nước và ngoài nước để nghiên cứu về các phương pháp chống dịch, dịch tễ, lâm sàng, và các ban ngành luật, nội vụ, dân sinh.
Thứ hai, bổ sung nhóm biện pháp giám sát bao gồm: (1) thành lập tổ giám sát cho từng đơn vị chống dịch từ trung ương tới địa phương, (2) thành lập nhiều đường dây nóng phản ánh vi phạm, (3) đưa ra hình phạt nặng hơn so với thời kỳ bình thường như phạt tiền hay miễn chức cán bộ, nhân viên thực thi vi phạm các quy định, chính sách, pháp luật và phòng chống dịch. PDCA (Plan → Do → Check → Adjust) là nền tảng cơ bản của công cuộc chống COVID-19.
Mỗi đơn vị chống dịch từ Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh thành, quận huyện, phường xã cần thành lập ngay một đội giám sát, lãnh đạo bởi trưởng đơn vị phòng chống dịch của từng đơn vị. Đội này nhận tin từ người dân phản ánh qua ứng dụng trên điện thoại.
Thứ ba, các chính sách và biện pháp chống dịch cần đơn giản, dễ hiểu và khả thi. Quá nhiều chỉ thị và quá nhiều chỉ số đánh giá sẽ làm công tác thực thi chống dịch tại các địa phương kém hiệu quả. Những thay đổi phức tạp sẽ gây khó khăn cho các cấp chống dịch. Chính phủ cần lựa chọn những chỉ thị và chỉ số đơn giản mà các quốc gia khác đã và đang áp dụng có hiệu quả.
Thứ tư, kịp thời thay đổi các biện pháp và khắc phục các bất cập trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cơ quan thực hiện công tác kiểm soát và phòng chống dịch cấp tỉnh, thành phố có quyền thay đổi các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương sau khi họp báo công bố qua Zoom online để lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Bộ Y tế có trách nhiệm thông báo trên truyền thông về tình hình hiện tại của địa phương và kiến nghị cần thay đổi biện pháp phòng chống dịch nếu cần thiết.
Thứ năm, nâng cao lòng tin, kiến thức, thái độ và hành vi của người dân. "Nước lấy dân làm gốc" là sự tổng kết từ kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền lại cho chúng ta.
Thứ sáu, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, quản lý các nhóm thiện nguyện kêu gọi quỹ và cung cấp lương thực cho các hộ gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ bảy, chiến lược giãn cách cần dựa vào "tỉ lệ số ca COVID-19 nằm viện trong tổng số giường hiện có cho COVID-19 của mỗi tỉnh thành.
Thứ tám, chiến lược xét nghiệm COVID-19 gồm "xét nghiệm diện rộng" (mass testing), "xét nghiệm chọn lọc" (selective testing) và xét nghiệm thuận tiện theo yêu cầu. Tuy nhiên hiện nay, tại Việt Nam vẫn chỉ sử dụng xét nghiệm diện rộng là chiến lược xét nghiệm chủ đạo, trong khi xét nghiệm chọn lọc chỉ chú trọng cho truy vết F0 và những người có yếu tố dịch tễ. Các chứng cứ khoa học đều nêu rõ "xét nghiệm chọn lọc" là chiến lược xét nghiệm chủ đạo đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 lan rộng trong cộng đồng. Nên nhằm vào tất cả những người có triệu chứng, truy vết thật sớm và cách ly người tiếp xúc.
Các xét nghiệm chẩn đoán nhanh dùng để truy vết sớm, nhưng phải được xác nhận bởi xét nghiệm PCR để tránh dương tính giả. Việc tổ chức phối hợp phương pháp "xét nghiệm diện rộng" và "xét nghiệm chọn lọc" là các biện pháp hỗ trợ khi quốc gia đó có tiềm lực kinh tế cao hay trong giai đoạn số ca nhiễm ít.
Thứ chín, chiến lược phát hiện sớm người mắc COVID-19, phát hiện sớm và phá ổ dịch, cách ly sớm.
Thứ mười, chiến lược truy vết trong phòng chống dịch COVID-19. Truy vết là một chiến lược chống dịch cơ bản nhất và không thể đánh mất để cô lập/cắt đứt nguồn lây. Tuy nhiên tại một số quốc gia phát triển, chiến lược này vẫn thất bại khi làn sóng COVID-19 tràn ngập làm quá tải lực lượng truy vết.
Mười một, về chiến lược cách ly. Trong tình hình mới, mỗi ngày toàn quốc có vài nghìn ca nhiễm, số F0, F1 tăng rất nhiều gây quá tải cho các khu cách ly tập trung. Việc thiết lập khu cách ly tập trung mới gây tốn kém về nhân lực và tài chính. Thêm vào đó là điều kiện cách ly không đảm báo khiến việc lây nhiễm chéo xảy ra rất nhiều. Dựa vào so sánh hiệu quả chống dịch của các thành phố đã nêu, cách ly tại nhà vẫn có thể thành công thoát được sóng dịch. Hơn nữa cách ly tại nhà làm giảm áp lực hệ thống chống dịch, giảm stress cho người dân. Trong tình hình mới, việc đổi mới quy định cách ly như các quốc gia khác là điều nên làm.
Mười hai, chiến lược 4 sớm: phát hiện ca nhiễm và ổ dịch sớm, báo cáo sớm, truy vết và cách ly sớm, đẩy mạnh tiêm vắc xin sớm và điều trị sớm.
Mười ba, chiến lược tăng cường chống dịch hiệu quả hơn tại các điểm, đơn vị công sở, dịch vụ, công ty, trường học, các điểm đặc biệt.
Để phòng tránh những ổ dịch lớn gây nhiều khó khăn trong công việc chống dịch của địa phương và cả nước, chính phủ cần yêu cầu mỗi đơn vị phải (1) thành lập tổ chống dịch dùng các hướng dẫn chi tiết của nhóm chuyên gia và bổ sung thay đổi cho phù hợp với đơn vị của mình, (2) tổ chống dịch của các đơn vị phải kiểm tra nhắc nhở thành viên trong đơn vị hàng ngày, (3) tất cả nhân viên phải tự đánh giá về triệu chứng Covid của mình, nếu thấy bản thân có biểu hiện sốt, ho, khó thở, đau họng, mất vị giác, mất khứu giác, tiêu chảy thì chủ động báo cáo ngày với cấp trên qua điện thoại và tự cách ly tại nhà, đồng thời gọi điện thoại đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị, (4) phạt tiền các đơn vị nếu không có tổ chống dịch hay tổ chống dịch không hoạt động hiệu quả, (5) tạm ngưng hoạt động tại khoa, phòng khám có người bị nhiễm bệnh để lập tức khử khuẩn, truy vết F1-F2. Sau đó, các phòng khám có thể hoạt động trở lại, nhưng các F1 và F2 phải tự được cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện) hay cách ly tập trung.

Mười bốn, theo các chứng cứ khoa học hiện nay, so với phương pháp phun xịt thì lau khử khuẩn có hiệu quả diệt khuẩn cao hơn và an toàn hơn. Ban phòng chống dịch chính phủ và Bộ Y tế cần ban hành hướng dẫn lau khử khuẩn cho các ban chống dịch địa phương: (1) lau khử khuẩn nhiều lần những nơi người mới bị nhiễm tiếp xúc trong 3 ngày, (2) lau khử khuẩn nhiều lần trong ngày các bề mặt và đồ vật bị nhiều người chạm vào như tay nắm cửa, bàn, công tắc đèn, nhà vệ sinh…, (3) sử dụng các hóa chất khử khuẩn, các hóa chất này phải được Bộ Y tế phê chuẩn đủ điều kiện trong phòng chống dịch COVID-19.
Mười lăm, chiến lược vắc xin. Việc áp dụng chiến lược tiêm vắc xin cho người dân được xem là một trong những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất hiện nay đang được tiến hành tại Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Mười sáu, bỏ tiêu chuẩn làm xét nghiệm trước khi xuất viện trong những tỉnh quá tải bệnh viện. Với các chứng cứ y học hiện có, tiêu chuẩn làm xét nghiệm trước khi xuất viện không cần thiết vì thực chất đây là việc chuyển các bệnh nhân từ tầng điều trị cao hơn (tại bệnh viện) xuống tầng điều trị thấp hơn (điều trị tại nhà hay tại nơi cách ly tập trung). Như thế sẽ giúp giảm tải đáng kể, dành nguồn lực và giường bệnh cho những bệnh nhân nặng.
Mười bảy, chiến lược ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch và điều trị. NCOVI là ứng dụng của Bộ Y tế, với ưu điểm đơn giản, trực quan, dễ sử dụng, có cập nhật tin tức hằng ngày và đặc biệt là số ca nhiễm/khoẻ/tử vong. Do đó, Bộ Y tế nên sử dụng một ứng dụng PC-Covid, cải thiện các hạn chế, khắc phục được các lỗi kỹ thuật và thêm tính năng cập nhật tin tức mỗi ngày.
Mười tám, xây dựng mỗi tổ dân phố là một pháo đài chống dịch và bảo đảm an sinh cho mọi người dân để chống dịch hiệu quả ngay từ những cơ sở nhỏ nhất. Y tế phường/xã cần phải xây dựng pháo đài chống dịch cho tất cả các cơ sở này.

Nhóm tác giả:
PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)
BS. Nguyễn Khởi Quân (Viện Khoa học Sức khỏe, VinUniversity, Hà Nội)
Hoàng Thủy Tiên (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng)
BS. Lê Thị Bích Trang (Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM, TPHCM)
BS. Lê Văn Trường (Bệnh viện Y Học Cổ Truyền Bộ Công An, Hà Nội)
Nguyễn Thanh An (Khoa Y, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng)
ThS. BS. Lưu Ngọc Mai (Bộ môn Nội, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM, Việt Nam)
BS. Lê Khắc Linh (Viện Khoa Học Sức Khỏe, Đại học VinUni, Hà Nội)
BS. Nguyễn Tiến Đồng (Bệnh Viện Bạch Mai, Hà Nội)
Nguyễn Thị Hiền Hậu (Khoa Y, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng)
BS. Nguyễn Hải Nam (Trường Y, Đại học Kyoto, Nhật Bản)
ThS. BS. Lê Thị Bích Thoa (Methodist Hospital, Merrillville 46410, Indiana, USA)
 

Nguồn tin: Nhóm nghiên cứu chống dịch Covid toàn cầu | 20/11/2021 14:31 BÁO NÓI - 9:38

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây