Ba người, ba ngựa, ba roi.
Lên chợ Kỳ Lộ bỏ roi đi quyền.
Sông Kỳ Lộ vừa sâu vừa hẹp
Nước Kỳ Lộ vừa mát vừa trong
Thuyền anh bơi ngược dòng sông
Tìm em cho thỏa tấm lòng nhớ thương.
Ai lên Phú Mỡ, Cây Dừng
Ghé chợ Kỳ Lộ nghỉ chân đôi ngày.
Tới đây thì ở lại đây
Núi non dầu mặc, người dày nghĩa nhơn.
Thôn Kỳ Lộ thuộc xã Xuân Quang 2 huyện Đồng Xuân. Tiếng dân tộc gọi là Cà Lố, thời Pháp thuộc đổi tên là Kỳ Lộ. Chợ Kỳ Lộ nổi tiếng vùng cao huyện Đồng Xuân, nằm sát đường số 6 đi từ La Hai đến Phú Mỡ. Chợ họp mỗi tháng chín phiên, là trung tâm giao lưu trao đổi thổ sản giữa miền núi, đồng bằng và duyên hải. Chợ có hai lều ngói dài 15m, rộng 6m nằm ở hai bên, chính giữa là những gian lều tranh. Ngày phiên chợ, dân khắp nơi về họp rất đông, kẻ ở mạn ngược gồng gánh, địu gùi thổ sản xuống, người miền xuôi đi thuyền đi ngựa vận chuyển hàng hóa lên. Ngày nay, chợ họp vào thời điểm các chuyến xe từ Tuy Hòa lên vào buổi chiều, sáng ngày mai xe lại xuống với các thổ sản miền núi.
Sông Kỳ Lộ - Xuân Quang - Đồng Xuân Cây Dừng thuộc thôn Phú Mỡ, huyện Đồng xuân là buôn làng người dân tộc. Đường lên Cây Dừng tuy đã mở rộng, ô tô qua lại thuận tiện, nhưng có nhiều dốc cao suối sâu, lên rồi xuống liên tục, không có một khoảng bằng nào để người ngựa và xe cộ thư giãn. Cây Dừng có nhiều con suối đá chất chồng lồi lõm quanh co, mùa mưa trở ngại cho việc đi lại. Trong số ấy, suối Cà Tơn và suối La Hiên nước sâu hơn cả. Đường lên xuống dốc ngược, sát bờ suối có xóm làng người dân tộc ở tập trung nhà cửa khá khang trang. Chung quanh triền núi thoai thoải chạy dài theo trục lộ. Nơi này dân trồng mía rất tốt, cách đôi trăm mét lại có một lò đường và che máy ép mía... Thoáng qua ta có cảm nghĩ nếp sống văn minh đã chan hòa tận vùng cao người dân tộc:
Ba người, ba ngựa, ba roi
Lên chợ Kỳ Lộ, bỏ roi đi quyền.
Trước đây người dân tộc miền núi hay bị ác thú đe dọa, nạn trộm cướp lộng hành nên đàn ông, thanh niên đều học võ để phòng thân. Ba người đi ngựa lên chợ Kỳ Lộ, ngẫu nhiên họ gặp nhau hay đã hẹn hò trước ? Bỏ roi đi quyền biểu diễn hay tập luyện chuẩn bị đánh nhau ? ... Câu ca dao một thời đã phản ánh cuộc sống của một vùng núi xa xôi là hậu cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa và cơ sở cách mạng.
Ai lên Phú Mỡ, Cây Dừng
Ghé chợ Kỳ Lộ nghỉ chân đôi ngày.
Tới đây thì ở lại đây
Núi non dầu mặc, người dày nghĩa nhơn.
Tâm sự của cô con gái Kỳ Lộ nghĩa tình không thua kém người miền xuôi, cho dù Phú Mỡ, Cây Dừng đường xá xa xôi, núi non hiểm trở nhưng tinh thần yêu nước và tinh thần cách mạng vững vàng xuyên suốt cả một giai đoạn lịch sử hào hùng mà chất chồng gian khó. Suối Cối – Kỳ Lộ - Phú Mỡ ( Cây Dừng) là miền núi của Xuân Quang 1 có số hộ dân đến 1138 mà 40% là dân tộc. Phú Mỡ có 5 thôn 408 hộ, 2386 người dân tộc Chăm và Bana. Phú Mỡ có mật độ dân thấp huyện là 40 người /km2. Cơ quan đầu não của tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ đóng ở Phú Mỡ. Nơi đây đón cán bộ từ miền Bắc trở về và thành lập đội vũ trang đầu tiên của tỉnh. Năm 1963, 70 người bị chết do chất độc vì không chịu dời về ấp chiến lược. Thị trấn La Hai có mật độ dân số cao nhất huyện là 438 người/km2. Điện đã về với " khu rừng bốn chống " ngày nào và toàn xã có đến 80% dân dùng điện, có trạm phát thanh truyền hình và trụ sở Ủy ban Nhân dân xã diện tích gần 400m2. Ngoài tuyến đường chính ĐT 647, vùng căn cứ cách mạng nay đã có các tuyến giao thông nông thôn từ Kỳ Lộ đi Lộn Hiên, Bàn Cây Xay và Đồng Hội. Tuyến ĐT 647 còn đến các thôn Phú Tiến, Phú Giang của xã Phú Mỡ. Tương Lai sẽ có nguồn nước để cải thiện cánh đồng hai vụ Phú Giang.
Phú Mỡ có mỏ đá và có núi cao hơn 1000m như La Hiên, Bơ-kơ-lông và Cà Tơn, nhiều dốc cao trên 700m như Dốc Thơm, dốc Ma Bơi, Ma Hàn, dốc Suối Gầm nhiều dòng suối như suối Xoa, Hà Đan, Cà Tơn, suối Gấm, suối Mun, suối Cây Dừng, suối Đập, suối Sổ, suối Đá Chát.v.v.. đổ nước vào con sông Cái đưa vùng đất phía Tây Bắc tỉnh ngày càng phát triển.