Chương I: SỰ HÌNH THÀNH ĐỊA DANH THEO DÒNG LỊCH SỬ

Chủ nhật - 27/04/2014 12:30
Quê Tuy Hòa có hòn Nhạn Tháp - Chốn Sông Cầu dừa mát bóng râm - Phú Yên lắm cảnh danh lam - Sơn Hòa có suối, Đồng Xuân có rừng - Tuy An nước lặng mây dừng - Đất rừng màu mỡ nên xuân xứ này. PHÚC TÂM ĐƯỜNG xin giới thiệu đến các bạn một tác phẩm của Thầy Nguyễn Đình Chúc đã dày công tìm hiểu và nghiên cứu địa danh vùng đất " Xứ Nẫu" qua tục ngữ,ca dao
.
.
          I . SỰ HÌNH THÀNH ĐỊA DANH THEO DÒNG LỊCH SỬ
     Tỉnh Phú yên xưa từ Đông đến Tây 70 dặm, từ Nam đến Bắc 173 dặm. Phía Bắc giáp Bình Định, Nam giáp Khánh Hòa và Đắc Lắc, Đông giáp biển và Tây giáp Mán Lèo. Là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, nằm ở trung tâm hai miền Nam Bắc có vĩ độ 12 độ 39’10” đến 13 độ 45’20” Bắc và từ 108 độ đến 109 độ kinh tuyến Đông. Diện tích đất liền là 5.278 Km2 ( thống kê 1996) và phần lãnh hải phía Đông rất rộng. Theo “Đại Nam nhất thống chí” thì tỉnh Phú Yên: Phía Tây chế ngự Mán Lèo, phía Đông ngăn chận miền biển. Núi Đại Lãnh đứng phía Nam, núi Cù Mông chế ngự phía Bắc. Núi có tiếng dựng nên hình phẳng thì có Thạch Bi ( núi Đá Bia), Chủ Sơn ( núi Chúa) và Vụ Mã. Sông nổi danh bao bọc xung yếu thì có Đà Diễn ( Đà Rằng) Thạch Bàn và Phú Ngân ( Sông Cái). Lại còn hồ đầm xen lộn, cồn đảo ôm quanh, cửa biển đầu nguồn, khách buôn tụ tập. Đất tuy hẹp nhỏ, mà dân cư khá đông, sản vật dồi dào, ấy cũng là một yếu xứ bậc trung vậy. Dân số Phú Yên có khoảng 15.000 người, đa số là người Kinh Việt Nam. Trên vùng cao nguyên phía Tây có một số dân thiểu số sinh sống mà phần nhiều là người Gia Rai, Ra Đê và Harruch, cũng có khoảng 300 người Hoa theo nghề buôn bán(*)
(*) theo Địa bạ triều Nguyễn, Nguyễn Đình Đầu, Nxb Tp HCM, 1997.




     Diện mạo Phú Yên thời mở đất thấp thoáng trong một số tác phẩm có khác nhau và thay đổi theo dòng thời gian. Sự hình thành vùng đất bắt đầu từ những địa danh: Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn, Đà Nông ( Trà Nông theo bản đồ Hồng Đức) là tiếng Chăm để nguyên hay đã Việt hóa một phần thành Xuân Đài, Đà Diễn, Đà Nông rồi sau đó xuất hiện những địa danh thuần Việt trên vùng đất mới của chủ sự Văn Phong với Phủ Phú Yên gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa mà ông là Lưu thủ, đã cai trị 18 năm từ (1611 – 1629). Sau đó Văn Phong cùng người Chiêm Thành phản nghịch mà Chúa Sãi Hy Tông  Nguyễn Phúc Nguyên ( 1613- 1634) phải cử Nguyễn Phúc Vinh vào trừ khử, rồi đổi phủ Phú Yên làm dinh Trấn Biên, Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh là Trấn thủ vùng đất mà vị tiền hiền Lương Văn Chánh đã dày công xây dựng.
     Đại Nam nhất thống chí nói đến nước Nam Bàn mà về sau thành hai nước Thủy Xá, Hỏa xá có quan hệ ngoại giao với triều đình Huế hơn ba trăm năm từ 1558 đến cuối thế kỷ XIX: “ Từ huyện lỵ (Đồng Xuân) đi về phía Tây 20 dặm đến xã Phúc Đức, lại đi 2 dặm đến xã Phú Thành, lại đi 1 dặm đến thôn Cự Phú, lại đi thêm 5 dặm đến thôn Vân Hòa, từ đây về phía Tây suốt đến địa giới hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá.”
     Vị trí Phú Yên giáp với Thủy Xá, Hỏa Xá nên được triều đình ủy cho nhiệm vụ thừa lệnh nhà vua nhận cống phẩm và trao tặng vật phẩm cùng lo liệu phương tiện để hộ tống Sứ bộ từ Phú yên về kinh đô và ngược lại. Vua chúa triều Nguyễn cũng thường cử người đến tiếp xúc với các nước Thủy Xá, Hỏa Xá cho đến đời vua cuối cùng là Bảo Đại mối bang giao vẫn tồn tại. Đúng như “Địa bạ triều Nguyễn Phú Yên đã viết: Nước Nam Bàn của hai vua Thủy Xá và Hỏa Xá ở về phía Tây Phú Yên, kể từ rặng Trường Sơn tới sông Cửu Long, nếu không nói là rộng hơn nữa. Nước đó luôn thuần phục Chúa Nguyễn và dân chúng đa số là người Đê ( Rak – Đê), người Man ( Gia Lai) ( Xem bản đồ trang 170 “ Hồng Đức bản đồ”) vẫn thường xuyên trao đổi sản vật với người Phú Yên.
     Trên An Nam Đại quốc họa đồ do Tabert vẽ và ấn hành năm 1838, dân nước nam Bàn phía Tây Phú Yên được ghi bằng tên quốc ngữ “ Mọi Đá Hàn”, còn biên thùy của An Nam Quốc thì ở rất xa về phía Tây sông Mê Kông hay Cửu Long Giang. Qua địa bàn Phú Yên, cuộc Tây tiến đi thật xa và rất êm thắm!
     Từ khi Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở Thuận Hóa đã có mối liên lạc giữa người Kinh và thiểu số miền núi ( Gia-đê, Gia Rai), nhưng công cuộc mở đất chỉ hướng vào Nam chứ không đưa dân lên miền cao nguyên, có lẽ vì đây là nơi rừng thiêng nước độc. Và đồng bào dân tộc thiểu số Phú Yên sống trước năm 1945 đều do Đồn trưởng Pháp trực thuộc Công sứ cai trị. Cho mãi đến Cách mạng tháng Tám người dân tộc Tây nguyên mới chính thức gia nhập vào đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Việc lập địa bạ triều Nguyễn những năm 1815-1816 đời Gia Long cho chúng ta rõ được ranh giới giữa các phủ huyện mà trước đó chưa từng có.

     Hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa ngăn cách bởi sông Đà Rằng và ở đoạn thượng nguồn gọi là Sông Ba. Huyện Đồng Xuân ở phía Bắc, trừ thôn Phương Câu Bắc, xã Phú Sen, thôn Kỳ Tấu Hà Lãng ( Thạch Hậu), ở Bắc Sông Đà Rằng nhưng thuộc huyện Tuy Hòa.
     Mỗi huyện có 3 tổng là: Tổng Thượng, Tổng Hạ, Tổng Trung và 1 thuộc Hà Bạc gồm những làng ở ven sông cửa biển. Trấn Phú Yên thời Gia Long ( 1802-1819) có 6 tổng và hai thuộc Hà Bạc.
     Tổng Hạ huyện Đồng Xuân là vùng Sông Cầu và Bắc Tuy An hiện nay. Tổng Thượng huyện Đồng Xuân từ phía Tây Thị xã Tuy Hòa lên vùng Nam Sơn Hòa hiện nay. Tổng Trung huyện Đồng Xuân gồm vùng Nam Tuy an, một phần Thị xã Tuy Hòa và vùng Bắc Sơn Hòa hiện nay. Thuộc Hà Bạc Đồng Xuân có 28 phường, thôn, ấp từ Diêm Trường, Lệ Uyên, Tuyết Diêm, Tân Thạnh, Gành Bà và Phú Ốc, Tiên Châu…
     Tổng Hạ huyện Tuy Hòa là vùng Hòa Xuân, Hòa Hiệp, Hòa Thành… Tổng Thượng Tuy Hòa là vùng Hòa Đồng, Hòa Mỹ .. Tổng Trung huyện Tuy Hòa là vùng Hòa Bình lên đến Sơn Thành. Thuộc Hà Bạc huyện Tuy Hòa có 5 xã, thôn, phường ở nam Đà Rằng là Phú Lâm, Phú Lạc và Bắc Đà Rằng là Phú Câu.
     Các địa danh xã thôn buổi ấy có tên nôm na như xã Bạc Má, thôn Mái Nhà… hoặc dài dòng cầu kỳ như thôn Định An Tây Hà Nhiễu, thôn Kỳ Tấu Hà Lãng v.v..có xã rộng như Phước Toàn có 3 giáp nay là làng Đông Phước, Phước Hậu và Tây Hậu.
     Đến năm 1832 Minh Mạng (1820 – 1840) chia lại đơn vị hành chánh và Phú Yên là tỉnh từ năm này. Tỉnh vẫn có 2 huyện nhưng địa giới điều chỉnh lại hợp lý hơn. Huyện Đồng Xuân không quá rộng.
     Đơn vị dưới huyện là tổng có có tên riêng chứ không gọi tổng Thượng, tổng Hạ v.v…các thuộc Hà Bạc không còn nữa.
     Huyện Đồng Xuân có 3 tổng: tổng Xuân Đài có 19 làng, tổng Xuân Sơn có 25 làng, tổng Xuân Vinh có 29 làng. Đa số làng nguyên là tổng Hạ và tổng Trung của huyện Đồng Xuân.
     Huyện Tuy Hòa có 4 tổng: Tổng Hòa Bình ở Bắc Đà Rằng từ Phú Câu lên đến Củng Sơn, gồm thị xã Tuy Hòa, một phần huyện Sơn Hòa và một phần huyện Sông Hinh ngày nay. Tổng Hòa Mỹ có 15 làng nguyên là của tổng Thượng Tuy Hòa. Tổng Hòa Lạc có 25 làng nguyên là của tổng Trung Tuy Hòa- Tổng Hòa Đa có 24 làng mà 20 làng nguyên là của tổng Hạ Tuy Hòa, 1 làng nguyên là của tổng Trung và 3 làng nguyên là của Hà Bạc Tuy Hòa.
     Khi chia lại ranh giới các tên tổng, thay đổi tên các tên làng, đa số thay đổi theo chiều hướng đổi tên làng “ Nôm” theo thành tên chữ “ Hán” như: thôn Mái Nhà thành Phú Ốc, thôn Quán Mới thành PHú Tân, xã Đồng Bạc thành Ngân Điền, phường Sông Nhiễu thành Nhiễu Giang v.v…
     Từ năm 1889 dưới thời Thành Thái ( 1889-1907) có sự thay đổi về đơn vị hành chánh quan trọng nữa.
     Tỉnh Phú Yên có 2 phủ và 2 huyện: Huyện Tuy Hòa thăng lên Phủ, lập thêm huyện Sơn Hòa cắt một phần của huyện Đồng Xuân với một phần nhỏ của huyện Tuy Hòa cũ. Trong lần thay đổi này mỗi phủ huyện đều có địa phận riêng, bỏ việc kiêm lý mà chỉ có mỗi phủ thống quản một huyện thôi.
     Từ năm 1900 có sự thây đổi là lập thêm tổng An Phú ( phủ Tuy An), tổng Hòa Tường, tổng Hòa Đồng ( phủ Tuy Hòa).
Từ năm 1910 đến năm 1945 tỉnh Phú Yên có 269 xã, thôn ( làng)(*):
(*) (Theo Hồng Đức bản đồ ( tủ sách Viện Khảo cổ - Sài gòn 1962; thì Phú Yên, tỉnh lỵ sông Cầu có 19 tổng, 311 xã (?) ( trang 214). Năm 1913-1921 tỉnh Phú Yên thành 1 địa lý hành chánh của tỉnh Bình Định là đạo Phú Yên)
Phủ Tuy An có 5 tổng, tổng An Sơn và An Hải là đất của tổng Xuân Sơn cũ, tổng An Vinh và An Đức là đất của tổng Xuân Vinh cũ; tổng An Phú lấy 8 thôn của tổng Sơn Tường cũ.
     Huyện Đồng Xuân có 3 tổng: tổng Xuân Đài và Xuân Bình là đất của tổng Xuân Đài cũ; tổng Xuân Phong là đất của tổng Xuân Sơn cũ.
     Phủ Tuy Hòa có 7 tổng: Tổng Hòa Đa, Hòa Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Lộc, Hòa Đồng ở phía Nam Đà Rằng, sau khi cắt một phần còn lại cho tổng Sơn Lạc, Sơn Tường. Tổng Hòa Bình là phần còn lại của tổng Hòa Bình, sau khi cắt một phần giao huyện Sơn Hòa lập tổng Sơn Bình và Sơn Tường. Tổng Hòa Tường lập năm 1900, lấy 12 thôn của tổng Sơn Tường thuộc huyện Sơn Hòa cũ.
     Huyện Sơn Hòa có 4 tổng: tổng Sơn Bình, Sơn Tường là một phần tổng Hòa Bình cũ. Tổng Sơn Lạc là một phần tổng Hòa Lạc cũ. Tổng Xuân Sơn là một phần tổng Xuân sơn cũ và một phần tổng Xuân Vinh cũ.
     Từ năm 1945 đến 1958 Phú Yên thuộc vùng xôi đậu, Pháp chỉ kiểm soát được vài thị trấn. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, bãi bỏ phủ và gọi là huyện. Năm 1957 lập quận Sông Cầu từ Đồng Xuân tách ra. Từ năm  1958 bỏ danh xưng phủ, huyện gọi là quận. Ở cấp cơ sở thì nhất loạt gọi là xã. Tỉnh có 48 ( 470 xã gồm quận Tuy Hòa 16 xã, Sông Cầu 5 xã, Đồng xuân 5 xã, Tuy an 13 xã, Sơn Hòa 8 xã.
     Từ năm 1959 đến năm 1975: Năm 1964 tỉnh Phú Yên có 7 quận, 2 tổng, 55 xã, 312  thôn. Tất cả các thôn, xã, phường, ấp cũ nay đều gọi là thôn. Năm 1962 Phú Yên có diện tích 4.978Km2 với số dân 326.785 người, có 6 quận là Đồng Xuân, Hiếu Xương, Sông Cầu, Sơn Hòa, Tuy An, Tuy Hòa.
     Ngày trước, khi bắt đầu lập phủ Phú Yên, lỵ sở đặt ở Tuy an. Từ đời Gia Long về trước, tại làng Hội Phú nay thuộc xã An NInh Tây. Từ đời Minh Mạng đến Đồng Khánh, lỵ sở đạt tại Long Uyên- An Thổ ( nay thuộc An Dân). Đến năm 1888 – 1889 lỵ sở tại làng Tân Thạnh, nay thuộc xã Xuân Thọ II. Năm 1889 lỵ sở trở lại An Thổ. Năm 1899 đến năm 1945 tại Sông Cầu.
     Tháng 8 năm 1945 tỉnh lỵ là Tuy Hòa, nhưng do chiến tranh nên lãnh đạo tỉnh phải chuyển đến vùng quê An Định ở Tuy An và Xuân Sơn ( Đồng Xuân). Từ năm 1954 đến 1975 tỉnh lỵ trở lại Tuy Hòa. Lúc đầu đóng ở phường 1, sau đó dời đến phường 6.
     Về dân số Phú Yên, theo cách tính thời trước chỉ dựa vào dân đinh . Hạng lão nhiêu, bần dân, tật nguyền, vị thành niên, phụ nữ…miễn thuế đinh thì không tính. Bởi vậy dân số theo thống kê không phản ảnh chính xác. Đại Nam nhất thống chi viết về Phú Yên: “ đất tuy hẹp nhỏ mà dân cư khá đông”, nhưng theo thống kê dưới thời Gia Long năm thứ 18 ( 1819) có 7.651 người, thời Tự Đức (1848) có 7.806 người. Năm Thành Thái thứ 10 có 9.368  người và Thành Thái 18 có 12.554 người. Còn theo Đại Nam thực lục chính biên: dân đinh Phú Yên năm 1819 có 5.000 người, năm 1847 có 9.596 người. Nhưng số dân ở cùng thời điểm trong 2 thống kê trên khác nhau về cách hiểu dân số không như cách hiểu ngày nay.
Theo Nguyễn Đình Cầm và Trần Sĩ ( Địa dư tỉnh Phú Yên) thì  dân số  ( không phải chỉ số đinh) năm 1935 là 301.477 người, trong đó người Kinh là 298.600 người. Năm 1986 là 437.365 người ( Lịch sử Phú Yên kháng chiến – Tuyên giáo tỉnh ủy 1996). Năm 1991 dân số Phú Yên là 664.000 người, năm 1992 là 682.789 người, năm 1994 là 739.500 người, năm 1999 là 786.972 người ( Tổng điều tra dân số, tư liệu của Thạc sĩ Đỗ Như Mai). Trong đó nam: 389.706 người; nữ 397.266 người. Hiện nay số dân là 879.590. sự phân bố dân cư không đều, mật độ trung bình 130 người/Km2. Dân cư tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng châu thổ ven biển và những trung tâm chính.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Chúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây